Nguyễn Huy Hoàng

"Và trái tim không chết khi người ta nghĩ nó phải chết"

“Những quả hồng” – Li-Young Lee

Li-Young Lee (1957–) là nhà thơ người Mỹ gốc Trung Quốc. Là chắt ngoại của Viên Thế Khải và con trai một bác sĩ riêng của Mao Trạch Đông, ông sinh ra ở Jakarta, nơi cha mẹ ông sống lưu vong trước khi định cư ở Hoa Kỳ. Ông được trao giải Whiting cho thơ năm 1988, giải thơ Lamont năm 1990, giải văn chương Lannan năm 1995, và giải William Carlos Williams năm 2002.

Những quả hồng

Năm lớp sáu cô Walker
bạt đầu tôi
và phạt tôi đứng góc lớp
vì không biết phân biệt
giữa persimmonprecision.
Cách chọn

hồng. Đó là sự chính xác.
Quả chín thì mềm và có đốm nâu.
Ngửi dưới đáy. Quả ngọt
sẽ thơm. Cách ăn:
bỏ dao đi, trải báo xuống.
Lột vỏ nhẹ, không làm rách thịt quả.
Nhai cái vỏ, mút,
và nuốt. Giờ, ăn
thịt quả,
ngọt lịm,
tất cả, đến tận cùng.

Donna cởi áo, bụng nàng trắng.
Ngoài sân, sương và run
với những con dế, chúng tôi nằm trần truồng,
ngửa mặt lên, úp mặt xuống.
Tôi dạy nàng tiếng Trung.
Dế mèn: chiu chiu. Sương: tôi đã quên.
Trần truồng: tôi đã quên.
Ni, wo: em và anh.
Tôi rẽ chân nàng,
không quên bảo nàng
rằng nàng đẹp như trăng.

Những từ khác
làm tôi gặp rắc rối
fightfright, wrenyarn.
“Fight” là cái tôi làm khi tôi “frightened,”
“fright” là cái tôi thấy khi tôi “fight.”
“Wren” là những con chim nhỏ, không màu mè,
“yarn” là cái để người ta đan.
“Wren” mềm như “yarn.”
Mẹ tôi đan những con chim bằng “yarn.”
Tôi thích nhìn bà buộc đồ;
chim, thỏ, chú lùn.

Cô Walker mang một quả hồng đến lớp
và bổ nó ra
để mọi người được nếm thử
một quả táo Tàu. Biết
nó chưa chín hay ngọt, tôi không ăn
mà quan sát các gương mặt.

Mẹ tôi nói quả hồng nào cũng có một mặt trời
bên trong, một cái gì vàng rực, phát sáng,
ấm áp như khuôn mặt tôi.

Một lần, dưới hầm, tôi tìm được hai quả bọc trong báo,
bị bỏ quên và chưa chín.
Tôi mang cả hai lên đặt ở bệ cửa sổ phòng ngủ,
nơi mỗi sáng một con hồng tước
hót, Thái dương, thái dương.

Rốt cuộc hiểu ra
rằng mình sắp bị mù,
cha tôi ngồi thức cả đêm
đợi một bài ca, một bóng ma.
Tôi đưa ông những quả hồng,
mọng, nặng như nỗi buồn,
và ngọt như tình yêu.

Năm nay, dưới ánh sáng đặc quánh
của căn hầm nhà bố mẹ tôi, tôi lục lọi, tìm
một cái gì tôi đánh mất.
Cha tôi ngồi trên cầu thang gỗ mệt nhọc,
gậy chống đen giữa hai đầu gối,
tay đặt lên tay, nắm chặt tay cầm.
Ông rất mừng vì tôi đã về nhà.
Tôi hỏi tình hình mắt ông, một câu hỏi ngu ngốc.
Đi cả rồi, ông đáp.

Dưới vài tấm chăn, tôi tìm được một cái hộp.
Trong hộp, tôi tìm được ba cuộn vải.
Tôi ngồi bên cạnh cha tôi và giở
ba bức tranh của cha tôi ra:
Lá dâm bụt và một bông hoa trắng.
Hai con mèo liếm lông.
Hai quả hồng, căng muốn rớt khỏi vải.

Ông đưa hai tay để sờ tấm vải,
hỏi, Đây là bức nào?

Đây là những quả hồng, thưa Cha.

Ôi, cái cảm giác của cỏ đuôi sói trên lụa,
sức mạnh, sự chính xác
căng như dây đàn ở cổ tay.
Ta đã vẽ chúng hàng trăm lần
mắt nhắm. Ta đã vẽ chúng khi ta mù.
Có những thứ không bao giờ rời bỏ một người:
mùi của mái tóc người họ yêu,
bề mặt của những quả hồng,
trong lòng bàn tay, sức nặng chín.

Li-Young Lee, “Persimmons,” Rose (BOA Editions, 1986).

Copyright © 1986 by Li-Young Lee | Nguyễn Huy Hoàng dịch.

Leave a comment

Information

This entry was posted on August 11, 2020 by in Thơ and tagged .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.