Joseph Brodsky sinh năm 1940 ở Leningrad và định cư ở Hoa Kỳ từ năm 1972 sau khi bị chính quyền Liên Xô trục xuất. Ông được trao giải phê bình của Hiệp hội Nhà Phê bình Sách Quốc gia Mỹ năm 1986 và giải Nobel văn chương năm 1987, sau đó được bổ nhiệm làm Poet Laureate của Hoa Kỳ từ năm 1991 đến năm 1992. Ông qua đời ở New York City năm 1996.
I
Tôi muốn sống, Fortunatus, ở một thành phố nơi con sông
sẽ thò ra từ dưới cây cầu như bàn tay từ ống tay áo,
và sẽ chảy về phía vịnh, xòe rộng những ngón tay
như Chopin, người đã không giơ với bất kỳ ai nắm đấm.
Sẽ có một nhà hát Opera, để một giọng nam cao kỳ cựu
mẫn cán hát những khúc aria của Mario mỗi tối;
để Bạo chúa sẽ vỗ tay cho anh ta từ trong lô, còn tôi
ở dưới hàng ghế sau sẽ nghiến răng vì ghê tởm, “Tên khốn!”
Thành phố sẽ có một hội bóng đá và một hội du thuyền.
Không thấy khói từ ống khói nhà máy gạch tôi sẽ biết
rằng Chủ nhật đã đến và cả ngày
tôi sẽ lắc lư trên một chiếc xe buýt, vò mấy tờ tiền rúp.
Tôi sẽ đan giọng mình vào tiếng hú của động vật nói chung
trên cái sân nơi đôi chân tiếp tục cái cái đầu khởi xướng.
Trong tất cả các luật được ban hành bởi Hammurabi,
quan trọng nhất là các quả phạt đền và các quả phạt góc.
II
Sẽ có Thư viện, và trong các hành lang không người
tôi sẽ xem những cuốn sách có số lượng dấu phẩy
bằng số lượng những từ nói tục trong lời nói hàng ngày
chưa đi vào văn xuôi, chưa vào thơ – không phải nói.
Sẽ có một Nhà ga lớn, bị hư hại trong chiến tranh,
mặt tiền ấn tượng hơn nhiều cái thế giới bên ngoài. Ở đó
thoáng thấy một cây cọ trong cửa sổ máy bay
con khỉ ngủ mơ màng trong tôi cũng mở to đôi mắt.
Và khi mùa đông, Fortunatus, phủ áo choàng lên khu,
tôi sẽ nhớ cái Phòng trưng bày, nơi mỗi
bức tranh – đặc biệt là của David hay của Ingres –
sẽ trông như một vết bớt.
Tôi sẽ ngắm những bầy qua cửa sổ lúc hoàng hôn
đám ô tô the thé đang chạy lui chạy tới
những chiếc cột trần mang mái tóc Doric và mảnh mai,
đứng trắng bệch và lặng yên dưới thềm Tòa án.
III
Sẽ có một quán cà phê với một đĩa blancmange tử tế, nơi
khi hỏi tại sao chúng ta cần thế kỷ hai mươi, khi đã có
thế kỷ mười chín, đồng nghiệp tôi
sẽ tập trung nhìn vào chiếc dao hoặc nĩa.
Chắc chắn phải có một phố với hai hàng cây, một lối vào
với thân của một thần nữ ở bên và những thứ vô nghĩa khác;
và trong phòng khách sẽ treo một bức chân dung
cho bạn hình dung bà chủ trông thế nào khi còn xuân sắc.
Tôi sẽ nghe một giọng nói đều đều kể về
những thứ không liên quan đến bữa tối dưới ánh nến;
và ngọn lửa trong bếp, Fortunatus, sẽ bập bùng
trên chiếc váy xanh lá cây. Nhưng cuối cùng sẽ tắt.
Thời gian, không như nước, trôi
theo chiều ngang từ Thứ Năm đến Thứ Sáu,
trong bóng tối sẽ vuốt phẳng những nếp nhăn
và xóa sạch mọi dấu vết của chính nó.
IV
Và sẽ có những tượng đài. Tôi sẽ biết tên
không chỉ những kị sĩ bằng đồng đã đút chân vào bàn đạp
của Lịch sử, mà cả tên của những người bạn bốn chân,
xét đến những dấu ấn mà chúng
đã để lại trên dân số thành phố. Và dán trên môi
một điếu thuốc, trở về nhà sau nửa đêm, tôi sẽ đoán, đi bộ,
như người di-gan đọc bàn tay, dọc vết nứt trên vỉa hè,
đứt quẵng bởi những cái nấc cụt, số phận của thành phố.
Và khi rốt cuộc người ta bắt giữ tôi vì tội âm mưu,
gián điệp, vì hoạt động lật đổ, lang thang, vì ménage
à trois, và đám đông, nhốn nháo xung quanh, sẽ hét lên,
chọc vào tôi bằng những ngón tay lao động quá sức:
“Đồ lạc loài!” – tôi sẽ mừng thầm, tự thì thầm, “Nhìn đây,
đây chính là cơ hội để mi thấy từ bên trong, thấy hết
những gì mi đã nhìn từ bên ngoài bấy lâu nay;
nên hãy nhớ mọi chi tiết khi mi hô, Muôn năm, Tổ quốc!”
Joseph Brodsky, “Развивая Платона” (1977).
Nguyễn Huy Hoàng & Phạm Hà Anh dịch.