Chimamanda Ngozi Adichie | Photograph via No7
Chimamanda Ngozi Adichie (1977–) là nhà văn người Nigeria. Cô được trao giải Sách đầu tay hay nhất của Giải Nhà văn khối Thịnh vượng chung năm 2005, giải Sách PEN/Open và giải Orange cho tác phẩm hư cấu năm 2007, và giải thưởng của Hiệp hội Phê bình Sách Quốc gia Mỹ cho tác phẩm hư cấu năm 2013, và được vinh danh trong danh sách “20 Under 40” của tạp chí The New Yorker năm 2010, danh sách “Các nhà tư tưởng hàng đầu năm 2013” của tạp chí Foreign Policy, và danh sách “100 người có ảnh hưởng nhất” năm 2015 của tạp chí Time. Truyện ngắn “How Did You Feel About It?” được đăng trên tạp chí Harper’s Bazaar số tháng 8, 2017.
Trong toa yên tĩnh chúng tôi ngồi chếch lưng nhau. Lúc nào chúng tôi cũng ngồi trong toa yên tĩnh, nhưng hôm nay nó có cảm giác như một món quà: một lý do để không nói chuyện. Jonathan mặc áo len màu đỏ nâu đang ôm iPad. Ánh nắng yếu ớt, buổi sáng bất định. Tôi nhìn chằm chằm tờ tạp chí trong tay, hít thở sâu, một hơi thở chủ đích và chậm rãi, nhận thức được chính nó. Thở—một mục tiêu dễ dàng của sự khinh miệt, thường được vời ra làm phương thuốc bách bệnh cho những bệnh tật thời hiện đại của chúng ta. Nhưng nó hiệu quả. Nó giúp đẩy đi cảm giác tê liệt tràn ngập trong tôi, dù chỉ trong một khoảnh khắc. Làm sao chuyện này lại xảy ra? Làm sao một buổi sáng bạn thức dậy và bắt đầu chất vấn đời mình?
Jonathan cựa mình. Tôi vẫn dán mắt vào tờ tạp chí, để khỏi phải thầm thì nói chuyện.
“Dạo này em cứ nghĩ gì ấy,” anh bảo tôi lúc sáng khi đang phết bơ lên bánh mì nướng. Tôi vẫn im lặng, chầm chậm đút ngũ cốc vào miệng, rồi anh không nói gì thêm. Sao anh không hỏi tôi nhỉ? Sao anh không hỏi, “Em đang nghĩ gì đấy?” Câu hỏi thì can đảm hơn nhận xét. Câu hỏi buộc phải tính toán. Nhưng Jonathan tránh những câu hỏi trực tiếp vì trong chúng có yếu tố đối đầu. Tính không ưa đối đầu của anh tôi từng thấy đáng yêu. Nó biến anh thành người chuộng yên bình, và bởi vậy cuộc sống bên anh là một kiểu hạnh phúc êm đềm.
Khi anh hỏi, câu hỏi của anh luôn có vẻ tìm kiếm sự bảo đảm hơn là thông tin. Câu đầu tiên anh hỏi tôi, ít lâu sau khi chúng tôi gặp nhau mấy năm trước, là về những người phục vụ. Tôi nhắc đến những người lái xe và giúp việc thời thơ ấu của mình ở Lagos, và anh hỏi: Em thấy chuyện đấy thế nào? Vì người hầu là chuyện xa lạ với anh, mối quan hệ với họ trở thành một vấn đề đạo đức. Anh bảo tôi là lần đầu tiên đủ tiền thuê công nhân lau dọn người Ba Lan cho căn hộ của mình ở London, anh đã trốn trong phòng trống trong lúc họ dọn, quá xấu hổ chuyện trả tiền cho người ta cọ toa lét nhà mình.
Với Jonathan, hỏi “Em thấy chuyện đấy thế nào?” không hẳn là tôi cảm thấy thế nào, mà là chuyện quy tắc đạo đức tôi nên tuân theo. Tôi đã trả lời: “Em thấy không vui. Em thấy lo cho phúc lợi của họ.” Nhưng thật ra là tôi không cảm thấy gì vì đấy là cuộc sống mà tôi biết. Nếu lúc sáng anh hỏi tôi “Em đang nghĩ gì đấy?” và tôi trả lời “Em đang nghĩ đây có phải là cuộc sống em mà mong muốn không, em đã bỏ lỡ những gì trong những năm chúng mình ở bên nhau,” thì anh cũng không có câu trả lời nào cho tôi. Vì đáng ra tôi không nên nghĩ những chuyện như thế. Làm vậy là không công bằng. Sai trái. Đôi khi chúng ta nghĩ những chuyện không nên nghĩ, cảm thấy cái chúng ta ước mình không cảm thấy, đấy là chuyện Jonathan không thể nào hiểu được.
Bên kia lối đi có một giọng nói lớn. Một cụ ông người Mỹ đang nói chuyện điện thoại, rõ giọng Mỹ, mặt cháy đỏ như mới đi nghỉ về. Trong sự im lặng nhơm nhớp của toa xe, từ ngữ của ông nghe không tự nhiên, như phát ra từ nơi nào khác. Jonathan cựa mình và thở dài, rồi lại cựa mình. Một người đàn ông quay sang trợn mắt. Một người phụ nữ lắc đầu.
Sao không ai nói cho ông người Mỹ biết đây là toa yên tĩnh? Tôi đoán, từ vẻ chất phác trong cung cách của ông, là ông ấy không biết. Jonathan ngồi gần ông ấy nhất, anh chỉ cần với qua lối đi để vẫy ông ấy và nói gì đó bằng chất giọng nhỏ nhẹ của mình. Nhưng không. Jonathan lại cựa mình rồi cựa mình nhưng không nói gì cả. Tôi từng nghĩ thế là ngọt ngào. Tôi sẽ chọc anh về cái lễ nghi hung hăng thụ động của người Anh, quá dễ bị khiêu khích bởi sự có mặt của một người Mỹ.
Những kiểu cách ban đầu cuốn hút tôi về Jonathan đột nhiên trở thành những thứ khó chịu làm tôi bực tức. Sự nhạy cảm của anh là sự yếu đuối. Cái tôi nghĩ là sự ngây thơ của anh giờ là sự non nớt vô bờ bến. Chẳng phải là có chuyện gì. Jonathan không làm gì sai, tôi không gặp ai khác. Chỉ là một sáng thức dậy tôi cảm thấy không phải. Tôi bắt đầu đấu tranh để rũ bỏ một cảm giác kinh khủng về một cái gì đó đã bị lãng phí, một sự lãng phí khủng khiếp, để lại một nỗi tiếc thương nặng nề cho những thứ đã ra đi mãi mãi.
***
Tàu dừng ở ga và tôi nhìn một đôi bước vào toa. Tôi lập tức quan tâm đến họ. Họ thu hút sự chú ý: anh trai trông giống người Nhật, mặt góc cạnh bắt mắt và tóc đen dài cho anh một vẻ trí thức đặc biệt. Chị gái trông giống người Ý, rám nắng, kẻ mắt hơi nhòe với một mức độ quan tâm vừa phải. Một kiểu vẻ đẹp dùng một lần tỏa ra ở họ, quần áo thời trang hơi rộng nhưng là cố ý, túi xách trông đắt tiền. Họ len vào chỗ đối diện chúng tôi, và tôi cảm thấy một cơn phấn khích mà tôi không hiểu nổi, như thể việc họ chọn ngồi với chúng tôi nói lên điều gì đó đáng mong muốn về chúng tôi, về tôi. Mùi nước hoa thoang thoảng dường như tỏa ra từ cả hai người. Họ dùng chung một mùi. Chuyện này làm tôi thấy ấn tượng vì sao tôi không rõ. Ví chị để trên bàn, da dày, chữ cái lồng bằng kim loại thanh lịch. Họ tỏa ra hơi ấm và sức sống. Jonathan tránh nhìn lên. Tôi mỉm cười với họ. Chị nhìn lại tôi trong vài giây, nét mặt chị tỏ rõ, hiếu kỳ và gần như háo hức. Háo hức điều gì?
Tay họ để dưới bàn. Họ đang nắm tay nhau à? Trông họ như những người thực sự cảm nhận mọi thứ, những người kết nối được với cảm xúc của mình. Cuộc sống của họ được thắp sáng bởi một ngọn lửa bên trong. Tôi cố hình dung ngôi nhà của họ, đầy màu sắc, những bông hoa sôi nổi trong những chiếc bình bất đối xứng, những bức vẽ không hối tiếc, có lẽ dựa vào thay vì treo trên tường.
Có lẽ họ nói các thứ với nhau trên giường, và rên rỉ cho nhau, không lo lắng người kia nghĩ gì về mình. Tay chị sẽ vung lên trên đầu. Cơ thể anh giãn ra trong nhục cảm. Họ có những trận cãi vã dữ dội ngắn ngủi, vì ghen tuông và rượu, và họ hét vào mặt nhau rồi hòa giải bằng dục vọng. Đột nhiên tôi cảm thấy cuộc sống của tôi với Jonathan, với sự mãn nguyện của nó, với chủ nghĩa yên bình của nó, thật ra là sự thiếu vắng cảm xúc thực sự.
Chị nghiêng người và hỏi giọng thì thầm hơi quá: “Hai em cưới lâu chưa?”
Tôi nhìn chị chằm chằm. Lúc ấy Jonathan nhìn lên và tôi hình dung anh, sau đó, khi đã về nhà, sẽ nói người lạ mà hỏi một câu riêng tư như vậy thì thật lỗ mãng.
Được người phụ nữ hấp dẫn này hỏi như vậy trên tàu với tôi là hoàn toàn bình thường. Anh trai kia cũng đang nhìn tôi, vẻ mặt anh giống chị. Họ giống nhau ngay cả trong những mong đợi của họ.
“Lâu lắm rồi,” tôi nói, tự thấy ngạc nhiên, muốn được như vẻ tự tin và vui tươi của chị. Vì căng thẳng nên giọng tôi lớn hơn mong muốn, nhất là với toa yên tĩnh.
Jonathan đang nhìn tôi. Tôi tưởng chị sẽ mỉm cười nhưng trước sự ngạc nhiên của tôi gương mặt chị trở nên u ám, rơi vào một nỗi buồn khác lạ.
“Sao chị biết chúng tôi đã cưới?” Jonathan hỏi chị và tôi quay sang anh ngạc nhiên. Jonathan đang nói, Jonathan đang hỏi một câu hỏi trực tiếp, và không phải trong cái điệu thì thầm thái quá để tỏ ra anh đang tuân thủ các quy định của toa yên tĩnh.
Chị nhún vai, ra dấu về phía chúng tôi, như thể nói chuyện đấy quá rõ ràng.
“Vì bọn em không nói chuyện?” tôi muốn châm chọc, để họ tiếp tục quan tâm đến tôi, và để ngăn cái cảm giác khó chịu một cách hoảng loạn đang dâng lên trong mình.
“Thoải mái được với nhau như thế thì thật tốt,” anh trai kia nói, mặt anh cũng u ám như chị.
Tôi hiểu ra vẻ mặt đó là gì. Mong mỏi. Họ ngưỡng mộ chúng tôi.
Chuyện này ban đầu với tôi vô lý đến mức tôi suýt bật cười, nhưng đột nhiên nó mang trên mình một sức nặng lớn đến mức làm tôi cảm thấy nhỏ bé hơn nhiều, gần như không còn trọng lượng.
Họ ngưỡng mộ chúng tôi vì họ đang đau khổ chuyện gì đó? Có phải tôi hiểu sai họ từ đầu?
“Cậu ấy là người bạn tốt nhất của em,” anh trai bảo tôi, chỉ về phía Jonathan, rồi liếc sang chị, như thể để kết thúc một điểm chưa được nói ra. “Còn cô ấy là người bạn tốt nhất của em. Các em thật lòng với nhau. Các em tin tưởng nhau.”
Một khoảng lặng dài. Jonathan, tôi cảm nhận được, đã hết sức chịu đựng với những người lạ mặt này. Anh quay lại với cái iPad. Nước mắt chảy dài trên mặt người đàn ông. Mắt người phụ nữ to và ngấn nước. Tôi cảm thấy mắc kẹt, bối rối và cảm thấy có trách nhiệm với họ.
“Vâng,” cuối cùng tôi nói.
Tôi nhớ tôi thường nằm cạnh Jonathan như thế nào, nhìn anh ngủ, môi anh hé mở, và tôi thường nhẹ nhàng chạm vào cổ anh và nghĩ “Mong sao anh chẳng gặp phải chuyện gì” ra sao. Chưa bao giờ tôi nói với anh tôi làm thế thường xuyên thế nào.
Copyright © 2017 by Chimamanda Ngozi Adichie | Bản dịch © 2017 Nguyễn Huy Hoàng.