Nguyễn Huy Hoàng

the star is fading

Zadie Smith: Nhà văn có nghĩa vụ nào không?

zadie smith

Photo by Gerrit Serné

Zadie Smith (1975–) là nhà văn người Anh và giáo sư môn sáng tác tại Đại học New York. Cô được trao giải tiểu thuyết đầu tay của giải Whitbread năm 2000, giải Orange cho tác phẩm hư cấu năm 2006, giải Welt-Literaturpreis năm 2016, và huân chương Langston Hughes năm 2017.

Nhà văn có nghĩa vụ nào không?

Nói về tính chân thực, về sự phản bội [trong việc viết] là giả định một nghĩa vụ—một trách nhiệm mà người viết và người đọc văn chương phải chịu. Thật là không hợp thời khi hình dung là có cái gọi là nghĩa vụ văn chương; cái nghĩa vụ đó có thể là gì, chúng ta có thể không hoàn thành nó như thế nào. Nghĩa vụ không phải là một từ ngữ văn chương cho lắm. Ngày nay, khi nói về nghĩa vụ văn chương, chúng ta đứng từ góc nhìn của người đọc, với tư cách một người tiêu dùng văn chương. Thật ra chúng ta nói về quyền của người tiêu dùng. Từ khía cạnh này nghĩa vụ của nhà văn là làm hài lòng độc giả và phải háo hức làm vậy, và nghĩa vụ này có nhiều tập con: nghĩa vụ phải trong sáng; phải thú vị và thông minh mà đừng bao giờ cố tình làm ra khó hiểu; viết phải lưu tâm đến độc giả phổ thông; có good taste. Trên hết, nhà văn hiện đại có trách nhiệm giải trí. Nhà văn nào đi chệch hướng khỏi những nghĩa vụ này có nguy cơ có ít độc giả và bị phê bình chế giễu. Tiểu thuyết chịu đi theo một tầm nhìn chung về giải trí, có nhân vật nói chuyện dễ nhận ra như trong phim sitcom, có cốt truyện đưa ta đi theo những cung đường quen thuộc rồi về nhà, thì luôn được chào đón. Đây không phải thời điểm tốt đẹp, trong văn chương, để làm của hiếm. Độc giả dường như muốn được “đại diện,” như ở trước thùng phiếu, và để làm điều này, tiểu thuyết cần phải chung chứ không riêng. Trong thị trường tiểu thuyết đương đại nhà văn phải biết giải trí và phải dễ nhận ra—mọi thứ không được như thế đều bị xem là thất bại và chối bỏ người đọc.

Cá nhân tôi không phản đối những cuốn sách giải trí và làm hài lòng độc giả, những cuốn dễ hiểu và thú vị và thông minh, có mắt nhìn và không cố tình làm ra khó hiểu—nhưng với tôi không phẩm chất nào trong số này quan trọng với trải nghiệm trọng tâm với tiểu thuyết, và nếu thiếu chúng thì cũng không hề làm mất đi khả năng là cuốn tiểu thuyết mà tôi đang đọc vẫn sẽ hoàn thành được cái nghĩa vụ văn chương duy nhất mà tôi quan tâm. Vì như tôi thấy, nhà văn chỉ có một nghĩa vụ duy nhất: nghĩa vụ thể hiện chính xác lối sống (way of being) của họ trên thế gian. Nếu điều đó nghe khó hiểu và thiếu chính xác thì tôi xin thứ lỗi. Viết không phải là một ngành khoa học, và tôi đang nói với các bạn bằng những từ ngữ duy nhất mà tôi có để mô tả cái mà tôi luôn hướng đến (nhưng chưa đạt được) khi ngồi trước máy tính.

Khi viết tôi luôn cố gắng thể hiện lối sống của mình trên thế giới. Đây chủ yếu là một quá trình loại bỏ: một khi bạn đã loại bỏ toàn bộ ngôn ngữ chết, giáo điều xưa cũ, những sự thật không phải của chính bạn mà là của người khác, những phương châm, những khẩu hiệu, những lời dối trá trắng trợn về dân tộc của bạn, những chuyện hoang đường về thời khắc lịch sử của bạn—một khi bạn đã loại bỏ được toàn bộ những thứ bóp méo trải nghiệm thành một hình thù bạn không nhận ra được và không tin tưởng—thì còn lại bên bạn là một cái gì đó gần tương đương cái sự thật theo quan niệm của riêng bạn. Đấy là cái tôi tìm kiếm khi đọc tiểu thuyết; sự thật của một người ở mức độ nó có thể được thể hiện thông qua ngôn ngữ. Nghĩa vụ duy nhất này, nếu được theo đuổi đúng cách, sẽ tạo ra nhiều kết quả phức tạp, đa dạng. Đây chắc chắn không phải là lời hiệu triệu các nhà tự truyện, dù một số nhà văn vẫn luôn nhầm tưởng ước muốn của độc giả đối với sự thật cá nhân là lời gợi ý cho họ viết một bài khảo luận hay diễn văn hay một cuốn hồi ký được che đậy qua loa trong đó chính họ là nhân vật chính. Sự thật trong hư cấu là một vấn đề về góc nhìn chứ không phải về tự truyện. Đấy là cái bạn không thể không giúp nói ra nếu bạn viết tốt; đấy là cái dấu hiệu của bản thân để lại trong mọi thứ bạn làm. Đấy là ngôn ngữ như sự mặc khải của một ý thức.

From Zadie Smith’s “Fail Better,” an essay published in the Guardian (UK) in 2007.

Copyright © 2007 by Zadie Smith | Nguyễn Huy Hoàng dịch.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Information

This entry was posted on October 15, 2017 by in Văn chương & Phê bình and tagged .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

%d bloggers like this: