A refugee appears exhausted while swimming towards the shore after a dinghy carrying Syrian and Afghan refugees deflated about 100 meters before reaching the Greek island of Lesbos, Sept. 13, 2015 | Photo by Alkis Konstantinidis/Reuters
Carolyn Forché (1950–) là nhà thơ và dịch giả người Mỹ. Bà được trao giải James Laughlin năm 1981 và giải Windham-Campbell năm 2017, và hiện là giáo sư ngành văn học Anh và giám đốc Trung tâm Lannan về Thi pháp và Thực hành Xã hội tại Đại học Georgetown.
Chúng tôi ba mươi người tất cả, anh nói, trên cơn say xám xịt của biển
trên một chiếc thuyền cao su lạnh, lên xuống trong cái bẩn của mình.
Đến sáng chuyện này không còn quan trọng, không đất liền trong tầm mắt,
tất cả đều ướt sũng đến tận xương, người sống cũng như người chết.
Chúng ta vẫn có thể trôi nổi, chúng tôi nói, từ chiến tranh đến chiến tranh.
Còn lại gì sau chúng tôi ngoài đất đá đổ nát chất chồng lên đất đá đổ nát?
Thành phố mang tên “mẹ của người nghèo” bao quanh bởi những cánh đồng
bông và kê, thành phố của thợ kim hoàn và những người may áo choàng,
với nhà thờ cổ nhất của Thế giới Kitô giáo và Thanh kiếm của Allah.
Nếu giờ này có ai còn ở đó, anh cam đoan, họ chắc chắn sẽ hoàn toàn cô độc.
Có một khách sạn được đặt tên theo tên nó ở Rome, hai trăm mét
cách Quảng trường Piazza di Spagna, nơi mà bạn có thể ăn sáng dưới
chân dung các ngôi sao điện ảnh. Các nhân viên chẳng thể nào phục vụ bạn đủ.
Nhưng tôi lại huyên thiên nữa rồi, như tôi vẫn thế kể từ đêm hôm ấy
chúng tôi vớt một đứa trẻ, không phải của chúng tôi, từ biển lên, trôi úp
mặt trong một cái áo phao, mắt đã bị cá rỉa hoặc là chim ở trên đầu chúng tôi.
Sau đó, Aleppo nổ tung trong khói bụi, và Raqqa gặp phải một cơn mưa
những tờ rơi cảnh báo mọi người phải đi thôi. Đi, vâng, nhưng mà đi đâu?
Chúng tôi đã sống qua người Mỹ và người Nga, rồi lại qua người Mỹ
một lần nữa, nhiều đêm mang cái chết đến từ những đám mây, sáng bất ngờ
khi thức dậy từ giấc ngủ của cái chết, vẫn chưa bị chôn vùi và vẫn sống
mà chẳng có chỗ an toàn. Đi, vâng, chúng tôi nghe các tờ rơi, nhưng mà đi đâu?
Đến biển để bị ăn thịt, đến những bờ cát của châu Âu để bị nhốt trong lồng?
Đến trại khổ sở và trại ở lại ở nơi này? Vậy thì tôi hỏi bạn, đi đâu?
Bạn bảo tôi rằng bạn là nhà thơ. Nếu thế, điểm đến của chúng ta là như nhau.
Tôi thấy mình giờ gã thuyền nhân, lái một chiếc taxi nơi tận cùng thế giới.
Tôi sẽ thấy bạn đến nơi an toàn, hỡi bạn của tôi, tôi sẽ đưa bạn đến đó.
Carolyn Forché, “The Boatman,” In the Lateness of the World (Penguin, 2020). This poem was first published in Poetry (October 2016) and was included in The Best American Poetry 2017.
Copyright © 2016 by Carolyn Forché | Nguyễn Huy Hoàng dịch.