Nguyễn Huy Hoàng

the star is fading

Truyện ngắn: “Giấu cúc” – Fiona McFarlane

Fiona McFarlane.jpg

Photograph by Andy Barclay

Fiona McFarlane là nhà văn người Úc. Cô sinh năm 1978 tại Sydney, có bằng tiến sĩ văn học tại Đại học Cambridge và MFA tại Đại học Texas, Austin, nơi cô dạy một thời gian trước khi về làm giảng viên môn sáng tác tại Đại học Sydney. Cô được trao giải Dylan Thomas Quốc tế năm 2017 cho tập truyện ngắn The High Places, trong đó có truyện “Buttony,” đăng lần đầu trên tạp chí The New Yorker (March 7, 2016 Issue), được trao giải O. Henry năm 2017.

Giấu cúc

Bọn trẻ muốn chơi trò Giấu cúc.

“Được rồi,” cô Lewis nói, và vỗ tay năm lần, theo nhịp, với ý nghĩa là chúng phải im lặng và vỗ tay theo cô. Chúng im lặng và vỗ tay theo cô.

“Được rồi,” cô nói, với nụ cười để dành cho giữa buổi chiều buồn ngủ và ngớ ngẩn này. “Mình sẽ chơi. Joseph, em lấy cúc đi.” Bọn trẻ chấp nhận phân công như vậy là công bằng; nó thể hiện trong tiếng thở dài hài lòng khe khẽ chúng cùng buông ra. Chúng nhìn Joseph bước đến bàn của cô Lewis. Joseph nhỏ người, chín chắn, tóc đen và thẳng buông xuống vai. Cách cậu mặc đồng phục trông lịch lãm mà đồng thời cũng tự nhiên. Cậu vừa tử tế vừa xinh trai, và họ mến cậu.

Cái cúc nằm trong một cái hộp sắt tây đặc biệt ở góc bên tay phải trong ngăn kéo trên cùng của cô Lewis. Bọn trẻ lắng nghe tiếng ngăn kéo mở ra trong lúc Joseph kéo nó ra. Chúng biết tiếng ngăn kéo mở đồng nghĩa với những món quà—những ngôi sao vàng hoặc những con tem, hay trong những trường hợp đặc biệt là kẹo chíp chíp hình con ếch—và biết rằng sự hào phóng của cô Lewis có khả năng rơi xuống tất cả bọn chúng, nhưng có lẽ nó thường rơi xuống Joseph hơn. Ngoài ra, tiếng ngăn kéo mở cũng có thể có nghĩa là trò Giấu cúc.

Bọn trẻ đều có thái độ sùng kính với cái cúc, và không ai sùng kính hơn Joseph. Cậu có tài tỏ ra trang trọng. Cậu đi như đám rước và từ từ ngẩng đầu lên mỗi khi tên mình được gọi—và cậu được gọi thường xuyên. Sự chuyên tâm của cậu còn giá trị hơn thế nhờ tính chủ đích của nó. Cậu không bao giờ kín đáo nghiêng người để nghe một bí mật; những đứa trẻ khác đến và thì thầm vào tai cậu. Cô Lewis thích gọi cậu trong lớp chỉ để thấy gương mặt tiết độ của cậu ngẩng lên khỏi mái tóc đặc biệt ấy. Vẻ đẹp của cậu đã làm cô giật mình, cho đến khi cô gặp bố mẹ cậu—mẹ người Việt, bố người Ba Lan—và sau đó cậu có vẻ là giải pháp cho một chuyện. Khi cậu giơ cái cúc vàng trong tay ra trước mặt, cô Lewis có thể quên đi cái cardigan màu mù tạt mà nó rụng ra khỏi vào một ngày mùa đông. Cái cúc không còn bị giới hạn bởi chất nhựa vàng rẻ tiền; nó như rung lên với sự sống. Bọn trẻ nhìn nó, và nhìn Joseph, mà không có vẻ gì là đang thở. Cô Lewis muốn bọn trẻ của mình sống một cách hăng say, và cô khuyến khích kiểu nghi thức này.

“Đóng ngăn kéo vào nhé, Joseph,” cô nói, vì thấy mình không có gì thích hơn, sau khi ngưỡng mộ cậu, sau khi cho cậu cơ hội được ngưỡng mộ, là nhẹ nhàng đề nghị một công việc tầm thường. Cô Lewis có thể đóng cái ngăn kéo ấy bằng hông. Joseph dùng một bên vai. Tiếng ngăn kéo đóng lại giải phóng bọn trẻ. Giờ thì chúng vội vã đến xếp hàng ở cửa.

Chúng luôn luôn chơi Giấu cúc ở ngoài sân.

“Yên lặng nào, yên lặng nào!” cô Lewis quát, lùa tay qua đỉnh đầu chúng trong lúc chúng đi qua cô ra hành lang, dẫn đầu là Joseph với cái cúc. Cô theo chúng ra ngoài. Ở lớp bên cạnh, lớp 3A đang đọc thời khóa biểu theo chất giọng đều đều như linh mục của thầy Graham. Đầu bên kia hành lang sáng lên với mô hình hệ mặt trời thu nhỏ của lớp 5B. Bọn trẻ nói chúng thích sao Thổ màu xanh dương nhất, với các vành đai rực rỡ, nhưng cô Lewis thì thích sao Hải vương. Cô luôn luôn thò một ngón tay ra sờ mặt sáp trơn tru khi đi qua nó.

Họ tụ tập dưới cây phượng tím. Ngày ngọt ngào và xanh. Cô Lewis dựa vào thân cây và vắt chéo chân. Mắt cá cô vẫn mảnh; cô chưa phải già lắm. Bọn trẻ đứng thành một vòng tròn xung quanh Joseph, và chuyện này, chuyện Joseph đứng giữa vòng tròn, có một nét gì đó vô cùng tự nhiên. Cậu đứng với cái cúc như thể đang ở một lễ tưởng niệm. Rồi cậu đưa nó lên môi hôn. Chưa ai hôn cái cúc bao giờ, và mấy đứa khác đưa ngón tay lên môi. Cô Lewis mím môi. Một cậu bé—cô không thấy được ai—hắt ra một tiếng giễu ngắn, nhưng bị làm ngơ.

“Giơ tay ra nào,” cô Lewis nói, và bọn trẻ giơ những đôi bàn tay khum lại ra.

“Nhắm mắt lại,” cô Lewis nói, tự mình nhắm mắt. Giữa buổi chiều cô thường mệt mỏi đến mức vài giây nhắm mắt này cũng có vẻ là phước lành thật sự của trò Giấu cúc. Đứng dưới cây phượng tím vào một ngày tươi sáng và để bóng tối buông, rồi nghe giọng Joseph. Mắt cậu vẫn mở, dĩ nhiên. Cậu đi khắp vòng tròn, và mỗi lần chạm vào một đôi bàn tay cậu lại nói, “Giấu cúc.”

“Giấu cúc, Giấu cúc,” hai mươi mốt lần. Cô Lewis đếm, và khi cậu xong—hai mươi mốt đôi tay, vì không đứa trẻ nào vắng mặt hôm ấy, không đứa nào ốm hay giả vờ ốm—cô mở mắt. Bọn trẻ đứng bất động trong vòng tròn, và giờ tay chúng nắm lại, siết hai tay vào nhau, có thể đang giữ cái cúc. Joseph về giữa vòng tròn. Cậu nhìn cô Lewis và cô nhìn lại, như thể từ trong mái tóc ấy, cậu đang thừa nhận nỗi buồn và sự cô đơn và mệt mỏi, và cả thói quen và mong đợi và sự tĩnh lặng. Và, vì cậu chỉ là một cậu bé, cả sự tin tưởng. Cô Lewis gật đầu, và Joseph gật đầu đáp lại.

“Mở mắt ra,” cô Lewis nói. Cô thích thấy bọn trẻ của mình mở mắt cùng lúc. Chúng luôn luôn cười, như thể nhẹ nhõm khi thấy ánh sáng bên kia mí. Chúng khúc khích và siết chặt hai tay vào nhau, nhìn tay đứa khác, và nhìn Joseph, tự hỏi ai đang giữ cái cúc. Ôi, cái cúc đẹp đẽ: màu mù tạt, Joseph hôn. Tròn như một hành tinh ở một mặt, sắc như một nụ hôn ở mặt kia. Joseph đứng chắp tay sau lưng. Tóc xòa qua mắt. Khó mà đoán được Joseph trong trò Giấu cúc. Bọn trẻ kề cà trong một khoảnh khắc đáng mến, như muốn để cậu lại với bí mật của mình lâu hơn chút nữa. Cô Lewis dò xét vòng tròn xem ai đỏ mặt, ai ngẩng cao đầu hơn bình thường, ai cười vì được ưu ái cho cái cúc. Cô cũng tìm những dấu hiệu thất vọng của đứa nào rõ ràng không có cái cúc.

“Em bắt đầu nhé, Miranda,” cô Lewis nói.

Miranda cọ tai phải vào vai. Nó đứng lắc lư trên một chân.

“Xin,” nó nói. Xin nở một nụ cười ngốc nghếch. Rồi nó xòe tay ra: không có cái cúc ở đó.

“Blake,” Xin nói. Blake cười toe và vung hai bàn tay trống không lên đầu.

Blake bảo Miranda. Miranda bảo Josie. Josie bảo Osea. Osea bảo Ramon. Cô Lewis nhắm mắt lại. Cô mở mắt ra và nghĩ, Jyoti. Mất mười một đứa mới đoán ra được Jyoti. Nó là một trong những con bé mà bạn không nghi ngờ. Tất nó tụt. Má trái nó có một nốt ruồi. Có vẻ như Joseph đã chọn Jyoti. Có vẻ như Jyoti đang đứng bốc cháy vô hình trong vòng tròn, khó mà tin được vận may của mình. Nó xòe tay ra, cái cúc ở đó. Những đứa khác rướn vào nhìn. Trong một tích tắc, chúng yêu con bé. Trong một tích tắc, nó giữ nụ hôn của Joseph trong tay. Nó bước vào giữa vòng tròn, để Joseph thế chỗ nó. Nó đưa cái cúc lên môi, nhưng rồi không hôn.

“Giơ tay ra, nhắm mắt lại,” cô Lewis nói, và bóng tối buông xuống. “Đừng quên nhé, Jyoti. Không đưa cúc cho người vừa cầm cái. Không được đưa cúc cho Joseph.”

Cần phải nhắc lại cho bọn trẻ nhớ luật lệ này đầu mỗi lần chơi; nếu không, chúng sẽ có thể trao cúc cho Joseph bất cứ khi nào có cơ hội. Đã có lần, Jyoti chọn Archie, rồi Archie chọn Joseph. Archie chọn Mimi, rồi Mimi chọn Miranda, rồi Miranda chọn Joseph.

Chiều thêm rạng rỡ. Máy bay trên đầu bay theo mọi hướng. Cây phượng tím rụng hoa xuân. Thỉnh thoảng, cô Lewis lại thấy những gương mặt trên các cửa sổ phòng học, khi những đứa khác xem họ chơi Giấu cúc. Họ chơi được bao lâu rồi nhỉ? Những đứa trẻ này có thể chơi cả buổi chiều mong được Joseph chọn. Chúng không biết mệt bao giờ. Joseph chọn Ruby chọn Ramon chọn Joseph chọn Liam S. chọn Liam M. chọn Joseph. Joseph nói, “Giấu cúc, Giấu cúc, Giấu cúc” hai mươi mốt lần. Cô Lewis nhắm mắt lại và cứ nhắm như thế khi cô nói, “Mở mắt ra.” Đến lượt, bọn trẻ nói, “Giấu cúc, Giấu cúc, Giấu cúc.” Cô thôi vắt chân rồi lại vắt chân và nghĩ, Ngày nào cũng có thể trôi qua như thế này, tương đối dễ dàng. Ngày nào cũng có thể ngọt ngào và xanh, với cây phượng tím và bọn trẻ và mặt trời và những chiếc máy bay. Và rồi, khi tất cả kết thúc, những ngày ngọt ngào và bọn trẻ, bạn có mở mắt ra không? Tay bạn có xòe ra không?

Nó có trống không không?

Cô Lewis nhìn. Joseph đứng giữa vòng tròn.

“Giơ tay ra, nhắm mắt lại nào,” cô nói, và bọn trẻ nghe theo. Chúng cúi đầu như thể đang cầu nguyện. Cô xúc động trước sự dịu dàng mà cô thấy đi qua mỗi đứa. Chúng như những đứa trẻ trong một câu chuyện cổ tích, dưới phép màu của một câu thần chú.

Cô nhìn Joseph, và cậu đang nhìn cô, nên cô gật đầu với cậu. Mặt cậu không cảm xúc. Cậu khiến cô nghĩ về Vệ binh Thụy Sĩ ở Vatican. Cậu đáp lại cái gật đầu của cô bằng cách bắt đầu đi quanh vòng tròn, mỗi bàn tay cậu chạm vào đều run rẩy, và bọn trẻ cúi đầu thấp hơn nữa khi cậu đi qua. Tay chúng nắm lại như những con hải quỳ. Joseph vẫn chưa trao cúc. Mười lăm, mười chín, hai mươi mốt lần cậu nói, “Giấu cúc.” Rồi cậu ngẩng gương mặt bình bình lên nhìn cô Lewis và há mồm bỏ cái cúc vào trong. Nó không nổi lên má. Cô Lewis khoanh tay lại. Em sẽ giải quyết chuyện này, cô nghĩ, và sẽ phải chịu trách nhiệm. Joseph nháy mắt đằng sau mái tóc.

“Mở mắt ra,” cô Lewis nói. Bọn trẻ ngẩng đầu lên gánh nặng của tình cảm mà chúng dành cho Joseph. Chúng mỉm cười và vặn vẹo và bắt đầu đoán: Phoebe, Ruby, Usha, Archie, Blake. Joseph quay sang mỗi cái tên được gọi, như chờ xem ai sẽ đưa cái cúc ra. Liam S., Bella, Jackson, Xin. Hai mươi cái tên, hai mươi bàn tay xòe. Chỉ còn Jyoti. Nó đứng với bàn tay giữ chắc, với nụ cười tuyệt vọng, với đôi tất tụt. Không ai muốn gọi tên nó. Chúng muốn nó đầu hàng. Cô Lewis cũng muốn Jyoti đầu hàng. Cuối cùng, Ramon nói, “Jyoti.” Jyoti xòe đôi tay trống không của mình ra.

Vòng tròn bật cười. Cô Lewis đã biết được rằng bọn trẻ, thường thường, không thích các trò chơi khăm. Có một kiểu tiếng cười mà ở trẻ con nó là một tiếng hú. Ramon túm lấy cổ tay Jyoti và kiểm tra bàn tay con bé. Không ai nhìn Joseph, nhưng ai cũng thấy Jyoti: nốt ruồi trên má, vết bẩn chỗ nó cọ gót giày vào cẳng chân, hàm răng lệch. Có thể Jyoti đang hét. Ramon buông cổ tay con bé xuống như vứt nó đi. Rồi tất cả bọn trẻ trừ Joseph và Jyoti đều gào lên, như chúng vẫn làm khi muốn chơi Giấu cúc. Chúng giậm chân và đá cỏ. Chúng giũ mình trong bộ đồng phục và nhìn lên các cành phượng tím, như thể chúng có thể tìm được cái cúc ở đó. Vòng tròn vỡ ra khi chúng lắc và đá và hét, và những gương mặt bắt đầu xuất hiện lại ở các cửa sổ lớp học.

Cô Lewis nhìn Joseph đứng đó miệng ngậm và tay chắp sau lưng. Dù vòng tròn đã vỡ, có vẻ như cậu vẫn đang đứng ở chính giữa. Cậu chỉ là một cậu bé, và cậu cô đơn và kiêu ngạo và khủng khiếp. Cô Lewis bước ra khỏi gốc cây. Cô sẽ ra lệnh cho cậu há mồm và nhổ cái cúc ra. Cô sẽ bắt cậu thừa nhận chuyện mình làm, cậu đã đứng xem bọn trẻ đoán như thế nào; cô sẽ làm cậu phải xấu hổ, và những gương mặt ở các ô cửa sổ sẽ thấy. Nhưng đầu tiên cô phải ổn định bọn trẻ đã. Cô vỗ tay năm lần theo nhịp với ý nghĩa là chúng phải im lặng và vỗ tay theo cô. Chúng im lặng, nhưng không vỗ tay theo. Cô thấy cách chúng nhìn cô; cô thấy cơn giận của chúng.

Ramon đến đầu tiên, để túm túi cô ra. Rồi đến Josie, đứa mới rụng một cái răng lúc sáng; nó há mồm trong lúc tìm quanh chỗ cỏ dưới chân cô Lewis. Osea và Mimi cào cái vỏ cây trầy trụa. Cô Lewis quờ đập và tát, nhưng bọn trẻ vẫn kéo đến. Chúng xòe bàn tay và lần vào khuỷu tay cô. Liam S. ngồi xổm xuống để nhìn đũng váy cô, và khi cô co người để ngăn nó lại, Jyoti là đứa giật những cái kẹp tóc ra khỏi mái tóc cô, như thể cái cúc có thể bị giấu ở dưới chân tóc. Giờ thì cô Lewis gào lên. Cô ngẩng đầu lên và thấy thầy Graham đang chạy về phía mình. Và Joseph đằng sau thầy, không hẳn chạy, không hoàn toàn, mà như một cái bóng, dài và trống rỗng và đẹp.

Copyright © 2016 by Fiona McFarlane | Bản dịch © 2017 Nguyễn Huy Hoàng.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Information

This entry was posted on May 26, 2017 by in Truyện and tagged .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

%d bloggers like this: