Mario Vargas Llosa (1936–) là nhà văn người Peru. Ông được trao giải de Cervantes năm 1994 và giải Nobel văn học năm 2010. “Una novela de hombres libres” là một phần của tiểu luận “Una novela para el siglo XXI,” lời nói đầu Vargas Llosa viết cho cuốn Miguel de Cervantes, Don Quijote de la Mancha, edición del IV Centenario (Madrid: Real Academia Española, 2004).
Trong khi là một tiểu thuyết về hư cấu, Don Quijote xứ Mancha cũng là một bài ca về tự do. Chúng ta nên dừng một lúc để suy ngẫm về câu nói nổi tiếng của Don Quijote với Sancho Panza: “Tự do, Sancho ạ, là một trong những món quà quý giá nhất mà thiên đường ban cho con người; không của cải nào mà trái đất chứa đựng và lòng biển che giấu lại có thể sánh được với nó; vì tự do, cũng như vì danh dự, người ta có thể và nên liều mạng sống của mình, và, trái lại, giam cầm là cái ác tồi tệ nhất có thể xảy đến với họ” (II, 58).
Đằng sau những lời này, và nhân vật hư cấu nói ra nó, chúng ta thấy hình bóng của chính Miguel de Cervantes, người biết rất rõ mình đang nói gì. Năm năm bị người Moors giam cầm ở Algeria và ba lần vào tù ở Tây Ban Nha vì nợ nần và những cáo buộc sai phạm trong quản lý khi làm thanh tra những khoản đóng góp ở Andalucía cho Hải quân chắc hẳn đã mài giũa trong ông một khát vọng tự do và nỗi kinh hoàng với cảnh thiếu tự do, thấm đẫm tính xác thực và sức mạnh vào câu nói của Don Quijote và mang lại một xu hướng tự do chủ nghĩa đặc biệt cho câu chuyện của Nhà quý tộc Tài ba.
Tư tưởng về tự do của Don Quijote là gì? Chính là tư tưởng của những người mà sau thế kỷ 18 ở châu Âu được gọi là những nhà tự do chủ nghĩa: tự do là chủ quyền của cá nhân trong việc quyết định cuộc sống của mình mà không phải chịu áp lực hay giới hạn, miễn sao phù hợp với trí tuệ và ý chí của họ. Đây là cái mà, vài thế kỷ sau, Isaiah Berlin định nghĩa là “tự do âm” (libertad negativa), không có sự can thiệp và cưỡng chế khi suy nghĩ, biểu đạt, và hành động. Nằm ở trung tâm của tư tưởng này là mối ngờ vực sâu sắc về chính quyền, về những cực đoan mà quyền lực, mọi quyền lực, có thể tạo ra.
Hãy nhớ rằng Don Quijote có lời ngợi ca tự do nồng nhiệt này khi vừa rời khỏi tài sản của vị công tước và công nương vô danh, nơi ông được người chủ hào sảng của tòa lâu đài, chính hiện thân của quyền lực, tiếp đãi như vương giả. Nhưng giữa sự tán thưởng và nuông chiều mà ông nhận được, Nhà quý tộc Tài ba lại nhận thức được một cái áo vô hình đang đe dọa và bó buộc tự do của ông: “Ta chẳng thể thưởng thức nó với sự tự do mà ta đã có nếu nó [những món quà và của cải đổ lên ông] là của ta.” Giả định của câu nói này là nền tảng của tự do là sở hữu tư nhân, và niềm vui chỉ trọn vẹn khi năng lực khởi xướng, tự do suy nghĩ và tự do hành động không bị giới hạn. Bởi lẽ, “nghĩa vụ đáp trả lợi ích và ân huệ nhận được là thứ ràng buộc có thể ngăn cản tinh thần vận động tự do. May mắn là kẻ nào được thiên đường cho một mẩu bánh mỳ mà không mang nghĩa vụ cảm ơn ai ngoài chính thiên đường!” Còn gì rõ ràng hơn: Tự do mang tính cá nhân và đòi hỏi một mức độ giàu có tối thiểu để trở thành hiện thực. Bởi lẽ người nghèo và phụ thuộc vào những món quà và từ thiện để sống thì không bao giờ hoàn toàn tự do. Đúng là xa xưa từng có thời, như Don Quijote kể cho những người chăn dê đầy sửng sốt trong bài phát biểu của ông về thời đại hoàng kim (I, 11), “đức hạnh và nhân từ thống trị thế giới,” và trong thời đại thiên đường trước khi có sở hữu tư nhân đó, “người ta không biết đến những từ ‘của anh’ và ‘của tôi’,” và “mọi thứ đều là của chung.” Nhưng rồi lịch sử thay đổi và “những thế kỷ gớm ghiếc của chúng ta” đã đến, trong đó, để có an ninh và công lý, “đội quân hiệp sĩ lang thang được thành lập để bảo vệ các thiếu nữ, che chở các quả phụ và cứu giúp những em bé mồ côi và những kẻ khốn cùng.”
Don Quijote không tin rằng công lý, trật tự xã hội, và tiến bộ là chức năng của chính quyền, mà đúng hơn là sản phẩm của các cá nhân, những người, như hình mẫu của ông, những hiệp sĩ lang thang, và bản thân ông, gánh trên vai nhiệm vụ làm sao cho thế giới mà họ đang sống trở nên ít bất công hơn, tự do hơn, và thịnh vượng hơn. Đây là hiệp sĩ lang thang: một cá nhân, được thúc đẩy bằng một tiếng gọi quảng đại, lên đường đi tìm thuốc chữa cho mọi thứ đi chệch hướng trên hành tinh này. Chính quyền, khi nó xuất hiện, thay vì tạo điều kiện cho nhiệm vụ này thì lại làm nó khó khăn thêm.
Chính quyền ở Tây Ban Nha ở đâu khi Don Quijote rong ruổi trên ba chuyến hành trình của mình? Chúng ta phải bước ra khỏi cuốn tiểu thuyết để biết rằng vị vua Tây Ban Nha đôi lúc được nhắc đến một cách bóng gió là Philip III, bởi lẽ, trong cuốn tiểu thuyết, ngoại trừ rất ít lần xuất hiện thoáng qua, như thống đốc Barcelona khi Don Quijote đến thành phố này, chính quyền dễ nhận thấy nhất ở sự vắng mặt của họ. Và những thể chế là hiện thân của chính quyền, như Santa Hermandad, đội quân công lý ở các vùng nông thôn, được đề cập trong những chuyến đi của Don Quijote và Sancho, thì chỉ được nhắc đến như một thứ gì đó xa xôi, đen tối, và nguy hiểm.
Don Quijote không mảy may lo ngại phải đối đầu với chính quyền và thách thức pháp luật khi chúng đi ngược lại quan niệm của bản thân ông về công lý và tự do. Trong chuyến đi đầu tiên ông đối đầu với một gã giàu có, Juan Haldudo, ở Quintanar, đang đánh đập một người đầy tớ vì cậu ta làm mất cừu, một điều mà gã hoàn toàn có quyền được làm, theo phong phục man rợ của thời đó. Nhưng thứ quyền này không thể chấp nhận được với người đàn ông xứ Mancha và ông đã giải cứu người đầy tớ, sửa chữa những gì mà ông cho là sai lầm (khi ông vừa rời đi, Juan Haldudo, bất chấp những hứa hẹn của mình, bắt đầu đánh người đầy tớ đến chết) (I, 4). Cuốn tiểu thuyết chứa đầy những đoạn như thế, nơi quan điểm mang tính cá nhân chủ nghĩa và tự do về công lý đưa nhà quý tộc bạo gan đến chỗ thách thức quyền lực, luật pháp, và những phong tục lâu đời dưới danh nghĩa của cái mà đối với ông là một mệnh lệnh đạo đức cao cả.
Cuộc phiêu lưu mà Don Quijote đưa tinh thần tự do chủ nghĩa của ông gần đến độ tự sát—cho thấy tư tưởng tự do của ông đi trước các nhà tư tưởng vô chính phủ của hai thế kỷ sau trong một số khía cạnh nhất định—là một trong những cuộc phiêu lưu nổi tiếng nhất trong cuốn tiểu thuyết: cuộc giải phóng mười hai tên tội phạm, trong đó có tên Ginés de Pasamonte nham hiểm, Maese Pedro tương lai, kẻ thuyết phục Nhà quý tộc Tài ba, bất chấp việc ông hoàn toàn nhận thức được, từ miệng mép của chính bọn chúng, rằng tất cả đều là côn đồ vì tội ác của mình mà bị kết án đi chèo chiến thuyền của nhà vua. Lý lẽ mà ông đưa ra cho việc công khai thách thức chính quyền của mình—“thật không phải khi những người chính trực phải vào vai đao phủ của những người khác”—gần như không che đậy được, trong sự mơ hồ của nó, động lực thực sự của hành vi của ông, vốn hoàn toàn nhất quán trong suốt cuốn tiểu thuyết trong vấn đề này: tình yêu ngập tràn dành cho tự do, thứ mà nếu phải chọn ông sẽ đặt lên trên cả luật pháp, và sự hoài nghi sâu sắc về chính quyền mà với ông nó không đảm bảo được những gì mà ông gọi một cách khá mơ hồ là “công lý phân phối,” một cách diễn đạt ngụ ý một khát vọng về sự bình đẳng mà đôi khi đối trọng với những lý tưởng tự do chủ nghĩa của ông.
Trong đoạn này, như thể để xua tan mọi nghi ngờ về tư tưởng không chịu khuất phục và tự do của mình, Don Quijote đã ca ngợi “nghề mối lái,” “một công việc tế nhị và cần thiết trong một nền cộng hòa được tổ chức tốt,” tức giận khi biết ông lão bị đưa đi chèo chiến thuyền vì tội đó mà theo ông thì đáng lẽ ông lão phải được “phong làm chỉ huy của bọn họ” (I, 22). Kẻ nào dám công nhiên nổi dậy chống lại sự đúng đắn chính trị và đạo đức thời đó là một kẻ điên độc nhất, đó là kẻ, không chỉ khi nói về những mối tình hiệp sĩ, nói và làm những điều chất vấn đến gốc rễ của xã hội mà anh ta sống.
Copyright © 2004 by Mario Vargas Llosa | Nguyễn Huy Hoàng dịch.