Nguyễn Huy Hoàng

"Và trái tim không chết khi người ta nghĩ nó phải chết"

Truyện ngắn: “Valzer lại đi” – László Krasznahorkai

Laszlo Krasznahorkai

Laszlo Krasznahorkai | Photograph by Stuart C. Wilson/Getty Images

László Krasznahorkai (1954–) là nhà văn và nhà viết kịch người Hungary, tác giả của các cuốn tiểu thuyết SátántangóNỗi buồn kháng cự, và Chiến tranh và chiến tranh. Ông được trao giải Kossuth (của chính phủ Hungary) năm 2004 và giải Man Booker Quốc tế năm 2015.

Valzer lại đi

Tên tôi là Róbert Valzer và tôi thích đi bộ, không phải tôi thì có gì liên quan đến Robert Walser nổi tiếng, hay tôi nghĩ đi bộ là sở thích của tôi thì có gì lạ. Gọi là sở thích nhưng tôi chấp nhận—hay đúng hơn là tôi đã sẵn lòng lấy làm vui—rằng ở nơi tôi sống trên đất nước Trung Âu này tôi bị coi là quá bất ổn để được xem là người bình thường và sở thích của tôi sẽ không thể so với sở thích của người khác. Nó không phải sở thích, người ta nói, mà là triệu chứng của sự bất ổn. Đấy là từ họ dùng: sự bất ổn. Nhưng họ chưa bao giờ nói thế trước mặt tôi. Họ thì thầm sau lưng tôi. Họ liên tục thì thầm như thế: tôi có thể nghe thấy họ hoàn toàn rõ—Valzer đi kìa, anh ta lại đi.

Nhưng họ sai lầm ngay cả ở mức độ này vì đó không phải là lại đi. Lúc nào tôi cũng đi, một chuyến bộ hành không phải dạng khởi hành, rồi dừng lại, rồi lại khởi hành, không một chút nào, vì tôi đã bước từ lúc nào tôi không còn nhớ, đã một lần ra đi cách đây rất lâu và từ đó mãi mãi bước tiếp, nghĩa là tôi sẽ phải đi tiếp vì tôi không thể dừng, vì dừng lại là không thể, đi là một niềm đam mê với tôi, và hơn nữa, trong trường hợp của tôi, là một dạng hiếu kỳ mãnh liệt, không phải chuyện điên mà là chuyện hiếu kỳ mãnh liệt, dù những người thì thầm sau lưng tôi chưa bao giờ hỏi cái gã Róbert Valzer này đang tính gì, lạy trời anh ta nghĩ anh ta đang làm gì mà cứ tiếp tục đi mọi nơi như thế, không, họ chưa bao giờ lại gần mà hỏi câu hỏi ấy mà cũng sẽ không bao giờ, dù mấu chốt là biết vì sao người ta đi, mà câu trả lời, cho phép tôi được nhắc lại, là đi như tôi là chuyện hiếu kỳ, lấy ví dụ ngay bây giờ là Lễ các Đẳng, vì Lễ các Đẳng là một cái gì làm tôi rất quan tâm. Mỗi một Lễ các Đẳng đều khác với Lễ các Đẳng năm trước và tôi sẽ không bỏ lỡ một Lễ các Đẳng nào cả—sao tôi lại bỏ lỡ nó, nếu như tôi quan tâm đến nó?

Hungary, 2013.

Quần áo nhẹ cho mùa, và một cái mũ nhỏ nhẹ: mùa kỳ diệu. Các đám đông trên phố, rất nhiều gian hàng hoa, phố bơi trong những bông thạch thảo tràn ra từ các bàn hoa, một cơn đại thủy triều thạch thảo, trắng, hồng, và vàng, và một cơn đại thủy triều người đến các nghĩa trang mà chúng ta có đủ kiểu, Công giáo trước hết nhưng có cả Kháng cách, Tin lành, thậm chí Chính thống giáo, và tất nhiên có cả các nghĩa trang Do Thái dù đã lâu rồi kể từ khi có người được chôn ở đó và chúng đều đã hết chỗ và đóng cửa để những kẻ tân Quốc xã không dễ dàng tiếp cận. Có tất cả 505 người Do Thái ở thị trấn này và cả 505 người đều bị đuổi đi. Chưa một ai trở về.

Tôi ghét thạch thảo và, phải thú thực, tôi cũng không quá quan tâm đến con người, thật ra bạn có thể nói tôi ghét cả con người, hoặc, đúng hơn nữa, tôi ghét con người như ghét thạch thảo và đấy đơn giản là vì mỗi lần thấy thạch thảo nó đều làm tôi nhớ đến con người thay vì nhớ đến thạch thảo và mỗi lần thấy con người tôi lại nghĩ về thạch thảo mà không phải là về con người.

Trong nghĩa trang có rất nhiều sự sống.

Cuốc bộ đầu đưa tôi qua nghĩa trang Công giáo, rồi qua Kháng cách, Tin lành, rồi cuối cùng qua Chính thống giáo, và tôi thấy các đám đông lớn, một điều rất lạ, và tôi tự hỏi từ khi nào việc thăm nghĩa trang trở nên phổ biến đến thế? Chắc chắn không phải dưới thời Kádár: các nghĩa trang khi ấy chưa bao giờ đông như vậy. Giờ thì có những vòng thạch thảo treo trên các ngôi mộ gia đình vì bạn không thể không để ý các gia đình đến kết tràng thạch thảo trên mộ, con nhỏ, con lớn hơn, con lớn hơn nữa, bố mẹ, cô nam quả nữ, cháu chắt, cô dì chú bác, bất cứ ai có khả năng tham gia cái màn thể hiện bao nhiêu người để tâm đến số phận của những ngôi mộ này. Tôi nhìn những ngôi mộ mới, làm bằng thứ đá tốt nhất, đắt nhất, và tự hỏi chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày phục sinh? Ở đây có nhiều vị thánh đến nỗi không một phiến đá nào còn đứng nguyên.

Tôi nên nói thêm là tôi không bao giờ vội vã mà cũng không bao giờ kề cà. Thế không phải là đi bộ. Tôi đi với đôi bàn tay chắp sau lưng. Và tôi để ý những gì tôi thấy.

Loại xe phổ biến nhất là những chiếc jeep đen khổng lồ mà tôi có thể thấy từ xa khi đi qua nghĩa trang Công giáo, nghĩa trang Kháng cách, nghĩa trang Tin lành, và nghĩa trang Chính thống giáo, trên đường đến bãi đậu rộng mênh mông ở đằng sau. Sau đó đến BMW, Audi, Lexus và Chevrolet, nhưng tôi nhận ra năm nay có ít Mercedes hơn năm ngoái và băn khoăn vì sao Mercedes lại mất lòng người Hungary? Không nghĩ được vì sao nên tôi đi tiếp. Tiếp đến là Volkswagen, Škoda, Opel, và Suzuki, và khá nhanh chóng tôi thấy mình đã ở khu phố của người nghèo vì theo sau là cảnh tượng thật sự buồn của những chiếc xe đỗ thành hai hàng dài, dường như bất tận, ở hai bên phố đằng sau bãi đậu rộng mênh mông, một phần vì chúng bị ép ra, và, chúng ta hãy thành thực, bị ép ra một cách hợp pháp, khỏi bãi đậu rộng mênh mông để không làm hỏng cảnh tượng, và một phần là do chúng, những chiếc Peugeot, Renault, Ford, Toyota, Dacia, và Kia thảm hại, nửa rỉ sét và hư hỏng, và nhìn xem, có cả những chiếc Mercedes, hơn hai mươi năm tuổi tất nhiên, tất cả đều muốn một chỗ trả tiền đàng hoàng trong bãi đậu khổng lồ, tức là muốn được là những chiếc Peugeot, Renault, và Toyota mới coóng, và nhất định không phải những chiếc Mercedes hơn hai mươi năm tuổi, nhưng không thể vì chúng là sắt vụn, cái kiểu sắt vụn bị đẩy cho những người nghèo mơ mộng, điều buồn nhất ở những người nghèo mơ mộng là mong muốn của họ giống hệt như giấc mơ của những người ngồi trong BMW, Audi, và Lexus, là chúng được làm từ cùng một chất liệu như giấc mơ của những người khác và chỉ là họ đã bị kết án không bao giờ được vào bất cứ bãi đỗ lớn nào mà bạn phải trả tiền nên xe của họ mãi mãi phải ở lại bên ngoài, ở một trong hai bên phố, trong bụi, một bánh trên vỉa hè, nghiêng về một bên, như cả một đất nước mà sự sụp đổ của nó tôi, Róbert Valzer, từ đây dự đoán.

Chân tôi hợp để đi bộ là vì từ lâu tôi đã đi giày bốt La Sportiva thay vì giày thường, La Sportiva của Delladio đến nay vẫn là một trong những đôi giày tốt nhất mà người ta từng thiết kế, đủ bền cho tôi đi bộ mãi, vì cái tôi đi phải đủ bền để tồn tại, và giờ, đã qua các nghĩa trang Công giáo, Kháng cách, Tin lành, và Chính thống giáo, tôi đang đi qua nghĩa trang Do Thái từ lâu không ai dùng đến bởi, vì một lý do nào không rõ, đây là ngày duy nhất trong năm mà họ mở cửa, và tôi thích thú bước qua nó vì tôi thích bước trên đôi La Sportivas độc nhất vô nhị này, rất êm và nhẹ dưới chân tôi, và vì ở đây không có thạch thảo cũng không có người, không có gì để ghét, và nó yên tĩnh vì không ai dưới những phiến đá này còn di chuyển và rõ ràng sẽ không có sự phục sinh nào vì những ngôi mộ đã tràn cỏ dại với một hai phiến đá ở đây đó bị sơn hình chữ vạn ngược bởi bộ tộc tân Quốc xã đang ngày một lớn mạnh, những kẻ làm thế chỉ để tiêu khiển khi chúng không thể đá—chúng đi giày Dr. Martens—bay những phiến đá đi, và tôi bước trên đôi bốt La Sportiva đế lò xo, đi qua những bia mộ và nghĩ về những người chết nằm đây, không được ai thăm, vì chẳng còn ai có thể thăm họ, dù đã cuối Lễ các Đẳng và chẳng mấy sẽ là ngày dành cho Yahrzeit, nên bạn có thể cảm nhận mùa đông đang đến gần và tôi bước tiếp trong khi chầm chậm tuyết bắt đầu rơi, những bông tuyết lớn, và tôi vừa mới quen dần với cảm giác của đôi bốt La Sportiva bước trên tuyết thì—dù Chúa biết tôi chẳng liên quan gì đến ngài Robert Walser nổi tiếng thế giới—đầu tôi bắt đầu đau, thực tế là cả lồng ngực tôi đau, và bước chân tôi không chậm lại mà tăng tốc vì cơn đau bất ngờ, những bước chân ngắn hơn bao giờ hết trong lúc tôi vội vã, nhưng tất cả đều vô ích, tôi bắt đầu vẫy tay và chao đảo rồi ngã sấp mặt và nằm duỗi thẳng—người tôi bất động, cái mũ lăn đi và chỉ còn cơ thể này và cái mũ còn nằm trên tuyết một thời gian, cùng với, tất nhiên, những dấu chân tôi, cho đến khi người ta tìm thấy tôi và đưa tôi đến đâu đó, và chẳng bao lâu ngay cả những dấu chân đáng nhớ của đôi bốt La Sportiva xuất sắc ấy cũng bắt đầu tan chảy, vì mùa xuân đã đến và sẽ chẳng có ai đi đường tôi thay tôi.

László Krasznahorkai, “There Goes Valzer,” translated from the Hungarian by George Szirtes, London Review of Books, Vol. 36, No. 6 (20 March 2014), p. 45.

Copyright © 2014 by László Krasznahorkai | Nguyễn Huy Hoàng dịch.

Leave a comment

Information

This entry was posted on November 5, 2017 by in Truyện and tagged .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.