Photo by Evening Standard/Getty Images
Isaac Babel (1894–1940) là nhà văn và nhà soạn kịch người Nga.
Thứ Bảy nào tôi cũng về nhà muộn, sau sáu tiết học ở trường. Đi bộ về qua những con phố đối với tôi chưa bao giờ là phí thời gian. Nó rất tốt cho việc mơ mộng, và mọi thứ trông thật đẹp và quen thuộc. Tôi biết mọi biển báo, công trình đá của những ngôi nhà, cửa hiệu. Tôi biết chúng theo một cách đặc biệt của riêng mình, và hoàn toàn tin rằng tôi đã thấy ở đó cái thực sự quan trọng, cái bí ẩn mà người lớn chúng ta gọi là “bản chất của vạn vật.” Tất cả đều ghim chặt trong tâm trí tôi. Nếu có ai nhắc đến cửa hàng nào, tôi có thể lập tức hình dung ra tấm biển của nó, những chữ cái mạ vàng và vết xước ở góc tay trái, cô thu ngân với mái tóc búi cao, ánh hào quang bám vào nơi đó, không như hào quang của bất cứ cửa hàng nào khác. Và từ những cửa hàng, những con người, những ánh hào quang, những tấm áp phích rạp hát ấy mà tôi đã ghép nên thành phố quê hương Odessa của mình. Tôi vẫn nhớ, vẫn cảm nhận được, và yêu mến nó cho đến tận ngày nay. Tôi tường tận nó như người ta tường tận mùi hương trên làn da mẹ—hương vị của tình yêu, những lời nói, nụ cười. Tôi yêu nó vì đã lớn lên nơi đó, nơi tôi vui, tôi buồn, nơi tôi mơ những giấc mơ của mình—những giấc mơ mãnh liệt không bao giờ trở lại.
Tôi luôn đi trên con phố chính, con phố đông đúc nhất. Thứ Bảy mà tôi sắp kể là vào đầu mùa xuân. Thời gian đó trong năm, chúng tôi không có cái không khí ôn hòa và mềm mại tuyệt đẹp như trên một dòng sông lặng hay thung lũng thoải nào đó ở vùng trung Nga. Chúng tôi có một cái lạnh hơi ánh lên trong không khí, một phớt say mê với một tia giá rét. Lúc bấy giờ tôi cũng chỉ là một đứa trẻ chẳng biết gì, ấy thế mà rạng rỡ với má hồng, tôi cũng thấy ảnh hưởng của mùa xuân lên mình. Lúc nào tôi cũng nhẩn nha trên đường từ trường về. Tôi ngắm từng viên ngọc trong cửa hàng trang sức và đọc các tấm áp phích rạp hát từ đầu đến cuối. Có lần, tôi đang ngắm nghía chiếc corset màu hồng nhạt với đôi nịt đùi ren ở tiệm Madame Rosalie và chuẩn bị đi tiếp thì đụng phải một anh sinh viên cao kều có bộ ria đen vĩ đại. Anh ta cười toe toét và bảo, “Ngắm kỹ ra phết nhờ?” Tôi đỏ mặt. Anh ta vỗ lưng tôi ra vẻ biết tuốt và nói, “Được đấy, thanh niên. Tốt lắm. Chúc may mắn!” Anh ta cười phá lên, quay gót rồi bước đi. Tôi xấu hổ lắm, đi thẳng về nhà và không bao giờ dừng lại để nhòm vào cửa tiệm Madame Rosalie nữa.
Thứ Bảy ngày hôm ấy tôi sẽ phải ở nhà với bà. Bà có phòng riêng ở cuối căn hộ, đằng sau bếp. Ở góc phòng là một cái lò sưởi, lúc nào bà cũng bị lạnh. Phòng bà lúc nào cũng nóng bức và ngột ngạt, điều đó làm tôi khốn khổ và chỉ muốn trốn thoát. Hôm ấy tôi mang toàn bộ vật dụng của mình—sách vở, giá nhạc và cây đàn violin—vào phòng bà. Bàn đã được đặt sẵn cho tôi. Bà ngồi trong góc trong lúc tôi ăn. Không ai nói một lời. Cửa đóng và chỉ có hai bà cháu chúng tôi. Bữa trưa tôi có món gefüllter fisch với rau cải ngựa—một món mà vì nó người ta sẽ cải sang Do Thái giáo—một món súp đặc, ngon, thịt nướng và hành tây, rau diếp, salad trái cây, cà phê, bánh và táo. Tôi ăn hết. Tôi có thể là một kẻ mơ mộng, nhưng tôi cũng háu ăn nữa. Bà lau xong bàn, căn phòng lại trở nên gọn gàng, sạch sẽ. Có mấy bông hoa trông ốm yếu trên bậu cửa sổ. Những sinh vật sống duy nhất mà bà yêu quý là con trai bà, cháu trai bà, chó Mimi và hoa. Mimi cũng vào, cuộn tròn trên xô pha rồi lập tức lăn ra ngủ. Nó hay ngủ khủng khiếp nhưng cũng là một con chó tuyệt vời—hiền, nhạy cảm, nhỏ nhắn và xinh xắn. Nó thuộc giống chó pug có lớp lông sáng màu. Nó già rồi nhưng vẫn chưa béo xệ mà vẫn giữ được vóc dáng cân đối. Nó đã sống cả đời, mười lăm năm cùng chúng tôi, từ lúc sinh ra cho đến khi chết, và cũng rất tự nhiên, nó yêu quý tất cả chúng tôi, nhất là bà, người vốn rất cứng rắn và tàn nhẫn. Lúc khác tôi sẽ kể câu chuyện về tình bạn thầm lặng giữa con chó và bà. Đó là một câu chuyện hay, cảm động và dịu dàng.
Dù sao, hôm ấy cũng có cả ba chúng tôi—bà, tôi và Mimi. Mimi đang ngủ, bà mặc chiếc váy lụa Sabbath ngồi tươi tỉnh trong góc, còn tôi thì phải làm bài tập. Hôm ấy là một ngày vất vả cho tôi. Ở trường đã học sáu tiết, bây giờ thì thầy Sorokin dạy nhạc sắp đến, thầy Liberman dạy tiếng Hebrew cũng sắp đến để dạy bù một buổi học lỡ. Peysson, thầy dạy tiếng Pháp, cũng có thể sẽ đến, và tôi phải chuẩn bị bài cho thầy. Với thầy Liberman thì sẽ không có rắc rối gì—chúng tôi quen biết nhau đã lâu—nhưng âm nhạc và những gam nốt kia thì thật là khốn khổ!
Tôi giở vở bài tập ra và bắt đầu làm. Bà không làm phiền tôi—trộm vía! Mặt bà nghiêm nghị vì rất đề cao sự học của tôi. Bà dán chặt cặp mắt tròn màu vàng sáng của bà lên tôi. Mỗi lần sang trang đôi mắt bà đều dõi theo cử động của bàn tay tôi. Bất cứ ai cũng sẽ phát ốm với cái nhìn chằm chằm không lúc nào dứt ra của bà, nhưng tôi đã quen với nó. Sau đó bà sẽ nghe tôi ôn lại bài. Bà chỉ nói lưu loát tiếng Yiddish, còn tiếng Nga thì rất tệ—bà bóp méo nó theo cách riêng của bà, dùng rất nhiều từ ngữ Ba Lan và Do Thái. Dĩ nhiên là bà không biết đọc hay viết tiếng Nga, bà sẽ cầm ngược sách. Nhưng thế cũng không ngăn được bà theo dõi tôi làm bài tập từ đầu đến cuối. Bà không hiểu từ nào nhưng vẫn chăm chú nghe, và giai điệu của từ ngữ bà thấy rất ngọt ngào. Bà đề cao việc học, rất tin tưởng vào tôi, và muốn tôi trở thành người giàu có.
Làm bài xong, tôi đọc sách. Lúc đấy tôi đang đọc dở “Mối tình đầu” của Turgenev. Tôi thích mọi thứ ở nó—những từ ngữ sống động, những đoạn miêu tả, những cuộc đối thoại—nhưng chiều hôm ấy tôi đặc biệt xúc động trước cảnh cha của Vladimir lấy roi ngựa quật vào tay Zinaida. Tôi có thể nghe thấy tiếng cây roi và cảm nhận cái buốt nhói dữ dội và tức thời của sợi roi dài. Nó làm tôi bứt rứt vô cùng, và đến đó tôi phải ngừng đọc và đi lại trong phòng. Nhưng bà vẫn ngồi mà không cử động một sợi cơ nào, và ngay cả bầu không khí nóng bức và ngột ngạt cũng thật bất động, như biết tôi đang bận và không được quấy rầy. Căn phòng nóng thêm mọi lúc. Mimi bắt đầu ngáy nhẹ. Thật yên lặng—yên lặng một cách kỳ quái, không một tiếng động nào từ thế giới bên ngoài. Mọi thứ lúc đó trông thật kỳ lạ, làm tôi muốn trốn chạy khỏi nó nhưng cũng muốn ở lại đó mãi mãi. Căn phòng tối lại, cặp mắt vàng của bà, dáng hình bé nhỏ quấn trong khăn, co ro và im lặng ở một góc, cái nóng, cánh cửa đóng, cú quất roi, tiếng vút—đến bây giờ tôi mới hiểu chuyện này lạ lùng như thế nào, và nó đã ảnh hưởng đến tôi ra làm sao.
*
Tiếng chuông làm tôi giật mình, thoát khỏi trạng thái bồn chồn. Đó là thầy Sorokin. Lúc đó tôi thấy ghét thầy. Ghét những bản nhạc khốn khổ của thầy, toàn bộ thứ âm nhạc vô nghĩa, tầm phào, leng keng này. Phải nói thầy Sorokin là một người điển trai. Tóc cắt ngắn, đôi bàn tay to dày, và đôi môi đầy đặn tuyệt vời. Hôm nay, dưới mắt bà, thầy sẽ phải dạy tôi cả giờ—thậm chí hơn—phải thực sự đáng đồng tiền. Khổ sở của thầy không được để ý đến. Mắt bà tôi dõi theo từng cử động của thầy một cách lạnh lùng và chăm chú, khá thờ ơ và xa cách với thầy. Bà không có thời gian cho người lạ. Bà mong đợi họ làm tròn trách nhiệm với chúng tôi, và đó là tất cả.
Chúng tôi bắt đầu bài học. Tôi không sợ bà, nhưng cả tiếng đồng hồ tôi phải chịu sự tận tụy bất thường của thầy Sorokin tội nghiệp. Thầy cảm thấy rất lạc lõng trong căn phòng xa cách này, trong sự hiện diện của con chó đang ngủ yên bình và bà cụ già lạnh giá ngồi trong góc. Cuối cùng thầy cũng được về. Bà lạnh lùng đưa bàn tay nhăn nheo chỉ còn da của mình về phía thầy, nhưng không có một động tác nào dù là nhỏ nhất. Lúc đi về, thầy va phải một cái ghế.
Giờ tiếp theo tôi cũng phải chịu đựng như thế—bài học tiếng Hebrew của thầy Liberman—và cũng đến lúc cánh cửa đóng lại sau lưng thầy. Bây giờ trời đã tối. Những đốm vàng xa xăm thắp sáng trên trời. Khoảnh sân trong giữa tòa nhà cao tràn ngập ánh trăng. Trong căn hộ kế bên có một người phụ nữ cất tiếng hát, “Sao em lại yêu anh đến phát điên?” Cả nhà tôi đã đi rạp hát. Tôi thấy u uất và mệt. Tôi đã đọc rất nhiều và đã làm rất nhiều bài tập. Cô giúp việc mang cái bình samovar vào. Bà thắp đèn. Nó lập tức làm dịu căn phòng; đồ đạc tối, kềnh càng trong phòng được tắm ánh sáng dịu. Mimi dậy, đi một vòng qua các phòng khác, rồi quay lại với chúng tôi chờ được cho ăn tối. Bà rất sành uống trà. Bà để phần cho tôi một cái bánh gừng. Hai bà cháu chúng tôi đều uống rất nhiều trà. Mồ hôi bắt đầu rịn ra lấp lánh nơi những đường nét khắc sâu trên gương mặt bà. “Cháu muốn đi ngủ chưa?” bà hỏi. “Cháu chưa,” tôi đáp. Chúng tôi nói chuyện và một lần nữa tôi lắng nghe những câu chuyện của bà. Ngày xưa, xưa lắm, có một người Do Thái mở quán trọ. Anh ta nghèo, đã kết hôn và phải gánh trên vai một đại gia đình, và anh ta bán rượu vodka không phép. Có một viên thanh tra đến gây khó dễ cho anh ta. Anh ta đến gặp một thầy đạo và nói, “Thưa Rebbe, có một viên thanh tra đang làm khổ tôi. Xin Chúa giúp tôi.” “Cứ yên tâm về đi,” thầy đạo nói, “viên thanh tra sẽ phải im lặng.” Người Do Thái về nhà. Anh ta thấy viên thanh tra ở trước cửa quán trọ. Hắn ta đã chết, bụng tím tái, sưng phồng.
Rồi bà im lặng. Cái bình samovar rít lên. Cô hàng xóm vẫn đang hát. Mọi thứ được bao phủ bởi ánh trăng chói lọi. Mimi bắt đầu vẫy đuôi—nó đang đói.
“Ngày xưa, người ta còn có đức tin,” bà nói. “Cuộc sống đơn giản hơn. Hồi bà còn nhỏ, người Ba Lan nổi loạn. Nhà bà sống cạnh đất của một bá tước người Ba Lan. Sa Hoàng thường đích thân đến thăm ông. Họ thường tiệc tùng cả tuần trời. Bà hay chạy tới đại sảnh và nhìn vào qua những ô cửa sổ sáng. Ông bá tước có một cô con gái, cô bé có những viên ngọc trai đẹp nhất thế giới. Rồi xảy ra cuộc nổi loạn. Một toán binh sĩ đến kéo ông già ra sân. Mọi người đứng quanh và khóc. Toán lính đào một cái hố ở giữa sân. Họ muốn bịt mắt ông, nhưng ông nói ông không muốn. Ông đứng trước họ và ra lệnh cho họ bắn. Ông ấy cao lớn lắm, tóc bạc. Nông dân ai cũng mến. Họ vừa chôn ông xong thì người đưa tin chạy đến. Ông ấy được Sa hoàng ân xá.”
Cái bình samovar cạn dần. Bà uống tách trà cuối, đến giờ chắc đã nguội, ngậm một cục đường trong cái miệng móm. “Ông cháu,” bà nói, “rất có tài kể chuyện. Ông chẳng tin cái gì bao giờ mà lại rất tin người. Bạn bè ông ông cho họ tiền hết, rồi đến lúc ông cần họ giúp đỡ thì họ ném ông xuống cầu thang, làm ông cháu thành ra không còn được bình thường.” Rồi bà tiếp tục kể về ông. Ông là một người đàn ông cao lớn, miệng lưỡi sắc bén, đầy đam mê và hống hách. Ông chơi violin, ban đêm viết tiểu luận, biết đủ thứ tiếng. Ngự trị trong ông là một niềm khao khát bất tận với kiến thức và đời sống. Con gái của một vị tướng đã phải lòng với con trai cả của ông bà, và đây là tử huyệt của bác. Bác trở thành một kẻ lang thang, một con bạc, và qua đời ở Canada năm ba mươi bảy tuổi. Bà chỉ còn có cha tôi và tôi. Mọi thứ khác đều đã mất. Với bà, ngày biến thành đêm và cái chết dần dần đến. Bà lại im lặng, rồi cúi đầu và khóc. “Học đi!” bà bỗng hét lên kịch liệt. “Học đi rồi cháu sẽ có mọi thứ—tiền bạc và danh tiếng! Cháu phải biết mọi thứ! Cả thế giới sẽ đổ sụp dưới chân cháu và mò mẫm trước mặt cháu. Mọi người phải ghen tị với cháu. Đừng tin người. Đừng bạn bè gì hết. Đừng cho họ mượn tiền. Đừng có đem lòng mình cho họ!”
Bà không nói nữa. Trong căn phòng là sự yên lặng. Bà đang nghĩ về những năm đã qua và tất cả những rắc rối của bà. Bà đang nghĩ về tương lai của tôi, và những lời dạy bảo nghiêm khắc của bà đã đè nặng—mãi mãi—lên đôi vai yếu đuối và non nớt của tôi. Trong góc tối, cái lò sưởi sáng đỏ và tỏa ra một sức nóng dữ dội. Tôi thấy nóng và bức bối, tôi muốn chạy ra ngoài không khí tươi mát và trốn thoát, nhưng tôi thậm chí còn không còn sức mà ngẩng đầu lên. Trong bếp có tiếng đồ sứ loảng xoảng. Bà đi vào bếp. Đã đến giờ ăn tối. Lúc sau, tôi nghe thấy giọng gay gắt và giận dữ của bà. Bà đang mắng cô giúp việc. Tôi cảm thấy ngượng ngùng và lo lắng. Bà vừa mới đầy yên lặng và buồn bã. Cô giúp việc cãi lại. “Xéo ra, con ranh con!” Tôi nghe thấy bà tôi hét với cơn giận không kiểm soát được, giọng to và chát chúa không chịu nổi. “Tao mới là người ra lệnh ở đây! Mày làm vỡ các thứ của tao. Xéo ra!” Tôi không chịu được cái tiếng khò khè gang sắt trong giọng của bà. Tôi có thể thấy bà qua cánh cửa khép hờ. Mặt bà căng lên, môi dưới run lên vì giận dữ, cổ họng căng phồng. Cô giúp việc đang cố đáp lại. “Xéo ra!” bà nói. Giờ mọi thứ lại yên lặng. Cô giúp việc, vai rúm lại và nhón chân đi, như sợ làm tổn thương sự im lặng, rón rén ra khỏi bếp. Chúng tôi ăn tối mà không nói với nhau một lời. Chúng tôi ăn ngon, ăn nhiều và không hề vội vã. Cặp mắt trong suốt của bà bất động, và tôi không biết nó đang nhìn gì.
Isaac Babel, “You Must Know Everything,” You Must Know Everything, Stories 1915-1937, trans. Max Hayward, ed. with notes by Nathalie Babel (Farrar, Straus and Giroux, 1969).
Nguyễn Huy Hoàng dịch.