Nguyễn Huy Hoàng

the star is fading

Truyện ngắn: “Chance Traveler” – Haruki Murakami

murakami.jpgHaruki Murakami (1949–) là nhà văn người Nhật Bản. Truyện ngắn này ra mắt ở Nhật trên tạp chí Shinchō (Tân triều) số tháng 3 năm 2005. Bản dịch tiếng Anh, “Chance Traveler,” của Philip Gabriel được đăng lần đầu trên Harper’s Magazine số tháng 7 năm 2005 và sau này được in trong Murakami, Blind Willow, Sleeping Woman (Knopf Doubleday, 2007).

Người lữ hành tình cờ

“Tôi” ở đây, các bạn nên biết, có nghĩa là tôi, Haruki Murakami, tác giả câu chuyện này. Đây chủ yếu là một câu chuyện ngôi thứ ba, nhưng ở đây lúc mở đầu người kể chuyện có xuất hiện. Cũng giống như trong một vở kịch cổ điển, người dẫn đứng trước rèm, nói lời mở đầu rồi lui. Tôi cảm ơn sự kiên nhẫn của các bạn, và xin hứa sẽ không nấn ná lâu.

Lý do tôi xuất hiện ở đây là tôi nghĩ tốt nhất nên trực tiếp kể lại một vài cái gọi là sự kiện kỳ lạ đã xảy đến với tôi. Thật ra, những sự kiện kiểu này diễn ra khá thường xuyên. Một số thì đáng kể, và ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi không cách này thì cách khác. Còn lại là những sự kiện không đáng kể không có ảnh hưởng gì. Ít nhất là tôi nghĩ vậy.

Lần nào nhắc đến những sự kiện này, ví dụ trong một buổi trò chuyện nhóm, tôi cũng không được để ý. Hầu hết mọi người chỉ bình luận bâng quơ, và chẳng bao giờ đi đến đâu cả. Chẳng bao giờ gợi chuyện, chẳng bao giờ khiến ai kể ra chuyện gì tương tự xảy đến với họ. Chủ đề mà tôi nhắc đến giống như vô khối nước chảy nhầm kênh và bị hút vào một đụn cát vô danh. Không ai nói gì trong một lúc, rồi luôn có người đổi chủ đề.

Ban đầu tôi nghĩ mình kể chuyện sai cách, rồi một lần tôi thử ngồi xuống viết thành một tiểu luận. Tôi cho là mình làm thế thì mọi người sẽ nhìn nhận nó nghiêm túc hơn. Nhưng hình như chẳng ai tin những gì tôi viết. “Tất cả là anh bịa, đúng không?” tôi chẳng biết bao nhiêu lần mình nghe câu ấy. Bởi tôi là tiểu thuyết gia nên người ta cho là bất cứ thứ gì tôi nói hay viết đều dính dáng đến bịa đặt. Đồng ý, văn chương của tôi chứa quá nhiều hư cấu, nhưng khi không viết văn tôi chẳng mất công nghĩ ra mấy chuyện vô nghĩa.

Do vậy, như một lời nói đầu cho câu chuyện, tôi muốn kể lại vắn tắt một số trải nghiệm kỳ lạ của mình. Tôi sẽ bám vào những thứ tầm thường, không đáng kể. Nếu bắt đầu đến những trải nghiệm làm thay đổi cuộc đời, tôi sẽ dùng gần hết không gian mà tôi được phép.

*

Từ năm 1993 đến năm 1995 tôi sống ở Cambridge, Massachusetts. Tôi thuộc dạng nhà văn thường trú ở một trường đại học, viết cuốn tiểu thuyết Biên niên ký chim vặn dây cót. Ở quảng trường Harvard có một câu lạc bộ nhạc jazz tên là Regattabar có rất nhiều buổi biểu diễn nhạc sống. Đó là một nơi thoải mái, thư thái, ấm cúng. Các nhạc sĩ nhạc jazz nổi tiếng chơi ở đó, và chi phí ngoài cũng hợp lý.

Một tối nghệ sĩ piano Tommy Flanagan xuất hiện cùng bộ ba của ông. Vợ tôi có việc nên tôi đi một mình. Tommy Flanagan là một trong những nghệ sĩ piano nhạc jazz yêu thích của tôi. Ông thường xuất hiện cùng một người đệm; màn biểu diễn của ông lúc nào cũng ấm áp và sâu sắc, và ổn định một cách kỳ diệu. Ông solo thì tuyệt vời. Kín chỗ đặt trước, tôi ngồi một bàn gần sân khấu và thưởng thức ly Merlot California. Nhưng nói thật, màn biểu diễn của ông có chút thất vọng. Có lẽ ông không khỏe. Hoặc không thì còn quá sớm để ông bắt đầu lấy nhịp. Nó không tệ, chỉ là thiếu đi cái yếu tố đưa chúng ta bay đến thế giới khác. Nó thiếu đi cái nét kỳ diệu đặc biệt ấy, tôi nghĩ ta có thể nói vậy. Tommy Flanagan tốt hơn thế, tôi nghĩ trong lúc nghe—chỉ cần đợi đến khi ông bắt được nhịp.

Nhưng thời gian chẳng cải thiện gì. Khi set nhạc của họ sắp kết thúc, tôi bắt đầu gần như phát hoảng, hy vọng nó sẽ không kết thúc như vậy. Tôi muốn có thứ để nhớ về buổi biểu diễn của ông. Nếu mọi thứ kết thúc như thế, tất cả những gì tôi mà mang về sẽ là những ký ức nhạt nhòa. Hoặc có lẽ chẳng có ký ức nào cả. Và có thể tôi sẽ không bao giờ có cơ hội trực tiếp xem Tommy Flanagan chơi lần nữa. (Thực tế là vậy.) Đột nhiên tôi nghĩ: nếu được ông cho phép đề nghị thay đổi hai bài ngay lúc này—mình sẽ chọn bài nào? Tôi ngẫm một lúc trước khi chọn “Barbados” và “Star-Crossed Lovers.”

Bài đầu là của Charlie Parker, bài thứ hai là một giai điệu của Duke Ellington. Tôi nói thêm như vậy cho những ai không thực sự yêu jazz, nhưng cả hai đều không quá phổ biến, hay được biểu diễn nhiều. Đôi khi các bạn có thể nghe phải “Barbados,” dù nó là một trong những bài ít ấn tượng mà Charlie Parker viết, và tôi cá hầu hết mọi người đều chưa nghe “Star-Crossed Lovers” một lần nào. Ý tôi là, đây không phải những lựa chọn điển hình.

Dĩ nhiên, tôi có lý do để chọn hai tác phẩm ít hứa hẹn cho đề nghị giả tưởng của mình—cụ thể là Tommy Flanagan từng thực hiện những bản thu đáng nhớ của cả hai. “Barbados” xuất hiện trong album Dial J. J. 5 năm 1957 khi ông là nghệ sĩ piano tại J. J. Johnson Quintet, trong khi ông thu “Star-Crossed Lovers” trong album Encounte! năm 1968 với Pepper Adams và Zoot Sims. Trong sự nghiệp kéo dài nhiều năm của mình Tommy Flanagan đã chơi và thu vô số bài với tư cách sideman trong nhiều nhóm, nhưng những bản solo sắc sảo, thông minh, dù ngắn, trong hai bài cụ thể ấy là cái mà tôi luôn yêu. Đấy là lý do tại sao tôi nghĩ giá mà ông chơi hai bài ấy ngay lúc này thì thật hoàn hảo. Tôi dõi sát theo ông, hình dung cảnh ông đến bàn tôi và hỏi, “Này, tôi đã để ý anh. Anh có đề nghị nào không? Sao không cho tôi tên hai bản nhạc anh muốn tôi chơi nhỉ?” Dù dĩ nhiên luôn biết, cơ hội điều đó xảy ra là bằng không.

Và rồi, không một lời, không hẳn nhìn về phía tôi, Tommy Flanagan bắt đầu hai bài cuối trong set—chính là hai bài tôi nghĩ đến. Ông bắt đầu bằng bản ballad “Star-Crossed Lovers,” tiếp đến một bản tempo của “Barbados.” Tôi ngồi đó, ly rượu trong tay, nghẹn lời. Fan nhạc jazz sẽ hiểu cơ hội ông chọn hai bài này trong số hàng triệu bản nhạc jazz ngoài kia là vô cùng nhỏ. Còn nữa—và đây mới là vấn đề chính—màn trình diễn cả hai bản nhạc này của ông thật đáng kinh ngạc.

*

Chuyện thứ hai diễn ra cũng khoảng thời gian ấy, và cũng liên quan đến jazz. Một buổi chiều tôi đang săm soi ở một cửa hàng băng đĩa cũ gần Trường Âm nhạc Berklee. Lục lọi quanh những giá đĩa than LP cũ là một trong ít điều khiến cuộc đời đáng sống, đấy là tôi nghĩ. Đúng hôm ấy tôi tìm được một đĩa Pepper Adam thu cho Riverside có tên 10 to 4 at the 5 Spot. Nó là bản thu trực tiếp của Pepper Adams Quintet, với Donald Byrd chơi trumpet, ở New York trong câu lạc bộ jazz Five Spot. “10 to 4,” dĩ nhiên, là bốn giờ kém mười, nghĩa là họ chơi set nhạc hấp dẫn như vậy đến tận sáng. Bản này là bản ép đầu, trong tình trạng gần như hoàn hảo, và giá chỉ bảy tám đô la. Tôi có phiên bản Nhật của đĩa và đã nghe nhiều đến độ trầy hết cả. Tìm được một bản thu gốc trong cửa hàng tốt thế này với mức giá ấy có vẻ, phóng đại một chút, như một phép lạ nhỏ. Tôi rất vui khi mua được đĩa, và vừa rời cửa hàng thì một cậu thanh niên đi qua và hỏi, “Này, anh biết mấy giờ rồi không?” Tôi liếc đồng hồ và tự động trả lời, “Có, bốn giờ kém mười.”

Nói xong tôi mới nhận ra sự trùng hợp và nuốt nước bọt. Chuyện gì thế này? tôi tự hỏi. Có phải vị thần nhạc jazz đang lơ lửng trên bầu trời Boston, nháy mắt mỉm cười với tôi và nói, “Ê, cậu thích chứ?”

*

Cả hai chuyện trên đây đều không có gì đặc biệt. Không phải như cuộc đời tôi sang một ngã rẽ mới. Chỉ đơn giản là tôi ấn tượng với sự trùng hợp kỳ lạ—những thứ như thế thực sự xảy ra.

Đừng hiểu lầm tôi—tôi không phải kiểu người tin mấy hiện tượng huyền bí. Bói toán chẳng nghĩa lý gì với tôi. Thay vì mất công để thầy bói xem tay, tôi nghĩ tốt hơn mình nên vắt óc tìm giải pháp cho bất cứ vấn đề nào tôi gặp phải. Không phải tôi có đầu óc lỗi lạc gì cả, chỉ là đây có vẻ là cách nhanh hơn để tìm giải pháp. Tôi cũng không tin vào sức mạnh huyền bí. Luân hồi, linh hồn, linh cảm, thần giao cách cảm, tận thế—tôi bỏ qua. Tôi không nói mình không tin bất kỳ điều gì trong đó. Với tôi chúng thật sự tồn tại cũng chẳng vấn đề gì. Chỉ là cá nhân mà nói, tôi không quan tâm. Tuy nhiên, một số lượng đáng kể những điều kỳ lạ bất ngờ đã tô điểm cho cuộc sống đáng ra thật tẻ nhạt của tôi.

Chuyện tôi sắp kể đây là của một người bạn kể cho tôi. Có lần tình cờ tôi kể anh nghe hai câu chuyện của tôi, sau đó anh ngồi mặt nghiêm nghị một lúc rồi cuối cùng nói, “Cậu biết không, tớ cũng gặp chuyện tương tự. Chuyện gì đấy mà sự trùng hợp đưa tớ đến. Chẳng phải hoàn toàn kỳ lạ, nhưng tớ cũng không tài nào lý giải cặn kẽ được. Dù sao đi nữa, cả một chuỗi những điều trùng hợp đã đưa tớ đến nơi tớ chưa bao giờ ngờ đến.”

Tôi đã thay đổi một số chi tiết để bảo vệ danh tính mọi người, còn đâu câu chuyện giống hệt như anh ấy kể.

*

Bạn tôi làm nghề lên dây piano. Anh sống ở Tây Tokyo, gần sông Tama. Anh 41 tuổi, và đồng tính. Anh không đặc biệt giấu việc mình đồng tính. Anh có bạn trai trẻ hơn anh ba tuổi. Cậu bạn trai làm trong ngành bất động sản và vì công việc mà không thể công khai, nên họ không sống với nhau. Bạn tôi có thể là một người lên dây khiêm tốn nhưng anh đã tốt nghiệp khoa piano của một trường nhạc và bản thân cũng là một nghệ sĩ piano ấn tượng. Sở trường của anh là các nhà soạn nhạc Pháp hiện đại—Debussy, Ravel, và Erik Satie và anh chơi họ với biểu cảm sâu sắc. Nhưng Francis Poulenc mới là yêu thích nhất.

“Poulenc đồng tính,” một hôm anh giải thích. “Ông ấy chẳng cố che giấu chuyện đó. Một điều khá khó ngày ấy. Ông từng nói: ‘Nếu anh lấy đi phần đồng tính của tôi thì âm nhạc của tôi không bao giờ xuất hiện.’ Tớ biết chính xác ý ông là gì. Ông phải thành thật với bản chất đồng tính của ông chẳng khác gì thành thật với âm nhạc. Đấy là âm nhạc, và đấy là đời.”

Tôi cũng luôn thích nhạc Poulenc. Khi bạn tôi đến chỉnh cây piano cũ cho tôi đôi lúc tôi để anh chơi vài đoạn Poulenc ngắn lúc xong việc. “French Suite,” “Pastoral,” vân vân.

Anh “phát hiện” mình đồng tính sau khi vào trường nhạc. Trước đó anh chưa bao giờ nghĩ đến khả năng đấy. Anh đẹp trai, được dạy dỗ cẩn thận, có phong thái điềm đạm, và rất nổi với đám con gái trường trung học. Chưa bao giờ có bạn gái ổn định, nhưng anh có hẹn hò. Anh thích đi dạo với một cô gái, ngắm mái tóc cô thật gần, mùi hương nơi cổ cô, nắm bàn tay cô thanh mảnh. Nhưng anh chưa bao giờ trải qua chuyện tình dục. Sau vài lần hẹn hò với một cô gái anh bắt đầu cảm thấy cô đang hy vọng anh sẽ chủ động và làm gì đó, nhưng anh chưa bao giờ có thể tiến thêm một bước. Anh chưa bao giờ cảm thấy điều gì trong mình thúc đẩy anh làm vậy. Đám con trai không ngoại lệ đứa nào cũng vật lộn với những ham muốn tình dục của mình, một số đấu tranh, số khác lao đầu vào và đầu hàng, nhưng anh chưa bao giờ cảm thấy những kiểu ham muốn ấy. Có thể mình dậy thì muộn, anh nghĩ. Hoặc có thể mình chưa gặp đúng cô gái cần gặp.

Hồi đại học anh hẹn hò với một cô gái cùng khóa trong khoa nhạc cụ gõ. Họ thích trò chuyện, và bất cứ khi nào ở gần nhau họ đều cảm thấy gần gũi. Không lâu sau khi gặp nhau họ làm tình trong phòng cô. Cô là người dẫn anh về. Họ đã uống một chút. Chuyện diễn ra suôn sẻ, dù không nhiều cảm xúc và thỏa mãn như mọi người nói. Thật ra anh còn thấy nó thô bỉ, thậm chí ghê tởm. Và mùi hương nhè nhẹ mà cô gái tỏa ra khi kích thích khiến anh cụt hứng. Anh thích nói chuyện với cô, cùng nhau chơi nhạc, cùng nhau ăn hơn nhiều. Thời gian trôi qua, quan hệ tình dục với cô trở thành một gánh nặng.

Tuy vậy, anh chỉ nghĩ mình thờ ơ với tình dục. Nhưng cái ngày… Không, tôi sẽ bỏ qua đoạn này. Nó rất dài, và thực sự không liên quan đến câu chuyện tôi muốn kể. Cứ cho là có chuyện gì đó đã diễn ra và anh phát hiện mình, không thể nào nhầm lẫn, đồng tính. Không muốn bịa đặt lý do nào đó nên anh lập tức công khai và nói cô biết. Chỉ một tuần tất cả bạn bè anh đã biết chuyện. Anh mất đi vài người bạn, quan hệ giữa anh với bố mẹ trở nên khó khăn, nhưng quan trọng nhất là công khai thì tốt. Anh không phải típ người có thể che giấu bản chất thực sự của mình.

Đau lòng nhất lại là cách điều này ảnh hưởng đến quan hệ của anh với người thân nhất trong gia đình, chị gái hơn anh hai tuổi. Khi gia đình chồng chưa cưới của cô nghe chuyện anh công khai đồng tính, có vẻ như hôn lễ sẽ bị hủy bỏ, và dù hai người đã thuyết phục được gia đình nhà trai và cuối cùng vẫn kết hôn, mọi chuyện gần như đã khiến cô chị suy nhược tinh thần, và cô nổi giận với em mình. Sao mày phải chọn đúng lúc này trong cuộc đời tao để làm sóng làm gió? cô hét vào mặt anh. Lẽ tự nhiên, anh biện hộ cho mình, nhưng sau đó hai người trở nên xa cách, và thậm chí anh còn chẳng đến dự đám cưới cô.

Anh nói chung hài lòng với cuộc sống như một người đồng tính sống một mình. Trừ những người kỳ thị về mặt thể xác với người đồng tính, hầu hết đều thích anh—xét cho cùng, anh luôn ăn mặc đẹp, tử tế, và lịch sử, có khiếu hài hước nhẹ nhàng và nụ cười được lòng người. Anh làm tốt công việc, nên có danh sách khách hàng rộng lớn và thu nhập ổn định. Nhiều nghệ sĩ piano nổi tiếng chỉ muốn anh chỉnh nhạc cụ cho mình. Anh mua một căn hộ hai phòng ngủ gần một trường đại học và gần như đã trả hết nợ. Anh có dàn âm thanh nổi đắt tiền, là đầu bếp hữu cơ có tay nghề, và giữ dáng bằng cách tập gym năm ngày một tuần. Sau khi hẹn hò với nhiều người, anh gặp cậu bạn hiện tại và tận hưởng mối quan hệ tình dục ổn định với cậu ta trong gần một thập niên.

Thứ ba hàng tuần anh qua bên kia sông Tama bằng chiếc xe hơi thể thao mui trần có hộp số tự động hãng Honda và đến một trung tâm mua sắm ở tỉnh Kanagawa. Trung tâm có đủ các cửa hàng bán lẻ điển hình—Gap, Toys R Us, Body Shop. Vào cuối tuần nơi này chật ních và khó mà tìm được chỗ đậu xe, nhưng sáng ngày trong tuần thì gần như bỏ hoang. Anh sẽ đến một hiệu sách lớn ở trung tâm, chọn một cuốn lọt vào mắt, rồi dành vài giờ thư thái uống cà phê và đọc sách ở quán. Thứ ba của anh trôi qua như thế.

“Cái trung tâm thật gớm,” anh bảo tôi, “nhưng quán cà phê là ngoại lệ—một nơi nho nhỏ cực kỳ thoải mái. Tớ chỉ tình cờ qua đó. Họ không mở nhạc, cả quán cấm hút thuốc, ghế mà ngồi đọc thì hoàn hảo. Không quá cứng, chẳng quá mềm. Lại còn chẳng có ai ở đấy. Tớ không nghĩ sáng thứ ba cậu lại thấy nhiều người đến quán cà phê đâu. Có đến thì chắc cũng chỉ đến Starbucks gần đấy.”

Vậy là mỗi thứ ba lại thấy anh ở đấy, đắm mình trong sách, từ mười giờ hơn đến một giờ. Lúc một giờ anh đến quán ăn gần đấy, chén salad cá ngừ với Perrier, rồi đến phòng tập gym. Đấy là một ngày thứ ba bình thường.

*

Sáng thứ ba đặc biệt ấy anh đang đọc, như thường lệ, trong quán cà phê gần như vắng. Bleak House của Charles Dickens. Anh đã đọc nó nhiều năm trước, và khi thấy nó trên giá sách anh quyết định thử đọc lại. Anh nhớ rõ nó đọc thú vị, dù cả đời anh cũng không thể nào nhớ được cốt truyện. Dickens luôn là một trong những nhà văn yêu thích của anh. Đọc Dickens khiến thế giới tan biến. Từ trang đầu tiên anh đã thấy mình bị hút hoàn toàn vào câu chuyện.

Nhưng sau một tiếng tập trung đọc, anh thấy mệt. Anh gấp sách lại, đặt lên bàn, ra hiệu cho nhân viên rót thêm cà phê, rồi vào nhà vệ sinh bên ngoài quán. Khi anh về chỗ, một cô gái ở bàn bên cạnh, cũng đang đọc sách, bắt chuyện với anh.

“Xin lỗi anh, tôi hỏi anh câu này anh không phiền chứ?”

Cô nở nụ cười có phần mơ hồ khi anh nhìn lại. Cô trạc tuổi anh. “Dĩ nhiên,” anh trả lời.

“Tôi biết nói thế này thì tọc mạch, nhưng có điều tôi vẫn băn khoăn,” cô nói, hơi đỏ mặt.

“Không sao. Tôi không vội, chị cứ nói.”

“Có khi nào cuốn anh đang đọc là của Dickens?”

“Đúng đấy,” anh nói, giơ sách cho cô xem. “Bleak House.”

“Tôi cũng nghĩ thế,” cô nói, ra vẻ nhẹ nhõm. “Tôi liếc qua bìa và nghĩ chắc là nó.”

“Chị cũng là fan Bleak House à?”

“Vâng. Ý tôi là, tôi cũng đang đọc nó. Ngay cạnh anh, chỉ là trùng hợp.” Cô bỏ tấm giấy trơn bọc cuốn sách, loại nhà sách bọc vào nếu khách hàng muốn, và cho anh xem bìa.

Đó chắc chắn là một sự trùng hợp đáng ngạc nhiên. Tưởng tượng mà xem—một buổi sáng trong tuần, trong một quán cà phê vắng vẻ trong một trung tâm mua sắm vắng vẻ, hai người tình cờ ngồi cạnh nhau, đọc cùng một cuốn sách. Và không phải sách bán chạy quốc tế mà là Charles Dickens. Thậm chí cũng không phải những cuốn nổi tiếng hơn của ông. Cuộc gặp tình cờ kỳ lạ và bất ngờ này khiến hai người sửng sốt, nhưng nó cũng giúp họ vượt qua sự bối rối của cuộc gặp gỡ đầu tiên.

Cô sống trong một khu phát triển nhà ở mới không xa trung tâm mua sắm. Cô mua Bleak House cách đấy năm ngày cũng ở nhà sách ấy, và lần đầu tiên cô ngồi xuống quán cà phê này gọi một tách trà và mở sách ra cô thấy mình không thể nào dừng lại. Trước khi cô nhận ra đã hai giờ trôi qua. Chưa bao giờ cô say đọc sách như thế từ hồi đại học.

Cô nhỏ nhắn và, dù không thừa cân, đã bắt đầu có thêm chút da chút thịt ở tất cả những vị trí điển hình. Cô có vòng ngực lớn và gương mặt dễ nhìn. Quần áo cô trang nhã, trông có vẻ hơi đắt tiền. Hai người nói chuyện một lúc. Cô tham gia một câu lạc bộ sách và cuốn sách trong tháng của họ tình cờ là Bleak House. Một thành viên nữ trong câu lạc bộ là fan ruột của Dickens và cô ấy gợi ý cuốn tiểu thuyết này cho lần đọc tiếp theo. Cô có hai con (hai bé gái, một đứa lớp ba còn một đứa lớp một) và thường thì khó tìm được thời gian để đọc. Dù vậy đôi lúc cô cũng có thể ra khỏi nhà như hôm nay và dành ra chút thời gian. Hầu hết những người cô gặp hằng ngày là mẹ bạn học cùng lớp con gái cô, và chủ đề trò chuyện của họ chỉ giới hạn trong những bộ phim truyền hình cùng những tin đồn về giáo viên của con cái họ, nên cô tham gia một câu lạc bộ sách địa phương. Chồng cô cũng từng đọc sách kha khá, dù giờ công việc khiến anh bận đến nỗi thỉnh thoảng có thời gian liếc qua mấy đầu sách kinh doanh đã là may mắn.

Anh kể cho cô một chút về mình. Rằng anh làm nghề lên dây piano, sống bên kia sông Tama, và độc thân. Anh thích quán cà phê nhỏ này đến nỗi mỗi tuần một lần anh lái cả chặng đường đến đây chỉ để ngồi đọc sách. Anh không nhắc đến việc mình đồng tính. Không phải anh cố ý che giấu, mà đấy chỉ là chuyện không phải kể cho ai cũng được.

Họ ăn trưa cùng nhau ở một nhà hàng trong trung tâm mua sắm. Cô thuộc kiểu người rất cởi mở và trung thực. Khi đã thoải mái cô cười rất nhiều—điệu cười tự nhiên, thầm lặng. Chẳng cần cô nói anh cũng tưởng tượng được cuộc sống của cô từ trước đến nay. Cô là con gái rượu của một gia đình giàu có ở Setagaya, học một trường đàng hoàng, cưới ông chồng hơn cô ba tuổi có mức lương khấm khá, rồi có hai bé gái. Chúng học trường tư. Mười hai năm hôn nhân của cô không hẳn toàn màu hồng, nhưng cô cũng không có than phiền gì đặc biệt. Hai người ăn một bữa trưa nhẹ và nói chuyện về những cuốn sách họ đọc gần đây, thứ âm nhạc họ thích. Họ nói chuyện khoảng một giờ.

“Thật là thích,” cô nói khi họ ăn xong, đỏ mặt. “Tôi chẳng có ai có thể thực sự nói chuyện cùng.”

“Tôi cũng thích,” anh nói. Và đấy là sự thật.

*

Thứ ba tuần sau, trong lúc anh đang ngồi đọc sách trong quán cà phê, cô lại xuất hiện. Họ chào nhau bằng một nụ cười và ngồi ở hai bàn riêng biệt, cả hai lặng lẽ đi sâu vào cuốn Bleak House của mình. Gần trưa cô qua bàn nói chuyện với anh, và như tuần trước họ cùng nhau đi ăn. Tôi biết một quán Pháp nho nhỏ ấm cúng gần đây, cô nói, không biết anh có muốn đi không. Trong trung tâm chẳng có nhà hàng nào khá. Nghe được đấy, anh đồng ý, vậy mình đi nhé. Họ đến nhà hàng bằng chiếc Peugeot 306 tự động màu lam của cô, ăn salad cải xoong và cá chẽm, kèm một ly vang trắng. Và thảo luận về tiểu thuyết của Dickens trong khi ăn.

Ăn xong, trên đường về, cô dừng xe ở công viên và nắm tay anh. Cô muốn một nơi nào đó đẹp và yên tĩnh với anh, cô nói. Anh hơi ngạc nhiên khi mọi thứ phát triển nhanh đến thế.

“Chưa bao giờ tôi làm chuyện gì thế này sau khi kết hôn. Chưa một lần nào,” cô giải thích. “Nhưng anh là tất cả những gì tôi nghĩ đến tuần qua. Tôi hứa sẽ không đòi hỏi gì cả, cũng không khiến anh gặp rắc rối. Dĩ nhiên nếu anh không thấy tôi hấp dẫn…”

Anh nhẹ nhàng nắm chặt tay cô, rồi lặng lẽ giải thích mọi chuyện. Nếu tôi là một người đàn ông bình thường, anh nói, chắc chắn tôi sẽ rất vui khi được đi cùng chị đến một nơi đẹp và yên tĩnh. Chị hấp dẫn và tôi biết dành thời gian như thế với chị thì thật là tuyệt. Nhưng vấn đề là, tôi là người đồng tính. Do vậy mà tôi không thể quan hệ với phụ nữ. Một số người đồng tính làm được chuyện ấy, nhưng tôi thì không. Tôi hy vọng chị hiểu. Tôi có thể làm bạn với chị, nhưng e là không thể làm người tình. Mất một lúc cô mới thực sự hiểu những gì anh đang cố gắng diễn đạt (anh là người đồng tính đầu tiên mà cô từng gặp), và sau khi cuối cùng cũng nắm bắt được điều đó, cô bắt đầu khóc. Dụi mặt vào vai anh, cô khóc một lúc lâu. Đó chắc hẳn là một cú sốc với cô. Cô gái tội nghiệp, anh nghĩ, rồi vòng tay qua người cô và vuốt ve tóc cô.

“Thứ lỗi cho tôi,” cuối cùng cô nói. “Tôi làm anh phải nói chuyện anh không muốn nói.”

“Không sao mà. Tôi không cố che giấu con người mình. Tôi nghĩ mình nên làm rõ chuyện chúng ta sẽ đi đến đâu để không phải hiểu lầm. Tôi sợ mình là người làm chị đau lòng.”

Những ngón tay thon dài vuốt ve mái tóc cô một lúc lâu, dần dần có tác dụng làm dịu. Anh để ý thấy dái tai phải của cô có một nốt ruồi. Nốt ruồi gợi lên một ký ức thời thơ ấu. Chị gái anh cũng có một nốt ruồi cỡ ấy, ở cùng chỗ ấy. Hồi còn nhỏ, anh thường nghịch ngợm kỳ nốt ruồi của chị anh lúc chị đang ngủ, cố tẩy nó đi. Chị anh tỉnh dậy, bực tức.

“Từ lúc gặp anh ngày nào tôi cũng phấn khích,” cô nói. “Tôi không cảm thấy như thế từ rất lâu rồi. Nó rất tuyệt—cảm giác như trở về thời niên thiếu. Thế nên tôi chẳng quan tâm. Tôi đến thẩm mỹ viện, bắt đầu chế độ ăn kiêng cấp tốc, mua đồ lót Ý…”

“Nghe như tôi làm chị tốn tiền rồi,” anh cười.

“Nhưng tôi nghĩ mình cần nó bây giờ đấy.”

“Cần gì?”

“Phải làm gì đấy để thể hiện cảm xúc của mình.”

“Bằng cách mua đồ lót Ý à?”

Cô đỏ tía tai. “Nó chẳng sexy gì đâu. Không đâu. Chỉ là rất đẹp thôi.”

Anh tươi cười nhìn vào mắt cô. Anh ra dấu mình chỉ đùa thôi và điều đó phá vỡ sự căng thẳng. Cô cười lại, và trong một lúc hai người nhìn sâu vào mắt nhau.

Anh lấy khăn tay lau nước mắt cho cô. Cô ngồi thẳng dậy và trang điểm lại, soi mình qua gương chống chói.

“Ngày kia tôi phải vào viện trong thành phố lấy kết quả xét nghiệm ung thư vú lần hai.” Cô vừa đánh xe vào chỗ đậu trong trung tâm mua sắm và kéo phanh tay. “Họ thấy một khối đáng ngờ trên kết quả chụp X-quang định kỳ hằng năm của tôi rồi bảo tôi đến cho họ làm thêm xét nghiệm. Nếu hóa ra là ung thư thật thì có lẽ tôi phải phẫu thuật ngay. Có lẽ vì thế mà tôi mới hành xử như ngày hôm nay. Tôi muốn nói là…”

Cô không nói gì trong một lúc, rồi lắc đầu dữ dội.

“Tôi chẳng hiểu nổi mình.”

Anh đo sự im lặng của cô trong một lúc. Lắng nghe cẩn thận, như thể để đón lấy một âm thanh yếu ớt bên trong.

“Gần như sáng thứ ba nào tôi cũng ở đây,” anh nói. “Ở ngay đây, đọc sách. Tôi không làm được gì nhiều để giúp đỡ, nhưng tôi ở đây nếu chị cần người nói chuyện. Ấy là nếu chị không ngại nói chuyện với người như tôi.”

“Tôi chưa nói ai biết chuyện này. Kể cả chồng tôi.”

Anh đặt tay lên tay cô, trên cần phanh tay.

“Tôi sợ lắm,” cô nói. “Có lúc sợ đến nỗi không nghĩ nổi.”

Một chiếc minivan xanh lam đánh vào cạnh họ, một cặp vợ chồng trung niên bất hạnh bước ra. Họ đang cãi nhau chuyện gì đó vô nghĩa. Họ đi rồi, im lặng trở lại. Mắt cô nhắm.

“Tôi không có tư cách đưa ra lời khuyên nào cả,” anh nói, “nhưng có một quy tắc mà tôi luôn làm theo mỗi khi tôi không biết phải làm gì.”

“Quy tắc?”

“Nếu phải chọn giữa cái có hình thức với cái không có, hãy chọn cái không có hình thức. Đấy là quy tắc của tôi. Bất cứ khi nào gặp bế tắc tôi đều làm theo quy tắc ấy, và nó luôn luôn hiệu quả. Dù lúc đấy có khó khăn thế nào.”

“Anh tự đặt ra quy tắc đấy à?”

“Đúng thế,” anh trả lời, nhìn bảng đồng hồ của chiếc Peugeot. “Từ kinh nghiệm của tôi.”

“Nếu phải chọn giữa cái có hình thức với cái không có, hãy chọn cái không có hình thức,” cô nhắc lại.

“Đúng thế.”

Cô ngẫm nghĩ điều này. “Nhưng nếu phải làm điều đó ngay lúc này tôi không biết mình có biết sự khác biệt hay không. Giữa cái có hình thức với cái không có.”

“Có thể không, nhưng tôi chắc rồi đến một lúc nào đó cô sẽ phải lựa chọn kiểu đấy.”

“Sao anh biết?”

Anh khẽ gật đầu. “Một người đồng tính dày dặn như tôi thì có đủ kiểu sức mạnh đặc biệt.”

Cô cười. “Cảm ơn anh.”

Theo sau là một khoảng im lặng dài. Nhưng không đặc quánh và ngột ngạt như trước.

“Tạm biệt,” cô nói. “Tôi thực sự muốn cảm anh. Tôi rất vui vì được gặp anh, và được nói chuyện. Giờ thì tôi cảm thấy có khả năng đối mặt với mọi chuyện hơn rồi.”

Anh mỉm cười và bắt tay cô. “Bảo trọng nhé.”

Anh đứng đấy, nhìn theo chiếc Peugeot xanh của cô xa dần. Anh vẫy tay lần cuối về phía gương chiếu hậu của xe cô, rồi chầm chậm bước về chỗ chiếc Honda của anh đang đỗ.

*

Thứ ba tuần sau trời mưa và cô không xuất hiện ở quán. Anh im lặng đọc đến một giờ rồi về.

Hôm ấy người anh quyết định không đi tập gym. Chỉ là anh cảm thấy không muốn. Thay vào đó anh về thẳng nhà mà không dừng lại ăn trưa rồi nằm trên ghế, nghe Arthur Rubinstein chơi ballad của Chopin. Nhắm mắt, anh có thể hình dung ra khuôn mặt của cô, cảm giác chạm vào mái tóc cô. Hình dạng cái nốt ruồi trên dái tai cô trở lại rõ ràng. Một lúc sau khuôn mặt cô và chiếc Peugeot mờ dần trong tâm trí anh, nhưng cái nốt ruồi vẫn còn lại đó. Nhắm mắt hay mở mắt, cái chấm nhỏ màu đen vẫn ở đó, như một thời bị lãng quên.

Khoảng hai rưỡi chiều anh quyết định gọi cho chị mình. Rất lâu rồi họ chưa nói chuyện. Bao lâu, anh tự hỏi. Mười năm? Họ xa lạ với nhau như vậy đấy. Một lý do là từ hồi lễ đính hôn của cô gặp chuyện, hai người họ mất kiểm soát và nói những điều không nên nói. Lý do khác là anh không thích chồng cô. Anh ta kiêu ngạo và thô lỗ, và coi thiên hướng tình dục của người lên dây piano như một căn bệnh truyền nhiễm. Trừ khi bắt buộc, anh không muốn lại gần anh ta trong vòng một trăm thước.

Anh do dự mấy lần trước khi nhấc điện thoại lên, nhưng cuối cùng vẫn bấm số. Điện thoại reo hơn mười lần và anh định bỏ cuộc—thật ra, với một cảm giác nhẹ nhõm nhất định—khi chị anh nghe máy. Giọng nói quen thuộc. Khi chị nhận ra anh, có một thoáng im lặng tột cùng ở đầu bên kia đường dây.

“Em gọi chị làm gì?” cô hỏi, giọng bằng bằng.

“Em không biết,” anh thừa nhận. “Em nghĩ gọi chị thì tốt hơn. Em thấy lo cho chị.”

Im lặng một lần nữa. Dài hơn. Có lẽ chị còn giận mình, anh nghĩ.

“Em gọi không có gì đặc biệt. Chỉ là muốn biết mọi chuyện có ổn không thôi.”

“Đợi tí,” cô nói. Anh biết cô đang khóc. “Xin lỗi, đợi chị chút nhé?”

Tiếp tục im lặng một lúc lâu. Anh áp chặt điện thoại vào tai mình. Chẳng thể nghe thấy gì, hay cảm nhận được gì. “Giờ em có bận không?” cuối cùng chị anh hỏi.

“Không, em rảnh.”

“Chị qua thăm em nhé?”

“Vâng. Em sẽ đến nhà ga đón chị.”

Một giờ sau anh đón cô ở nhà ga rồi đưa cô về căn hộ mình. Đã mười năm trôi qua kể từ lần cuối họ gặp nhau, và họ phải thừa nhận cả hai đều già đi. Họ giống như một tấm gương cho người kia, phản ánh những thay đổi trong bản thân mình. Chị anh vẫn gầy và phong cách, trông trẻ hơn năm tuổi so với tuổi thật. Vậy nhưng đôi má trũng của cô có vẻ nghiêm trọng mà trước đây anh chưa từng thấy, và đôi mắt đen ấn tượng của cô đã mất vẻ tươi sáng thường thấy. Bản thân anh trông cũng trẻ hơn tuổi, dù khó mà giấu đi sự thật là tóc anh đang thưa dần. Trong xe họ ngập ngừng nói những chuyện điển hình: công việc, con cái, tin tức về những người bạn chung, tình hình sức khỏe của bố mẹ.

Về đến nhà anh vào bếp đun nước.

“Em vẫn chơi piano à?” cô hỏi trong lúc nhìn chiếc piano đứng trong phòng khách.

“Chơi cho vui thôi. Mà chỉ mấy bài đơn giản. Em không đánh được mấy bài khó nữa.”

*

Chị anh lật nắp piano lên và đặt tay lên những phím vàng đã cũ. “Chị chắc chắn một ngày nào đấy em sẽ là nghệ sĩ piano nổi tiếng.”

“Thế giới âm nhạc là nơi những đứa trẻ thần đồng đến để chết,” anh nói trong lúc nghiền hạt cà phê. “Phải từ bỏ ý tưởng trở thành nghệ sĩ piano chuyên nghiệp là một điều hết sức thất vọng. Giống như kiểu mọi thứ em làm từ trước đến nay đều công cốc. Em chỉ muốn biến mất. Nhưng hóa ra tai em lại tốt hơn tay. Có nhiều người tài năng hơn, nhưng chẳng ai có đôi tai nhạy như em. Em nhận ra điều đó không lâu sau khi vào đại học. Làm người lên dây piano hạng nhất thì tốt hơn nhiều so với làm nghệ sĩ piano hạng hai.”

Anh lấy hộp kem ra khỏi tủ lạnh và đổ nó vào một cái bình gốm.

“Buồn cười thật đấy, nhưng sau khi chuyển sang lên dây em lại bắt đầu thích chơi piano hơn trước. Từ nhỏ em đã tập đàn như điên. Thấy mình cải thiện thì vui, nhưng chưa bao giờ em thích chơi cả. Chơi piano chỉ là một cách giải quyết những vấn đề nhất định. Cố gắng tránh gõ nhầm hay để những ngón tay mình nhảy múa—tất cả chỉ là để gây ấn tượng với người khác. Phải đến khi từ bỏ ý tưởng trở thành nghệ sĩ piano cuối cùng em mới hiểu chơi piano có thể thú vị như thế nào. Và âm nhạc thì thực sự kỳ diệu ra sao. Nó giống như gánh nặng được rũ khỏi vai, gánh nặng mà em chưa bao giờ nhận ra mình đang mang cho đến khi thoát khỏi nó.”

“Em chưa bao giờ kể chị chuyện này.”

“Chưa?”

Chị anh gật đầu.

“Lúc em nhận ra mình đồng tính cũng thế,” anh tiếp tục. “Những vấn đề em chưa bao giờ hiểu bỗng nhiên được giải quyết. Cuộc sống sau đấy dễ dàng hơn nhiều, như những đám mây đã tan và cuối cùng em có thể nhìn được. Khi từ bỏ ý định làm nghệ sĩ piano và công khai mình là người đồng tính, em chắc mình đã làm mất lòng rất nhiều người. Nhưng em muốn chị hiểu đấy là cách duy nhất em có thể trở về với con người thật của mình. Con người thật của em.”

Anh đặt tách cà phê trước mặt chị mình, rồi lấy cốc của mình và ngồi cạnh cô trên sofa.

“Đáng lẽ chị nên cố gắng hơn để hiểu em hơn,” chị anh nói. “Nhưng trước khi làm thế em nên giải thích với mọi người. Nói mọi người biết em nghĩ gì, để mọi người góp ý và—”

“Em không muốn giải thích gì cả,” anh cắt lời cô. “Em muốn mọi người hiểu em, mà không phải nói gì cả. Nhất là chị.”

Cô không nói gì.

“Lúc đấy chỉ là em không thể lưu ý đến cảm xúc của người khác. Em không đủ khả năng nghĩ về chuyện ấy.”

Giọng anh có chút run rẩy khi anh nhớ lại quãng thời gian ấy trong cuộc đời mình. Anh thấy như muốn òa ra khóc nhưng bằng cách nào đó vẫn kìm lại được và tiếp tục.

“Cuộc đời em thay đổi hoàn toàn, chỉ trong một thời gian ngắn. Đấy là tất cả những gì em có thể làm để sống tiếp mà không sụp đổ. Em rất sợ, rất hoảng loạn. Lúc đấy em chẳng thể giải thích gì với ai cả. Em thấy mình như sắp biến mất khỏi mặt đất. Em chỉ muốn chị hiểu em. Và giữ em lại. Không cần logic hay giải thích gì. Nhưng chẳng ai—”

Chị anh ôm mặt. Vai cô run rẩy trong lúc cô lặng lẽ khóc. Anh nhẹ nhàng đặt tay lên vai cô.

“Chị xin lỗi.”

“Không sao đâu,” anh trả lời. Anh rót chút kem vào cốc cà phê, khuấy đều, rồi chầm chậm nhấp một ngụm, cố gắng kiềm chế. “Không phải khóc. Cũng là lỗi của em.”

“Nói chị nghe,” cô nói, ngẩng mặt nhìn thẳng vào anh, “sao đúng hôm nay em gọi chị?”

“Hôm nay?”

“Em không gọi suốt mười năm nay, chị chỉ muốn biết sao em lại chọn hôm nay?”

“Có một chuyện xảy ra,” anh nói, “và nó làm em nghĩ về chị. Em chỉ muốn biết dạo này chị thế nào. Em muốn nghe giọng chị. Thế thôi.”

“Chưa ai bảo gì em à?”

Có gì đó rất khác trong giọng cô, và anh bồn chồn. “Không, em chưa thấy ai bảo gì em cả. Có chuyện gì à?”

Chị anh im lặng một lúc, lấy tinh thần. Anh kiên nhẫn đợi cô giải thích.

“Mai chị vào viện.”

“Vào viện?”

“Mai chị mổ ung thư vú. Họ sẽ cắt bên phải. Toàn bộ. Nhưng chẳng ai biết nó có ngăn được ung thư di căn hay không. Cắt rồi họ mới biết được.”

Trong một lúc anh chẳng thể nói gì, tay anh vẫn trên vai cô, anh nhìn quanh một cách vô nghĩa hết thứ này đến thứ khác trong phòng. Đồng hồ, đồ trang trí, lịch, cái điều khiển từ xa của dàn âm thanh. Những đồ vật quen thuộc trong phòng, nhưng vì lý do nào đó anh không thể nắm bắt được khoảng cách ngăn cách giữa cái này với cái khác.

“Cả một thời gian dài chị đã tự hỏi mình có nên liên lạc với em không,” chị anh nói. “Cuối cùng chị nghĩ là không, nên chưa bao giờ chị nói gì cả. Nhưng chị rất muốn gặp em. Chị nghĩ ít nhất mình cũng nên có một buổi trò chuyện vui vẻ. Có những chuyện chị phải xin lỗi. Nhưng… chị không muốn thấy em như thế này. Em có biết chị đang nói gì không.”

“Em biết,” em cô nói.

“Nếu gặp, chị muốn gặp trong hoàn cảnh tốt đẹp hơn, lúc em có thể lạc quan hơn về mọi chuyện. Nên chị quyết định không liên lạc với em. Nhưng đúng lúc chị quyết tâm như thế thì em gọi—”

Không nói lời nào, anh vòng cả hai tay ôm cô và kéo lại gần. Anh có thể thấy ngực cô áp vào ngực anh. Cô gối mặt lên vai anh và khóc. Hai chị em ngồi như thế một lúc lâu.

Cuối cùng cô lên tiếng. “Em bảo có chuyện xảy ra làm em nghĩ đến chị. Chuyện gì thế? Nếu em không ngại nói chị biết.”

“Em chẳng biết phải nói thế nào. Khó giải thích lắm. Chỉ là có chuyện xảy ra thôi. Một chuỗi những điều trùng hợp. Hết chuyện này đến chuyện khác rồi em—”

Anh lắc đầu. Cảm nhận về khoảng cách vẫn chưa trở lại. Hàng năm ánh sáng ngăn cách đồ trang trí với cái điều khiển.

“Chỉ là em không giải thích được,” anh nói.

“Không sao đâu,” cô nói. “Dù sao chị cũng mừng. Rất mừng.”

Anh sờ lên dái tai cô và nhẹ nhàng kỳ cái nốt ruồi. Sau đó, như gửi một lời thì thầm không lời vào một nơi rất đặc biệt nào đó, anh cúi xuống hôn lên nó.

*

“Vú bên phải của chị tớ bị cắt trong ca mổ, nhưng may là ung thư không di căn và chị ấy chỉ cần điều trị bằng hóa trị liều thấp. Thậm chí tóc còn không rụng. Giờ chị ấy ổn cả rồi. Gần như ngày nào tớ cũng vào viện thăm chị. Với phụ nữ mà mất một bên vú như thế thì kinh khủng lắm. Sau khi chị về nhà, tớ đến thăm họ khá thường xuyên. Tớ bắt đầu gần gũi với các cháu. Tớ còn dạy cháu gái chơi đàn nữa. Chẳng phải khoe khoang gì đâu, nhưng mà nó hứa hẹn lắm. Giờ đã quen anh rể rồi hóa ra anh ấy cũng không hẳn tồi tệ như tớ nghĩ. Chắc chắn, anh ấy vẫn coi mình là nhất và có hơi thô lỗ, nhưng dù sao cũng làm việc chăm chỉ và tốt với chị tớ. Và cuối cùng anh ấy cũng hiểu đồng tính không phải là bệnh truyền nhiễm mà tớ sắp sửa lây cho các con anh. Một bước nhỏ nhưng ý nghĩa.”

Anh cười. “Làm lành với chị, tớ thấy như mình đã bước tiếp trong cuộc sống. Như giờ tớ có thể sống theo cách mình phải sống, hơn bao giờ hết… Đấy là chuyện tớ phải đối mặt. Tớ nghĩ trong thâm tâm tớ luôn hy vọng chị em tớ sẽ làm lành, và có thể ôm nhau một lần nữa.”

“Nhưng phải có chuyện gì xảy ra rồi cậu mới thế được chứ?” tôi hỏi.

“Đúng đấy,” anh nói, gật đầu mấy lần. “Đấy là điều quan trọng nhất. Cậu biết không, lúc đấy tớ nghĩ thế này: có lẽ suy cho cùng chuyện tình cờ là một thứ khá phổ biến. Những điều trùng hợp kiểu này vẫn diễn ra xung quanh chúng ta, mọi lúc, nhưng phần lớn nó không khiến chúng ta để ý và chúng ta để mặc nó trôi qua. Như pháo hoa giữa ban ngày vậy. Cậu có thể nghe thấy một tiếng nổ nhỏ, nhưng nhìn lên trời thì chẳng thấy gì. Nhưng nếu chúng ta thực sự hy vọng điều gì đó có thể trở thành sự thật, thì nó có thể trở nên hữu hình, như một thông điệp nổi lên bề mặt. Rồi chúng ta có thể xử lý nó một cách rõ ràng, giải mã ý nghĩa của nó. Và thấy nó trước mắt chúng ta chúng ta lại ngạc nhiên và tự hỏi sao những điều kỳ lạ như thế có thể xảy ra. Cho dù nó chẳng có gì kỳ lạ cả. Tớ không thể không nghĩ thế. Cậu nghĩ sao? Đấy có phải là ép buộc mọi chuyện không?”

Tôi nghĩ về cái anh nói. Cậu biết đấy, có thể cậu đúng, tôi tìm cách trả lời. Nhưng tớ không hoàn toàn chắc mọi chuyện có thể được gói ghém gọn gàng như thế.

“Tớ thà tin vào cái gì đấy đơn giản hơn, một vị thần nhạc jazz chẳng hạn,” tôi nói.

Anh cười. “Tớ thích thế. Có vị thần của người đồng tính nữa thì tốt.”

*

Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra với người phụ nữ nhỏ nhắn mà anh gặp ở quán cà phê sách. Tôi chưa chỉnh đàn hơn nửa năm nay, và vẫn chưa có cơ hội nói chuyện với anh. Nhưng tôi hình dung thứ ba nào anh cũng lái qua sông Tama đến quán cà phê ấy. Ai biết—có thể anh lại gặp cô lần nữa. Nhưng tôi vẫn chưa nghe được chuyện gì, nghĩa là câu chuyện kết thúc ở đây.

Tôi không quan tâm đấy là vị thần nhạc jazz, vị thần của người đồng tính, hay vị thần nào khác, nhưng tôi hy vọng, ở đâu đó, một cách kín đáo, như thể tất cả chỉ là trùng hợp, ai đó trên cao kia đang dõi theo người phụ nữ ấy. Tôi hy vọng thế từ tận đáy lòng. Một hy vọng rất giản đơn.

Copyright © 2005 by Haruki Murakami | Nguyễn Huy Hoàng dịch.

Advertisement

One comment on “Truyện ngắn: “Chance Traveler” – Haruki Murakami

  1. Jodie Typn
    October 25, 2016

    Reblogged this on Jodie Typn and commented:

    Câu chuyện này là minh chứng rõ ràng nhất cho việc tại sao mình tin vào những thứ như Luật Hấp dẫn đến thế.
    “Nếu chúng ta thực sự hy vọng điều gì đó có thể trở thành sự thật, thì nó có thể trở nên hữu hình, như một thông điệp nổi lên bề mặt”.
    Hy vọng không mù quáng hẳn là nền móng tốt nhất cho tiến trình dẫn đến thành công.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Information

This entry was posted on October 24, 2016 by in Truyện and tagged .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

%d bloggers like this: