Haruki Murakami in Berlin, Nov. 07, 2014 | Photo by Dominik Butzmann
Truyện ngắn này được viết năm 1981 và in lần đầu trong tập Kangaroo Biyori (Tokyo: Heibonsha, 1983). Bản dịch dưới đây được thực hiện theo bản tiếng Anh của Jay Rubin, “Dabchick,” trong Murakami, Blind Willow, Sleeping Woman (New York: Knopf Doubleday, 2007), 105–11.
Khi xuống đến cuối cầu thang bê tông hẹp, tôi thấy mình ở một hành lang kéo dài mãi về phía trước – một hành lang dài có trần cao đến nỗi khiến lối đi có cảm giác giống một con kênh thoát nước đã cạn hơn giống một hành lang. Không có bất cứ thứ gì trang trí, nó là một hành lang đích thực, tất cả chỉ là hành lang và không gì ngoài hành lang. Ánh sáng mập mờ và không đồng đều, như thể bản thân ánh sáng cuối cùng cũng đạt đến đích sau một loạt bất hạnh tai ương. Nó đã phải đi qua một lớp bụi đen và dày bết trên các ống huỳnh quang được lắp cách nhau không đều trên trần. Và trong số ba ống đèn này, một cái đã cháy. Tôi gần như không thấy được bàn tay mình trước mắt. Nơi này tĩnh lặng. Âm thanh duy nhất trong hành lang ảm đạm là tiếng giày tennis giẫm trên sàn bê tông.
Tôi tiếp tục đi: hai trăm mét, ba trăm mét, có lẽ cả cây số, không suy nghĩ, chỉ đi, không thời gian, không khoảng cách, cũng không có cảm giác mình đang tiến về phía trước. Nhưng chắc hẳn tôi có tiến. Đột nhiên tôi đứng trước một ngã ba hình chữ T.
Một ngã ba hình chữ T?
***
Tôi lôi tấm bưu thiếp nhàu nát từ túi áo khoác ra và để đôi mắt mình lang thang trên thông điệp của nó: “Đi dọc theo hành lang. Nơi nó cắt vuông góc với một hành lang khác, anh sẽ thấy một cánh cửa.” Tôi tìm trên bức tường trước mặt, nhưng không có dấu hiệu nào của một cánh cửa, không dấu hiệu nào cho thấy từng có một cánh cửa, không dấu hiệu nào cho thấy từng có một cánh cửa được lắp trên bức tường này. Nó chỉ là một bức tường bê tông đơn giản, bằng phẳng, không có đặc điểm riêng biệt nào mà những bức tường bê tông khác không có. Không cánh cửa siêu hình, không cánh cửa tượng trưng, không cánh cửa ẩn dụ, hoàn toàn không. Tôi rờ tay dọc theo bức tường, nhưng nó chỉ là một bức tường, mịn và trống.
Phải có nhầm lẫn gì đó ở đây, tôi chắc chắn.
Dựa vào tường, tôi hút một điếu thuốc. Giờ sao? Tôi sẽ đi tiếp hay quay lại?
Không phải câu trả lời có bao giờ là không chắc chắn. Tôi không có lựa chọn. Tôi phải đi tiếp. Tôi đã phát ốm vì nghèo. Ốm vì những khoản thanh toán hằng tháng, vì tiền cấp dưỡng, vì căn hộ chật chội của mình, vì những con gián trong bồn tắm, vì tàu điện ngầm giờ cao điểm, phát ốm vì mọi thứ. Giờ, cuối cùng, tôi đã tìm được một công việc phù hợp. Công việc sẽ dễ dàng, lương ổn đáng ngạc nhiên. Tiền thưởng hai lần một năm. Những kỳ nghỉ hè dài. Tôi sẽ không bỏ cuộc bây giờ – chỉ vì gặp khó khăn trong việc tìm một cánh cửa ngớ ngẩn. Nếu không thể tìm được cánh cửa ở đây, tôi chỉ việc đi tiếp cho đến khi nào tìm được nó.
Tôi lôi một đồng mười yên từ túi ra và tung. Ngửa. Tôi chọn hành lang bên phải.
Lối đi rẽ hai lần sang phải, một lần sang trái, xuống mười bước, rồi rẽ phải lần nữa. Không khí ở đây khiến tôi nghĩ về thạch Jell-O cà phê: lạnh và đặc một cách lạ lùng. Tôi nghĩ về viễn cảnh được nhận lương, về sự mát mẻ sảng khoái của một văn phòng có điều hòa. Có việc làm là một điều tuyệt vời. Tôi rảo bước và tiếp tục đi dọc hành lang.
Cuối cùng cũng có một cánh cửa ở phía trước. Từ khoảng cách này, trông nó giống một con tem cũ, rách nát, nhưng càng lại gần nó càng mang dáng vẻ của một cánh cửa – cho đến khi không thể nghi ngờ gì nữa.
Tôi hắng giọng và, sau một cú gõ nhẹ lên cửa, tôi lùi một bước và chờ trả lời. Mười lăm giây trôi qua. Không có gì. Tôi gõ một lần nữa, lần này mạnh hơn một chút, rồi lùi lại để chờ. Một lần nữa, không có gì.
Bao quanh tôi, không khí dần đông đặc.
Bị nỗi lo sợ của chính mình thúc đẩy, trong khi tôi đang tiến một bước để gõ lần thứ ba thì cánh cửa mở ra không một tiếng động, một cách tự nhiên, như thể một làn gió đã nổi lên để xoay cánh cửa trên bản lề, dù chắc chắn, tự nhiên không liên quan gì đến nó. Tiếng bật công tắc tới trước, rồi một cậu thanh niên xuất hiện trước mặt tôi.
Cậu ta ở giữa tuổi đôi mươi và có lẽ thấp hơn tôi năm phân. Nước nhỏ giọt từ mái tóc mới gội của cậu, và thứ duy nhất trên cơ thể cậu là chiếc áo choàng tắm màu nâu sẫm. Cẳng chân cậu trắng dị thường, và bàn chân cậu bé như bàn chân của một đứa trẻ. Nét mặt trơ như tấm bảng tập viết, nhưng miệng cậu nở một nụ cười gượng hối lỗi. Có lẽ cậu ta không phải người xấu.
“Xin lỗi. Tôi đang tắm dở,” cậu ta nói, lau đầu bằng khăn.
“Tắm?” tôi bất giác liếc chiếc đồng hồ của mình.
“Đấy là quy định. Chúng tôi tắm sau bữa trưa.”
“Tôi hiểu.”
“Tôi có thể hỏi loại hình công việc của anh không?”
Tôi lấy tấm bưu thiếp từ túi áo khoác ra đưa cho cậu ta. Cậu ta đỡ bằng đầu ngón tay để không làm ướt nó và đọc đi đọc lại mấy lần.
“Tôi nghĩ mình muộn mất năm phút,” tôi nói. “Xin thứ lỗi.”
Cậu ta gật đầu và trả tấm bưu thiếp cho tôi. “Hmm. Anh sẽ bắt đầu làm việc ở đây, đúng không?”
“Đúng thế.”
“Lạ thật, tôi chưa nghe nói có nhân viên nào mới. Tôi sẽ phải thông báo về anh với cấp trên. Công việc của tôi mà, anh biết đấy. Tất cả những gì tôi làm là ra mở cửa và thông báo về mọi người với cấp trên.”
“Vâng, được. Anh vui lòng thông báo về tôi chứ?”
“Chắc chắn rồi. Chỉ cần anh nói cho tôi mật khẩu.”
“Mật khẩu?”
“Anh không biết là có mật khẩu?”
Tôi lắc đầu. “Không ai bảo tôi về mật khẩu.”
“Thế thì tôi không thể giúp anh được. Cấp trên của tôi rất nghiêm khắc về chuyện này. Tôi sẽ không cho ai không biết mật khẩu vào.”
Điều này là hoàn toàn mới với tôi. Tôi lôi tấm bưu thiếp ra khỏi túi lần nữa và xem xét nó mà không thấy gì. Nó không nói gì về mật khẩu.
“Có thể họ quên viết,” tôi nói. “Chỉ dẫn đường đến đây cũng không đúng lắm. Chỉ cần anh thông báo về tôi cho cấp trên, tôi chắc chắn mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Tôi đã được thuê để bắt đầu làm việc ở đây từ hôm nay. Tôi chắc chắn cấp trên của anh biết rõ điều này. Chỉ cần anh thông báo tôi đã đến đây…”
“Thế thì tôi mới cần mật khẩu,” cậu ta nói và bắt đầu lần túi tìm thuốc nhưng nhận ra áo choàng tắm không có túi. Tôi đưa một điếu và châm cho cậu ta bằng bật lửa của mình.
“Cảm ơn, anh thật tốt bụng,” cậu ta nói. “Nào, anh chắc chắn anh không thể nhớ bất cứ điều gì có thể là mật khẩu?”
Tôi chỉ có thể lắc đầu.
“Tôi không thích công việc cầu kỳ này hơn gì anh đâu, nhưng cấp trên của tôi cũng có lý do của ông ấy. Hiểu ý tôi chứ? Tôi không biết ông ấy thuộc kiểu người gì. Tôi chưa bao giờ gặp. Nhưng anh biết những người như thế thì như thế nào rồi đấy – họ nghĩ ra những trò này. Xin đừng nghĩ đó là việc cá nhân.”
“Vâng, dĩ nhiên là không.”
“Cái gã làm việc này trước tôi đã thông báo về một người mà gã thấy thông cảm vì anh ta ‘quên mất’ mật khẩu. Gã bị sa thải ngay tại chỗ. Và hơn ai hết anh biết tìm được việc khó thế nào trong những ngày này rồi đấy.”
Tôi gật đầu. “Thế còn chuyện kia thì sao?” tôi nói. “Anh có thể cho tôi gợi ý được không? Một chút thôi.”
Dựa vào cánh cửa, cậu ta thở ra một đám khói. “Rất tiếc. Như thế là trái luật.”
“Ồ, thôi mà. Một chút gợi ý thì có hại gì?”
“Ừ, nhưng nếu lộ ra, tôi sẽ gặp rắc rối to.”
“Tôi sẽ không nói với ai cả. Không nói với ai cả. Làm sao họ biết được?” Đây là công việc hết sức quan trọng với tôi. Tôi sẽ không bỏ cuộc.
Sau một lúc do dự, cậu ta nghiêng người lại gần tai tôi và thì thầm, “Anh sẵn sàng chứ? Được rồi, nghe này, đó là một từ đơn giản có liên quan đến nước. Nó vừa tay anh, nhưng anh không thể ăn nó.”
Giờ đến lượt tôi nghiền ngẫm những điều trên.
“Chữ cái đầu tiên là gì?”
“C,” cậu ta nói.
“Củi trôi,” tôi mạo hiểm.
“Sai,” cậu ta nói. “Còn hai.”
“Hai gì?”
“Còn hai lần đoán. Nếu bỏ lỡ, anh sẽ xong. Rất tiếc nhưng tôi đã quá mạo hiểm ở đây rồi, phá luật thế này. Tôi không thể cứ để anh đoán mãi được.”
“Nghe này, tôi thực sự biết ơn anh đã cho tôi cơ hội thế này, nhưng một vài gợi ý nữa thì sao? Như là từ đó có bao nhiêu chữ cái?”
Cậu ta cau mày. “Rồi lần tới anh sẽ bảo tôi trả lời anh luôn cho xong.”
“Không, tôi sẽ không bao giờ làm thế. Không bao giờ. Chỉ cần nói tôi biết có bao nhiêu chữ cái trong từ đó.”
“Được rồi. Bảy,” cậu ta thở dài. “Bố tôi luôn bảo: Được voi đòi tiên.”
“Tôi xin lỗi. Thật sự xin lỗi.”
“Sao cũng được, có bảy chữ cái.”
“Có liên quan đến nước, vừa tay nhưng không thể ăn.”
“Đúng thế.”
“Bắt đầu bằng C và có bảy chữ cái.”
“Phải.”
Tôi tập trung vào câu đố. “Chim lặn,” cuối cùng tôi nói.
“Không phải. Dù sao anh cũng có thể ăn chim lặn.”
“Anh chắc chứ?”
“Có lẽ. Chắc là không ngon,” cậu ta nói thêm, không hoàn toàn chắc chắn. “Nó cũng không vừa tay anh nữa.”
“Anh thấy chim lặn bao giờ chưa?”
“Chưa,” cậu ta nói. “Tôi không biết gì về chim. Nhất là bọn chim nước. Tôi lớn lên ở giữa Tokyo. Tôi có thể kể anh nghe mọi nhà ga thuộc tuyến Yamanote theo thứ tự, nhưng tôi chưa thấy chim lặn bao giờ.”
Tôi cũng thế, dĩ nhiên. Thậm chí tôi còn không biết từ đó cho đến khi tôi nghe mình nói nó ra. Nhưng “chim lặn” là từ có bảy chữ cái duy nhất mà tôi nghĩ được lại phù hợp với các manh mối.
“Phải là ‘chim lặn,’ tôi khăng khăng. “Đám chim lặn nhỏ cỡ lòng bàn tay ăn chán đến nỗi chó cũng không thèm.”
“Này, gượm đã,” cậu ta nói. “Anh nghĩ gì không quan trọng; ‘chim lặn’ không phải mật khẩu. Anh có thể tranh cãi mọi thứ anh muốn, nhưng từ này sai rồi.”
“Nhưng nó phù hợp với mọi gợi ý – có liên quan đến nước, vừa lòng bàn tay, không thể ăn được, bảy chữ cái. Hoàn hảo.”
“Chỉ có một điều sai.”
“Là gì thế?”
“‘Chim lặn’ không phải mật khẩu.”
“Thế thì cái gì mới phải?”
Cậu ta phải tự kiềm chế. “Tôi không nói được.”
“Bởi vì nó đâu tồn tại,” tôi tuyên bố bằng giọng lạnh lùng nhất có thể. “Chẳng có từ nào bảy chữ cái có liên quan đến nước lại vừa tay anh mà không thể ăn được cả.”
“Nhưng có đấy,” cậu ta cãi, ngấn nước mắt.
“Không có.”
“Có.”
“Anh không chứng minh được. Và ‘chim lặn’ đáp ứng mọi tiêu chí.”
“Tôi biết, nhưng có thể có một con chó thích ăn chim lặn cỡ lòng bàn tay ở đâu đó.”
“Được thôi, nếu anh thông minh đến thế, nói tôi nghe anh có thể tìm thấy con chó như thế ở đâu? Giống chó gì? Tôi muốn bằng chứng cụ thể.”
Cậu ta ậm ừ và đảo mắt.
Tôi tiếp tục: “Tôi biết mọi thứ có thể biết về loài chó, nhưng tôi chưa bao giờ – chưa bao giờ – thấy con chó nào thích ăn chim lặn cỡ lòng bàn tay.”
“Chúng ăn tệ thế cơ à?” cậu ta ngắc ngứ.
“Tởm. Quá tởm. Hừ!”
“Anh ăn thử bao giờ chưa?”
“Chưa bao giờ. Anh mong tôi đưa một thứ gớm ghiếc đến thế vào miệng à?”
“À, không, tôi không.”
“Dù sao đi nữa, tôi muốn anh thông báo về tôi với cấp trên của anh,” tôi đòi hỏi. “‘Chim lặn.’”
“Tôi bỏ cuộc thôi,” cậu ta nói, lấy khăn lau tóc một lần nữa. “Tôi sẽ thử. Nhưng tôi khá chắc nó sẽ chẳng tốt đẹp gì cho anh đâu.”
“Cảm ơn,” tôi nói. “Tôi nợ ơn anh.”
“Nhưng nói tôi nghe,” cậu ta nói. “Có thật là có chim lặn cỡ lòng bàn tay như thế không?”
“Có. Chắc chắn. Chúng tồn tại ở đâu đó,” tôi nói, nghĩ cả đời mình cũng không bao giờ biết được làm thế nào cái từ đó lại hiện lên trong đầu tôi.
***
Con chim lặn cỡ lòng bàn tay lau kính bằng một tấm khăn vuông bằng vải nhung và hắt thêm một cú thở dài. Răng hàm dưới bên phải của nó đau nhức. Đến nha sĩ nữa à? nó nghĩ. Mình không thể chịu đựng được nữa. Thế giới quả là ngán ngẩm: nha sĩ, khai thuế, thanh toán xe, điều hòa hỏng… Nó để đầu mình dựa vào chiếc ghế bành bọc da, nhắm mắt, và nghĩ về cái chết. Cái chết im lặng như đáy đại dương, ngọt ngào như hoa hồng tháng Năm. Con chim lặn đã nghĩ về cái chết rất nhiều trong những ngày này. Trong tâm trí, nó thấy mình tận hưởng sự an nghỉ vĩnh cửu.
“Nơi đây con chim lặn cỡ lòng bàn tay yên nghỉ,” những chữ khắc trên bia mộ viết.
Ngay sau đó máy liên lạc rung lên.
Nó cất tiếng hét giận dữ về phía cái máy: “Sao?”
“Ai đó muốn gặp ngài, thưa ngài,” giọng người gác cửa cất lên. “Nói anh ta bắt đầu làm việc ở đây từ hôm nay. Anh ta biết mật khẩu.”
Con chim lặn cỡ lòng bàn tay cau mày và nhìn đồng hồ.
“Muộn mười lăm phút.” ♦
Bản dịch © 2016 Nguyễn Huy Hoàng.