Photograph by Just Loomis, “Untitled” (2002)
Roberto Bolaño sinh năm 1953 ở Santiago, Chilê. Được ca ngợi là giọng nói văn chương quan trọng nhất của Mỹ Latin trong thế hệ mình, ông đã được trao giải Rómulo Gallegos danh giá năm 1999 cho cuốn Los detectives salvajes. Tuy coi mình trước hết là một nhà thơ, danh tiếng của ông chủ yếu đến qua những cuốn tiểu thuyết như Amberes, Nocturno de Chile, và 2666. Nhiều bản thảo của ông tiếp tục được xuất bản sau khi ông qua đời vì suy gan năm 2003.
Em có bộ ngực lớn, đôi chân mảnh khảnh và cặp mắt màu xanh dương. Đó là cách tôi muốn nhớ về em. Tôi không biết tại sao tôi cảm thấy yêu em đến rồ dại, nhưng tôi đã yêu, và lúc đầu, ý tôi là từ những ngày đầu tiên, những giờ đầu tiên, mọi thứ đều tốt đẹp; rồi khi Clara trở về thành phố nơi em sống ở miền Nam Tây Ban Nha (em đi nghỉ mát ở Barcelona), tất cả bắt đầu tan vỡ.
Một đêm tôi mơ thấy một thiên thần: tôi bước vào một quán ba rộng lớn, trống trải và thấy hắn đang ngồi một góc, chống khuỷu tay lên bàn, cốc cà phê sữa đặt trước mặt. Cô ấy là tình yêu của đời ngươi, hắn nói, nhìn tôi, rồi sức mạnh từ cái nhìn của hắn, ngọn lửa trong đôi mắt hắn, quăng tôi sang phía bên kia căn phòng. Tôi bắt đầu la hét, Bồi bàn, bồi bàn, rồi mở mắt ra và thoát khỏi giấc mơ tuyệt vọng. Những đêm khác tôi không mơ thấy ai, nhưng toàn tỉnh dậy trong nước mắt. Trong thời gian đó, tôi và Clara vẫn viết thư cho nhau. Những lá thư của em rất ngắn. Chào anh, anh khỏe không, trời đang mưa, tạm biệt. Lúc đầu, những lá thư này khiến tôi thấy sợ. Thế là hết, tôi nghĩ. Nhưng rồi sau khi đọc chúng kỹ hơn, tôi rút ra kết luận rằng em viết thư súc tích như thế là do muốn tránh lỗi ngữ pháp. Clara rất kiêu hãnh. Em viết không tốt, và em không muốn thể hiện điều đó dẫu như thế có nghĩa là làm tổn thương tôi bằng vẻ lạnh nhạt.
Hồi đó em mới mười tám. Em bỏ học để theo đuổi âm nhạc tại một học viện tư, vẽ vời với một họa sĩ phong cảnh đã nghỉ hưu, vậy nhưng em chẳng thích thú gì với âm nhạc, mà hội họa cũng thế: em thích nó, nhưng em không thể lấy đó làm đam mê. Một hôm tôi nhận được thư của em, cũng với phong cách ngắn gọn thường thấy, thông báo em sắp tham gia một cuộc thi sắc đẹp. Lá thư của tôi lấp kín ba tờ giấy hai mặt là bài tán dương quá thể vẻ đẹp dịu êm, ánh mắt ngọt ngào, dáng hình hoàn hảo của em. Lá thư sến súa đến nỗi viết xong tôi đã băn khoăn không biết có nên gửi nó đi không, nhưng cuối cùng tôi vẫn gửi.
Mấy tuần trôi qua tôi không có tin gì từ em. Tôi có thể gọi điện, nhưng tôi không muốn làm phiền, vả lại lúc đó tôi cũng chẳng còn một xu dính túi. Clara về nhì cuộc thi và sầu não suốt cả tuần trời. Thật bất ngờ là em gửi cho tôi một bức điện tín, “Á HẬU. CHẤM. NHẬN ĐƯỢC THƯ ANH RỒI. CHẤM. GẶP EM.”
Một tuần sau, tôi bắt xe lửa đến thành phố nơi em sống, chuyến đầu tiên của ngày hôm đó. Tất nhiên là trước đó, ý tôi là sau bức điện tín, chúng tôi có nói chuyện qua điện thoại, tôi đã phải nghe câu chuyện cuộc thi sắc đẹp tới mấy lần. Rõ ràng nó có tác động rất lớn tới Clara. Thế nên tôi gói ghém đồ đạc và bắt chuyến tàu sớm nhất có thể, rồi sáng sớm hôm sau tôi đã đến đó, một thành phố xa lạ. Tôi đến căn hộ của Clara lúc chín rưỡi, sau khi uống một cốc cà phê ở ga tàu và đốt mấy điếu thuốc để giết thời gian. Một người đàn bà béo có mái tóc rối bù ra mở cửa, và khi tôi nói tôi đến gặp Clara bà nhìn tôi cứ như tôi là con cừu trên đường tới lò giết mổ. Trong mấy phút (lúc đó tưởng như dài vô tận, mà sau này khi nghĩ lại mọi chuyện, tôi nhận ra quả thật là thế), tôi ngồi đợi Clara trong phòng khách, một căn phòng có vẻ có không khí tiếp đón, không vì lý do gì đặc biệt, hơi quá lộn xộn nhưng dễ chịu và đầy ánh sáng. Khi Clara bước vào, tôi tưởng như em là một nữ thần hiển hiện. Tôi biết nghĩ thế thì thật ngu ngốc, và nói thế thì thật ngu ngốc, nhưng nó là thế.
Những ngày sau đó dễ chịu và không dễ chịu. Chúng tôi xem rất nhiều phim, gần như một bộ một ngày; chúng tôi làm tình (tôi là gã đầu tiên Clara ngủ cùng, nghe có vẻ ngẫu nhiên hay vặt vãnh, nhưng cuối cùng điều đó lại khiến tôi vô cùng khổ sở); chúng tôi đi dạo; tôi gặp gỡ bạn bè của Clara; chúng tôi đến dự hai bữa tiệc khủng khiếp; và tôi đề nghị em đến sống cùng tôi ở Barcelona. Dĩ nhiên lúc đó tôi thừa biết câu trả lời của em sẽ như thế nào. Một tháng sau, tôi bắt chuyến tàu đêm về Barcelona; tôi nhớ đó là một chuyến đi tồi tệ.
Không lâu sau, Clara giải thích trong bức thư dài nhất em từng gửi tôi tại sao em không thể tiếp tục: Tôi đã đặt em dưới sức ép không thể chịu đựng được (bằng cách gợi ý chúng tôi đến sống cùng nhau); thế là hết. Chúng tôi nói chuyện ba hay bốn lần qua điện thoại. Tôi nghĩ tôi cũng viết cho em một lá thư đầy lời lăng mạ và tuyên ngôn về tình yêu. Một lần khi đang trên đường đến Maroc, tôi gọi cho em từ khách sạn nơi tôi đang nghỉ, ở Algeciras, và đó là lần chúng tôi có thể trò chuyện một cách lịch sự. Chí ít là em nghĩ nó lịch sự. Hoặc tôi nghĩ thế.
*
Mấy năm sau, Clara kể tôi nghe giai đoạn của cuộc đời em mà tôi đã bỏ lỡ một cách không thể cứu vãn. Rồi mấy năm sau nữa, cả em và mấy người bạn của em lại kể cho tôi về cuộc đời em lại từ đầu; bắt đầu từ lúc bắt đầu, hay lúc chúng tôi chia tay, từ khi tôi chỉ là một nhân vật phụ, điều đó thật ra cũng chẳng khác gì đối với họ, hay đối với tôi, dẫu không dễ gì thừa nhận. Cũng dễ đoán được, không lâu sau dấu chấm hết cho ước hẹn đính hôn giữa chúng tôi (tôi biết “đính hôn” là cường điệu, nhưng đó là từ tốt nhất mà tôi tìm được), Clara kết hôn, và gã đàn ông may mắn, hợp lý làm sao, là một trong những người bạn mà tôi đã gặp trong chuyến đi đầu tiên tới thành phố của em.
Nhưng trước đó em có vấn đề tâm lý: em thường mơ về lũ chuột; hằng đêm em thường nghe thấy chúng trong phòng ngủ của mình, và hàng tháng trời, hàng tháng trời cho đến lúc kết hôn, em phải ngủ trên ghế sofa phòng khách. Tôi đoán lũ chuột khốn nạn kia biến mất sau đám cưới.
Vậy đấy. Clara đã kết hôn. Và gã chồng, gã chồng thân yêu của Clara đã khiến mọi người bất ngờ, kể cả em. Sau đúng một hoặc hai năm, tôi không chắc lắm, Clara đã kể cho tôi mà tôi quên rồi, hai người chia tay. Đó không phải cuộc chia tay trong thân tình gì. Gã chồng hét, Clara hét, em tát gã, gã đáp trả bằng một cú đấm trật khớp hàm em. Đôi lúc chỉ có tôi một mình và chẳng ngủ được nhưng không muốn bật đèn, tôi nghĩ về Clara với cái hàm treo lỏng lẻo không thể khép lại như vốn dĩ, lái xe đến bệnh viện gần nhất với một tay đặt trên vô lăng còn tay kia đỡ bộ xương hàm. Tôi cố nghĩ nó buồn cười, nhưng tôi không thể.
Cái tôi thấy buồn cười là đêm tân hôn của em. Em có ca phẫu thuật búi trĩ hôm trước đó nên tôi đoán em vẫn hơi chút chếnh choáng. Hoặc có thể không. Tôi chưa bao giờ hỏi em có thể làm tình với chồng em không. Tôi nghĩ họ đã làm thế trước ca phẫu thuật rồi. Mà thế thì có quan trọng gì? Những chi tiết này nói về tôi nhiều hơn là nói về em.
Dù sao đi nữa, Clara cũng đã chia tay gã chồng sau một hay hai năm kết hôn và bắt đầu đi học. Em chưa tốt nghiệp trung học nên không thể được nhận vào đại học, nhưng em cố gắng học mọi thứ khác: nhiếp ảnh, lại vẽ (tôi không hiểu tại sao nhưng em luôn nghĩ em có thể trở thành một họa sĩ giỏi), âm nhạc, đánh máy, tin học, mọi khóa học chứng chỉ một năm với hứa hẹn dẫn đến những cơ hội nghề nghiệp mà bao người trẻ tuyệt vọng cố nắm bắt. Và dù hạnh phúc vì thoát khỏi gã chồng từng đánh đập em, trong thâm tâm Clara vô cùng tuyệt vọng.
Lũ chuột trở lại, cơn trầm cảm, các căn bệnh bí hiểm cũng thế. Em được điều trị cho một vết loét trong hai hay ba năm cho đến khi bác sĩ cuối cùng cũng phát hiện ra là chẳng có gì bất thường, ít nhất trong dạ dày em. Khoảng thời gian đó em gặp Luis, một tay giám đốc điều hành; họ trở thành người yêu, và hắn thuyết phục em theo đuổi ngành học nào đó liên quan đến quản trị kinh doanh. Theo những người bạn của Clara, cuối cùng em đã tìm được tình yêu của đời mình. Chẳng bao lâu, họ đến sống cùng nhau; Clara có được một công việc trong văn phòng, một văn phòng luật hay một cơ quan nào đó—một công việc thú vị, Clara bảo, không chút mỉa mai—và cuộc sống của em lần này có vẻ đã về đúng nhịp. Luis là một gã nhạy cảm (hắn chưa bao giờ đánh em), có văn hóa (tôi tin hắn là một trong hai triệu người Tây Ban Nha mua trả góp trọn bộ tác phẩm của Mozart), và cũng kiên nhẫn (hắn lắng nghe, lắng nghe em mỗi đêm và vào cuối tuần). Clara không có nhiều điều để nói về bản thân mình, nhưng em kể nó không biết mệt. Em không còn phiền muộn vì cuộc thi sắc đẹp nữa, dẫu em vẫn nhắc đến nó hết lần này đến lần khác; giờ thì mọi chuyện là về những khoảng thời gian em trầm cảm, tinh thần bất ổn của em, về những bức tranh em muốn mà chưa vẽ.
Tôi không biết tại sao họ lại không có con; có thể họ không có thời gian, dù theo Clara, Luis phát cuồng vì lũ trẻ. Em dành thời gian để học, nghe nhạc (Mozart, sau này có cả những nhà soạn nhạc khác), và chụp những tấm ảnh mà em không cho ai xem bao giờ. Bằng cái cách mơ hồ và vô dụng của riêng em, em cố gắng bảo vệ tự do của em, cố gắng học.
Ở tuổi ba mươi mốt, em ngủ với một gã ở cùng văn phòng. Đó chỉ là điều gì đó tự nhiên xảy đến, chẳng phải to tát, ít nhất là với hai người họ, nhưng sai lầm là Clara đã kể với Luis. Cuộc chiến thật khủng khiếp. Luis đập vỡ một cái ghế hay một bức tranh hắn từng mua, say xỉn và câm lặng với em cả một tháng trời. Theo Clara, từ ngày đó mọi chuyện chẳng bao giờ trở lại như cũ, bất chấp nỗ lực hòa giải, bất chấp chuyến đi tới một ngôi làng bên bờ biển, một chuyến đi khá buồn và tầm thường, hóa ra.
Đến tuổi ba mươi hai, đời sống tình dục của em gần như không tồn tại. Một thời gian ngắn trước khi em bước sang tuổi ba mươi ba, Luis bảo em rằng hắn yêu em, hắn tôn trọng em, hắn sẽ không bao giờ quên em, nhưng mấy tháng nay hắn đã để ý đến một người ở cùng chỗ làm, đã ly dị và có con, một phụ nữ tốt và chu đáo, và hắn đã lên kế hoạch để rời đến sống cùng cô ấy.
Bề ngoài, Clara đón nhận cú chia tay khá tốt (đó là lần đầu tiên ai đó rời bỏ em). Nhưng rồi mấy tháng sau, em lại sa vào cơn trầm cảm và phải nghỉ việc một thời gian để đi chữa trị tâm thần mà không đỡ gì nhiều lắm. Thứ thuốc em phải uống ức chế đời sống sinh lý của em dù em đã chủ tâm ngủ với những người đàn ông khác, trong đó có tôi, nhưng không thỏa mãn. Em bắt đầu nói chuyện về lũ chuột lần nữa; chúng sẽ không chịu buông tha em. Khi lo lắng em liên tục đi vào nhà tắm. (Cái đêm chúng tôi ngủ cùng nhau, em phải thức dậy đi tiểu đến mười lần.) Em kể về em ở ngôi thứ ba. Thực ra, có lần em kể với tôi trong tâm hồn em có ba Clara: một cô gái nhỏ, một bà già bị gia đình em nô dịch, và một phụ nữ trẻ, Clara đời thực, lúc nào cũng muốn rời khỏi thành phố này mãi mãi, muốn vẽ, muốn chụp ảnh, du lịch, và sống. Mấy ngày đầu sau khi chúng tôi quay lại, tôi đã lo cho mạng sống của em. Có đôi lúc tôi không muốn đi mua sắm vì sợ khi quay lại sẽ phát hiện ra em đã chết, nhưng ngày qua ngày nỗi sợ hãi của tôi cũng dần dà phai đi, và tôi nhận ra (hoặc có lẽ tự thuyết phục mình) rằng Clara sẽ không tự lấy đi mạng sống của em; em sẽ không tự gieo mình khỏi ban công căn hộ, sẽ không làm bất cứ chuyện gì.
Ít lâu sau tôi rời bỏ em, nhưng lần này tôi quyết định sẽ gọi cho em thường xuyên và giữ liên lạc với một trong mấy người bạn của em, người có thể báo tin giùm tôi (dù chỉ thỉnh thoảng). Nhờ đó tôi tình cờ biết được một vài chuyện mà không biết thì sẽ tốt hơn, những chuyện chẳng giúp ích gì cho tâm hồn tôi thanh thản, những kiểu tin tức mà một kẻ ích kỷ sẽ luôn cố tránh. Clara đi làm trở lại (những thứ thuốc mới em uống đã tạo nên điều kỳ diệu cho tâm trí em), và không lâu sau đó, tay quản lý, có lẽ để trả đũa vì em vắng mặt quá lâu, đã chuyển em đến một chi nhánh ở thành phố Andalusian dù cách đó không xa lắm. Em chuyển đi, bắt đầu đến phòng tập (ở tuổi ba mươi tư em không còn vẻ đẹp mà tôi từng biết năm em mười bảy), và kết bạn mới. Đó là lý do em gặp Paco, một gã đã ly dị, như em.
Họ nhanh chóng kết hôn. Lúc đầu, Paco nói với bất cứ ai sẵn sàng nghe gã nghĩ gì về những bức ảnh và tranh vẽ của Clara. Còn Clara nghĩ gã thông minh và trang nhã. Nhưng rồi theo thời gian, Paco không còn quan tâm đến những cố gắng thẩm mỹ của Clara và muốn có con. Clara đã ba mươi lăm và mới đầu chẳng thiết tha gì ý tưởng này, nhưng rồi nghĩ lại và họ đã có một đứa con trai. Theo Clara, đứa bé thỏa mãn mọi mong mỏi của em, đó là từ em dùng. Theo bạn bè em, em ngày một tệ hơn, tôi không hiểu lắm điều đó nghĩa là gì.
Một lần, vì những lý do không liên quan đến câu chuyện này, tôi phải nghỉ lại một đêm ở thành phố của Clara. Tôi gọi cho em từ khách sạn, báo cho em nơi tôi ở và sắp xếp gặp em vào ngày hôm sau. Tôi rất muốn gặp em đêm đó, nhưng có thể sau lần gặp gỡ cuối cùng Clara đã xem tôi là một dạng kẻ thù, có lẽ với lý do chính đáng, thế nên tôi không cố nài.
Gần như không thể nhận ra em. Em đã tăng cân và dù có trang điểm, gương mặt em vẫn trông như thể bị tàn phá, không phải bởi thời gian mà bởi sự thất vọng, điều đó khiến tôi ngạc nhiên vì tôi chưa bao giờ nghĩ Clara có mong mỏi bất cứ điều gì. Mà nếu không hy vọng điều gì thì làm sao có thể thất vọng? Nụ cười của em cũng đã trải qua một sự biến đổi. Nó từng ấm áp và hơi ngớ ngẩn, nụ cười của một cô gái trẻ đến từ tỉnh lỵ, giờ thì nó trở thành một nụ cười khổ sở, đau đớn, và dễ dàng nhận ra những hờn ghen, oán giận, đố kỵ ẩn đằng sau. Chúng tôi hôn lên má nhau như hai kẻ ngốc rồi ngồi xuống; trong một lúc lâu chẳng biết phải nói gì. Tôi là người phá vỡ bầu im lặng. Tôi hỏi về con trai em; em bảo tôi thằng bé đang ở nhà trẻ, rồi hỏi về con trai tôi. Nó khỏe, tôi đáp. Cả hai đều nhận ra nếu chúng tôi không làm gì đó, cuộc gặp này sẽ trở nên hết sức buồn. Trông em thế nào? Clara hỏi. Nghe cứ như thể em đang yêu cầu tôi tát em vậy. Vẫn như trước, tôi tự động trả lời. Tôi nhớ chúng tôi đã uống cà phê rồi đi bộ dọc theo một con đường có hàng cây tiêu huyền dẫn thẳng tới nhà ga. Chuyến tàu của tôi sắp khởi hành. Chúng tôi nói lời tạm biệt ở cửa nhà ga, và đó là lần cuối cùng tôi gặp em.
Chúng tôi nói chuyện qua điện thoại mấy lần trước khi em mất. Tôi thường gọi cho em mỗi ba hoặc bốn tháng. Từ kinh nghiệm, tôi biết không nên đả động đến vấn đề cá nhân hay thân mật (như chúng ta chỉ nói chuyện về bóng đá với người lạ ở quán bar), thế nên chúng tôi chỉ nói chuyện về gia đình em, mà trong những cuộc nói chuyện đó nó trừu tượng như một bài thơ lập thể, hoặc về trường học của con trai em, hoặc về công việc của em; em vẫn làm ở văn phòng cũ, và qua nhiều năm em biết mọi chuyện về đồng nghiệp của em và cuộc sống của họ, mọi vấn đề mà những người giám đốc gặp phải—những bí mật đó đem đến cho em một niềm vui mãnh liệt và có lẽ hơi thái quá. Có lần tôi đã cố gắng dụ em nói gì đó về chồng em, nhưng em im lặng. Em xứng đáng với những gì tốt nhất, tôi bảo em. Buồn cười thật đấy, Clara đáp. Buồn cười gì cơ? tôi hỏi. Buồn cười là anh nói thế, anh chứ không phải ai khác, em nói. Tôi cố gắng nhanh chóng đổi chủ đề, lấy cớ là tôi sắp hết tiền xu (tôi chưa và sẽ không bao giờ có điện thoại riêng, tôi luôn gọi từ bốt điện thoại công cộng), vội vã nói lời tạm biệt, rồi cúp máy. Tôi nhận ra tôi không thể đối mặt với một cuộc cãi vã nào nữa với Clara; tôi không thể nghe em đưa ra thêm một trong vô số lời biện hộ của em được nữa.
*
Một đêm gần đây, em bảo tôi em mắc ung thư. Giọng em lạnh như mọi lần, cái giọng mà em từng nói với tôi khi em thông báo em tham gia cuộc thi sắc đẹp, cái giọng mà em kể lại câu chuyện của cuộc đời mình với sự thờ ơ của một người kể chuyện kém cỏi, đặt dấu chấm than ở những nơi không cần thiết và bỏ qua những phần mà đáng lẽ em nên nói, những đoạn mà đáng lẽ em nên xoáy vào. Tôi nhớ tôi hỏi em đã đến gặp bác sĩ chưa, là em tự chẩn đoán bệnh ung thư phải không (hoặc giả có Paco giúp đỡ). Đương nhiên, em nói. Tôi nghe thấy gì như tiếng kêu ở đầu dây điện thoại bên kia. Em đang cười. Chúng tôi nói chuyện qua loa về lũ trẻ, rồi, hẳn phải rất cô đơn hay buồn chán, em bảo tôi kể em nghe về cuộc đời tôi. Tôi lập tức bịa ra gì đó rồi nói tôi sẽ gọi lại cho em vào tuần tới. Đêm hôm đó tôi không thể ngủ ngon giấc. Tôi gặp ác mộng rồi lại ác mộng, choàng tỉnh, la hét, tự trấn an mình rằng Clara chỉ nói dối tôi thôi: em không mắc ung thư; chắc chắn có chuyện gì đó đã xảy đến với em, cái cách mọi thứ diễn ra trong hai mươi năm qua, những chuyện vớ vẩn, vặt vãnh, tất cả thật ngớ ngẩn và nực cười, nhưng em không mắc ung thư. Lúc đó là năm giờ sáng. Tôi dậy rồi đi bộ ra Paseo Marítimo, thật lạ là gió lùa từ sau lưng vì thường gió thổi từ biển vào thị trấn chứ hiếm khi đổi hướng ngược lại. Tôi cứ đi cho đến khi đến cái bốt điện thoại cạnh một trong những quán cà phê lớn nhất ở Paseo Marítimo. Sân hiên trống trải, đám ghế được xích lại quanh những chiếc bàn. Xa hơn một chút, ở gần bờ biển, một gã ăn mày đang ôm đầu gối ngủ trên chiếc ghế băng, thỉnh thoảng rùng mình như gặp cơn ác mộng.
Tôi gọi số duy nhất không phải của Clara ở thành phố của em có trong danh bạ của tôi. Sau một lúc lâu, giọng một người phụ nữ nghe máy. Tôi giới thiệu mình rồi đột nhiên tôi nhận ra tôi không còn gì để nói. Tôi nghĩ cô đã gác máy, nhưng rồi nghe thấy tiếng tách của bật lửa và tiếng khói thuốc rít qua môi. Anh còn đó chứ? người phụ nữ hỏi. Vâng, tôi đáp. Anh nói chuyện với Clara chưa? Rồi, tôi đáp. Nó đã báo anh biết nó bị ung thư chưa? Rồi, tôi đáp. Phải, chuyện đó là thật.
Khoảng thời gian từ lúc tôi gặp Clara đột nhiên ùa về, mọi thứ trong cuộc sống của tôi mà hầu hết chẳng liên quan gì đến em. Tôi không biết người phụ nữ còn nói gì nữa ở đầu dây bên kia, cách ngàn cây số; tôi nghĩ dù không cố ý, như trong bài thơ của Rubén Darío, tôi bắt đầu bật khóc. Tôi lục túi tìm điếu thuốc, lắng nghe những mảnh vỡ của câu chuyện: bác sĩ, phẫu thuật, cắt bỏ vú, thảo luận, bất đồng quan điểm, bàn cãi, các hoạt động của một Clara mà giờ tôi không thể gặp, vuốt ve hay giúp đỡ. Một Clara chẳng thể nào cứu vớt được tôi bây giờ.
Khi tôi gác máy, gã ăn mày đang đứng cách tôi chỉ hơn một mét. Tôi không nghe tiếng gã lại gần. Gã rất cao, mặc hơi ấm so với mùa này, nhìn tôi chăm chú như thể gã bị cận hay sợ tôi bất ngờ làm gì. Tôi quá buồn đến nỗi chẳng hề thấy sợ, nhưng sau đó khi đi bộ về qua những con đường quanh co trong thị trấn, tôi nhận ra khi thấy hắn tôi đã quên Clara trong phút chốc, lần đầu tiên và duy nhất.
Chúng tôi nói chuyện qua điện thoại khá nhiều lần sau đó. Có những tuần tôi gọi cho em hai lần mỗi ngày. Cuộc gọi của chúng tôi ngắn và ngu ngốc, và không cách nào mà tôi có thể nói những gì tôi thực sự muốn nói, thế nên tôi nói về mọi thứ, thứ đầu tiên hiện ra trong đầu tôi, những thứ vô nghĩa tôi mong sẽ khiến em cười. Có lần tôi ủy mị đến nỗi tôi cố gắng gợi lại những ngày đã qua nhưng Clara lại phủ lên người lớp áo giáp băng giá của em, tôi nhanh chóng nhận ra thông điệp của em nên đành gác lại những nỗi luyến tiếc. Càng gần đến ngày phẫu thuật tôi càng gọi cho em nhiều hơn. Có lần tôi nói chuyện với con trai em. Lần khác là Paco. Cả hai có vẻ đều ổn, nghe có vẻ đều ổn, ít nhất cũng không lo lắng như tôi. Có thể tôi đã nhầm. Thực tế là chắc chắn đã nhầm. Một buổi chiều Clara bảo, Mọi người đều lo cho em. Tôi nghĩ ý em là chồng và con trai em, nhưng “mọi người” bao hàm nhiều người hơn thế, nhiều hơn tôi có thể tưởng tượng, mọi người. Buổi chiều trước hôm phẫu thuật, tôi gọi cho em. Paco nghe máy. Clara không có ở đó. Đã hai ngày chẳng ai thấy em hay nghe tin gì từ em. Từ giọng điệu của Paco tôi nghĩ gã nghi ngờ em đang ở bên tôi. Tôi nói thẳng với gã, Clara không ở đây, nhưng tối hôm đó tôi hy vọng bằng cả trái tim rằng em sẽ đến nhà tôi. Tôi để đèn chờ em rồi cuối cùng ngủ quên trên xô pha và mơ thấy một cô gái xinh đẹp, không phải Clara: một cô gái cao, mảnh khảnh, có bộ ngực nhỏ, đôi chân dài và cặp mắt sâu màu nâu, không phải và cũng không bao giờ là Clara, và sự hiện diện của cô đã xóa sạch hình ảnh của Clara, giờ chỉ còn là một phụ nữ bốn mấy tuổi lạc lõng, nghèo khó, và run rẩy.
Em không đến nhà tôi.
Hôm sau tôi gọi cho Paco. Hai hôm sau đó tôi gọi lại. Vẫn không có dấu hiệu nào của Clara. Lần thứ ba tôi gọi, Paco nói chuyện về con trai gã và phàn nàn thái độ của Clara. Đêm nào tôi cũng nghĩ xem cô ấy có thể ở đâu, gã nói. Từ giọng của gã và cách câu chuyện đổi hướng, tôi nhận ra thứ gã cần ở tôi, hoặc ở ai khác, bất cứ ai, là tình bạn. Nhưng tôi không thể cho gã thứ an ủi đó.
Roberto Bolaño, “Clara,” The Return, trans. Chris Andrews (New Directions, 2010).
Copyright © 1997 by Roberto Bolaño | Nguyễn Huy Hoàng dịch.
Bản dịch này được thực hiện với sự tham khảo bản gốc tiếng Tây Ban Nha, “Clara,” trong Bolaño, Llamadas telefónicas (Barcelona: Editorial Anagrama, 1997).