Nguyễn Huy Hoàng

"Và trái tim không chết khi người ta nghĩ nó phải chết"

“Trợ nhớ” – Li-Young Lee

Li-Young Lee

Li-Young Lee (1957–) là nhà thơ người Mỹ gốc Trung Quốc. Là chắt ngoại của Viên Thế Khải và con trai một bác sĩ riêng của Mao Trạch Đông, ông sinh ra ở Jakarta, nơi cha mẹ ông sống lưu vong trước khi định cư ở Hoa Kỳ. Ông được trao giải Whiting cho thơ năm 1988, giải thơ Lamont năm 1990, giải văn chương Lannan năm 1995, và giải William Carlos Williams năm 2002.

Trợ nhớ

Tôi mệt. Nên tôi nằm xuống.
Mí mắt tôi nặng. Nên tôi ngủ.
Ký ức mỏng, hãy ở lại với tôi.

Có lần tôi lạnh. Nên cha tôi cởi cái áo len xanh.
Ông quấn tôi vào trong đó, và tôi không bao giờ trả lại.
Đó là cái áo ông đã mặc đến Mỹ,
cái áo này, tôi lớn lên trong đó, tay áo quá dài,
khuỷu tay đã sờn, sống lâu hơn người chủ hợp pháp.
Xanh rực dưới ánh sáng ngày, xanh nghèo bên ánh sáng ngày,
nó đen trong những nếp gấp.

Một người nghiêm túc nghĩ ra những hệ thống số vần phức tạp
để giúp ông nhớ, một người không quên gì cả, cha tôi
sẽ xấu hổ về tôi.
Không phải vì tôi hay quên,
mà vì không có trật tự
nào trong ký ức của tôi, một đống
chi tiết, không phân loại, phi logic.
Chẳng hạn:
Chúa cô đơn. Nên Người tạo ra tôi.
Cha tôi yêu tôi. Nên ông đánh tôi.
Đánh tôi làm ông đau. Ông đánh tôi hằng ngày.

Trái đất phẳng. Những người rơi ra không trở lại.
Trái đất tròn. Mọi thứ chỉ tiết lộ cho người ta dần dần.

Nó sẽ không trường tồn. Ký ức thật ngọt ngào.
Ngay cả khi đau đớn, ký ức vẫn ngọt ngào.

Có lần tôi lạnh. Nên cha tôi cởi cái áo len xanh.

Li-Young Lee, “Mnemonic,” Rose (BOA Editions, 1986).

Copyright © 1986 by Li-Young Lee | Nguyễn Huy Hoàng dịch.

One comment on ““Trợ nhớ” – Li-Young Lee

  1. phuonglinhvuive
    May 5, 2021

    “mnemonic” mà người dịch dịch sang được hai chữ “trợ nhớ”, đỉnh quáaaa *thumb up

Leave a comment

Information

This entry was posted on August 2, 2020 by in Thơ and tagged .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.