Nguyễn Huy Hoàng

the star is fading

Truyện ngắn: “The Invasion from Outer Space” – Steven Millhauser

"Autour" (New York apres 11 septembre 2001)

Copyright by Olivier Culmann/Tendance Floue

Steven Millhauser (1943–) là nhà văn người Mỹ. Ông được trao giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu năm 1997 cho cuốn Martin Dressler: The Tale of an American Dreamer và giải The Story Prize năm 2011. Truyện ngắn “The Invasion from Outer Space” được in trong Millhauser, We Others: New and Selected Stories (Alfred A. Knopf, 2011).

Cuộc xâm lược từ không gian

Từ đầu chúng ta đã chuẩn bị, chúng ta biết phải làm gì, bởi chẳng phải chúng ta đã thấy nó cả trăm lần hay sao?—những người tốt trong thành phố đang làm việc như thường lệ, những chương trình TV đột nhiên bị gián đoạn, những gương mặt trong đám đông ngước lên, bé gái chỉ lên trời, những cái miệng há, chó kêu ăng ẳng, giao thông tắc nghẽn, túi mua sắm rớt xuống vỉa hè, và ở đó, trên bầu trời, đang đến gần hơn… Và như thế, khi cuối cùng nó xuất hiện, bởi vì nó chắc chắn sẽ đến, chúng ta đều biết nó chỉ là vấn đề thời gian, chúng ta cảm thấy, giữa sự tò mò và nỗi sợ của mình, một sự bình tĩnh nhất định, sự bình tĩnh của sự quen thuộc, chúng ta biết mình sẽ như thế nào, ở một thời điểm như thế. Câu chuyện nổ ra một lúc sau mười giờ sáng. Những người dẫn chương trình TV trông chính xác như chúng ta nghĩ, gương mặt họ cấp bách, mái tóc họ gọn gàng, đôi vai họ căng thẳng, họ đang khiến chúng ta lo lắng nhưng cũng trấn an chúng ta rằng mọi thứ vẫn nằm dưới tầm kiểm soát, bởi họ cũng chuẩn bị cho điều này, phần nào đang chờ đợi nó, họ đang nhìn lại bản thân trong thời khắc vĩ đại của mình. Cảnh tượng là không thể chối cãi nhưng, đồng thời, cũng không thể kết luận: thứ gì đó từ bên ngoài kia đã được phát hiện, có vẻ nó đang tiếp cận bầu khí quyển của chúng ta với tốc độ cao, Lầu Năm Góc đang theo sát tình hình. Chúng ta được kêu gọi giữ bình tĩnh, ở trong nhà, chờ hướng dẫn thêm. Một số người chúng ta lập tức rời nơi làm việc và vội vã trở về nhà với gia đình, những người khác ở gần TV, radio, máy tính, tất cả chúng ta đều nói chuyện qua điện thoại. Qua cửa sổ của mình chúng ta có thể thấy người ta đứng bên cửa sổ của họ, nhìn lên trời. Cả buổi sáng chúng ta theo dõi tin tức một cách sát sao, như trẻ con lắng nghe cơn dông trong bóng tối. Bất kể là thứ gì ngoài kia vẫn chưa ai biết, các nhà khoa học chưa thể xác định bản chất của nó, người ta khuyến cáo thận trọng nhưng không có lý do gì để hoảng sợ, việc của chúng ta là giữ chú ý và ngồi yên và chờ đợi những diễn biến tiếp theo. Và dù lo lắng, dù những cơn run căng thẳng chạy dọc cơ thể chúng ta như những con chuột, chúng ta vẫn muốn biết thứ đó là gì, chúng ta muốn ở ngoài đó, bởi vì nói cho cùng nó đang đến gần chúng ta, nó là của chúng ta để mà chứng kiến, như thể chúng ta là người mà họ đã chọn, ở ngoài kia phía bên kia bầu trời. Bởi người ta đã nói thành phố của chúng ta rất có thể là nơi hạ cánh, các đoàn TV đã xông vào. Chúng ta tự hỏi nó sẽ hạ cánh xuống đâu: giữa ao vịt và những chiếc bập bênh trong công viên công cộng, hoặc sâu trong những cánh rừng ở phía Bắc thành phố, hoặc có thể trên cánh đồng cạnh trung tâm mua sắm, nơi một khu khai quật mới đang được triển khai, hoặc có thể nó sẽ lướt qua cửa hàng bách hóa cũ trên phố chính và va vào những căn hộ tầng hai trên Pizza và Café Mangione, với một đống gạch và kính vỡ, có thể nó sẽ hạ cánh xuống đường cao tốc và chúng ta sẽ thấy những chiếc xe mười tám bánh lật nhào, những khối mặt đường khổng lồ văng lên với góc độ lớn, và hết chiếc xe này đến chiếc xe khác trượt sang hai dải lan can và lăn xuống bờ kè.

Thứ gì đó xuất hiện trên bầu trời ngay trước lúc một giờ. Nhiều người trong chúng ta đang dở bữa trưa, những người khác đã ở ngoài, đứng bất động trên đường phố và vỉa hè, ngước lên. Có những tiếng la hét và tiếng khóc, những cánh tay giơ lên, một sự hoang dã của cử chỉ, chỉ trỏ. Và, đủ chắc chắn, thứ gì đó lấp lánh, ở trên đó trên bầu trời, thứ gì đó lung linh, trong bầu trời hè xanh—chúng ta thấy nó rõ ràng, bất kể nó là gì. Những viên thư ký trong văn phòng ùa ra cửa sổ, những viên thủ kho bỏ rơi máy đếm tiền và vội vã ra ngoài, những công nhân làm đường đội mũ bảo hộ màu cam ngước lên khỏi đám nhựa đường, che mắt. Chắc hẳn nó phải kéo dài—thứ ánh sáng xa xôi, điểm sáng lung linh đó—ba đến bốn phút. Rồi nó bắt đầu lớn dần, cho đến khi bằng kích thước của một đồng mười xu, một đồng hai mươi lăm xu. Đột nhiên cả bầu trời trông như được lấp đầy bằng những chấm vàng. Rồi nó hạ xuống chúng ta, như phấn hoa tươi, như đám bụi vàng. Nó nằm trên sườn mái, nó trượt xuống vỉa hè, phủ lên sơ mi và nóc xe của chúng ta. Chúng ta không biết phải làm gì với nó.

Nó tiếp tục rơi xuống, đám bụi vàng đó, trong gần mười lăm phút. Trong thời gian đó chúng ta không thể nhìn thấy bầu trời. Rồi nó qua đi. Mặt trời sáng, bầu trời xanh. Trong suốt trận mưa bụi, chúng ta được cảnh báo ở trong nhà, cẩn thận, tránh chạm vào vật chất ngoài không gian, nhưng nó diễn ra nhanh đến mức phần lớn chúng ta đều dính những vệt vàng trên quần áo và trên tóc. Ít lâu sau những lời cảnh báo đó, chúng ta nghe thấy những lời trấn an thận trọng: thử nghiệm sơ bộ cho thấy không có gì độc hại, dù bản chất của đám bụi vàng vẫn còn chưa rõ. Những con vật đã ăn nó không thể hiện triệu chứng nào. Chúng ta được kêu gọi giữ khoảng cách và chờ thêm kết quả thử nghiệm. Trong khi đó nó nằm trên những bãi cỏ và lối đi và những bậc thềm nhà, nó phủ lên những cây phong và những cột điện thoại của chúng ta. Chúng ta được nhắc thức giấc trong buổi sáng sau trận tuyết đầu tiên. Từ hiên nhà chúng ta theo dõi những chiếc xe quét ba bánh đi chậm dọc trên đường phố, mang nó đi trong những chiếc thùng lớn. Chúng ta dùng vòi rửa sạch thảm cỏ, những lối đi trước nhà, đồ nội thất ngoài hiên. Chúng ta nhìn lên trời, chúng ta đợi thêm tin tức—chúng ta đã nghe được rằng thứ vật chất đó cấu thành từ những sinh vật đơn bào—và qua đó tất cả chúng ta đều có thể cảm nhận được mùi của sự thất vọng.

Chúng ta đã muốn, chúng ta đã muốn—ồ, ai mà biết chúng ta chờ đợi điều gì? Chúng ta đã muốn máu, những chiếc xương vỡ vụn, những tiếng tru đau đớn. Chúng ta đã muốn những tòa nhà đổ nát trên đường phố, những chiếc xe bốc cháy. Chúng ta đã muốn những phiên bản kỳ quái của bản thân với những cái đầu phóng to trên những cái cổ như cuống cây, những con rô bốt bóng bẩy tàn nhẫn được trang bị tia chiếu chết người. Chúng ta đã muốn những lãnh chúa cao quý của vũ trụ với đôi mắt hiền lành, mềm mại, những người sẽ mở ra một kỷ nguyên mới huy hoàng. Chúng ta đã muốn nỗi sợ và cơn mê—bất cứ thứ gì trừ đám bụi vàng này. Có phải nó không phải một cuộc xâm lược? Cuối chiều hôm đó, chúng ta biết các nhà khoa học đều đồng ý: đám bụi là một sinh vật sống. Các mẫu thử được đưa tới Boston, Chicago, Washington, D.C. Đám sinh vật đơn bào dường như vô hại, dù chúng ta được khuyến cáo là không nên chạm vào bất cứ thứ gì, đóng chặt cửa sổ, rửa tay. Đám tế bào sinh sản bằng phân bào trực phân. Dường như chúng không làm gì ngoài nhân bản.

Buổi sáng, chúng ta thức dậy trong một thế giới bao phủ trong bụi vàng. Nó nằm trên đỉnh hàng rào, trên thanh ngang các cột điện thoại. Vết lốp đen hiện lên trên những con phố vàng. Chim chóc, rũ cánh, tung ra những đám bột vàng. Một lần nữa những chiếc xe quét đường phố đi đến, nước phun trên lối đi và những bãi cỏ, tạo ra một màn sương vàng và lộ ra màu đen và xanh lá cây bên dưới. Trong một giờ lối đi và những bãi cỏ đã giống như những cánh đồng vàng. Những dòng chỉ vàng chạy dọc theo những đường dây cáp và điện thoại.

Theo tin tức, đám vi sinh vật đơn bào này có hình que và nuôi dưỡng bản thân bằng cách quang hợp. Một tế bào duy nhất, đặt trong một ống nghiệm được chiếu sáng rực rỡ, sẽ phân chia với tốc độ khiến ống nghiệm đầy chỉ trong khoảng bốn mươi phút. Một căn phòng trống, dưới ánh sáng chói, sẽ đầy trong sáu giờ. Sinh vật này không dễ xếp theo hệ thống phân loại của chúng ta, dù trong một số khía cạnh chúng giống vi khuẩn lam. Không có bằng chứng cho thấy chúng có hại cho đời sống con người hay động vật.

Chúng ta đã bị xâm lược bởi cái không gì, bởi sự trống rỗng, bởi đám bụi sinh vật. Kẻ xâm lược dường như không có đặc điểm nào khác ngoài khả năng sinh sản nhanh chóng. Nó không thù ghét chúng ta. Nó không tìm kiếm sự diệt vong của chúng ta, sự khuất phục và nỗi ô nhục của chúng ta. Nó cũng không có ước vọng bảo vệ chúng ta khỏi nguy hiểm, cứu chúng ta, dạy chúng ta bí mật của cuộc đời bất tử. Cái mà nó muốn làm là phân bào. Có thể chúng ta sẽ tìm được cách hạn chế sự lây lan của kẻ đột nhập nguyên thủy, hoặc loại bỏ nó hoàn toàn; cũng có thể chúng ta sẽ thất bại và thành phố của chúng ta sẽ dần biến mất dưới một sự tích tụ chết người. Khi theo dõi tin tức ngày qua ngày, trong chúng ta lớn dần cảm giác mình xứng đáng với thứ gì đó khác, thứ gì đó táo bạo hơn, thứ gì đó vĩ đại hơn, thứ gì đó ly kỳ hơn, thứ gì đó tua tủa hoặc bốc lửa hoặc hung dữ, thứ gì đó có thể đại diện cho một sự mặc khải hay một định mệnh. Chúng ta tưởng tượng mình đứng quanh con tàu vũ trụ nằm nghiêng, chờ cửa mở. Chúng ta tưởng tượng mình bảo vệ con cái chúng ta, chém đứt những chiếc xúc tu đâm vào qua những ô cửa sổ tầng hầm vỡ nát. Thay vào đó, chúng ta quét những lối đi trước nhà, rửa hiên, rũ những đôi giày công sở và giày thể thao. Kẻ xâm lược đã bước vào nhà chúng ta. Bất chấp những cánh cửa đóng và những tấm rèm buông, nó vẫn nằm trong những lớp dày trên bàn uống nước và bậu cửa sổ. Nó nằm dọc trên đỉnh những chiếc TV màn hình phẳng và trên khe gờ hẹp của những chiếc đĩa DVD xếp xó. Qua cửa sổ chúng ta có thể thấy bụi vàng bao phủ mọi thứ, tạo thành những gợn sóng nhẹ nhàng. Chúng ta gần như có thể thấy nó gợn dần lên, như bánh mì. Đây đó nó bắt nắng và nhắc chúng ta nhớ, trong một khoảnh khắc, về cánh đồng lúa mì.

Nó thực sự khá yên bình, theo cách của riêng nó.

Copyright © 2011 by Steven Millhauser | Nguyễn Huy Hoàng dịch.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Information

This entry was posted on July 5, 2016 by in Truyện and tagged .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

%d bloggers like this: