Czesław Miłosz (1911–2004) là nhà văn, nhà thơ, và dịch giả người Ba Lan. Ông được trao giải văn chương quốc tế Neustadt năm 1978 và giải Nobel văn chương năm 1980.
Tôi là một đứa trẻ được rước lễ lần đầu ở Wilno và sau đó uống ca cao do các phụ nữ Công giáo sốt sắng phân phát.
Tôi là một ông già còn nhớ cái ngày tháng Sáu hôm ấy: sự ngây ngất của tấm khăn trải bàn vô tội màu trắng và ánh mặt trời trên những bình mẫu đơn.
Qu’as tu fait, qu’as tu fait de ta vie?—những giọng nói gọi, bằng nhiều ngôn ngữ thu thập trong các hành trình của mi xuyên hai lục địa. Mi đã làm chi, mi đã làm chi với cuộc đời mi?
Chậm rãi, thận trọng, bây giờ định mệnh đã hoàn thành, tôi dấn thân vào những khung cảnh của thời gian đã mất,
Của thế kỷ của tôi, trong đó và không thế kỷ nào khác, tôi đã được lệnh sinh ra, làm việc và để lại dấu ấn.
Rốt cuộc, các phụ nữ Công giáo ấy đã tồn tại, và nếu tôi quay lại đó, vẫn như cũ nhưng với một ý thức khác, tôi sẽ nhìn chằm chằm vào những khuôn mặt, cố ngăn cho không chúng phai mờ.
Ngoài ra còn có những cỗ xe ngựa và những cái mông ngựa được chiếu sáng bởi tia chớp hay ánh sáng xung kích của pháo binh đằng xa.
Những túp lều không ống khói, khói nghi ngút trên mái nhà và những con đường cát rộng trong rừng thông.
Các xứ sở và thành phố phải bỏ lại không tên, vì làm sao tôi có thể giải thích tại sao và bao nhiêu lần cờ và các biểu tượng của họ đã đổi?
Chúng ta nhận được một tiếng gọi từ sớm, nhưng nó không thể hiểu được và chỉ khi đã muộn chúng ta mới phát hiện ra mình đã ngoan ngoãn thế nào.
Dòng sông vẫn chảy như xưa qua nhà thờ Thánh Jacob, tôi ở đó với sự ngu ngốc của mình, điều mà tôi lấy làm xấu hổ, nhưng giả mà tôi có khôn ngoan hơn thì cũng chẳng ích gì.
Giờ thì tôi biết sự ngu ngốc là cần thiết trong tất cả các thiết kế của chúng ta, để chúng có thể trở thành hiện thực, một cách vụng về và không trọn vẹn.
Và con sông này, cùng với những đống rác trên bờ, với khởi đầu của sự ô nhiễm, đã chảy qua tuổi trẻ của tôi, một lời cảnh báo trước nỗi khao khát những nơi hoàn hảo trên trái đất.
Nhưng ở đó, trên dòng sông đó, tôi đã trải qua niềm hạnh phúc trọn vẹn, sự sung sướng vượt ra ngoài mọi suy nghĩ và lo lắng, và vẫn còn tồn tại trong cơ thể tôi.
Cũng giống như niềm hạnh phúc bên dòng sông nhỏ của tuổi thơ tôi, trong một công viên có những cây sồi và cây bồ đề bị những kẻ chinh phục man rợ đốn hạ.
Tôi chúc phúc cho người, những dòng sông, tôi gọi tên người như mẹ tôi từng gọi, tôn trọng nhưng tình cảm.
Ai dám nói rằng: Tôi đã được gọi, và chính vì thế mà Thần lực đã bảo vệ tôi khỏi những viên đạn đang xé cát bên cạnh hoặc vẽ hoa văn lên bức tường trên đầu?
Khỏi một vụ bắt giữ thông thường để làm sáng tỏ vụ án mà nó sẽ kết thúc bằng một hành trình trên một chuyến xe chở hàng, đến một nơi mà từ đó người sống không trở về?
Khỏi việc phải tuân lệnh ghi danh, khi chỉ có kẻ bất tuân sống sót?
Phải, nhưng họ, không phải ai trong số họ cũng cầu nguyện với Chúa của mình, cầu khẩn: Hãy cứu tôi!
Và mặt trời mọc trên các trại tra tấn, và đến giờ bằng đôi mắt của họ tôi vẫn thấy nó mọc.
Sắp tròn tám mươi, tôi đang bay từ San Francisco đến Frankfurt và Rome, một hành khách đã từng đi ba ngày đường xe ngựa từ Szetejnie đến Wilno.
Tôi đang bay hãng Lufthansa, cô tiếp viên kia thật tốt bụng, tất cả đều rất văn minh đến mức không nhớ họ là ai sẽ thật thiếu tế nhị.
Trên đảo Capri một nhân loại hân hoan và tiệc tùng mời gọi tôi tham gia vào cuộc lễ hội của sự đổi mới không ngừng.
Những cánh tay trần của phụ nữ, một bàn tay kéo vĩ qua những sợi dây đàn, giữa những chiếc váy dạ hội, những ánh lấp lánh và chớp nhoáng mở ra cho tôi một khoảnh khắc đồng tình với sự phù phiếm của loài người chúng ta.
Họ không cần niềm tin vào Thiên đường và Địa ngục, những mê cung triết học, nhịn ăn để hành xác.
Nhưng họ lo sợ về một dấu hiệu của cái không thể tránh khỏi đến gần: một khối u trong vú, tiểu ra máu, huyết áp cao.
Rồi họ biết chắc chắn rằng tất cả chúng ta đều được gọi, và mỗi người chúng ta đều suy ngẫm về sự xa hoa của việc có một số phận riêng.
Cùng với tuổi của mình tôi đi, chuẩn bị cho một phán quyết sẽ gộp tôi vào các bóng ma của nó.
Nếu như tôi làm được điều gì, thì đó chỉ là khi tôi, một cậu bé ngoan đạo, đuổi theo những lớp ngụy trang của Hiện thực đã mất.
Đuổi theo sự hiện diện đích thực của thần thánh trong máu thịt chúng ta, là cả bánh và rượu,
Nghe tiếng gọi to lớn của cái Riêng, bất chấp quy luật trần gian của sự hủy diệt ký ức.
Czesław Miłosz, “Capri,” Facing the River, trans. author and Robert Hass (Ecco Press, 1995). This poem also appeared in The New Yorker (November 30, 1992 Issue).
Copyright © 1994 by Czesław Miłosz | Nguyễn Huy Hoàng dịch.