Nguyễn Huy Hoàng

"Và trái tim không chết khi người ta nghĩ nó phải chết"

“Bi ca” – Rainer Maria Rilke

Rainer Maria Rilke là một trong những nhà thơ vĩ đại nhất viết bằng tiếng Đức của thế kỷ 20. Sinh năm 1875 ở Praha, ông xuất bản tập thơ đầu, Leben und Lieder, năm 1894. Phần lớn cuộc đời ông sống chu du ở các nước châu Âu, với Paris là nơi hoạt động chính trước khi ông phải ở lại Munich khi Thế chiến I nổ ra. Năm 1919 ông đến Thụy Sĩ, hoàn thành hai tác phẩm cuối, Die Sonette an Orpheus (1922) và Duineser Elegien (1923), trước khi qua đời vì bệnh máu trắng năm 1926.

Bi ca

gửi Marina Tsvetayeva-Efron

Ôi những mất mát vào trong Tất cả, Marina, những vì sao rơi!
Chúng ta không góp vào đó, nơi chúng ta ném mình vào, tới bất cứ
ngôi sao nào! Trong Toàn thể mọi thứ đã luôn luôn được tính.
Bởi vậy bất cứ ai ngã xuống không làm giảm con số thiêng liêng.
Mỗi cú rơi từ bỏ đều rơi vào trong nguồn và lành lại.
Phải chăng tất cả là một trò chơi, sự thay đổi của vẫn thế, dịch chuyển,
không ở đâu một cái tên và hầu như không chút tích lũy ở bất cứ đâu?
Sóng, Marina, chúng ta là đại dương! Độ sâu, Marina, chúng ta là bầu trời.
Đất, Marina, chúng ta là đất, chúng ta là ngàn xuân, như lũ sơn ca
mà một khúc ca bùng nổ ném chúng vào cái vô hình.
Ta bắt đầu như sự hân hoan, nhưng nó đã hoàn toàn vượt qua ta;
bỗng sức nặng của chúng ta bẻ khúc hát xuống lời than thở.
Nhưng: lời than thở? Chẳng phải nó là: sự hân hoan trẻ hơn, đi xuống.
Ngay cả các vị thần bên dưới cũng muốn được ca ngợi, Marina.
Các vị thần thật ngây thơ, họ chờ đợi sự ca ngợi như đám học trò.
Ca ngợi, em thân mến – chúng ta hãy vung tứ linh sự ca ngợi.
Chẳng có gì là của chúng ta. Chúng ta khẽ choàng tay quanh cổ
những bông hoa không đứt. Tôi đã thấy nó trên sông Nin, ở Kom Ombo.
Như thế, Marina, từ bỏ mình, các vị vua cho đi vật cống lễ.
Như các thiên thần đi đánh dấu cánh cửa những người sẽ được cứu,
chúng ta cũng chạm vào cái này, vào cái kia, có vẻ dịu dàng.
Ôi, đã xa xôi làm sao, đã lơ đãng làm sao, Marina,
ngay cả trong cái cớ gần gũi nhất. Những kẻ ra tín hiệu, không gì khác.
Cái thương nghiệp thầm lặng này, nếu một người trong chúng ta
không chịu đựng được nữa và quyết định tóm lấy,
nó trả thù, giết chết. Bởi chuyện nó có sức mạnh giết người
chúng ta đều nhận thấy trong sự kiềm chế và sự dịu dàng của nó
và trong cái sức mạnh kỳ lạ biến chúng ta từ những kẻ-sống
thành những kẻ-sống-sót. Không-tồn-tại. Em có nhớ, thường làm sao
một mệnh lệnh mù đưa chúng ta qua phòng chờ băng giá
của sự ra đời mới?… Mang: chúng ta? Một cơ thể những mắt
dưới muôn vàn mí mắt, cự tuyệt. Mang trong chúng ta
cái trái tim bị ném xuống của cả một giòng giống. Mang cả đoàn
đến điểm đến của chim di cư, hình ảnh sự biến đổi bay lên của chúng ta.
Những người yêu nhau, họ không được, Marina, không được
biết quá nhiều về sự suy tàn. Phải như mới.
Chỉ có ngôi mộ họ là cũ, chỉ có ngôi mộ họ trầm ngâm, tối sầm lại
dưới cái cây khóc nức, nhớ lại mọi thứ đã từng.
Chỉ có ngôi mộ họ sụp đổ; bản thân họ dẻo dai như những cành cây;
cái gì bẻ cong họ quá mức, thì cuộn họ phong phú thành những vòng hoa.
Làm sao họ thổi bay trong gió tháng Năm! Khỏi giữa của Luôn luôn,
trong đó em thở và phỏng đoán, Thời khắc đã chặn họ lại.
(Ôi tôi biết em làm sao, bông hoa nữ trên cùng
một bụi cây bất diệt. Làm sao tôi rắc tung mình vào gió đêm
chẳng mấy chốc sẽ lướt qua em.) Từ rất sớm các vị thần đã học
cách giả vờ những nửa. Chúng ta, bị kéo vào vòng tròn,
chúng ta lấp kín mình vào toàn thể, như cái đĩa của mặt trăng.
Ngay cả trong giai đoạn bé dần, ngay cả trong những tuần chuyển hướng,
không ai có thể giúp chúng ta lần nữa đến sự tròn đầy, ngoài chính
bước đi cô đơn của chúng ta trên phong cảnh không ngủ.

Muzot, 8 tháng 6, 1926

Rainer Maria Rilke, “Elegie” (1926).

Nguyễn Huy Hoàng dịch.

Leave a comment

Information

This entry was posted on April 20, 2024 by in Thơ and tagged .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.