Nguyễn Huy Hoàng

"Và trái tim không chết khi người ta nghĩ nó phải chết"

Svetlana Alexievich: “Stalin và Gulag không phải là lịch sử”

Alexievich

Nguồn: Svetlana Alexievich, “Svetlana Alexievich: ‘Stalin and the Gulag are not history’,” The Guardian, 09/10/2015.

Đây là lời tựa Svetlana Alexievich viết cho cuốn Câu chuyện của tôi của Andrei Sannikov.

Cách đây không lâu chúng tôi là những người lãng mạn. Chúng tôi ngồi trong bếp, hát những ca khúc của Okudzhava và những “thi sĩ” Xô viết khác của những năm sáu mươi bảy mươi và mơ về tự do, nhưng không ai biết tự do là gì. Cũng không ai biết mọi người muốn gì. Họ có thực sự muốn tự do, hay họ chỉ muốn sung túc hơn? Với một tấm thị thực Schengen, một chiếc xe ngoại nhập sang tay và những ngày nghỉ ở Ai Cập, bên cạnh biển Đỏ. Thêm 20 loại xúc xích và pho mát khác nhau. Được vậy họ coi như có tự do.

20 năm qua đã khiến chúng tôi tỉnh táo hơn. Những người sùng bái perestroika [cải tổ] ngây thơ chúng tôi giờ đây hiểu rằng đường đến tự do là một con đường dài, rằng tất cả chúng tôi cần can đảm như trong những ngày của chủ nghĩa cộng sản – hoặc có lẽ can đảm hơn, do những kẻ cầm quyền hiện nay quan tâm tới tài sản của họ nhiều hơn là tới lý tưởng. Và rằng bản năng săn mồi từ thời cổ đại là một thế lực mạnh mẽ.

Andrei Sannikov là một trong những người đã thách thức hệ thống chuyên chế mới. Một cựu ứng viên tổng thống của Belarus. Điều đó khiến ông bị tống vào tù, nơi ông trải qua mọi tầng địa ngục. Điều đó khiến ông trở thành một nhân chứng vô giá. Câu chuyện của tôi, cuốn sách về những trải nghiệm của ông trong cuộc bầu cử năm 2010 và sau đó là một tù nhân lương tâm, đến thật đúng lúc. Hết trang sách này tới trang sách khác sẽ khiến bạn nhận ra, trong cơn rùng mình, rằng Stalin và Gulag không phải là lịch sử – hay đúng hơn, không phải chỉ là lịch sử. Chưa điều gì bị quên lãng. Guồng máy của Stalin có thể được khởi động một lần nữa trong nháy mắt: cũng những kẻ chỉ điểm đó, cũng những lời tố giác đó, cũng những cơn tra tấn đó. Cũng nỗi sợ hãi chung, bao trùm tất cả.

Chúng tôi thấy trước mắt cả một băng đảng dễ nhận ra gồm những tên đao phủ. Mỗi người trong số chúng, cũng giống như 50 – hoặc đúng hơn là 70 – năm trước, đều có lựa chọn của riêng mình: tiếp tục, hoặc thôi tiếp tục, làm một con người. “Sự tầm thường của cái ác” của Hannah Arendt vẫn còn quá xác đáng: không có gì gọi là cái ác thuần khiết về mặt hóa học. Thay vào đó, cái ác đang nằm rải rác ở khắp mọi nơi, phân tán trong suốt cuộc đời chúng tôi. Tên đao phủ và ai đó có dáng vẻ của một con người cùng sống trong một cơ thể duy nhất: “Anh phải hiểu… Tôi còn con cái”; “Phải, tôi đã bỏ cho anh, nhưng vui lòng ký vào bản tuyên bố này”; “Đó là công việc của tôi và tôi phải hoàn thành nó.” Cùng với những tên đao phủ, chúng tôi đi lại trên tàu điện ngầm, ngồi trong quán cà phê, đứng xếp hàng trong siêu thị… Một con người bình thường… Những con người bình thường… Và thật dễ vấp vào cú sảy chân đó, trượt ngã và gia nhập cùng bọn họ.

Varlam Shalamov, nhà văn vĩ đại nhất thế kỷ 20, người từng ngồi 17 năm trong các trại tập trung của Stalin, nói rằng những căn trại kia đã làm suy đồi cả đám đao phủ và nạn nhân của chúng. Đó là những gì đã xảy ra với chúng tôi; sự suy đồi này giờ đã nằm trong hệ gien của chúng tôi. Chúng tôi phải đấu tranh với nó không ngưng nghỉ; chúng tôi không thể tìm đường thoát khỏi bẫy. Chúng tôi nghĩ mình đã thoát được ra, đến một nơi nào đó mới – nhưng rồi chúng tôi lại phát hiện ra mình vẫn ở cùng một chỗ. Thật tốt khi còn có những người sẵn sàng trở lại từ đầu và bắt đầu một khởi đầu mới.

Cuốn sách của Sannikov nói lên việc chúng tôi cần giơ một tấm gương trước mặt quỷ dữ như thế nào, để hắn thôi nghĩ là hắn vô hình. Thông điệp của Sannikov rất đơn giản: “Hãy chăm sóc con người trong chính bạn.”

Tôi muốn tin rằng một ngày đồng bào tôi sẽ chọn một vị tổng thống như vậy. Rằng họ sẽ chọn một tương lai. ♦

Andrei Sannikov in London in 2012. Photograph: Sean Smith for the Guardian

Andrei Sannikov ở London năm 2012. Ảnh: Sean Smith

4 comments on “Svetlana Alexievich: “Stalin và Gulag không phải là lịch sử”

  1. Hong-Anh Nguyen
    October 11, 2015

    Đúng ngày này (11/10) cách đây 84 năm (nghĩa là 1931), Bernard Shaw phát biểu trên đài phát thanh của Mỹ ca ngợi Stalin đấy ;)

  2. Bà Tám
    October 17, 2015

    “Những kẻ cầm quyền hiện nay quan tâm đến tài sản nhiều hơn lý tưởng.” Bà nói hay quá, đúng quá.

    • Nguyễn Huy Hoàng
      October 19, 2015

      Sau khi bài viết này được đăng trên The Guardian mấy ngày thì ông Alexander Lukashenko tiếp tục được bầu làm tổng thống Belarus trong năm nhiệm kỳ liên tiếp, từ năm 1994 tới giờ.

      • Bà Tám
        October 19, 2015

        Làm TT năm nhiệm kỳ có lẽ là lâu quá chăng, 20 năm đủ để người ta trở thành độc tài, hay phải độc tài dữ lắm mới làm TT 20 năm.

Leave a comment

Information

This entry was posted on October 11, 2015 by in Chính trị, Văn hóa & Xã hội and tagged , .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.