Nguyễn Huy Hoàng

the star is fading

Truyện ngắn: “Major Maybe” – Ann Beattie

major maybe.jpg

Illustration by Riccardo Vecchio

Ann Beattie (1947–) là nhà văn người Mỹ. Bà được trao giải PEN/Malamud năm 2000 và giải truyện ngắn Rea năm 2005. Truyện ngắn “Major Maybe” được đăng trên tạp chí The New Yorker (April 20, 2015 Issue), và được in, với một số khác biệt nhỏ, trong tập truyện ngắn gần đây nhất của Beattie, The State We’re In: Maine Stories (Scribner, 2015).

Major Maybe

Bà già vô gia cư tóc đỏ đã bị bắt sau khi ngã xuống phố và suýt bị một chiếc taxi cán qua. Ngay trước cú lao điên rồ vào dòng xe cộ (ai có thể giải thích được hành động của bà?), bà vu cho một con chó đen có dây dắt là Ác quỷ, một lời khẳng định mà chủ con chó đã hết mực bác bỏ. Con chó tên là Major Maybe, và trong khu chúng tôi chuyện của nó còn được biết đến nhiều hơn chuyện của bà già tóc đỏ kia. Người phối giống đặt tên cho con chó là Major, và gia đình nhận nuôi nó—hàng xóm kế bên của chúng tôi, nhà Leavell—đã thử gọi nó bằng cái tên nào đó tương tự để tránh làm nó thấy lạ. Họ đã thử Mark và Mason, nhưng con chó không đáp lại bất cứ cái tên nào bắt đầu bằng chữ cái “M” cho đến khi cô con gái bốn tuổi của gia đình, cô bé nói chuyện rất nhiều với những con búp bê của mình—bảo chúng rằng hay là mình đến cửa hàng Barneys nhé và hay là mình đến công viên nhé và hay là nếu ngoan chúng sẽ có một cái cookie nhé…. Chắc hẳn bạn đoán được, cuối cùng cô bé Corey Leavell nghĩ ra cái tên mới duy nhất mà con chó chấp nhận. Sau này, gọi con chó là Major Maybe [hay là Major] nghĩ cũng buồn cười.

Bạn cùng phòng của tôi trong thời gian này là một sinh viên kịch tên là Eagle Soars. Bố anh, người Anh, cưới vợ người Mỹ, cô nói bà cụ nhà mình mang dòng máu Anh Điêng. Ở trường Eagle Soars là Eddie, nhưng giấy khai sinh của anh thực sự ghi tên gọi và tên đệm của anh là Eagle Soars (sau này anh lấy tên họ là Stevens), và đến năm hai mươi tuổi anh nhận ra cái tên ấy có thể sẽ có ích nếu anh định diễn kịch. Anh kiếm thêm bằng cách dắt Major Maybe đi dạo lúc 4h chiều qua Đại lộ số 10, rồi qua Phố 21 hoặc Phố 22, ngược Đại lộ số 8, rồi đi ngược Phố 20 về nhà.

Những ngày ấy, Chelsea [Manhattan] chỉ là một khu làng nhàng. Không có phòng trưng bày nghệ thuật nào, mà chỉ có mấy câu lạc bộ tình dục ở đằng Tây. Có một người bán hoa tốt bụng tên là Howe. Thỉnh thoảng tôi mua chỉ một bông về căn hộ và thêm vào án thờ nhỏ của tôi ở phía xa nhất bên trái những ô cửa sổ lòng sâu nhìn ra sân sau, trên đó đã có ảnh bố mẹ tôi ngày cưới trong cái khung nhỏ hình trái tim; ảnh em gái tôi nằm trên thảm lông, trông ngơ ngác, ngày họ đưa con bé từ bệnh viện về; một tấm snapshot đã mờ thảm hại chụp con vật nuôi đầu tiên của tôi, mèo Doris; trong cái hộp Plexiglas là đóa hoa gài cổ tay đã héo mà tôi đeo đến dạ hội năm cuối trung học; và một cái răng khôn của tôi, treo lủng lẳng trên một chuỗi dây chuyền quanh tay nắm cửa sổ. Tôi nhóm những thứ này lại với nhau giống như Eagle Soars, cũng có nơi trưng bày riêng ở bên phải khung cửa sổ, gồm một khung ảnh kép treo cả ảnh tốt nghiệp trung học của anh lẫn tấm snapshot chụp một anh chàng mà anh có tình cảm hồi trung học, đeo một cái gạc lớn quanh mặt sau cuộc phẫu thuật tái tạo mũi (tai nạn xe đạp); một cái gọt bút chì có con hà mã mặc váy múa ba lê ở tư thế dạng chân đứng thẳng; một chiếc thìa cà phê chôm về từ khách sạn Plaza; và một thông báo trục xuất đóng khung của chủ nhà trước của anh ở Columbus, Ohio. Có một trò đùa liên tu bất tận là bất cứ khi nào tôi có một bông hoa mới anh đều đem nó sang phía bên phải vào giữa đêm, rồi khi anh ra ngoài dắt Major Maybe đi dạo tôi lại đặt nó về phía mình. Chúng tôi chia tiền rượu vang hằng tuần, vì cả hai đều không uống nhiều hơn nhau. Anh quan tâm hơn đến cần, còn tôi quan tâm đến việc không bị béo. Tuy thế mỗi tuần chúng tôi vẫn làm hết một gallon một loại vang trắng của Ý mà tay bán rượu luôn luôn nói là anh ta sẽ không còn trong một thời gian dài (dù không gì có thể làm chúng tôi tiêu tiền vào cả một thùng rượu). Tôi làm chạy bàn bán thời gian, và hằng tháng mẹ tôi đều gửi séc đến trả một nửa tiền nhà.

Vào ngày xảy ra vụ con chó với bà già tóc đỏ, tôi với Soars ở ngoài trên những chiếc ghế nhỏ đặt trong hàng rào sắt trước mặt căn brownstone, và chậu dâm bụt hồng lớn mà anh chàng ở căn hộ tầng hầm sắp xếp làm nơi này rất có không khí. Anh còn đặt những chiếc đệm tròn lên ghế, khiến chúng ngồi thoải mái hơn nhiều. Anh là bác sĩ tâm lý chuyên về thanh thiếu niên. Bọn họ thường đến rồi đi với những cái chau mày dữ dằn, ném thuốc lá xuống đất rồi di, hiếm khi nhìn vào mắt chúng tôi. Anh bác sĩ bảo tốt hơn là đừng chào hỏi bệnh nhân của anh, vì gần như chẳng có gì đúng đắn mà chúng tôi có thể nói với họ. Chúng tôi chấp nhận và làm ngơ những cơn bùng phát trứng cá của họ và phẩy khói thuốc của họ đi và về cơ bản là nhìn xuyên qua họ, trừ khi họ có vẻ quá tuyệt vọng muốn thân thiện thì chúng tôi nói “xin chào.” Một lần, xe cứu thương đến đón một bệnh nhân khỏi tầng hầm mà sau này chúng tôi phát hiện ra (bất chấp bí mật bác sĩ-bệnh nhân) là anh này chảy máu từ trước và nhét khăn bông vào quần để đến buổi hẹn hằng tuần. Tầng hầm được gọi là “căn hộ vườn.” Khi hoa tử đằng nở rộ, anh bác sĩ lấy lại những chiếc ghế nhỏ của mình và đặt chúng cạnh những chiếc khác ở sân sau nhà và tổ chức một bữa tiệc sâm panh thực thụ mà lúc nào chúng tôi cũng được mời đến dự. Nếu có bao giờ anh ngồi trên ghế khi chúng được đặt ở đằng trước thì chúng tôi cũng chưa bao giờ thấy. Mà nói vậy, chúng tôi ngồi ở đó rất nhiều, và anh là người thân thiện, lịch sự, nên có lẽ anh không có nhiều cơ hội.

Lúc đó chúng tôi đang tập diễn kịch. Soars đọc lời thoại của anh, và đến một lúc nào đó việc của tôi là chen vào cái gì đó gây mất tập trung, hoặc giả vờ lên cơn ho thắt, thậm chí nói gì đó thù hằn, kiểu như “Đồ gay lọ khốn khổ, anh còn chẳng phải Edward, nói gì đến vua Lear!” Ý tưởng ở đây là bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra trong một vở diễn, và diễn viên phải ức chế phản ứng đời thực của mình và diễn tiếp mà không nao núng. Soars chỉ có một bản kịch bản, vì photo thì tốn tiền, nên chúng tôi ngồi sát bên nhau. Tôi cũng cố diễn, đến mức tôi không muốn anh có thể đoán trước tiếng hắt hơi hay cơn bộc phát của tôi, mà tôi biết được là anh có thể cảm nhận qua cách hơi thở của tôi khẽ thay đổi khi tôi chuẩn bị nói, hoặc bằng cử động thậm chí là nhỏ nhất của tôi, hoặc bằng âm thanh gần như không thể nghe thấy của đôi môi tôi khi tôi mở miệng. Việc của tôi là chọc anh mà không báo trước. Một lần tôi thực sự lao mình ra khỏi ghế và quằn quại như người ta lên cơn động kinh. Tôi cố tình mặc áo dài và quần jeans để không mấy xước xát, nhưng một người giao hàng lăn các bình sang chiết soda vào căn brownstone kế cạnh đã dừng lại và chạy đến giúp tôi, và thật là xấu hổ khi chúng tôi phải giải thích.

***

Tôi thật là đa cảm. Khó mà tin được là từng có một khoảng thời gian như thế. (Giờ tôi là bác sĩ, với một nhóm bác sĩ ở Portland, Maine; Soars là ông bố đã ly dị của một cặp song sinh, một người chèo thuyền vượt sóng nhiệt tình, người dẫn đường cho môt công ty du lịch miền Tây, viết bài về các hoạt động ngoài trời, và dạy học ở một trường cao đẳng cộng đồng.)

Đây là một điều hiển nhiên mà tôi đã không nghĩ đến cho đến tận gần đây: Soars và tôi chỉ đơn giản là không hợp để sống cùng nhau. Chúng tôi quá dễ tính đến mức biến mình thành một cặp vợ chồng già, trong một khoảng thời gian bị đốt cháy. Trong nhiều năm, chúng tôi diễn những thói quen thường ngày của cuộc hôn nhân, với những cơn tính khí bùng phát đột ngột, thỉnh thoảng điên rồ của tôi, trò đùa chuyển đồ của nhau dai dẳng của chúng tôi, những dòng thoại liên tục lặp đi lại lại của chúng tôi (dù của anh, thật lý tưởng, là từ Shakespeare).

Khi còn ở New York, Soars đã quyết định rằng, trừ tình cảm to lớn của anh với người bạn thời trung học, anh không gay. Anh thôi hẹn hò với đàn ông và bắt đầu đi chơi với tôi và các cô bạn gái của tôi, rồi bắt đầu hẹn hò với một trong số họ, người mà anh làm tan nát trái tim sau này, nhưng đấy là chuyện khác; dù có là bi đi chăng nữa, anh cũng đã chọn kết hôn với phụ nữ.

Dù sao, hôm ấy trong lúc Soars với tôi đang tập dượt, bà già tóc đỏ đứng dậy từ chỗ bà vẫn ngồi trên vỉa hè và nguyền rủa con chó bạn chúng tôi, hét, “Ác quỷ Lucifer! Lu-u-u-u-u-u-ucifer!” rồi xô tới Major Maybe tội nghiệp, sợ hãi, vừa mới nhấc một chân lên để tè vào cái cây yêu thích và bị làm nhục khi phải hạ xuống giữa chừng. Bà vươn tay ra, chắc là định xô ngã ông Leavell, ông chỉ đơn giản là quay người đi và để cơn lốc man dại đi qua. (Major Maybe, anh bạn yêu hòa bình, đã nằm bẹp xuống đất.) Và đúng là nó đã đi qua, bà điên cuồng quay mòng mòng từ đôi chân trần nhỏ lên đôi cẳng mập, cái váy dài, nhem nhuốc rối tung lên làm bà vấp, và thế là khi bà tiếp tục quỹ đạo của mình giữa những chiếc xe đang đậu, vào Phố 21, tru lên rằng một khi Ác quỷ đã xuất hiện thì chẳng thể có sự cứu chuộc nào, tấm vải quấn quanh bà như kẹo bông, và bà bị quẳng về phía trước, như thể ai đó thực sự không thích món quà của họ. Một chiếc taxi rít lên phanh lại, tài xế nhảy ra và cúi xuống bà như một gã trọng tài đếm thời gian, ngón tay gã mắng mỏ; bà nằm đó… cho đến khi bà xồ lên, vòng tay quanh cổ gã và cố bóp chết gã, trong lúc một cậu chủng sinh đi qua cùng ông Leavell (đã ngoài năm mươi) xông đến cố kéo bà ra. Major Maybe tủi đến mức hàm nó run lên, dây dắt đã bị quăng vào một cái mũi nhọn của cánh cổng sắt ngăn khu vực xi măng nhỏ trước nhà nó. Dây quá ngắn để nó có thể nằm xuống mà không bị nghẹt thở, nên nó phải ngồi xem cảnh tượng ấy. Nó đã có một cuộc đi dạo khoan khoái, nhấc chân lên tè một chút, và có vài cú đánh hơi tuyệt vời, và giờ là thế này đây: một cơn thịnh nộ từ một người sống trên đường phố được Fidel Castro gửi đến đây, Castro đã thả người Cuba ra khỏi các viện tâm thần và cho họ lên tàu và gửi họ đến đây để trộn lẫn với những người điên khùng của chính chúng tôi. Vào những ngày đẹp trời, bà già tóc đỏ hát thánh ca tiếng Tây Ban Nha bằng một giọng soprano đẹp đẽ, trong trẻo. Bà cảm thấy gió thổi qua mái tóc. Bà ăn bánh mặn của mình và chẳng làm gì ai. Vào những ngày xấu trời… chẹp.

Cảnh sát đâu? Cảnh sát đâu? Chuyện diễn ra một thời gian trước khi có điện thoại di động. Khi đến nơi, cảnh sát xử lý bà già tóc đỏ quá mạnh tay, đến nỗi cậu chủng sinh phải phản đối. (Chẳng ích gì.) Tay bà bị còng và một viên cảnh sát dúi đầu bà vào xe cảnh sát như một cầu thủ bóng rổ làm một cú bỏ rỏ một tay. Dễ dàng. Chẳng có gì khó. Nhanh chóng nối lại cuộc chơi.

Buổi tập của chúng tôi bị hoãn lại. Ông Leavell cầm sợi dây dắt chó lên và bước lên những bậc thang dẫn vào nhà. Soars với tôi lên nhà và mở một chai vang trắng của Ý và ngồi trên những chiếc ghế đạo diễn của mình một lúc—chúng rẻ thôi, và thực tế là đồ nội thất duy nhất mà chúng tôi có. Tôi không lo Soars chôm hoa của tôi về bên anh ấy. Hôm ấy là một bông loa kèn, rụng phấn xuống sàn nhà dưới cửa sổ, gàu tóc màu vàng của một gã khổng lồ. Bên ngoài, dàn tử đằng dày và xanh, những đường cong và những chồi non màu xanh nhạt chĩa ra, như những ngón tay phù thủy, chúng sẽ tiếp tục phát triển nhanh chóng, dù không còn hoa nữa. Chúng tôi đi bộ. Chúng tôi nói về tương lai. Chúng tôi tự hỏi nếu mình thất bại thì sao, chỉ đơn giản là thất bại: nếu anh không bao giờ nhận được một vai diễn tốt, nếu tôi không bao giờ tìm ra mình muốn gì trong đời. Chúng tôi băn khoăn liệu AIDS có quét qua thành phố hay không, bà già tóc đỏ có đủ tỉnh táo để biết sợ trong đồn cảnh sát hay không, Major Maybe sẽ sống được bao lâu.

Soars lần tìm tay tôi. Chúng tôi chưa bao giờ nắm tay nhau, vì dĩ nhiên chúng tôi không phải là một cặp. Chúng tôi đan ngón vào nhau, và tôi ngạc nhiên khi cảm thấy bàn tay anh xương xẩu như thế nào. Lòng bàn tay anh đổ mồ hôi. Rồi chúng tôi làm điều mà rất nhiều người làm vào ngày cưới của ai đó, hay sau đám tang của ai đó, dù trong trường hợp này là ngày mà một người sống trên đường phố bị bắt về đồn cảnh sát. Chúng tôi về lại căn hộ và làm tình. Chúng tôi đã vui vẻ làm chuyện ấy, nhưng điều duy nhất thay đổi sau đó là, vì lý do nào đó, cả hai người chúng tôi đều thôi chơi trò Trộm hoa. Chẳng bao lâu sau tôi ngừng mua hoa. Tôi dùng tiền để mua những thứ xa xỉ nho nhỏ khác, như mascara. Soars tiếp tục hẹn hò với bạn tôi.

***

Tôi gặp người mình cưới ở một đám cưới mà tôi đến dự ở Cape Neddick, Maine, vào tháng Mười hai năm ấy (phù dâu đội mũ lông thỏ màu trắng), dù chúng tôi mất tám năm mới có thể kết hôn. Ban đầu, tôi không chắc về chuyện rời New York City. Rồi tôi quyết định vào trường y, nhưng không được nhận vào trường nào ở New York, nên quyết định chuyển đi đã được quyết cho tôi.

Nếu bạn ở New York vào những năm tám mươi, bạn sẽ tự hỏi giờ mọi người đi đâu cả rồi, rồi bạn sẽ tự nhắc mình rằng khá nhiều người trong khu sở hữu tài sản của họ và không chịu nhấc gót, rồi cuối cùng qua đời. Có người chết vì AIDS. Có người đến Brooklyn. Hoặc về miền Tây, hoặc xuống Atlanta. Sau vụ 11 tháng 9, khá nhiều người trẻ đã di cư từ New York City lên Portland, Maine, nơi các tòa nhà lớn gần bờ biển được sửa thành xưởng của giới nghệ sĩ và các căn chung cư có cửa hàng tầng trệt. Portland mát mẻ, với các du khách mùa hè lên tàu và hy vọng nhìn thấy lũ hải cẩu trong lúc họ ra đảo. Về đất liền, những tay hippie sống trong một thời gian khác đi qua đường với những người sống trong những căn brownstone và không phải lo chuyện tiền bạc. Có nghệ thuật đường phố, rồi ghế gấp bày trong những câu lạc bộ âm nhạc. Các cửa hàng sách cũ vẫn mở. Nếu bạn ở một độ tuổi nhất định, Portland ít nhiều tồn tại trong cặp ngoặc kép châm biếm (dù, dĩ nhiên, không tay hipster nào dám vẽ ra).

Gần đây, trên Airbnb, tôi thấy căn hộ cũ của mình. Thậm chí còn có một bức ảnh chụp ngoài cửa sổ, có người đã kéo dàn tử đằng xuống đủ để cho phép một góc nhìn. Một căn bếp đã được xây từ một phần hành lang và chỗ từng là tủ đựng áo khoác. Trông như thể sàn đã được sơn đen, với một tấm thảm phương Đông trải trên đó. Các bức ảnh này được chụp bằng một ống kính mắt cá. Nó là một căn hộ nhỏ, dưới dốc mái nhà, đến nỗi trong phòng ngủ có những chỗ bạn còn không đứng thẳng người được. Nhưng tất cả đều là lừa dối cả, đúng không? Bạn hiểu rằng bức ảnh thể hiện nhiều không gian hơn những gì thực sự tồn tại. Bạn bị lừa tin vào cái bình hoa tươi trên cái tủ cạnh giường mà trong đời thực có lẽ có chu vi bằng một cái đĩa làm bánh.

Cả một bình hoa trong bức ảnh. Quá xa hoa, sự phô trương của nó truyền tải nhiều hơn một cảm giác lãng mạn hay ý tưởng về một cuộc sống sang trọng bên trong một căn hộ đẩy vẻ nghênh đón. Hoa bị rút ra ngay sau khi chụp, trong lúc rèm cửa được kéo xuống để ngăn ánh sáng ban ngày làm phai tấm thảm. Hạ màn, mang du khách đến, một lần nữa lên đèn.

Chẳng thể gột bỏ, bụi phấn hoa vàng trên sàn.

Copyright © 2015 by Ann Beattie | Bản dịch © 2017 Nguyễn Huy Hoàng.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Information

This entry was posted on March 12, 2017 by in Truyện and tagged .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

%d bloggers like this: