Primo Levi, Turin, 1985 | Photo by René Burri/Magnum
Primo Levi sinh năm 1919 ở Turin, Ý. Là một nhà hóa học, ông bị bắt trong Thế chiến thứ II do tham gia phong trào kháng chiến chống Phát xít và bị đưa đến Auschwitz năm 1944. Trải nghiệm trong trại tử thần và những chuyến đi đến Đông Âu sau này là chủ đề của những cuốn hồi ký, tiểu thuyết, truyện ngắn, tiểu luận và thơ của ông. Ông qua đời ở Turin năm 1987.
Truyện ngắn “La storia di Avrom” được đăng lần đầu trên tờ La Stampa năm 1976 và in trong Lilít e altri racconti (Torino: Einaudi, 1981). Bản dịch tiếng Anh, “The Story of Avrom,” được in trong Primo Levi, Lilith and Other Stories, trans. Ann Goldstein, in The Complete Works of Primo Levi, vol. 2, ed. Ann Goldstein (New York: Liveright, 2015).
Trong những ngày này chúng ta thường nghe người ta nói họ xấu hổ vì là người Ý. Trên thực tế chúng ta có những lý do chính đáng để mà xấu hổ: quan trọng nhất, chúng ta đã không thể sản sinh ra một giai cấp chính trị đại diện cho chúng ta, và trong 30 năm chúng ta đã dung thứ cho một giai cấp không đại diện cho mình. Mặt khác, chúng ta cũng có những đức tính mà chúng ta không nhận ra, hoặc ít nhất chúng ta không biết chúng hiếm thế nào ở châu Âu và thế giới. Tôi nghĩ về những đức tính ấy bất cứ khi nào tôi kể câu chuyện của Avrom (như tôi gọi cậu), một câu chuyện mà tôi tình cờ nghe được. Bây giờ nó cứ tồn tại như thế, như một saga truyền từ miệng người này sang miệng người khác, với nguy cơ bị bóp méo hay thêm thắt, có thể bị nhầm lẫn với một sáng tác lãng mạn. Nó là câu chuyện mà tôi thích vì nó chứa đựng hình ảnh của đất nước mình dưới con mắt ngây thơ nước ngoài, dưới ánh sáng rạng rỡ của sự cứu rỗi, và trong những giờ khắc tươi đẹp nhất. Tôi sẽ kể lại nó ở đây, mong được lượng thứ cho những sai sót có thể có.
Năm 1939 Avrom 13 tuổi; cậu là người Do Thái Ba Lan, con trai của một thợ làm mũ nghèo ở L’viv. Khi người Đức tiến vào Ba Lan, Avrom hiểu ngay rằng tốt nhất cậu không nên ngồi nhà chờ họ đến; bố mẹ cậu đã quyết định ở lại, và lập tức bị bắt và biến mất. Avrom, bị bỏ lại một mình, len lỏi dưới đáy của thế giới ngầm nhỏ bé ở địa phương, sống nhờ trộm cắp vặt, buôn lậu nhỏ lẻ, chợ đen, và những công việc mơ hồ và không ổn định, ngủ trong hầm của những ngôi nhà bị đánh bom, cho đến khi phát hiện ra có một trại lính của người Ý ở L’viv. Có lẽ đó là một trong những căn cứ của Armir, quân đội Ý ở Nga; trong thành phố lập tức dậy lên tin đồn rằng lính Ý thì khác lính Đức, rằng họ tốt bụng, đi với gái, và không quá câu nệ về kỷ cương quân đội, về phép tắc và cấm đoán. Đến cuối năm 1942 Avrom đã sống thường trực, và bán chính thức, trong trại lính đó. Cậu đã học chút tiếng Ý và cố tỏ ra hữu ích bằng cách làm nhiều việc khác nhau, như phiên dịch, đánh giày, bốc vác. Cậu đã trở thành linh vật của trại lính, dù không chỉ có một mình: hàng chục cậu nhóc hoặc những đứa trẻ khác bị bỏ rơi, không người thân thích, không nhà cửa và không kế sinh nhai, cũng sống như cậu. Họ là người Do Thái và Cơ Đốc; với người Ý điều đó có vẻ chẳng khác biệt gì, và Avrom chưa bao giờ hết ngạc nhiên về điều đó.
Tháng 1 năm 1943, Armir được điều đi; trại lính đầy những binh sĩ nấn ná ở lại và sau đó được xuất ngũ. Toàn bộ người Ý trở về Ý, và các sĩ quan tỏ ý nếu ai muốn đem theo những cậu bé đó, con cái của không ai, thì họ sẽ nhắm mắt cho qua. Avrom đã kết thân với một alpino, thành viên của đội Alpine từ Canavese: họ đi qua Tarvisio trên cùng một con tàu chở quân và chính phủ Phát xít đã giữ họ lại một trại kiểm dịch ở Mestre. Trên danh nghĩa nó là trại kiểm dịch y tế, và, bên cạnh đó, họ đều có rận; trên thực tế nó là trại kiểm dịch chính trị, vì Mussolini không muốn những cựu binh đó kể quá nhiều chuyện. Họ ở đó cho đến ngày 12 tháng 9, khi quân Đức đến, như thể họ đang đuổi theo Avrom, theo dõi cậu ở tất cả những nơi ẩn náu của châu Âu. Người Đức phong tỏa trại và nhồi tù nhân lên các con tàu chở hàng để đưa họ về Đức.
Avrom, trên toa tàu hàng, nói với alpino rằng cậu sẽ không đến Đức, vì cậu biết người Đức và biết họ có khả năng làm những gì; nhảy khỏi tàu thì tốt hơn. Alpino nói anh đã thấy những gì người Đức làm ở Nga, nhưng không đủ dũng cảm để nhảy xuống. Nếu Avrom trốn, alpino sẽ viết một lá thư cho họ hàng của mình ở Canavese, nói Avrom là bạn anh, bảo họ sắp xếp cho cậu một chiếc giường và đối đãi như thể Avrom chính là anh. Avrom nhảy khỏi tàu với lá thư trong túi. Cậu ở Ý, nhưng không phải nước Ý bóng bẩy hào nhoáng trong những tấm bưu ảnh và sách giáo khoa địa lý. Chỉ có mình cậu, trên nền đường ray, không tiền, giữa đêm, giữa các đội tuần tra người Đức, ở một vùng đất xa lạ, đâu đó giữa Venice và đèo Brenner. Cậu chỉ biết mình phải đến Canavese. Mọi người đều giúp đỡ và không ai báo cáo cậu; cậu tìm được một chuyến tàu đến Milan, rồi một chuyến đến Turin. Ở Porta Susa cậu bắt Canavesana, tàu địa phương, xuống Cuorgnè, và đi bộ theo con đường về làng bạn mình. Lúc này Avrom 17 tuổi.
Cha mẹ alpino chào đón cậu, nhưng họ không nói nhiều. Họ cho cậu quần áo, đồ ăn, và một chiếc giường, và bởi đôi tay trẻ còn hữu ích, họ cho cậu làm việc trên đồng. Trong những tháng ấy nước Ý đầy người xa lạ—người Anh, người Mỹ, người Úc, người Nga—trốn khỏi các trại tù hôm mùng 8 tháng 9, và do vậy chẳng ai để ý gì nhiều đến một cậu bé nước ngoài. Chẳng ai hỏi gì; nhưng vị linh mục giáo xứ, nói chuyện với cậu, nhìn ra cậu là một đứa trẻ sáng dạ, và ông bảo cha mẹ alpino thật là tiếc nếu không cho cậu đến trường. Vậy là họ gửi cậu đến trường của linh mục. Đã chứng kiến quá nhiều chuyện, cậu rất thích trường và ham học; nó cho cậu một cảm giác an bình và bình thường. Nhưng cậu thấy phải học tiếng Latin thì thật buồn cười: sao trẻ con Ý phải học tiếng Latin, vì tiếng Latin gần như cũng thế? Nhưng cậu vẫn học hành chăm chỉ, đạt điểm rất tốt ở tất cả các môn, và đến tháng 3 vị linh mục gọi cậu đến phục vụ Thánh lễ. Chuyện này, một cậu bé Do Thái phục vụ Thánh lễ, đối với cậu còn buồn cười hơn nữa, nhưng cậu cẩn thận không nói ra mình là người Do Thái, bởi vì ai mà biết được. Dù sao đi nữa, cậu đã nhanh chóng học được cách làm dấu thánh giá và tất cả các lời cầu nguyện Cơ Đốc giáo.
Đầu tháng 4, một chiếc xe tải chở đầy người Đức đậu xuống sân làng, và toàn bộ người dân bỏ chạy. Nhưng rồi họ nhận ra đây là những người Đức kỳ lạ: họ không ra lệnh hay đe dọa, họ không nói tiếng Đức mà nói một thứ tiếng gì đó họ chưa bao giờ nghe thấy, và họ cố gắng diễn đạt một cách lịch sự. Có người nảy ra ý tưởng gọi Avrom đến, vì cậu, suy cho cùng, cũng là người nước ngoài. Avrom đến, và cậu với những người Đức kia hiểu nhau rất rõ, vì hóa ra họ chẳng phải người Đức; họ là người Séc bị người Đức ép vào Wehrmacht, và giờ họ đã bỏ trốn, trộm một chiếc xe tải quân sự, và họ muốn tham gia du kích Ý. Họ nói tiếng Séc còn Avrom nói tiếng Balan, nhưng hai bên vẫn hiểu nhau như thường. Avrom cảm ơn những người bạn Canavese của mình và đi cùng người Séc. Cậu chưa có tư tưởng chính trị rõ ràng, nhưng cậu đã thấy những gì người Đức đã làm với đất nước cậu, và với cậu chiến đấu chống lại họ có vẻ là điều đúng đắn.
Nhóm người Séc được sáp nhập vào một sư đoàn du kích Ý hoạt động ở Valle dell’Orco, và Avrom ở lại với họ làm phiên dịch và giao liên. Trong nhóm du kích có một người Do Thái và anh ta đã nói với tất cả mọi người chuyện đó; Avrom rất ngạc nhiên, nhưng cậu vẫn không nói cho ai biết mình cũng là người Do Thái. Có một cuộc bố ráp, và nhóm của cậu phải trèo lên thung lũng đến Ceresole Reale, nơi người ta giải thích cho cậu rằng nó được gọi là Reale—hoàng gia—vì vua Ý từng đến đó săn sơn dương, và họ cũng cho cậu thấy, qua ống nhòm, những con sơn dương trên sườn Gran Paradiso. Avrom choáng ngợp trước vẻ đẹp của những ngọn núi, hồ, và những cánh rừng, và với cậu đến đó để giao tranh thì thật vô lý; lúc đó cậu cũng được vũ trang. Nhóm du kích chiến đấu với quân Phát xít đến từ Locana, rồi rút vào các thung lũng Lanzo qua Colle della Crocetta. Đối với chàng trai đến từ nỗi kinh hoàng của khu ghetto, và từ đất nước Ba Lan đơn điệu, con đường qua ngọn núi gồ ghề, đơn độc, và nhiều ngọn núi khác theo sau là sự khai mở của một thế giới mới tráng lệ, chứa đựng những trải nghiệm làm cậu say mê và choáng ngợp: vẻ đẹp của tạo hóa, sự tự do và tin tưởng của những người bạn đồng hành. Các trận chiến và các cuộc tuần hành nối đuôi nhau. Mùa thu năm 1944, nhóm của cậu xuống Val di Susa, từ làng này qua làng khác, đến tận Sant’Ambrogio.
Đến giờ Avrom đã là một lính du kích đầy kinh nghiệm, dũng cảm và cứng rắn, đầy kỷ luật với bản tính mạnh mẽ, nhưng nhanh nhẹn với súng máy và súng lục, biết nhiều thứ tiếng, và ranh như cáo. Một đặc vụ mật người Mỹ đã làm quen với cậu, và giao cho cậu một máy phát radio: nó nằm trong va ly và cậu phải mang nó theo mình, liên tục chuyển kênh để không bị máy dò phương radio phát hiện, và giữ liên lạc với quân đội đang từ miền Bắc về miền Nam nước Ý, đặc biệt là lính Ba Lan dưới quyền tướng Władysław Anders. Di chuyển từ nơi ẩu náu này sang nơi ẩn náu khác, Avrom đến được Turin. Cậu được trao địa chỉ của giáo xứ San Massimo và từ khóa. Ngày 25 tháng 4 người ta tìm được cậu đang ẩn náu trong tháp chuông với chiếc radio của mình.
Sau giải phóng, quân Đồng Minh triệu cậu đến Rome để hợp thức hóa địa vị của cậu, trên thực tế là khá rắc rối. Họ đưa cậu lên một chiếc xe Jeep, và, đi trên những con đường gập ghềnh của thời gian, qua các thành phố và làng mạc chất đầy đổ nát, những người đứng hò reo, cậu đến Liguria và, lần đầu tiên trong quãng đời ngắn ngủi của mình, nhìn thấy biển.
Hành trình của Avrom 18 tuổi, một cậu lính ngây thơ may mắn, người, giống như nhiều lữ khách Bắc Âu xa xôi khác, khám phá nước Ý với một con mắt trong trắng và, như nhiều anh hùng của Risorgimento, chiến đấu vì sự tự do của tất cả mọi người ở một đất nước không phải của mình, kết thúc ở đây, trước sự huy hoàng của vùng Địa Trung Hải thời bình.
Giờ Avrom sống ở Israel, trong một kibbutz. Cậu, một người nói nhiều thứ tiếng, không còn có thứ tiếng nào thực sự của riêng mình: cậu gần như đã quên tiếng Ba Lan, tiếng Séc, và tiếng Ý, nhưng chưa hoàn toàn thuần thục tiếng Hebrew. Trong thứ tiếng mới với mình này cậu ghi lại ký ức, dưới dạng những ghi chú ngắn gọn, khiêm tốn, lu mờ bởi khoảng cách trong không gian và thời gian. Cậu là một tâm hồn khiêm tốn, một người viết không phải với những tham vọng của một con người văn chương hay sử gia mà với suy nghĩ về con cháu mình, để phần nào ký ức về những gì mà cậu đã thấy và trải qua có thể tồn tại. Hãy hy vọng chúng tìm được ai đó có thể khôi phục cho chúng cái tinh thần rộng mở và thuần khiết mà chúng có tiềm năng chứa đựng.
Copyright © 1985 by Giulio Einaudi Editore | Nguyễn Huy Hoàng dịch.