Nguyễn Huy Hoàng

the star is fading

“Một người bạn cất tiếng” – John Berger

John Berger sinh năm 1926 ở London. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách “sáng tạo trong hình thức và sâu rộng trong cái nhìn lịch sử và chính trị,” trong đó có có G., cuốn tiểu thuyết đoạt giải Man Booker năm 1972, To the Wedding, và King. Trong các nghiên cứu xuất sắc của ông về nghệ thuật và nhiếp ảnh có Another Way of TellingThe Success and Failure of PicassoTitian: Nymph and Shepherd (cùng Katya Berger), và Ways of Seeing. Ông được trao giải Petrarca-Preis cho văn chương châu Âu năm 1991 và giải Golden PEN năm 2009, và qua đời năm 2017 ở Antony, Pháp.

Một người bạn cất tiếng
(cho Guzine)

Đôi lúc có vẻ như, như một người Hy Lạp cổ đại, tôi viết chủ yếu về người chết và cái chết. Nếu là thế, tôi chỉ có thể nói thêm là nó được viết với một cảm giác gấp gáp chỉ thuộc về sự sống.

Abidine Dino sống cùng Guzine yêu dấu của ông trên tầng chín của một tòa nhà HLM, trong một trong những căn xưởng nghệ sĩ mà, không biết từ bao giờ, thành phố Paris đã xây cho các họa sĩ. Họ sống hạnh phúc ở đó, nhưng nếu cộng toàn bộ không gian căn xưởng và các phòng tủ lại thì nó sẽ không hơn gì không gian dành cho hành khách trong một chiếc xe buýt đường dài. Các bản dịch, thơ, thư từ, các tác phẩm điêu khắc, các bức vẽ, các mô hình toán học, rượu rakı, hạnh nhân phủ ca cao, băng cát xét các chương trình radio của Guzine bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, quần áo trang nhã (cả hai người theo những cách khác nhau đều ăn mặc như những nhà tạo mẫu không chút lầm lỗi), báo, sỏi, vải bạt, màu nước, ảnh—mọi thứ đều bị nhồi nhét. Và lần nào đến thăm tôi cũng ra về với cái đầu đầy ắp không gian của những cảnh quan rộng lớn, thậm chí cả vùng Đại Anatolia—giống cái cách Abidine và Guzine lái chiếc xe mà họ sống.

Abidine Dino qua đời tuần này trong viện Villejuif ở Paris. Ông qua đời ba ngày sau khi mất giọng và không nói được nữa.

Cách đây một tuần điều gần như cuối cùng mà ông nói với tôi là: Viết sách mới cậu đừng phóng đại. Cậu không cần phóng đại. Hãy cứ thực tế. Ông là người thực tế về căn bệnh ung thư của mình. Ông biết nó nghiêm trọng thế nào. Thế mà tính từ ông dùng cho tình trạng sức khỏe của mình lại là tính từ mà bạn có thể dùng cho một chiếc giày chật phải xỏ một quãng dài.

Hình ảnh nào mà tôi có về ông khi ông còn sống cũng đều có đường xá, trạm nghỉ, chuyến đi. Ông có tính cảnh giác của một người lữ hành. Như Saadi, nhà thơ Ba Tư viết:

Kẻ nào ngủ trên Đường đều đánh mất hoặc cái mũ hoặc cái đầu.

Trong góc sách nhỏ của căn xưởng, hay trước giá vẽ xách tay mà ban đêm ông gập lại, Abidine tiếp tục đi. Ông vẽ những người đàn bà đã trở thành các hành tinh. Ông vẽ cơn đau của các bệnh nhân trong viện như bằng mũi kim địa chấn ký. Cách đây không lâu ông đưa tôi bản sao một số bức vẽ của ông về những người bị tra tấn. (Giống như nhiều bạn bè của mình ông từng ngồi tù ở Thổ Nhĩ Kỳ.) Nhìn họ đi, ông nói, trong lúc tiễn tôi ra thang máy trên tầng chín, rồi một ngày những từ ngữ xa xôi có thể sẽ đến với cậu. Có lẽ chỉ một hai từ. Thế là đủ. Ông vẽ hoa—cổ họng của họ, con đường Bosporus đến tình yêu của họ. Mùa hè này, ở tuổi tám mươi, trong thời gian ở một căn yalı, một ngôi nhà trên dải Bosporus thật, ông vẽ một cánh cửa màu trắng có một ký hiệu bí ẩn trên đó. Một cánh cửa màu trắng không phải trong căn yalı kia mà ở nơi khác.

Đêm ông qua đời, tôi tỉnh giấc lúc đầu giờ sáng. Tôi tỉnh giấc biết ông đã ra đi, và tôi cầu nguyện cho ông. Tôi cố gắng trở thành một cái mắt kính trong một ống kính viễn vọng để một thiên thần ở đâu đó có thể thấy Abidine rõ hơn một chút khi người hộ tống ông. Có lẽ không phải rõ hơn. Chỉ đơn giản là nhiều hơn một chút. Rồi tôi nhận ra mình đang mặt đối mặt với một tờ giấy trắng, ngập tràn ánh sáng đến mức không còn chỗ cho bất cứ màu sắc nào đơn côi.

Sau đó tôi ngủ thiếp đi, không chút đau khổ. Sáng sớm Selcuk, bạn chung của chúng tôi, gọi điện báo chúng tôi đã mất Abidine. (Ông qua đời trong viện độ hai tiếng trước khi tôi tỉnh giấc.)

Lần này tôi khóc, nghẹn ngào với nỗi buồn đau của một con chó. Buồn đau là thú vật. Người Hy Lạp cổ đại biết thế.

Người ta thường nói, khi nhắc đến cái chết của một người đáng kính, rằng một tia sáng đã tắt. Câu ấy thì sáo, nhưng làm thế nào để miêu tả tốt hơn cái tối tăm sau đó? Tờ giấy trắng mà tôi thấy đã biến thành than—đen, và than là màu của sự vắng mặt.

Sự vắng mặt? Ký hiệu mà Abidine vẽ lên cánh cửa màu trắng trong hè nhắc tôi nhớ về một loạt bức vẽ và tranh khác mà ông thực hiện trong những tháng cuối đời. Chúng là những đám đông. Hình ảnh của vô số gương mặt, mỗi người mỗi khác, nhưng hợp nhất trong năng lượng của họ giống như các phân tử. Nhưng các hình ảnh không có vẻ xấu xa cũng không mang tính biểu tượng. Lần đầu ông cho tôi xem tôi đã nghĩ vô số gương mặt này giống như những chữ cái của một văn bản chưa được giải mã. Chúng trôi chảy và đẹp một cách bí ẩn. Bây giờ tôi tự hỏi mình có phải Abidine đã không đi nữa, có phải đây không phải là hình ảnh của người chết.

Và đúng lúc này ông trả lời, vì bỗng nhiên tôi nhớ ra ông trích Ibn Arabi: “Tôi thấy và lưu lại gương mặt của tất cả những ai đã sống và một ngày sẽ sống, từ Adam đến tận cùng thời gian…”

John Berger, “A Friend Talking,” Photocopies (Bloomsbury, 1996).

Copyright © 1996 by John Berger | Bản dịch © 2017 Nguyễn Huy Hoàng.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Information

This entry was posted on November 11, 2017 by in Truyện and tagged .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

%d bloggers like this: