Doris Lessing in 1950 | Photograph by Paul Popper/Popperfoto/Getty Images
Doris Lessing sinh năm 1919 ở Ba Tư trong một gia đình người Anh, và cùng gia đình chuyển về Nam Rhodesia năm bà năm tuổi. Bà trở về London năm 1949 và sống ở đó cho đến khi qua đời năm 2013. Bà được trao giải Somerset Maugham năm 1954, giải nhà nước Áo cho văn chương châu Âu năm 1981, giải David Cohen năm 2001, và giải Nobel văn chương năm 2007.
Lần đầu tiên tôi đến căn hộ có bốn phòng nhỏ kiểu hộp này, phòng ngủ được sơn màu hồng nhạt, trừ tường bệ sưởi, dán giấy hồng và xanh màu mè. Đồ gỗ màu tím sẫm, gần như đen. Màu sơn này có bán ở một cửa hàng trang trí lớn ở khu West End và tên là Bilberry.
Trước tôi có hai cô gái ở căn hộ này. Rất ít tiền, hiển nhiên, bởi vì thảm đã mòn lỗ chỗ và tường dán đầy áp phích du lịch. Người đàn bà tầng trên bảo tôi là họ thường tổ chức tiệc thâu đêm. “Thế mà tôi lại thích nghe họ, tôi ưa nghe âm thanh của cuộc sống.” Bà đang quở. Tôi không có mấy tiệc cho bà nghe. Hai cô gái không để lại địa chỉ chuyển tiếp, theo truyền thống của căn hộ này. Bao năm qua chuông cửa thường reo và người ta hỏi “Angus Ferguson—tôi tưởng anh ấy sống ở đây?” Còn nhà Maitland? Còn bà Dowland? Còn nhà Caitsby trẻ? Tất cả những người ấy, và có lẽ nhiều người khác, đã sống trong căn hộ này, và ra đi mà không để lại gì. Tôi không biết gì về họ, bất cứ ai trong tòa nhà này cũng thế, dù một số người đã sống ở đây nhiều năm.
Tôi thấy màu hồng mạnh quá, và sau vài sai lầm trên những bức tường trắng tôi để lại đồ gỗ màu mận, màu Bilberry. Ban đầu tôi có rèm xám, rồi xanh. Giường đặt dưới cửa sổ. Có một cái bàn, tôi định viết lách ở đó nhưng lúc nào cũng bừa bộn giấy tờ. Thế là tôi viết trong phòng khách hoặc trên bàn bếp. Nhưng tôi dành rất nhiều thời gian ở phòng ngủ. Giường là nơi tốt nhất để đọc, nghĩ, hoặc chẳng làm gì. Nó là phòng tôi; nó là nơi tôi cảm thấy mình đang sống, dù hình thù không đẹp và ở đó có những thứ chẳng bao giờ có thể gọi là gì ngoài xấu xí. Chẳng hạn như cái lò sưởi bằng sắt—một màu đen trang trí lồi ra, khum lên. Hai cô gái để nó nguyên như thế, dùng một cái máy sưởi ga nhỏ ở chỗ trống. Cái vẻ xấu xí nặng nề của nó hút mắt tôi vào; và tôi sơn một mảng màu mận tối từ trần xuống, để lò sưởi và cái kệ nhỏ dày trên nó được hấp thụ vào. Ở hai bên, vì không thể sơn cả bức tường bằng màu mận, ban đêm trông như màu đen, tôi dán hai tấm giấy tường phi lý có những con người rạng rỡ như chim trong những cái lồng màu hồng và xanh. Cái lò sưởi trông đỡ khó chịu hơn, nhưng lò của tôi là lò ga, một cái bệ đồng hình vuông, mang đến từ căn hộ trước mà ở đó nó trông cũng không quá tệ. Nhưng ở đây nó không vừa chút nào. Thế là cả bức tường không làm được gì, nó không ra thể thống gì.
Một bức tường khác, bức tường bên cạnh giường tôi, cũng bị biến dạng. Trên cái giường lồi ra một đụn vữa gồ ghề lấm tấm rộng ba gang tay hoặc hơn. Có người—Angus Ferguson? Nhà Maitland? Bà Dowland?—đã cố trám chỗ vữa rụng rồi thành ra lợn què. Không một thợ trát tường chuyên nghiệp nào có thể ra về được với một cục lồi lên như thế.
Nhìn chung, bức tường này làm tôi dễ chịu: nó làm tôi nhớ về những bức tường vôi gồ ghề của một ngôi nhà khác mà tôi từng sống. Có lẽ tôi sơn căn phòng này màu trắng là vì tôi muốn những bức tường vôi lục cục của căn nhà trước xuất hiện lại ở London này?
Trần nhà thì đúng là trần nhà: phẳng, trắng, trơn. Nó có viền thạch cao quá nặng so với căn phòng và trông như có thể dễ dàng rụng ra. Cả tòa nhà có một vẻ xấu xí chắc chắn, nhưng nó được xây với giá rẻ mạt, và không hề chắc chắn. Ví dụ, tường gõ lên nghe rỗng ruột; vữa, khi lộ ra, lập tức bắt đầu rụng cứ như tường xây bằng cát rời và được giữ lại bằng giấy dán. Tôi nghe được mọi chuyện diễn ra trên đầu, nơi bà cụ thích nghe một mẩu cuộc sống sống với chồng. Bà là người Thụy Điển, dạy tiếng Thụy Điển. Bà ăn mặc trang trọng, và trông như một bà lão đáng kính. Nhưng mà bà khá điên. Cửa nhà bà có bốn ổ khóa nặng, đặc biệt vừa bên trong, cũng như chốt và thanh chắn. Nếu tôi gõ bà sẽ mở cửa qua một sợi xích dài chục phân và nhòm qua để đảm bảo tôi (hay họ) sẽ không tấn công bà. Bên trong là một khung cảnh gọn gàng và trật tự. Bà dành cả ngày để lau dọn và sắp xếp. Khi không tìm được gì để làm trong căn hộ mình nữa bà dán thông báo trên cầu thang nói: “Bất cứ ai còn bỏ rác trên cầu thang sẽ bị báo cáo đến Chính quyền!” Rồi bà lần lượt ghé qua mỗi căn hộ (có tám căn hộ giống nhau cả thảy, căn này trên căn kia) và nói đầy vẻ đáng tin: “Tất nhiên là cái thông báo không có ý nói anh chị đâu.”
Chồng bà làm cho một công ty xuất khẩu và rất thường xuyên vắng nhà. Khi chờ ông sắp về, bà ăn mặc kỹ càng như cô dâu và đi đón ông, đỏ mặt. Những đêm ông trở về sau chuyến công tác cái giường lại cọt kẹt trên đầu tôi, và tôi nghe thấy tiếng họ cười khúc khích.
Họ là một cặp tình già, lên giường lúc mười một giờ mỗi đêm, dậy chín giờ mỗi sáng. Còn tôi, đời tôi không có trật tự rõ ràng nào và tôi thích có họ trên đấy. Thỉnh thoảng, khi làm việc muộn, tôi nghe tiếng họ dậy và nghĩ qua giấc ngủ hay nửa ngủ của mình: Trời, đã sang ngày mới rồi à? Và tôi trôi trở lại trạng thái nửa ý thức pha lẫn tiếng bước chân và tiếng cốc va chạm của họ.
Thỉnh thoảng, khi tôi ngủ vào buổi chiều, tôi ngủ thế là vì ngủ chiều thì thú vị hơn ngủ đêm, bà cũng làm một giấc. Tôi nghĩ về bà và tôi nằm ngang trên nhau, như thể nằm trên hai giá kệ.
Khi tôi nằm xuống sau bữa trưa, không có gì là không lên kế hoạch trước. Trước hết tôi phải cảm thấy sự xáo động hoặc cảnh giác bên trong do sự kích thích quá mức, hoặc cảm thấy hơi ốm hoặc rất mệt. Rồi tôi làm tối căn phòng, đóng hết cửa để điện thoại không đánh thức tôi (dù tiếng chuông xa có thể là một bộ khởi động giấc mơ đáng muốn) và tôi lên giường cẩn thận, duy trì tâm trạng. Những giấc ngủ này là cái giúp tôi trong công việc, bảo tôi phải viết gì hay tôi đã sai ở đâu. Và chúng cứu giúp tôi khỏi cơn sốt bất an đến từ việc gặp quá nhiều người. Tôi luôn trôi vào giấc ngủ buổi chiều với niềm thích thú vì một hành trình dài đi vào cái không biết, và giấc ngủ mỏng manh và lạ thường đưa tôi vào những địa hạt khó mô tả trong trạng thái thức tỉnh.
Rồi một buổi chiều chẳng có hành trình kỳ lạ nào, cũng không có thông tin hữu ích cho công việc của tôi. Giấc ngủ thật khác mọi ngày đến mức một thời gian tôi cứ nghĩ là mình đã tỉnh.
Tôi đã nằm trong nửa bóng tối, rèm cửa, với những sắc thái khác nhau của màu xanh đậm, tạo thành một cái bóng di động màu tím. Bên ngoài là một chiều bận rộn. Tôi có thể nghe được âm thanh từ cái chợ bên dưới, và có tiếng hét giận dữ, như một cuộc cãi cọ, giọng một người đàn ông và một người đàn bà. Tôi đang nhìn lò sưởi và nghĩ sao mà nó xấu thế, băn khoăn kiểu người nào lại cố ý chọn một cục sắt đen hình thù ghê gớm đến vậy. Dù tất nhiên tôi đã sơn chồng lên nó. Phải, dù có đủ tiền hay không, tôi cũng phải bỏ cái bếp lửa hình vuông bằng đồng đi và tìm một cái xinh đẹp hơn. Tôi thấy cái bếp đồng đã biến mất; có một lưới sắt nhỏ màu đen và một ngọn lửa nhỏ bên trong, bốc khói. Khói đang len vào căn phòng, và mắt tôi cay nhức.
Căn phòng đã khác; tôi thấy ớn lạnh và xa lạ với chính mình khi nhìn. Các bức tường dán giấy có hiệu ứng chung là một màu nâu tối, nhưng nhìn kỹ hơn tôi thấy một mẫu hoa văn gồm lá nâu vàng và thân cây nâu. Trên đó có những vết ố. Trần nhà ngả vàng và bóng lên vì khói. Có vài mảnh rèm cửa màu nâu hồng ở cửa sổ với một vết rách ở một mảnh làm mép dưới rủ xuống.
Tôi không còn nằm trên giường, mà ngồi cạnh lò sưởi phía bên kia căn phòng, nhìn cái giường và cửa sổ. Bên ngoài cuộc cãi cọ dữ dội vẫn tiếp tục, những giọng nói vang lên từ dưới phố. Tôi thấy lạnh, tôi run, mắt tôi ngấn nước. Trên tấm lưới nhỏ có ba hòn than bóng nhỏ, tỏa khói một cách đáng ngại. Dưới tôi là một tấm đệm hay một cái áo khoác gấp, cái gì tương tự. Căn phòng trông rộng hơn nhiều. Phải, đó là một căn phòng khá rộng. Một cái tủ gỗ sơn đánh véc ni màu nâu đứng cạnh giường, thấp, thấp hơn tôi hơn một cái đầu. Có một cái chăn quân đội màu đỏ trải dưới cuối giường. Chỗ thụt vào hai bên lò sưởi có những cái kệ gỗ, để quần áo, tạp chí cũ, đồ gốm, một ấm trà màu nâu. Những thứ này truyền tải một không khí nghèo nàn.
Tôi đang ở một mình trong căn phòng; dù có người ở cửa bên. Tôi có thể nghe thấy những âm thanh làm tôi không vui, lo ngại. Từ tầng trên một tiếng cười, thù nghịch với tôi. Có phải là bà cụ người Thụy Điển đang cười? Với ai? Có phải chồng bà đã trở về đột ngột?
Tôi phiền muộn với nỗi cô đơn đến mức cảm thấy nó sẽ không bao giờ được xoa dịu, sẽ chẳng bao giờ có ai đến an ủi tôi. Tôi ngồi nhìn cái giường có tấm chăn rẻ tiền trải lên, gợi ý đến sự bệnh tật, và khịt mũi vì khói đang sặc sụa nơi đáy họng. Tôi là một đứa trẻ, tôi biết. Và biết có một cuộc chiến, có gì đó liên quan đến cuộc chiến, cuộc chiến có gì đó liên quan đến giấc mơ hay ký ức này—của ai? Tôi trở lại với căn phòng mình, nằm trên giường, với tầng trên và cửa bên im lặng. Tôi đang ở một mình trong căn hộ, nhìn những tấm rèm màu xanh thẫm mềm nhẹ nhàng xao động. Tôi ngập tràn đau khổ.
Tôi rời phòng ngủ xinh đẹp của mình và pha trà; rồi trở lại để kéo rèm lên và cho ánh sáng vào. Tôi vặn cái máy sưởi ga, nó nóng lên và đỏ, xua đi ký ức về cái lạnh; và tôi nhìn đằng sau cái bệ đồng của nó thấy tấm lưới chưa từng có một cục than nào trên đó, tôi biết, đã nhiều năm nay.
Tôi đã cố mơ cho mình trở về căn phòng ấy, dưới căn phòng này, hay cạnh nó, hay trong nó, hay tồn tại trong ký ức của người khác? Cuộc chiến nào? Cái nghèo lạnh lẽo của ai? Và tôi muốn biết nhiều hơn về đứa nhỏ sợ hãi. Thằng bé (hay con bé) chắc hẳn phải rất nhỏ vì căn phòng trông thật lớn. Đến giờ tôi vẫn chưa làm được. Có lẽ cuộc cãi cọ ngoài phố là cái… cái gì cơ? Và tại sao?
Doris Lessing, “A Room,” A Man and Two Women: Stories (Simon and Schuster, 1963).
Copyright © 1963 by Doris Lessing | Nguyễn Huy Hoàng dịch.