Illustration by Ben Newman for The New Yorker
Samanta Schweblin (1978–), nhà văn người Argentina, là tác giả của ba tập truyện ngắn với một số giải thưởng, trong đó có giải Casa de la Américas năm 2008 và giải Juan Rulfo năm 2012, và một cuốn tiểu thuyết, Distancia de rescate (2014, bản dịch tiếng Anh Fever Dream của Megan McDowell), tác phẩm lọt vào vòng chung khảo giải Man Booker Quốc tế năm 2017.
Tôi biết Enrique Duvel được thừa hưởng rất nhiều tiền và dù thỉnh thoảng người ta có thấy cậu ta với vài người đàn bà, cậu ta vẫn sống với mẹ. Vào các ngày Chủ nhật cậu ta lái quanh quảng trường trong chiếc mui trần, mê mải, không nhìn cũng không chào hỏi người hàng xóm nào, rồi biến mất đến cuối tuần sau. Tôi có một cửa hàng đồ chơi thừa hưởng từ cha mình, và một hôm tôi bắt gặp cậu ta trên phố, nhìn chằm chằm một cách đáng ngờ vào cửa sổ trưng bày. Tôi kể chuyện này với Mirta, vợ tôi, cô bảo có lẽ tôi nhầm cậu ta với người khác. Nhưng rồi cô cũng thấy cậu ta. Phải, mấy buổi chiều cậu ta đứng trước cửa hàng đồ chơi một lúc, nhìn qua cửa sổ.
Lần đầu bước vào trông cậu ta có vẻ ngần ngại, như thể cậu ta xấu hổ và không chắc mình đang tìm gì. Cậu ta đứng cạnh quầy và nhìn lên các kệ. Tôi chờ cậu ta lên tiếng. Cậu ta mần mò chùm chìa khóa xe một lúc, rồi cuối cùng hỏi một bộ máy bay mô hình. Tôi hỏi cậu ta có muốn gói lại không nhưng cậu ta bảo không.
Mấy hôm sau cậu ta quay lại. Một lần nữa, cậu ta nhìn qua cửa sổ một lúc, rồi bước vào và hỏi cái máy bay mô hình tiếp theo trong bộ. Tôi hỏi cậu ta là nhà sưu tập à nhưng cậu ta bảo không.
Trong mấy lần đến tiếp theo, cậu ta mua ô tô, tàu thủy, và tàu hỏa mô hình. Hầu như tuần nào cậu ta cũng đến, lần nào cũng ra về với một món đồ. Một đêm, tôi ra ngoài đóng cửa chớp cửa hàng và thấy cậu ta ở đó, một mình trước cửa sổ. Mất một phút tôi mới nhận ra cậu ta, mới hiểu ra người đàn ông run rẩy với gương mặt đỏ bừng và đôi mắt ướt này thực sự có thể là Enrique Duvel. Tôi không thấy xe của cậu ta đâu, và trong một tích tắc tôi nghĩ nó đã bị đánh cắp.
“Duvel? Cậu không sao chứ?”
Cậu ta làm một cử chỉ khó hiểu.
“Tốt nhất tôi nên ở đây,” cậu ta nói.
“Ở đây? Mẹ anh thì sao?”
Tôi lập tức hối hận vì đã hỏi như thế, sợ xúc phạm đến cậu ta, nhưng cậu ta nói, “Bà ấy khóa mình trong nhà và cầm hết chìa khóa rồi. Bà ấy nói không muốn thấy tôi nữa.”
Chúng tôi đứng đó nhìn nhau, không biết phải nói gì.
“Tốt nhất tôi nên ở đây,” cậu ta nhắc lại.
Tôi biết Mirta sẽ không bao giờ đồng ý, nhưng lúc đó gần hai mươi phần trăm thu nhập hằng tháng của tôi là nhờ cậu ta, và tôi không thể đuổi cậu ta đi được.
“Nhưng, cậu thấy đấy, Duvel… ở đây không có chỗ ngủ.”
“Tôi sẽ trả tiền qua đêm,” cậu ta nói. Cậu ta lần túi. “Tôi không mang theo tiền…. Nhưng tôi có thể làm việc. Chắc chắn có việc gì đó tôi có thể làm.”
Dù biết không phải là ý hay, tôi vẫn đưa cậu ta vào. Cửa hàng tối om lúc chúng tôi bước vào. Khi tôi bật đèn, ánh sáng phản chiếu lấp lánh trong đôi mắt cậu. Có điều gì đó mách bảo tôi cả đêm Duvel sẽ không ngủ và tôi sợ bỏ mặc cậu ta mà không có gì để làm. Có một đống hộp đồ chơi cao chót vót mà tôi chưa có thời gian phân loại, và tôi hình dung cảnh Duvel giàu có và lịch sự—đôi khi là chủ đề ngồi lê đôi mách của đám bạn gái của Marta—lấp đầy các kệ trống trong đêm. Giao nó cho cậu ta có thể sẽ có vấn đề, tôi nghĩ, nhưng ít nhất nó cũng khiến cậu ta bận rộn.
“Cậu xếp được mấy cái hộp này không?”
Cậu ta gật đầu.
“Mai tôi sẽ sắp xếp mọi thứ. Cậu chỉ cần phân loại những cái này theo từng loại.” Tôi đến chỗ hàng hóa. “Bộ ghép hình đi với bộ ghép hình, ví dụ thế. Chỗ thì có sẵn đây rồi, chỉ cần để mọi thứ nhóm lại với nhau, ở đây, trên mấy cái kệ này. Nếu mà—”
“Tôi rõ rồi,” Duvel ngắt lời.
Cậu ta bước đi khỏi chỗ tôi, mắt dán chặt xuống sàn, ngón trỏ khẽ cử động như thể cậu ta muốn ra hiệu cho tôi im lặng, nhưng nỗi xấu hổ giữ cậu ta lại. Tôi định bảo cậu ta là chỉ có một cái ghế cũ trong kho để ngủ, và cho cậu ta mấy lời khuyên về cái tay cầm trong nhà vệ sinh, nhưng không muốn làm phiền cậu ta nữa. Tôi để cậu ta ở đó rồi về mà không chào tạm biệt.
***
Ngày hôm sau tôi đến cửa hàng sớm hơn vài phút; nhẹ nhõm khi thấy cửa chớp đã kéo lên. Chỉ khi bước vào tôi mới nhận ra để Duvel ở đó một mình là sai lầm khủng khiếp. Chẳng có gì để đúng chỗ. Nếu lúc đó có khách hàng nào bước vào và hỏi mua một nhân vật siêu anh hùng nào đó thì tôi sẽ mất cả sáng để tìm ra. Tôi còn nhớ mình đã nghĩ đến Mirta và xem giải thích sao với cô, và cả cơn kiệt sức đột ngột mà tôi cảm nhận được khi tính toán sẽ mất bao nhiêu giờ để sắp xếp lại mọi thứ. Rồi tôi nhận ra một điều nữa, một điều vô cùng kỳ lạ đến mức trong một lúc tôi không thể hiểu nổi: Duvel đã sắp xếp lại mọi thứ trong cửa hàng theo màu sắc. Đất nặn, các bộ bài, các con búp bê hình đứa bé đang bò, ô tô đạp chân—tất cả đều bị trộn lẫn với nhau và sắp xếp theo màu sắc. Trong các ô trưng bày, dọc các lối đi, trên các kệ: một dải cầu vồng đổi màu tinh tế từ đầu này sang đầu bên kia cửa hàng. Tôi vẫn nhớ cảnh tượng ấy như khởi đầu của thảm họa. Cậu ta phải đi thôi, tôi nghĩ. Tôi phải tống cổ người này ra khỏi cửa hàng ngay lập tức.
Duvel đang nhìn tôi. Cậu ta rất nghiêm túc, đứng đó trước cải cầu vồng vĩ đại của mình. Tôi đang cố tìm lời để nói điều tôi muốn nói thì cậu ta nhìn cái gì đó sau lưng tôi. Tôi quay ra phố xem đó là gì. Ngoài cửa sổ, một người đàn bà và hai đứa con đang nhìn vào cửa hàng. Tay họ áp lên kính như các miếng chắn nắng trong lúc sôi nổi nói chuyện về cảnh tượng họ thấy, như thể cái gì đó kỳ diệu đang di chuyển dọc các lối đi. Đó là lúc bắt đầu ngày học, và vào giờ này khối nhà đầy trẻ con và bố mẹ vội vã. Nhưng họ không thể không dừng lại trước cửa hàng, tụ thành một đám đông. Đến trưa, cửa hàng đã chật ứ: chưa bao giờ đắt khách như sáng hôm đó. Khó mà tìm được các thứ mọi người yêu cầu, nhưng tôi nhanh chóng nhận ra tôi chỉ cần gọi tên món đồ rồi Duvel sẽ gật đầu và chạy đến lấy nó. Cậu ta tìm đồ dễ và hiệu quả đến mức tôi thấy bối rối.
“Cứ gọi tôi bằng tên thôi,” cậu ta bảo tôi cuối một ngày làm việc dài, “nếu anh thấy được.”
Cách sắp xếp theo màu sắc đã thu hút sự chú ý đến những món đồ vốn chưa bao giờ nổi bật. Ví dụ, những đôi chân nhái màu xanh lá theo sau những con ếch huýt sáo chiếm những dãy màu ngọc lam cuối cùng, trong khi những mảnh ghép mô tả các dòng sông băng—nâu đậm trên nền đất của bức ảnh—khép lại vòng cầu vồng bằng cách kết hợp các đỉnh núi tuyết với những quả bóng chuyền và các con sư tử trắng nhồi bông.
Hôm ấy cửa hàng không đóng cửa nghỉ trưa, cũng như tất cả các ngày sau đó, và dần dần chúng tôi bắt đầu lùi thời gian đóng cửa. Từ đó Enrique ngủ ở cửa hàng. Mirta đồng ý là chúng tôi nên sắp xếp một chỗ cho cậu ta trong kho. Ban đầu cậu ta phải dùng tạm một tấm nệm trên sàn, nhưng ít lâu sau chúng tôi tìm được giường. Một hai lần một tuần, Enrique lại sắp xếp cửa hàng trong đêm. Cậu ta dựng cảnh bằng các khối xếp hình khổng lồ; chỉnh sửa ánh sáng bên trong bằng cách dựng các bức tường phức tạp bằng đồ chơi trên cửa sổ; xây lâu đài trải dài các lối đi. Có đề nghị trả lương cũng vô ích; cậu ta không quan tâm. “Tôi ở đây là tốt nhất,” cậu ta nói, “tốt hơn cả lương.”
Cậu ta không rời khỏi cửa hàng, ít nhất là tôi chưa thấy bao giờ. Cậu ta ăn đồ Mirta đem đến: những bữa ăn đóng hộp bắt đầu bằng các lát bánh mì với thịt nguội vào buổi tối, và sau này trở thành những bữa trưa và bữa tối công phu.
Enrique không bao giờ chạm vào các bộ mô hình nữa. Chúng chiếm các kệ cao nhất của cửa hàng và luôn luôn ở lại đó. Đó là những thứ duy nhất ở lại một chỗ. Giờ cậu ta thích các bộ ghép hình và board game hơn. Các buổi sáng, nếu đến sớm, tôi sẽ thấy cậu ta ngồi ở bàn với một cốc sữa, chơi hai màu trò Chinese checkers hoặc lắp những mảnh cuối cùng vào một khung cảnh mùa thu vĩ đại. Cậu ta im lặng hơn, nhưng chưa bao giờ thôi chú ý đến khách hàng. Cậu ta bắt đầu có thói quen dọn giường vào buổi sáng và lau bàn và quét sàn sau khi ăn. Làm xong cậu ta sẽ đến chỗ tôi hoặc Mirta—vì việc kinh doanh mở rộng cô đã bắt đầu làm việc sau quầy—và nói, “Tôi dọn giường rồi,” hoặc, “Tôi quét xong rồi,” thậm chí “Tôi làm xong việc phải làm rồi.” Thái độ ấy của cậu ta—khúm núm theo lời Mirta—làm chúng tôi bắt đầu thấy lo, không rõ vì sao.
Một buổi sáng, tôi thấy cậu ta đã dựng một vườn thú nhỏ trên bàn, bằng những con búp bê, gia súc gia cầm, và Lego. Cậu ta uống sữa trong lúc mở cổng cho ngựa và cho chúng chạy, từng con một, đến chỗ cái áo len tối màu giả làm ngọn núi. Tôi chào cậu ta và đến quầy để bắt đầu làm việc. Khi đến chỗ tôi trông cậu ta có vẻ ngượng ngùng.
“Tôi dọn giường rồi,” cậu ta nói, “và đã làm xong—”
“Được rồi,” tôi nói. “Ý tôi là, cậu dọn hay không không quan trọng. Đấy là giường cậu, Enrique.”
Tôi nghĩ chúng tôi đã hiểu nhau, nhưng cậu ta nhìn xuống sàn, càng thêm ngượng ngùng, và nói, “Xin lỗi, tôi sẽ không thế nữa. Cảm ơn anh.”
Sau một thời gian, Enrique cũng thôi sắp xếp lại các bộ ghép hình và board game. Cậu ta đặt chúng lên các kệ bên trên, dọc theo các bộ mô hình, và chỉ lấy ra khi có khách yêu cầu cụ thể.
“Anh phải nói chuyện với cậu ta đi,” Mirta nói. “Người ta sẽ nghĩ mình không còn bộ ghép hình nữa. Cậu ta không dùng đến nữa đâu có nghĩa là nó không phải để bán.”
Nhưng tôi không nói gì. Chuyện kinh doanh vẫn tốt, và tôi không muốn làm tổn thương cậu ta.
Thời gian qua đi, cậu ta bắt đầu từ chối một số món nhất định. Cậu ta chỉ ăn mỗi thịt, khoai tây nghiền, và mì pasta với nước xốt đơn giản. Nếu chúng tôi mang cho cậu ta món khác, cậu ta sẽ đẩy đi, nên Mirta bắt đầu chỉ nấu những món cậu ta thích.
Thỉnh thoảng khách hàng lại cho cậu ta tiền xu, và khi tiết kiệm đủ cậu ta mua một cái cốc nhựa màu xanh dương in nổi một cái xe thể thao trong cửa hàng. Cậu ta dùng nó trong bữa sáng, và buổi sáng, khi báo cáo tình trạng giường và phòng, cậu ta bắt đầu nói thêm, “Tôi rửa cốc rồi.”
Mirta rất lo lắng khi kể cho tôi về một buổi chiều: cô thấy Enrique chơi cùng một cậu bé vào cửa hàng, rồi đột nhiên cậu ta chộp lấy một nhân vật siêu anh hùng và từ chối chia sẻ nó. Khi cậu bé bắt đầu khóc, Enrique hậm hực bỏ đi và tự khóa mình trong kho.
“Anh biết em quan tâm đến Enrique thế nào,” đêm ấy vợ tôi bảo tôi, “nhưng mình không thể để cậu ta cứ làm những chuyện như thế được.”
Dù vẫn còn tài năng sắp xếp lại hàng hóa, dần dà cậu ta cũng thôi chơi với các con búp bê và Lego, và cất trữ chúng cùng với board game và các bộ mô hình trên các kệ trên cao giờ đã chật ứ. Phạm vi đồ chơi mà cậu ta còn sắp xếp và để trong tầm với của khách giờ đã nhỏ và đơn điệu đến mức nó hầu như chỉ thu hút được những đứa trẻ nhỏ tuổi nhất.
“Sao cậu để các thứ cao thế, Enrique?” tôi hỏi.
Cậu ta nhìn các kệ chán nản, như thể, về cơ bản, chúng cũng quá cao đối với chính cậu ta. Nhưng cậu ta không trả lời; càng lúc cậu ta càng im lặng hơn.
Dần dần doanh số bán hàng cũng giảm trở lại. Những dải cầu vồng, những cảnh tượng, các tòa lâu đài của Enrique đã mất đi vẻ huy hoàng của những ngày đầu tiên, khi gần như mọi thứ đồ chơi đều tham gia vào quá trình tái mô hình tận gốc của cậu ta. Mọi thứ bây giờ chỉ diễn ra thấp hơn đầu gối. Enrique gần như luôn cúi gằm xuống hoặc quỳ trước một đống đồ chơi mới, nhỏ hơn và vô định hình hơn bao giờ hết. Cửa hàng bắt đầu vắng khách. Chẳng bao lâu chúng tôi không đã cần Marta giúp nữa, và chỉ còn lại tôi với Enrique.
***
Tôi còn nhớ buổi chiều cuối cùng nhìn thấy Enrique. Cậu ta không muốn ăn trưa, và lang thang khắp các lối đi. Trông cậu ta buồn và cô đơn. Tôi cảm thấy, bất chấp mọi thứ, vợ chồng tôi nợ cậu ta rất nhiều. Tôi muốn làm cậu ta vui lên, nên tôi trèo lên cái thang di động mà tôi chưa dùng đến kể từ khi Enrique bắt đầu giúp tôi ở cửa hàng để với lên các kệ cao nhất. Tôi chọn cho cậu ta một bộ mô hình tàu hỏa kiểu cũ nhập khẩu. Cái hộp ghi nó chứa hơn một ngàn mảnh, và nếu lắp pin thì hệ thống đèn sẽ sáng. Đó là bộ mô hình tốt nhất mà tôi có, và nó đáng giá cả một gia tài. Nhưng Enrique xứng đáng nhận được nó, và tôi muốn cho cậu ta. Tôi trèo xuống với món quà và đứng ở quầy gọi cậu ta. Cậu ta tiến lại từ các kệ xa nhất, một con thú nhồi bông màu tím—tôi nghĩ là một con thỏ—lủng lẳng treo bên tay phải. Tôi gọi cậu ta lần nữa, nhưng bỗng nhiên cậu ta cúi xuống, như thể giật mình, và cứ ở nguyên đó. Đó là một cử động lạ lùng mà tôi không hiểu. Tôi để con tàu ở quầy và từ từ lại gần chỗ cậu ta xem có gì không ổn.
“Enrique, cậu không sao chứ?”
Cậu ta đang khóc, ôm đầu gối. Con thỏ rơi một bên, úp mặt xuống sàn.
“Enrique, tôi muốn cho cậu—”
“Tôi không muốn bị ai đánh nữa,” cậu ta nói.
Tôi tự hỏi có chuyện gì xảy ra mà tôi không nhìn thấy—một khách hàng nào đó làm cậu ta gặp rắc rối hay cậu ta lại cãi nhau với một đứa trẻ khác.
“Nhưng, Enrique, có ai…”
Tôi quỳ xuống cạnh cậu ta. Tôi ước mình có cái tàu mô hình ở ngay đó; thấy cậu ta buồn như thế tôi thật đau lòng. Mirta sẽ biết phải làm gì, dỗ dành cậu ta như thế nào. Rồi cánh cửa dẫn ra phố giật tung ra, gần như đập vào tường, và cả hai người chúng tôi đông cứng lại. Từ sàn nhà, chúng tôi thấy, bên dưới các kệ, hai gót giày cao tiến lại gần theo lối đi bên cạnh.
“Enrique!” Đó là một chất giọng dữ dằn, độc đoán.
Đôi giày cao gót dừng lại và Enrique nhìn tôi sợ hãi. Cậu ta như muốn nói với tôi điều gì đó, và túm chặt cánh tay tôi.
“Enrique!”
Đôi giày bắt đầu di chuyển, lần này về hướng chúng tôi, rồi một người đàn bà xuất hiện ở cuối lối đi.
“Enrique!” Bà ta đùng đùng tiến về chỗ chúng tôi. “Bao lâu nay tao đã đi tìm mày,” bà ta gào lên trong lúc dừng lại rất gần chỗ cậu ta. “Mày ở cái chốn nào thế?”
Bà ta tát cậu ta mạnh đến nỗi làm cậu mất thăng bằng. Rồi bà ta túm tay kéo cậu ta lên. Bà ta rủa tôi, đá con thỏ nhồi bông, rồi gần như lôi Enrique đi. Tôi theo họ mấy bước. Họ đi qua quầy, tiến ra cửa. Khi gần đến nơi, Enrique vấp và ngã xuống sàn. Quỳ trên đầu gối, cậu ta quay lại nhìn tôi. Khuôn mặt cậu ta rúm ró. Bà ta túm tay cậu ta lần nữa, hét lên, “Enrique, đi!”
Tôi đứng như trời trồng, dõi theo mà không làm gì. Ngay trước khi cánh cửa đóng lại, tôi thấy những ngón tay bé nhỏ của cậu ta cố gắng vuột khỏi những ngón tay của bà mẹ, trong lúc bà ta, giận giữ, cúi xuống kéo cậu ta lên.
Samanta Schweblin, “The Size of Things,” The New Yorker (May 29, 2017 Issue).
Copyright © 2009 by Samanta Schweblin | Bản dịch © 2017 Nguyễn Huy Hoàng.