Jorge Luis Borges (1899–1986) là một nhà văn và nhà thơ người Argentina, một nhân vật chủ chốt trong nền văn chương tiếng Tây Ban Nha với những tác phẩm đã trở thành điển phạm của châu Mỹ Latin trong thế kỷ XX. Sách của ông bắt đầu được dịch và xuất bản rộng rãi ở Mỹ và châu Âu sau khi ông được trao giải Prix International cùng Samuel Beckett năm 1961. Danh tiếng quốc tế của ông cũng được củng cố bởi các giải de Cervantes năm 1969 và giải Jerusalem năm 1971, bên cạnh sự bùng nổ của các nhà văn Mỹ Latin thuộc thế hệ sau trong những năm 1960 và 1970.
cho Juan Murchison
Tôi muốn viết lại, có lẽ là lần đầu tiên, một trong những sự kiện kỳ lạ và buồn thảm nhất trong lịch sử [Argentina] của chúng ta. Can thiệp ít nhất có thể vào câu chuyện, bỏ qua những bổ sung đẹp như tranh và những phỏng đoán mạo hiểm, đối với tôi, là cách tốt nhất để làm điều đó.
Một người đàn ông, một người đàn bà, và cái bóng rộng lớn của một nhà độc tài là ba nhân vật. Người đàn ông có tên là Pedro Salvadores; ông tôi Acevedo đã nhìn thấy ông ta vài ngày hoặc vài tuần sau trận Caseros. Pedro Salvadores có thể đã không khác những người bình thường, nhưng số phận và năm tháng đã làm cho ông trở nên đặc biệt. Ông là một quý ông như bao quý ông khác cùng thời. Ông có (chúng ta có thể cho là) một trang trại ở miền quê, và đứng về phía Hợp bang. Họ của vợ ông là Planes; cả hai sống trên phố Suipacha, không xa góc Đền. Ngôi nhà nơi chuyện xảy ra không khác những ngôi nhà khác: cửa mặt phố, hành lang, cửa sắt hoa văn, các phòng ngủ, và các hàng hiên. Một đêm, khoảng năm 1842, họ nghe thấy tiếng vó ngựa dẫm nghẹt ngày càng lớn trên con đường đất và những tiếng hò hét sống chết của những người cưỡi ngựa. Lần này đám mazorca không chỉ chạy qua. Sau tiếng la hét là những tiếng gõ liên hồi, và trong khi đám người đập cửa, Salvadores đã xê được cái bàn trong phòng ăn, nhấc tấm thảm lên và trốn xuống hầm. Người đàn bà kéo cái bàn vào chỗ cũ. Đám mazorca xông vào nhà; chúng đến bắt Salvadores. Người đàn bà khai rằng ông đã trốn đến Montevideo. Chúng không tin bà; chúng đánh bà, đập vỡ hết đồ sứ xanh, lục soát khắp nhà, nhưng không nghĩ đến chuyện nhấc tấm thảm lên. Nửa đêm chúng bỏ đi, không phải không thề rằng chúng sẽ quay lại.
Đây mới thực sự bắt đầu câu chuyện của Pedro Salvadores. Ông sống dưới hầm chín năm. Chúng ta cứ tự nhủ rằng năm được tạo nên từ ngày và ngày tạo nên từ giờ, rằng chín năm là một thuật ngữ trừu tượng và là một tổng bất khả, thì câu chuyện vẫn thật hãi hùng. Tôi ngờ rằng trong bóng tối mà đôi mắt ông đã học cách giải mã, ông đã không nghĩ về bất cứ chuyện gì, kể cả nỗi hận của ông hay nỗi nguy của ông. Ông ở đó, dưới hầm. Một vài tiếng vọng của thế giới bị cấm đoán sẽ đến từ trên cao: những bước chân quen thuộc của vợ ông, tiếng xô va vào miệng giếng, tiếng mưa nặng hạt trong sân. Còn đâu, ngày nào cũng có thể là ngày cuối.
Người đàn bà cho nghỉ việc đám người hầu, những người có thể đã phản bội họ. Bà bảo nhà ngoại là Salvadores đã trốn đến Uruguay. Bà kiếm sống bằng cách may đồ cho quân đội. Trong thời gian đó bà đẻ ra hai đứa con; gia đình từ mặt bà, đổ cho bà có người tình. Sau sự sụp đổ của tên bạo chúa, họ đã quỳ gối xin tha thứ.
Pedro Salvadores là gì, là ai? Cái giam cầm ông là nỗi sợ, tình yêu, sự hiện diện vô hình của Buenos Aires hay, rốt cuộc, thói quen? Sợ ông bỏ mình đi, vợ ông kể cho ông những tin tức mơ hồ về những âm mưu và chiến thắng. Có lẽ ông là một kẻ hèn nhát và người đàn bà đã trung thành giấu ông bà biết điều đó. Tôi hình dung ông dưới hầm, có lẽ không đèn, không sách. Bóng tối nhấn chìm ông vào giấc ngủ. Thoạt tiên ông sẽ mơ về cái đêm hãi hùng mà lưỡi thép tìm cổ họng, về những con đường mở, đồng bằng. Năm tháng qua đi ông sẽ không thể nào chạy trốn và sẽ mơ về chính căn hầm. Ban đầu ông có thể là một kẻ bị săn đuổi, bị đe dọa; sau này, chúng ta không bao giờ biết, ông là một con vật yên bình trong hang, hay là một loại thần tăm tối.
Chuyện cứ thế đến cái ngày mùa hè năm 1852 khi Rosas tháo chạy. Đó là lúc người đàn ông bí mật bước ra ánh sáng ban ngày; ông tôi đã nói chuyện với ông ta. Mập và nộn, ông nhợt như sáp và nói không thành lời. Ruộng đất tịch thu không bao giờ trả lại; tôi nghĩ ông chết trong cảnh bần hàn.
Giống như tất cả mọi thứ, số phận của Pedro Salvadores đối với chúng ta dường như là biểu tượng của một điều gì đó mà chúng ta suýt hiểu.
Jorge Luis Borges, “Pedro Salvadores,” Elogio de la sombra (Emecé Editores, 1969).
Copyright © 1969 by Emecé Editores | Nguyễn Huy Hoàng dịch.