Nguyễn Huy Hoàng

"Và trái tim không chết khi người ta nghĩ nó phải chết"

Cách chuyển bính âm thành âm Hán Việt

pinyin.jpg

Mình luôn ủng hộ việc chuyển bính âm Hán ngữ (pinyin 拼音, tức phiên âm Latin của chữ Hán) qua âm Hán Việt, ví dụ như Xi Jinping thành Tập Cận Bình, Hu Jintao thành Hổ Cẩm Đào, nhất là trong ngôn ngữ báo chí. (Bác Nguyễn Việt Long đã có phân tích rất kỹ về vấn đề này ở đây.) Do cũng biết dăm ba chữ Hán, mình có thể đảm nhận công việc này mà không có vấn đề gì, nhưng giả sử mình không biết một chữ nào thì khi đó phải làm sao?

Pinyin thực ra có bốn thanh điệu, mỗi thanh điệu thể hiện một ký tự khác nhau. Nhưng vì lý do kỹ thuật, người ta không thể lúc nào cũng có điều kiện bỏ dấu lên pinyin. Chẳng thế mà trong tiếng Anh, tên của tỉnh Thiểm Tây (陕西 Shǎnxī) phải viết thành Shaanxi (hai chữ cái a) để phân biệt với Shanxi là tên của tỉnh Sơn Tây (山西 Shānxī). Dễ nhầm lẫn như vậy nên tiếng Việt cũng gặp phải nhiều rắc rối không kém.

Chẳng hạn, trong một bài báo của tác giả Đức Dương trên VnExpress, tên của Giáo sư Shujie Yao ở Đại học Nottingham đã bị phiên âm thành Đào Thụ Khiết (陶树洁), trong khi tên đúng của ông phải là Diêu Thụ Khiết (姚树洁); cùng có pinyin là “Zhang Lifan,” tên của nhà nghiên cứu Chương Lập Phàm (章立凡) đã bị nhầm thành Trương Lập Phàm (张立凡); tương tự, tên của Tổng Biên tập Nam Hoa Tảo báo (South China Morning Post) Vương Hướng Vĩ (王向偉) cũng bị phiên âm sai thành Vương Tường Vĩ (王祥偉), tuy cả hai đều có cùng pinyin là “Wang Xiangwei.”

Nếu đọc báo mà gặp cái tên Mao Zedong hay Lee Kuan Yew, chắc bạn sẽ nhớ ngay tới cựu Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông và cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu. Hoặc gặp sách của các tác giả Mo Yan hay Gao Xingjian, ai lại không biết đó là Mạc Ngôn, người được trao giải Nobel Văn học 2012, và Cao Hành Kiện, nhà văn người Trung Quốc mang quốc tịch Pháp được trao giải Nobel Văn học năm 2000? Nhưng chẳng hạn với những cái tên “Pan Shiyi,” “Mao Yushi,” “He Weifang,” và “Liu Yiming” như trong bài “China’s Imperial President: Xi Jinping Tightens His Grip
” (“Chủ tịch hoàng đế: Tập Cận Bình siết chặt quyền lực“) của Elizabeth C. Economy, thì làm thế nào để biết tên Hán Việt của họ?

Có hai bước cần thực hiện: (1) Tìm tên tiếng Trung của họ bằng các công cụ tìm kiếm như Google và Baidu, và (2) Dùng từ điển Hán-Việt online để tra phiên âm Hán Việt.

Chẳng hạn, khi gõ từ khóa “Pan Shiyi” trên Google, trang Wikipedia của Pan Shiyi sẽ xuất hiện đầu tiên trong danh sách kết quả tìm kiếm. Trong đó, ta biết được native name của ông là 潘石屹. Tra bằng từ điển, ta biết tên Hán Việt của Pan Shiyi là Phan Thạch Ngật. Tương tự, “Mao Yushi” sẽ là “Mao Vu Thức,” và “He Weifang” là “Hạ Vĩ Phương.”

Nhưng với cái tên như “Zhang Yingwei,” Google dường như bất lực, ngay cả khi tìm với chế độ tìm kiếm nâng cao (advanced search), với ngôn ngữ là tiếng Trung giản thể (simplified Chinese). Lúc này, Baidu sẽ phát huy tác dụng. Có thể gọi Baidu là Google phiên bản Trung Quốc, do đó, nó sẽ ưu tiên các kết quả tiếng Trung. Bạn cần truy cập vào địa chỉ baidu.com, và gõ “Zhang Yingwei” vào ô tìm kiếm. Kết quả đầu tiên hiện lên là trang Baidu Baike (百度百科 – một phiên bản Wikipedia của Trung Quốc) của Zhang Yingwei. Qua đó, ta biết tên tiếng Trung của vị Trưởng ban kiểm tra kỷ luật tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) này là 张英伟, tức Trương Anh Vĩ.

Nếu bạn thất bại với Google hay Baidu, hãy nhờ ai đó biết tiếng Trung giúp đỡ. Bất quá thì cứ mạnh dạn để nguyên pinyin để tránh sai sót – cô diễn viên Chương Tử Di chắc phải may mắn lắm mới không bị nhầm thành Trương Tử Thi. Dĩ nhiên, những hướng dẫn trên đây chỉ hữu ích với những ai không biết mà vì công việc nên bắt buộc phải tiếp xúc với chữ Hán. Nếu dịch giả cũng chọn cách giữ nguyên tên phiên âm Latin trong các tác phẩm thì thôi rồi: Còn ai có thể đọc Xi You Ji, một trong những tác phẩm kinh điển của văn học Zhonghua, dưới ngòi bút của Wu Cheng-en, kể lại cuộc hành trình của bốn thầy trò Chen Xuanzang, Sun Wukong, Zhu Wuneng, và Sha Wujing trên đường tới Tianzhu thỉnh kinh được nữa? ♦

10 comments on “Cách chuyển bính âm thành âm Hán Việt

  1. Bà Tám
    April 19, 2015

    Tôi rất muốn chuyển những từ Anh ngữ gốc Hán nhưng không biết làm, và lười nữa, dù tôi có cả bộ Từ Điển hai tập của Bác sĩ Hoàng Xuân Chính. Nay có bài này tôi sẽ tập dùng. Cám ơn NHH.

  2. Yumyo Tregh
    April 19, 2015

    Linh đang học tiếng Trung, và có cái thói quen là những chữ nào trong tiếng Hán mà phiên âm được ra tiếng Việt thì phiên âm luôn cho dễ nhớ (không biết cách này có bị phản khoa học không nữa) . Nói chung là cảm ơn NHH nha, bài này cũng giúp được kha khá đó :)

  3. Nero
    April 24, 2015

    Có một số bài báo ở Việt Nam khi phỏng vấn nhân vật (thường là kiểu dân thường và vô danh tiểu tốt) luôn trích dẫn tên phiên âm và không có dấu má gì (ví dụ Zhang, Yao, Ming…). Đó có lẽ là những lần duy nhất em quyết định không nên nhọc lòng dịch tên họ ra Hán Việt làm gì nữa, bởi truy nguyên nguồn ra cũng không nổi. Anh biết kiểu trích nguồn của Việt Nam mà.

    Dĩ nhiên cũng có vài lần chém ẩu thành Trương, Diệu, Minh. Nói chung, hãn hữu =))

  4. 胡严
    May 20, 2016

    Các Bạn có biết cách chuyển từ chữ phiên âm (bính âm) sang chữ Hán không? Nếu biết giúp Mình với, Cảm ơn.

  5. Ai Mi
    February 8, 2017

    “Zhang Yingwei” tôi cũng tìm được tên tiếng Trung là 张英伟, nhưng khi tra từ điển hán-việt thì ra là Trương Dĩnh Vĩ.
    Theo tôi, Ying đọc âm là Dĩnh hợp lý hơn là “Anh” chứ ?

    • Nguyễn Huy Hoàng
      February 10, 2017

      Không rõ bạn tra từ điển nào. Chữ 英 chỉ có một âm Hán Việt là “anh,” như trong “anh hùng” hay “Anh quốc.”

  6. haha
    March 6, 2017

    chuyển sang từ hán việt 裴 黎 红 英 péi lí hóng yĩng là gì ạ

    • Quỳnh-Như Trần
      December 13, 2017

      Bùi Lê Hồng Anh ạ. (ying1)
      Có cả bính âm lẫn Hán tự thì không khó.

  7. baobaotungtung@gmail.com
    February 5, 2018

    ha ha co vay may anh chang phien dich moi co chen com ma an, neu tat ca phen mem dieu dich chuan het chang nhe cai anh em hoc ngoai ngu that nghiep het roi con gi

  8. 小可爱
    December 7, 2019

    周姚怀柔 – zhōu yáo huáiróu em dịch trên phần từ điển là châu (chu) diêu hoài nhu nhưng nghe hơi lạ lạ nên không biết có đúng không. cho em hỏi là gì ạ ?

Leave a comment

Information

This entry was posted on April 19, 2015 by in Tạp nhạp.

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.