Nguyễn Huy Hoàng

the star is fading

Truyện ngắn: “Vật lưu niệm” – Yiyun Li

Yiyun Li.JPG

Photo by John D. & Catherine T. for MacArthur Foundation

Yiyun Li (1972–) là nhà văn người Mỹ gốc Trung Quốc. Cô được trao giải Whiting cho tác phẩm hư cấu năm 2006, giải truyện ngắn quốc tế Frank O’Connor năm 2005, và giải PEN/Hemingway năm 2006. Cô hiện là giáo sư ngành văn học Anh tại Đại học California, Davis.

Truyện ngắn “Souvenir” được in trong tập Gold Boy, Emerald Girl (Random House, 2010).

Vật lưu niệm

Người đàn ông để ý thấy cô gái trước, cẩn thận đi từ mặt tiền cửa hàng này sang cửa hàng khác, không liếc cửa sổ lấy một lần. Cô mặc váy trắng, giống sơ mi hơn, in hoa hồng và tím, cánh tay trần và mắt cá chân của cô ngây thơ như của một cô bé, xương và mịn. Ông nhìn cô đi qua mình trên băng ghế bên đường và đứng dậy. “Cháu làm bác nhớ về vợ bác hồi bác ấy bằng tuổi cháu,” ông thực hành trong đầu. Gậy của ông đụng phải cặp để dưới đất của hai sinh viên ngồi cạnh, và họ nhìn ông khó chịu trước khi tiếp tục cuộc trò chuyện, môi cậu bé hôn lên dái tai cô bé. Họ đã tỏ ý, khi lần đầu ông ngồi xuống cạnh họ, rằng họ không vui với việc ông xâm nhập vào thế giới riêng tư của họ, nhưng ông từ chối dời đi, ông có quyền ngồi trên băng ghế này y như đôi trẻ.

“Cháu làm bác nhớ về vợ bác hồi bác ấy bằng tuổi cháu,” giờ thì ông nói với cô gái. Đây không phải là lần đầu tiên ông bắt chuyện với một người phụ nữ trẻ bằng câu nói này, nhưng lần này ông thật lòng hơn bao giờ hết. Cái cách cô di chuyển trên phố lúc chiều muộn—cảnh giác như thể cô ý thức được rằng bất cứ ai, bất cứ điều gì, cũng có thể đâm sầm vào cô mà không có chút ý niệm dù nhỏ nhất về sự tồn tại của cô—chính là cách ông nhớ về người vợ, không chỉ hồi bà còn trẻ khi hai người lần đầu gặp nhau, mà còn trong cả bốn mươi năm hôn nhân sau đó. Bà đã bị lợi dụng bởi nhiều người lạ thiếu thân thiện chen vào hàng trước mặt, đồng nghiệp được thăng chức đáng lẽ thuộc về bà, ba lần sảy thai và một khối u trong gan.

“Bác ấy mất được sáu tháng rồi,” người đàn ông nói thêm. “Hai bác không có con.”

Cô gái nhìn ông già, không thấy thuyết phục trước nỗi buồn của kẻ góa vợ. Đây không phải là lần đầu tiên cô bị tiếp cận kiểu này, rằng cô khiến những ông già nhớ về người vợ và tình đầu đã chết như họ tuyên bố. Cô chưa bao giờ gay gắt với họ. Ngay cả với giáo sư vật lý của cô, người nắm lấy mọi cơ hội để chạm vào tay và lưng các sinh viên nữ, cô cũng không rụt lại như các cô gái khác; vết cọ từ bàn tay ông ta cũng không gây hại nhiều hơn việc một người đàn ông khác nhận ra ở cô người vợ đã khuất. Họ cũng đau khổ như cô thôi, và họ cũng không làm nỗi đau của cô thêm dài.

“Cháu đã thử trà hoa cúc chưa?” người đàn ông nói, chỉ vào cửa sổ trưng bày của hiệu thuốc nơi cô gái dừng lại. “Vợ bác thường nói nó giúp giải độc ra khỏi cơ thể.”

Cô gái thở dài ra mặt. Cô sẽ biết được mọi thông tin về người vợ nếu cô không dừng nỗi nhớ của ông lại; không phải cô khó chịu khi phải nghe kể và bị so sánh với một người đàn bà đã chết, mà cô có một mối tình riêng cần chăm chút tối nay. Cô gật đầu với người đàn ông và đi về phía cánh cửa hiệu thuốc, ước gì ông sẽ nói lời tạm biệt và tìm một cô gái khác trên phố.

Người đàn ông theo cô vào hiệu thuốc. Những chiếc đèn huỳnh quang phát sáng từ trần nhà và bên dưới các quầy kính. Hai người đàn bà trung niên, một người ngồi sau quầy thu ngân còn một người đằng sau quầy hàng ở hai bên đối diện của hiệu thuốc, đang trao đổi về những thói quen khó chịu của các ông chồng, đồng tình và an ủi lẫn nhau như thể họ đang chú tâm đánh một trận bóng bàn bằng lời nói. Một khách hàng khác lắng nghe trong lúc nghiên cứu cặp kính đọc sách, nhưng rồi bỏ đi mà không mua. “Một trong những tối dài đây,” người đàn ông nghĩ.

Cô gái bước từ quầy hàng này sang quầy hàng khác và giả vờ thích thú với nhiều loại sản phẩm khác nhau. Cô không biết làm sao ngăn được người đàn ông khỏi đi theo cô, vì ông hoàn toàn có quyền được đứng trong cửa hàng này giống như cô, nhưng chẳng mấy chốc trời sẽ tối và hai người đàn bà sẽ đóng cửa hiệu thuốc mà không hỏi cô cần gì. Cô gái nhìn đồng hồ treo trên tường và hoảng loạn. Đấy là tất cả những gì cô đã lên kế hoạch, rằng hiệu thuốc sẽ thoát khỏi những cặp mắt dòm ngó trong mười phút cuối trước khi đóng cửa và cô sẽ không phải thấy xấu hổ; cô đã không lường trước được nhu cầu của một người đàn ông cô đơn.

“Có một quán vằn thắn rất được ở bên kia phố, tí nữa bác mua cho cháu một bát nhé.”

Vợ ông chắc hẳn là thích vằn thắn, hoặc không thì đã nấu những bát vằn thắn rất ngon cho ông. Cô gái nghĩ về tuổi già và cảnh chẳng có mấy sự an ủi để mà bám víu. Cô mới hăm hai mà đã thấy khó mà được an ủi bởi những thứ nhỏ nhặt trên đời. Trong hai năm qua cô đã chứng kiến những sự kiện lớn hơn nhiều so với thứ mà cô chuẩn bị đón nhận, những cuộc biểu tình dẫn tới đổ máu và dẫn tới các cuộc bắt giữ và thẩm vấn. Những bi kịch ấy sẽ không phải chuyện cá nhân nếu như cô không cảm mến một thiếu niên anh hùng—cô không phải là người duy nhất ngưỡng mộ những cử chỉ cuốn hút của cậu trước máy quay phóng viên phương Tây—nhưng hai năm sau, cô là người duy nhất đến nhà cậu và ngồi với cậu mỗi tối. “Đừng hy vọng cao quá,” mẹ cậu đã cảnh báo cô từ trước, nhưng cô vẫn không tin rằng tinh thần mà cậu thể hiện ở Quảng trường lại có thể dễ dàng bị các cuộc thẩm vấn đè nát như thế. Cô đã đến nhà cậu và cầu xin được gặp cậu cho đến khi cha mẹ cậu chấp nhận sự hiện diện của cô; nhưng họ vẫn bảo cô rằng cậu, giờ chính thức là một người điên, sẽ không vượt qua được bài kiểm tra để được phép kết hôn.

“Hôn nhân là cho những ai vẫn tin vào sự nhàm chán,” cô trả lời thế, và sau này cô bảo bố mẹ mình thế. Cô đến ngồi cùng cậu và lắng nghe các cuộc độc thoại dài của cậu về lịch sử và triết học và cái chết của nhân loại; cô nhận ra những đoạn lặp lại nhưng không chỉ cho cậu biết, cũng không hỏi cậu nghĩ gì về sự có mặt của cô trong phòng ngủ của mình. Có lẽ cô đã lẫn vào đồ đạc, nhưng ngay cả một món đồ tốt cũng có thể cứu mạng người ta nhờ một phép lạ. Thỉnh thoảng cậu chạm vào mặt và cánh tay cô, một cách vô thức, như người ta vuốt ve một con mèo trong lúc chìm đắm trong suy nghĩ. Sự dịu dàng của bàn tay cậu khiến cô vẫn giữ hy vọng rằng cậu sẽ hồi phục; suy cho cùng, cậu đã không được đối xử tử tế chút nào trong hai tháng bị giam giữ.

“Chỉ là một bát vằn thắn thôi,” ông già nói, dữ dằn hơn ông định. Lời từ chối thầm lặng của cô làm ông xấu hổ; nếu là vợ ông thì đã bà mỉm cười và cảm ơn vì bà biết lời mời ấy không có ý gì xấu. Ngay cả khi thực sự không thể nhận lời, bà cũng đưa ra một lý do chính đáng thay vì để ông đứng giữa hiệu thuốc như một gã ngốc. “Thế giới này không xấu xa như cháu nghĩ đâu,” ông nói với cô gái. Các cô gái đủ trẻ trung trong những ngày này vẫn đối xử với ông như thể ông đã già và không còn cảm xúc, như một cái cây nửa sống nửa chết, nhưng ông không chịu được việc cô, người làm ông nhớ về người vợ của mình trong một cuộc đời khác, lại là một trong số họ.

Cô gái nhìn người đàn ông. Thái độ thô thiển đột ngột của ông là một sự nhẹ nhõm. Suy cho cùng, cô không phải chịu trách nhiệm với cảm xúc của ông, cho dù ông có không nói dối về vợ mình đi chăng nữa. Cô gái tiến đến gần quầy thu ngân, nơi các hộp bao cao su được trưng bày trong một hộp kính khóa. Cô liếc nhìn những người đàn ông và phụ nữ nửa trần truồng, tất cả đều là người nước ngoài có mái tóc vàng, in trên đó. “Một hộp cái đó, thưa đồng chí,” cô nói và ước gì chỉ mình cô nhận ra vẻ run rẩy trong giọng nói của mình.

“Cái đó là cái nào? Bọn chị không bán ‘cái đó’ ở đây,” người đàn bà sau quầy thu ngân nói.

“Bao cao su,” cô gái đáp.

“Cái nào?”

“Hộp màu hồng.”

“Cỡ nào? Có ba cỡ khác nhau,” người đàn bà nói, người còn lại cười vang khắp hiệu thuốc.

“Cỡ vừa,” cô gái đáp.

“Em chắc không?”

Người đàn ông nhìn khuôn mặt và cổ cô gái ửng lên vì xấu hổ. Một cô gái trẻ như thế, ông nghĩ, chưa đủ từng trải để biết rằng tất cả những người đã kết hôn và có việc làm ổn định đều được nhân viên kế hoạch hóa gia đình trong đơn vị phát bao cao su hằng tháng. Ông ước gì hai người đàn bà kia sẽ kiên quyết không bán bao cao su cho cô gái; ông muốn gợi ý cho họ yêu cầu xem giấy chứng nhận kết hôn của cô, nhưng trước khi ông mở miệng, người đàn bà đã hỏi giá in trên nhãn rồi ném cái hộp cho cô gái. Nó trượt trên quầy kính rồi rơi xuống sàn.

“Cháu gái ơi,” người đàn ông nói. “Cháu có biết mình đang làm gì không?”

Cô gái nhìn người đàn ông giẫm bàn chân trần lên cặp đôi trần truồng. “Cháu xin bác, cháu đã trả tiền mua,” cô gái nói. “Cái đó là của cháu.”

Cô bé không giống vợ mình, ông nghĩ. Ông nhớ một lần đã dùng hết phần bao cao su phân phối hằng tháng, ông bảo vợ đến hỏi nhân viên kế hoạch hóa gia đình ở đơn vị, nhưng bà đã khóc và nói thà chết chứ bà không hỏi xin cái đó từ một người đàn ông. Ông thà chết bây giờ, ông nghĩ, để bà sống lại, nhưng ước như thế thì có ích gì? Ông bị bỏ lại là một cách sắp đặt tốt hơn; không có ông bà sẽ bị bắt nạt hằng ngày bởi những người như hai người đàn bà đằng sau quầy.

“Cháu xin bác, trời đã muộn rồi,” cô gái nói. Giá mà là người khác cô đã tìm được một giọng nói sắc bén hơn và ra lệnh cho ông trả lại cái theo luật là của cô; cô đã quay sang hai người đàn bà đang thích thú theo dõi cảnh tượng này trong ca cuối ngày và bảo họ rằng tốt hơn là họ nên thôi tự thấy mình tốt đẹp đi vì suy cho cùng, họ đã già và giãn và họ không còn đáng ao ước như cô; hai người đàn bà sẽ chửi rủa cô như thể cô bị điên, và họ sẽ cố đuổi cô đi và làm như họ không bị những lời của cô chọc tức nhưng họ sẽ vẫn điên tiết trong cả buổi tối và bữa ăn của họ sẽ không được tiêu hóa, một tảng đá lớn trong dạ dày họ nơi những lời độc địa của cô trú ngụ, và cô sẽ bước đi với một niềm vui chiến thắng. Nhưng sự thật là cô không phải cái con người ấy. Cô là cô gái đi mua bao cao su và định dâng mình cho chàng trai cô yêu; chàng trai đã bị đánh đập dã man đến mức sẽ không bao giờ trở thành một người chồng, bố mẹ cậu bảo cô, nhưng cô là kiểu con gái không tin vào lời nói của họ; cô tin tình yêu của mình rồi sẽ cứu rỗi và thay đổi cậu.

Ông già nhấc chân ra. Ông có thể tiếp tục chì chiết cô gái, nhưng ông đã mệt. Họ không có con có lẽ cũng tốt; vợ ông sẽ đau lòng nếu con gái họ thành ra giống như đứa con gái trước mặt ông.

Cô gái cúi xuống nhặt bao cao su và nắm chặt cái hộp trong tay. Một ngày nào đó, khi cô đã già, cô sẽ cho con mình xem cái hộp màu hồng, vật kỷ niệm của một tuổi trẻ đầy hy vọng. Cô ý thức được cái nhìn của người đàn ông già, cách chỉ một cánh tay, và của hai người đàn bà sau quầy. Cô tự hỏi họ hiểu đến đâu về tình yêu, và tình yêu bất chấp cái chết của nhân loại.

Copyright © 2006 by Yiyun Li | Nguyễn Huy Hoàng dịch.

Advertisement

One comment on “Truyện ngắn: “Vật lưu niệm” – Yiyun Li

  1. genderchats
    May 3, 2017

    “Một ngày nào đó, khi cô đã già, cô sẽ cho con mình xem cái hộp màu hồng, vật kỷ niệm của một tuổi trẻ đầy hy vọng. Cô ý thức được cái nhìn của người đàn ông già, cách chỉ một cánh tay, và của hai người đàn bà sau quầy. Cô tự hỏi họ hiểu đến đâu về tình yêu, và tình yêu bất chấp cái chết của nhân loại.”

    Đoạn cuối hay quá!

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Information

This entry was posted on May 3, 2017 by in Truyện and tagged .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

%d bloggers like this: