Nguyễn Huy Hoàng

"Và trái tim không chết khi người ta nghĩ nó phải chết"

Những tiếng nói từ Chernobyl: Trích đoạn

Svetlana Alexievich.jpg

Svetlana Alexievich (1948–) là nhà văn người Belarus, chủ nhân giải Nobel văn chương 2015 với “những tác phẩm đa âm sắc, đài tưởng niệm sự đau khổ và lòng dũng cảm trong thời đại chúng ta.” Dưới đây là một trích đoạn trong cuốn Những tiếng nói từ Chernobyl: Lịch sử truyền khẩu của một thảm họa hạt nhân, theo bản dịch tiếng Anh, Voices from Chernobyl: The Oral History of the Nuclear Disaster, trans. Keith Gessen (Picador, 2006). Trong cuốn sách này, Alexievich đã phỏng vấn hơn 500 nhân chứng trong hơn 10 năm, mang lại một mô tả sống động về thảm họa năm 1986 và khám phá trải nghiệm của những con người và cuộc đời của họ sau ảnh hưởng của biến cố này.

* * *

Vladimir Ivanov Matveevich, Cựu Bí thư thứ nhất Đảng ủy khu vực Stavgorod

Tôi là sản phẩm của thời đại mình. Tôi là người cộng sản trung thành. Giờ thì mọi người có thể an toàn mà nguyền rủa chúng tôi. Chuyện ấy đang thời thượng. Mọi người cộng sản đều là tội phạm. Giờ thì chúng tôi là câu trả lời cho tất cả, thậm chí cả những định luật vật lý.

Tôi là Bí thư thứ nhất Đảng ủy khu vực của Đảng Cộng sản. Chị biết đấy, trên giấy tờ họ viết rằng cộng sản là những người có lỗi: Họ xây dựng những nhà máy điện hạt nhân giá rẻ, tồi tàn, họ cố gắng tiết kiệm tiền của và chẳng quan tâm gì đến đời sống của nhân dân. Nhân dân đối với họ chỉ là cát sạn, chỉ là phân bón của lịch sử. Thế này, mặc xác chúng nó! Mặc xác! Rồi đây là những câu hỏi đáng nguyền rủa: Phải làm gì và ai có lỗi? Là những câu hỏi không chịu biến mất. Ai cũng mất kiên nhẫn, họ muốn trả thù, họ muốn máu đổ.

Nhưng tôi sẽ nói chị biết, có những người khác giữ im lặng. Giấy tờ viết rằng cộng sản dối lừa nhân dân, che giấu sự thật trước nhân dân. Nhưng chúng tôi phải làm như thế. Chúng tôi nhận được điện tín từ Ban chấp hành Trung ương, từ Đảng ủy khu vực, bảo rằng: Các anh phải ngăn chặn cơn hoảng loạn. Đúng thế, cơn hoảng loạn là một điều đáng sợ. Ngoài kia có nỗi sợ, rồi còn có những đồn đoán. Người ta không chết vì bức xạ, mà vì những sự cố. Chúng tôi phải ngăn chặn một cơn hoảng loạn.

Nếu tôi nói mọi người không nên ra ngoài thì sao? Họ [cấp trên] sẽ bảo: “Các anh muốn phá hoại ngày Quốc tế Lao động?” Đấy là vấn đề chính trị. Họ sẽ đòi thẻ Đảng của tôi. [Dịu xuống một chút.] Họ không hiểu thực sự có cái gọi là vật lý. Có một phản ứng dây chuyền. Và không sắc lệnh nghị quyết trung ương nào có thể thay đổi được cái phản ứng dây chuyền ấy. Thế giới này được xây dựng trên vật lý, không phải trên những tư tưởng của Marx. Nhưng nếu tôi nói thế thì sao? Cố hoãn cuộc diễu hành Quốc tế Lao động thì sao? [Tiếp tục mất bình tĩnh.] Trên giấy tờ họ viết rằng nhân dân ở trên đường phố còn chúng tôi thì ở những boong ke ngầm. [Nhưng] tôi đã đứng trên khán đài trong hai giờ dưới ánh mặt trời, không mũ nón, không áo mưa! Rồi ngày Chiến thắng, mùng 9 tháng 5, tôi đã đi với các cựu chiến binh. Người ta chơi harmonica, họ nhảy múa, uống rượu. Chúng tôi đều là một phần của cái chế độ ấy. Chúng tôi đã tin! Chúng tôi đã tin vào những lý tưởng cao cả, tin vào chiến thắng! Chúng tôi sẽ đánh bại Chernobyl! Chúng tôi đọc về cuộc chiến anh hùng để dìm xuống lò phản ứng đã vuột khỏi tầm kiểm soát. Một người Nga mà không có lý tưởng cao cả? Không có một ước mơ vĩ đại! Như thế thật đáng sợ.

Nhưng đấy là thứ đang diễn ra. Mọi thứ đang tan rã. Không một chính phủ. Stalin. Quần đảo Gulag. Họ đưa ra phán quyết về quá khứ, về cả cuộc đời của chúng tôi. Nhưng nghĩ về những bộ phim vĩ đại mà xem! Những khúc ca hạnh phúc! Giải thích cho tôi xem! Sao chúng tôi không còn những bộ phim như thế nữa? Không còn những khúc ca như thế nữa?

Trên giấy tờ—trên đài phát thanh và truyền hình, người ta đang hò hét: Sự thật! Sự thật! Trong mọi cuộc mít tinh họ đều đòi hỏi: Sự thật! Tồi tệ làm sao, thật tồi tệ làm sao. Tất cả chúng tôi rồi sẽ chết! Nhưng ai cần cái thứ sự thật ấy? Khi đám đông lao vào tu viện và đòi hành quyết Robespierre, họ có đúng không? Chị không thể lắng nghe đám đông, chị không thể trở thành đám đông. Nhìn quanh mà xem. Chuyện gì đang diễn ra? [Im lặng.] Nếu tôi là tội phạm thì sao cháu gái tôi, đứa con bé bỏng của tôi, cũng ốm? Con gái tôi sinh cháu nó mùa xuân ấy, rồi quấn tã đưa con bé đến chỗ chúng tôi ở Stavgorod này. Chỉ vài tuần sau vụ nổ ở nhà máy. Trực thăng bay trên trời, xe quân sự dưới đất. Bà nhà tôi nói: “Chúng nó nên ở với họ hàng nhà mình. Chúng nó cần rời khỏi đây.” Tôi là Bí thư thứ nhất Đảng ủy khu vực! Tôi bảo tuyệt đối không được. “Người ta sẽ nghĩ gì nếu tôi đưa con bé với con gái nó ra khỏi đây? [Trong khi] con cái họ thì phải ở lại.” Những ai cố gắng rời đi, để cứu lấy mạng của mình, tôi sẽ gọi đến ủy ban khu vực. “Các anh các chị có phải cộng sản hay không?” Đấy là phép thử cho họ. Nếu tôi là tội phạm thì sao tôi lại giết chính đứa con mình? [Tiếp tục nói một lúc nhưng không nên lời.]

Copyright © 1997 Svetlana Alexievich | Nguyễn Huy Hoàng dịch.

Leave a comment

Information

This entry was posted on May 30, 2016 by in Văn hóa & Xã hội and tagged .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.