Nguyễn Huy Hoàng

the star is fading

Truyện ngắn: “Dùng vũ lực”– William Carlos Williams

William Carlos Williams

William Carlos Williams sinh năm 1883 ở Rutherford, New Jersey. Ông tốt nghiệp ngành y khoa tại Đại học Pennsylvania và hành nghề bác sĩ tại quê hương cho đến khi qua đời năm 1963. Cùng Ezra Pound, T. S. Eliot, và Wallace Stevens, ông là một trong những nhà thơ quan trọng nhất của phong trào thơ hiện đại Mỹ. Ngoài thơ và văn xuôi, ông còn viết kịch và truyện ngắn. Ông được trao giải Sách Quốc gia Mỹ cho thơ năm 1950 và giải Pulitzer cho thơ năm 1963.

Dùng vũ lực

Họ là bệnh nhân mới, tất cả những gì tôi có chỉ là cái tên, Olson. Bác sĩ làm ơn mau đến giúp cho, con gái tôi ốm lắm rồi.

Lúc đến tôi gặp người mẹ, một người phụ nữ cao lớn và rất sạch sẽ, trông hoảng hốt và tội lỗi, chỉ hỏi được một câu, Bác sĩ ạ? rồi cho tôi vào. Ở phía sau, bà nói thêm. Ngài phải thứ lỗi cho chúng tôi, bác sĩ à, chúng tôi phải để cháu trong bếp cho ấm. Ngoài đây đôi khi ẩm thấp lắm.

Con bé mặc đồ kín người, ngồi trong lòng cha nó gần cái bàn bếp. Ông bố dợm đứng lên, nhưng tôi ra hiệu cho ông cứ ngồi, rồi tôi cởi áo choàng và bắt đầu xem xét tình hình. Tôi nhận ra mọi người đều lo lắng vô cùng, ngờ vực hết lượt nhìn tôi. Cũng phải thôi, thường trong những ca thế này, họ chẳng nói nhiều hơn những gì họ cần nói, mà tôi phải nói họ nghe; đó là lý do họ dành ra ba đô la để trả công cho tôi.

Con bé tưởng như nuốt sống tôi bằng đôi mắt lạnh lùng, chằm chặp, gương mặt không biểu lộ xúc cảm gì. Nó không cử động và nhìn, sâu bên trong, nín lặng; một sinh vật nhỏ bé cuốn hút lạ thường, bề ngoại mạnh mẽ như con bò cái tơ. Nhưng mặt con bé đỏ ửng, nó thở dốc, tôi nhận ra nó đang sốt cao. Mái tóc vàng, dày, tuyệt đẹp. Một trong những bức ảnh trẻ em thường được sao chép trên các tờ rơi quảng cáo và mục ảnh khắc hình trên báo Chủ nhật.

Cháu sốt đã ba ngày nay, ông bố nói, chúng tôi đâu biết sao lại thế. Mẹ cháu cũng làm đủ thứ, bác sĩ biết đấy, như người ta hay làm thôi, mà cũng chẳng đỡ gì. Quanh đây cũng lắm bệnh nhiều tật. Nên chúng tôi nghĩ tốt hơn nên vời bác sĩ đến thăm khám xem thế nào.

Như các bác sĩ vẫn làm, tôi thử bắt đầu. Cháu nó có đau họng không?

Cả hai người trả lời tôi cùng lúc, Không… Không, con bé bảo họng nó không đau.

Có đau họng không con? bà mẹ hỏi. Nhưng thái độ con bé không thay đổi và nó cũng chẳng rời mắt khỏi khuôn mặt tôi.

Chị nhìn họng cháu chưa?

Tôi có thử, bà mẹ nói, nhưng không nhìn được.

Trùng hợp là có một số trường hợp mắc bệnh bạch hầu ở trường con bé theo học trong tháng và rõ ràng chúng tôi đều nghĩ đến nó, dù chưa ai nói gì cả.

Chà, tôi nói, thế thì thử xem họng cháu nó thế nào trước nhé. Tôi mỉm cười theo cách chuyên nghiệp nhất và hỏi tên con bé, tôi bảo, nào Mathilda, há miệng bác xem họng cháu thế nào nhé.

Chẳng có gì xảy ra.

Ồ, thôi nào, tôi dỗ dành, cháu chỉ cần há miệng to ra để bác xem chút thôi. Cháu xem, tôi xòe hai bàn tay ra, bác không cầm gì cả nhé. Chỉ cần há miệng ra cho bác xem chút thôi.

Bác sĩ tử tế quá, bà mẹ xen vào. Con xem bác sĩ tốt bụng làm sao. Thôi nào, con nghe lời bác sĩ đi. Bác ấy không làm con đau đâu.

Tới đó tôi nghiến răng bực mình. Giá họ không nói từ “làm đau” thì tôi còn xoay xở được. Nhưng tôi không cho phép mình vội vã hay xao động mà nói chuyện nhẹ nhàng và từ từ, tôi tiếp cận con bé lần nữa.

Trong lúc tôi dịch ghế lại gần hơn một chút, thình lình bằng động tác như một con mèo, đột nhiên hai bàn tay con bé cào lên đôi mắt tôi và suýt thọc vào trong. Thực ra con bé đã đánh văng cặp kính của tôi, nó rơi xuống, dù không vỡ, cách tôi mấy gang trên sàn bếp.

Cả ông bố lẫn bà mẹ đều hết sức xấu hổ và bối rối. Hư thế hả con, bà mẹ mắng, chụp lấy con bé và lắc lắc nó bằng một tay. Xem con làm cái gì kia. Bác sĩ tốt bụng…

Vì Chúa, tôi gắt. Đừng gọi tôi là bác sĩ tốt bụng gì với cháu nó. Tôi ở đây là để khám họng cho cháu, nhỡ mà cháu mắc bạch hầu và có thể chết vì căn bệnh đó. Nhưng thế có là gì với cháu nó đâu? Coi đây, tôi bảo con bé, chúng ta sẽ khám họng cho cháu. Cháu đủ lớn để hiểu bác nói gì rồi. Giờ cháu có tự há miệng ra không hay là để chúng ta phải hộ cháu đây?

Không một cử động. Ngay cả vẻ mặt con bé cũng không biến chuyển. Chỉ có hơi thở nó mỗi lúc một dồn dập hơn. Rồi cuộc chiến bắt đầu. Tôi phải làm thôi. Tôi phải có mẫu họng để bảo vệ con bé. Nhưng trước tiên tôi bảo bố mẹ con bé mọi chuyện là tùy vào họ. Tôi giải thích nguy cơ nhưng nói tôi sẽ không đòi hỏi phải khám miễn là họ chịu trách nhiệm.

Nếu không làm theo lời bác sĩ con sẽ phải đến viện thôi, bà mẹ nghiêm giọng cảnh cáo.

Ồ thế chứ? tôi mỉm cười với chính mình. Xét cho cùng, tôi đã phải lòng với đứa nhóc hỗn hào, bố mẹ nó cũng chỉ đáng khinh với tôi. Trong cuộc vật lộn sau đó họ càng lúc càng khốn khổ, bị đè bẹp, kiệt sức trong khi con bé chắc hẳn đã đạt tới những đỉnh cao tuyệt đẹp của cơn giận điên cuồng của nỗ lực sinh ra từ nỗi sợ tôi của nó.

Ông bố đã cố hết sức, ông là người cao lớn nhưng đó là con gái ông, nỗi xấu hổ bởi cách hành xử của con bé và nỗi sợ nó làm đau khiến ông mấy lần buông nó ra đúng những lúc quan trọng khi tôi đã suýt làm được, đến nỗi tôi muốn giết ông. Nhưng nỗi sợ con bé mắc bạch hầu cũng khiến ông bảo tôi tiếp tục, tiếp tục dù chính ông cũng gần như ngất xỉu, trong khi bà mẹ đi đi lại lại đằng sau chúng tôi, hết đưa tay lên lại hạ xuống trong nỗi lo âu tột độ.

Đặt cháu lên đùi anh, tôi ra lệnh, giữ chặt cổ tay cháu nó.

Nhưng ông vừa làm thế thì con bé hét toáng lên. Đừng, bố làm đau con. Bỏ tay con ra. Bỏ ra con bảo bố đấy. Rồi con bé rít lên khủng khiếp, dữ dội. Thôi đi! Thôi đi! Bố đang giết con đấy!

Ngài có nghĩ con bé sẽ chịu được không, bác sĩ! bà mẹ hỏi.

Bà ra ngoài, ông chồng quát bà vợ. Bà muốn nó chết vì bạch hầu à?

Lại nào, giữ chặt cháu, tôi nói.

Rồi tôi giữ đầu con bé bằng tay trái và cố gắng đặt que đè lưỡi gỗ vào giữa hai hàm răng nó. Con bé, răng nghiến chặt, chống trả quyết liệt! Nhưng giờ tôi cũng giận dữ—với một đứa trẻ. Tôi cố kiềm chế mình nhưng không thể. Tôi biết cách làm lộ vòm họng để kiểm tra. Và tôi đã làm hết sức. Khi cuối cùng tôi cho được que đè lưỡi vào sau chiếc răng trong cùng và đầu que mới chỉ ở vòm miệng, con bé há miệng ra trong chốc lát, nhưng trước khi tôi kịp nhìn thấy bất cứ thứ gì thì nó lại cắn răng lại, kẹp chặt thanh gỗ giữa những chiếc răng hàm, nghiền nát thành những mảnh giăm trước khi tôi kịp kéo nó ra ngoài lần nữa.

Con không biết xấu hổ à, bà mẹ mắng. Con không xấu hổ khi làm thế trước mặt bác sĩ à?

Đưa tôi cái thìa trơn loại nào cũng được, tôi bảo bà mẹ. Ta sẽ dùng nó. Miệng con bé đang chảy máu. Lưỡi nó rách và nó đang gào lên với những tiếng thét cuồng loạn hoang dã. Có lẽ tôi nên dừng lại và quay lại sau một hai tiếng nữa. Chắc chắn thế sẽ tốt hơn. Nhưng tôi đã thấy ít nhất hai đứa bé nằm chết trên giường trong những ca bị bỏ rơi tương tự, và cảm thấy tôi phải chẩn đoán bây giờ hoặc không bao giờ có thể thử lại. Nhưng điều tệ nhất là tôi không còn lý trí nữa. Tôi có thể xé nát con bé trong cơn giận của chính mình và tận hưởng điều đó. Tấn công con bé là một niềm vui. Khuôn mặt tôi nóng bừng.

Con nhóc hỗn hào phải được bảo vệ khỏi sự ngu ngốc của nó, ai cũng tự nhủ mình những lúc như thế. Những người khác cũng phải được bảo vệ khỏi con bé. Đó là nhu cầu xã hội. Và tất cả những điều này đều đúng. Nhưng cơn giận mù quáng, cảm giác xấu hổ của người lớn, khao khát lên gân cốt mới là động cơ. Đã làm thì phải làm tới cùng.

Trong cuộc tấn công phi lý cuối cùng, tôi kìm chặt cổ và hàm con bé. Tôi đẩy chiếc thìa bạc nặng trịch vào sau hàm răng và xuống cổ họng con bé đến khi nó phát nghẹn. Và đây—cả hai hạch amiđan phủ đầy màng giả. Con bé dũng cảm chiến đấu để ngăn tôi biết bí mật của nó. Nó giấu cơn đau họng ít nhất đã ba ngày và nói dối bố mẹ nó chỉ để chạy trốn một kết cục như thế này.

Giờ thì con bé tức giận thực sự. Lúc trước con bé phòng ngự nhưng giờ thì nó tấn công. Cố gắng vuột khỏi lòng cha nó và chồm tới tôi trong khi những giọt nước mắt thất bại che mờ đôi mắt.

William Carlos Williams, “The Use of Force,” Life along the Passaic River (New Directions, 1938).

Copyright © 1938 by William Carlos Williams | Bản dịch © 2014 Nguyễn Huy Hoàng.

 

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Information

This entry was posted on November 30, 2014 by in Truyện and tagged .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

%d bloggers like this: