Nguyễn Huy Hoàng

the star is fading

Truyện ngắn: “Làm thế nào để trở thành nhà văn” – Lorrie Moore

lorrie-moore.jpg
Photo by Motoko Rich

Lorrie Moore sinh năm 1957 ở Glens Falls, New York. Bà đã xuất bản năm tập truyện ngắn và ba cuốn tiểu thuyết, tập truyện đầu năm 1985 sau khi bà hoàn thành chương trình M.F.A. tại Đại học Cornell, và được trao giải Rea cho truyện ngắn năm 2004 và giải PEN/Malamud năm 2005. Lorrie Moore hiện là giáo sư ngành văn học Anh tại Đại học Vanderbilt.

Làm thế nào để trở thành nhà văn

Trước hết, cố gắng trở thành một ai khác, bất cứ ai. Một ngôi sao điện ảnh/phi hành gia. Một ngôi sao điện ảnh/nhà truyền giáo. Một ngôi sao điện ảnh/giáo viên mẫu giáo. Tổng thống của Thế giới. Thất bại thảm hại. Tốt nhất là thất bại khi bạn còn trẻ—14 chẳng hạn. Sự vỡ mộng sớm, then chốt, là cần thiết để 15 tuổi bạn có thể viết những chuỗi haiku dài về khát vọng bị ngăn trở. Đó là một cái ao, một bông anh đào, một làn gió lướt qua cánh sẻ về ngọn núi. Đếm số âm tiết. Đưa nó cho mẹ xem. Bà cứng rắn và thực tế. Bà có một cậu con trai đang ở Việt Nam và một ông chồng có lẽ đang ngoại tình. Bà tự tin mặc đồ màu nâu vì nó che đi các vết đốm. Bà sẽ liếc qua cái bạn viết rồi nhìn lại bạn với gương mặt vô hồn như một chiếc bánh rán. Bà sẽ nói, “Thế cất bát đĩa trong máy đi thì sao?” Quay đi. Xô dĩa vào ngăn đựng dĩa. Vô tình làm vỡ một trong những cái cốc tặng miễn phí ở trạm xăng. Đây là sự đau khổ cần thiết. Đây chỉ là khởi đầu.

*

Trong lớp văn cấp ba, nhìn mặt thầy Killian. Quyết định mặt là quan trọng. Làm một bài villanelle về lỗ chân lông. Vật vã. Làm một bài sonnet. Đếm số âm tiết: 9, 10, 11, 13. Quyết định thử viết văn. Ở đây không cần đếm số âm tiết. Viết một truyện ngắn về một ông già và một bà già vô tình bắn trúng đầu nhau, kết quả của một sự cố không sao giải thích được của cây shotgun một đêm xuất hiện một cách bí ẩn trong phòng khách của họ. Nộp cho thầy Killian làm dự án cuối kỳ. Khi bạn nhận lại nó, thầy bình: “Một số hình ảnh tương đối tốt, nhưng em không có cốt truyện.” Về nhà, trong sự riêng tư của căn phòng riêng, nguệch ngoạc bằng bút chì nhạt dưới nhận xét màu mực đen của thầy: “Cốt chỉ dành cho người chết, đồ mặt chân lông.”

*

Nhận hết mọi công việc trông trẻ mà bạn có thể. Bạn hợp với trẻ con. Chúng quý bạn. Bạn kể chúng nghe chuyện về những người già chết những cái chết ngu ngốc. Bạn hát chúng nghe những bài như “Blue Bells of Scotland,” bài ưa thích của chúng. Và khi chúng mặc đồ ngủ và cuối cùng thôi cấu véo nhau, khi chúng say ngủ, bạn đọc hết những hướng dẫn tình dục có trong nhà, và băn khoăn trên đời này ai lại làm những chuyện ấy với một người mà họ thực sự yêu. Ngủ quên trên ghế trong lúc đọc dở Playboy của chú McMurphy. Khi về nhà, vợ chồng McMurphy sẽ vỗ vai bạn, nhìn tờ tạp chí trong lòng bạn và nhăn mặt. Bạn sẽ muốn chết. Họ sẽ hỏi bạn Tracey đã uống thuốc chưa. Giải thích, rồi, con bé uống rồi, rằng bạn hứa sẽ kể cho nó một câu chuyện nếu nó chịu uống thuốc như người lớn và như thế có vẻ ổn. “Ồ, hay quá,” họ sẽ thốt lên.

Gượng cười một cách đầy tự hào.

Ghi danh vào đại học ngành tâm lý học trẻ em.

*

Là sinh viên ngành tâm lý học trẻ em, bạn có một số môn tự chọn. Bạn luôn thích chim. Đăng ký cái gì đó gọi là “Thực địa Cầm điểu học.” Gặp nhau mỗi thứ Ba và thứ Năm lúc 2h. Khi đến Phòng 134 vào ngày đầu tiên của lớp học, mọi người đang ngồi quanh một cái bàn thảo luận nói về những phép ẩn dụ. Bạn đã nghe nói về những thứ này. Sau một thời gian ngắn, căng thẳng, giơ tay và rụt rè hỏi, “Xin lỗi, đây không phải là lớp Ngắm chim Đại cương?” Cả lớp dừng lại và quay sang nhìn bạn. Trông họ như có cùng một gương mặt—khổng lồ và vô hồn như một cái đồng hồ bị phá hoại. Một anh chàng râu ria cất tiếng ồm ồm, “Không, đây là lớp Sáng tác.” Nói: “Ồ—phải,” cứ như bạn đã biết từ đầu. Nhìn xuống thời khóa biểu. Tự hỏi thế quái nào bạn lại ở đây. Lỗi, có vẻ thế, là của máy tính. Bạn dợm đứng dậy để ra về rồi lại thôi.

*

Những hàng người trước phòng đăng ký tuần này rất lớn. Có lẽ bạn nên giữ lại sai sót này. Có lẽ chuyện sáng tác của bạn không hề tệ đến thế. Có lẽ đó là định mệnh. Có lẽ đây là ý của bố bạn khi ông nói, “Đây là thời của máy vi tính, Francie, đây là thời của máy vi tính.”

*

Quyết định là bạn thích đời sống đại học. Trong ký túc xá bạn gặp nhiều người tốt. Một số người thông minh hơn bạn. Và một số người, bạn để ý, thì ngu hơn. Bạn sẽ tiếp tục, thật không may, nhìn thế giới theo đúng góc nhìn ấy trong suốt phần đời còn lại.

*

Bài tập trong lớp sáng tác tuần này là kể lại một câu chuyện bạo lực. Tường thuật chuyến lái xe cùng Bác Gordon và một chuyện khác về hai người lớn tuổi vô tình bị điện giật lúc bật cây đèn bàn hở dây. Giảng viên sẽ trả bài cho bạn cùng nhận xét: “Em viết phần lớn đều trôi chảy và đầy năng lượng. Tuy nhiên, em có một quan niệm kỳ khôi về cốt truyện.” Viết một truyện khác về một người đàn ông và một người đàn bà mà, trong đoạn đầu tiên, thân dưới của họ đã vô tình bị thuốc nổ xé bay. Trong đoạn thứ hai, bằng tiền bảo hiểm, họ đồng ý mua một cây sữa chua đông lạnh. Có sáu đoạn đơn. Bạn đọc tất cả trước lớp. Chẳng ai thích nó. Họ nói cảm năng cốt truyện của bạn quái lạ và kém cỏi. Sau giờ học có người hỏi bạn điên phải không.

*

Quyết định là có lẽ bạn nên tiếp tục gắn bó với hài kịch. Bắt đầu hẹn hò với một người vui tính, người có cái mà hồi cấp ba bạn gọi là “khiếu hài hước thực sự lớn” và bây giờ lớp sáng tác của bạn gọi là “sự hạ thấp bản thân dẫn đến dạng hình hài hước.” Chép lại mọi lời nói đùa của cậu ta, nhưng đừng cho cậu ta biết bạn đang làm gì. Chơi trò đảo chữ với tên bạn gái cũ của cậu ta và lấy kết quả đặt tên cho mọi nhân vật khiếm khuyết về mặt xã hội của bạn. Bảo cậu ta là bạn gái cũ của cậu ta có mặt trong toàn bộ truyện của bạn và xem cậu ta có thể vui tính như thế nào, xem cậu ta có thể có khiếu hài hước thực sự lớn kiểu gì. Cố vấn ngành tâm lý học trẻ em của bạn bảo bạn là bạn đang bỏ bê các lớp học trong ngành học chính. Cái mà bạn cần dành nhiều thời gian nhất là ngành học chính của bạn. Bảo vâng, bạn hiểu.

Trong các buổi thảo luận sáng tác suốt hai năm sau, mọi người tiếp tục hút thuốc và hỏi cùng một điều: “Nhưng thế có được không?” “Sao chúng ta phải quan tâm đến nhân vật này?” “Cậu kiếm được cái sáo ngữ này chưa?” Đấy có vẻ là những câu hỏi quan trọng.

Những ngày đến lượt bạn, bạn nhìn cả lớp đầy hy vọng trong lúc họ chùi những tờ in giấy than của bạn để tìm cốt truyện. Họ nhìn lên bạn, hít sâu rồi cười một cách ngọt ngào.

*

Bạn mất quá nhiều thời gian rũ rượi và xuống tinh thần. Bạn trai gợi ý đạp xe. Bạn cùng phòng gợi ý bạn trai mới. Bạn bị nói là đang hủy hoại bản thân và sụt cân, nhưng bạn vẫn viết. Niềm hạnh phúc duy nhất mà bạn có là viết ra cái gì mới, lúc giữa đêm, nách ẩm, tim đập, cái gì chưa ai thấy bao giờ. Bạn chỉ có những khoảnh khắc hứng khởi ngắn ngủi, mong manh, chưa bị thử thách khi bạn biết: bạn là một thiên tài. Hiểu bạn phải làm gì. Đổi ngành học. Bọn trẻ trong dự án nhà trẻ sẽ thất vọng, nhưng bạn có một tiếng gọi, một thôi thúc, một ảo tưởng, một thói quen không may. Bạn, như mẹ bạn sẽ nói, không biết chọn bạn mà chơi.

Sao lại viết? Viết lách đến từ đâu? Đấy là những câu hỏi để tự hỏi mình. Giống như: Bụi đến từ đâu? Hay: Sao lại có chiến tranh? Hay: Nếu Chúa tồn tại thì sao giờ anh tôi lại tàn tật?

Đấy là những câu hỏi mà bạn cất trong ví, như thẻ điện thoại. Đấy là những câu hỏi hay, giảng viên sáng tác của bạn nói, để giải quyết trong nhật ký nhưng hiếm khi trong tác phẩm.

Mùa thu này giáo sư môn viết nhấn mạnh Sức mạnh của Tưởng tượng. Nghĩa là ông không muốn những câu chuyện mô tả dài dòng chuyến cắm trại hồi tháng Bảy của bạn. Ông muốn bạn bắt đầu trong một bối cảnh thực tế rồi biến đổi nó. Như ADN tái tổ hợp. Ông muốn bạn để trí tưởng tượng dong buồm, cho nó bụng căng đầy gió. Đấy là câu trích Shakespeare.

*

Kể cho bạn cùng phòng ý tưởng vĩ đại của bạn, phen thực hành sức mạnh tưởng tượng vĩ đại của bạn: một sự biến đổi Melville vào đời sống đương đại. Nó sẽ nói về sự độc tưởng và thế giới cá lớn nuốt cá bé của ngành bảo hiểm nhân thọ ở Rochester, N.Y. Dòng đầu tiên sẽ là “Gọi tôi là Bột Cá,” và nó sẽ có một ông chồng ngoại thành tuổi mãn dục tên là Richard, vì suốt ngày trầm uất mà bị cô vợ láu Elaine gọi là “Mopey Dick” [Cu Buồn]. Bảo bạn cùng phòng: “Mopey Dick, hiểu không?” Bạn cùng phòng nhìn bạn, mặt đơ như một tờ Kleenex cỡ lớn. Cô ta đến chỗ bạn, như một cô bạn thân, và quàng một tay qua đôi vai đầy nặng gánh của bạn. “Này, Francie,” cô ta nói, chậm như như trị liệu ngôn ngữ. “Ra ngoài làm một cốc thật bự nhé.”

*

Buổi thảo luận cũng không thích truyện này. Bạn nghi ngờ họ đang bắt đầu cảm thấy tội nghiệp cho bạn. Họ nói: “Bạn phải nghĩ về những gì đang diễn ra. Câu chuyện ở đây đâu?”

*

Học kỳ sau giáo sư môn viết lại ám ảnh với viết lách từ kinh nghiệm cá nhân. Bạn phải viết từ những gì bạn biết, từ những gì đã xảy đến với bạn. Ông muốn những cái chết, ông muốn những chuyến cắm trại. Nghĩ về những gì đã xảy đến với bạn. Trong ba năm qua đã có ba chuyện: bạn mất trinh; bố mẹ bạn ly dị; và anh bạn trở về từ một khu rừng cách biên giới Campuchia 10 dặm chỉ còn nửa cái đùi, một nụ cười nhếch mép thường trực nép mình vào khóe miệng.

Về chuyện đầu tiên bạn viết: “Nó tạo ra một không gian mới, đau đớn và khóc lóc bằng cái giọng không phải giọng của tôi, ‘Tôi không còn như trước nữa, nhưng tôi sẽ ổn thôi.’”

Về chuyện thứ hai bạn viết một câu chuyện chi tiết về một cặp vợ chồng già vấp phải một quả mìn trong bếp và vô tình tự thổi bay mình. Bạn đặt tên nó: “Tốt lên hay là có xúc xích gan.”

Về chuyện cuối cùng bạn không viết gì. Không có từ ngữ nào cho chuyện này. Cái máy đánh chữ của bạn ầm ì. Bạn không tìm được từ nào.

*

Trong các buổi tiệc cocktail sinh viên, người ta nói, “Ồ, cậu viết à? Cậu viết về cái gì?” Bạn cùng phòng của bạn, uống quá nhiều rượu, ăn quá ít phô mai và không chút bánh quy, buột miệng: “Ồ, chúa ơi, cậu ấy lúc nào chả viết về anh bạn trai ngu ngốc.”

Sau này trong cuộc đời bạn sẽ học được rằng các nhà văn chỉ là những văn bản mở, vô vọng mà không thực sự hiểu những gì mà chúng viết ra và do đó phải bán tín bán nghi với bất cứ thứ gì và mọi thứ người ta nói về chúng. Tuy nhiên, bạn chưa đến cái giai đoạn phê bình văn chương này. Bạn cứng đầu và nói, “Không phải thế,” giống như khi có đứa hồi lớp bốn lu loa là bạn rất thích học thổi kèn ô boa và bố mẹ bạn thực sự không chỉ bắt bạn đi học.

Nhấn mạnh rằng bạn không quá quan tâm đến một chủ đề nào, bạn quan tâm đến âm nhạc của ngôn ngữ, bạn quan tâm đến—đến—âm tiết, vì nó là nguyên tử của thơ, tế bào của tâm trí, hơi thở của linh hồn. Bắt đầu thấy chóng mặt. Nhìn chằm chằm vào cái cốc rượu nhựa.

“Âm tiết?” bạn sẽ nghe ai đó hỏi, giọng nói mờ đi, trong lúc chúng chầm chậm trôi về phía màu trắng đầy trấn an của sự sụp xuống.

*

Bắt đầu tự hỏi mình viết về cái gì. Hay có gì để nói không. Hay có cái gì là cái để nói hay không. Giới hạn những ý nghĩ ấy không quá 10 phút một ngày, như gập bụng, nó có thể làm bạn gầy đi.

Bạn sẽ đọc được ở đâu đó rằng mọi chuyện viết lách đều có liên quan đến bộ phận sinh dục của con người ta. Đừng để ý chuyện này. Nó sẽ làm bạn lo lắng.

*

Mẹ bạn sẽ đến thăm bạn. Bà sẽ nhìn quầng thâm dưới mắt và đưa cho bạn một quyển sách màu nâu in hình cái cặp màu nâu trên bìa. Nó có nhan đề: Làm thế nào để trở thành giám đốc kinh doanh. Bà cũng mang đến cuốn toàn thư Tên cho các bé mà bạn nhờ; bạn có một nhân vật, một bà giáo viên mẫu giáo ngốc nghếch già nua, cần một cái tên mới. Mẹ bạn sẽ lắc đầu và nói: “Francie, Francie, còn nhớ cái hồi con sắp thành sinh viên tâm lý học trẻ em không?”

Nói: “Mẹ, con thích viết.”

Bà sẽ nói: “Ừ con thích viết. Tất nhiên rồi. Ừ con thích viết.”

*

Viết truyện về một sinh viên âm nhạc rối trí và đặt tên: “Schubert là tay đeo kính, phải không?” Nó không đình đám gì, dù bạn cùng phòng của bạn thích đoạn hai nghệ sĩ violon vô tình thổi bay mình trong thính phòng. “Tớ từng hẹn hò một gã chơi violon,” cô ta nói, thổi kẹo cao su lẹp bẹp.

*

Cảm ơn Chúa bạn đang theo các lớp khác. Bạn có thể tìm nơi ẩn náu trong những khó khăn bản thể luận thế kỷ 19 và nghi thức tìm bạn đời của động vật không xương sống. Một số loài nhuyễn thể hình cầu có cái gọi là “Tình dục bằng chi.” Ví dụ, bạch tuộc đực sẽ đứt đầu xúc tu khi đút nó vào trong con cái khi giao cấu. Các nhà sinh vật học biển gọi đó là “Thiên đường thứ 7.” Mừng là bạn biết những chuyện này. Mừng là bạn không chỉ là nhà văn. Nộp đơn vào trường luật.

*

Từ đây trở đi nhiều chuyện có thể xảy ra. Nhưng cái chính sẽ là thế này: Rốt cuộc bạn quyết định sẽ không đi học luật, và, thay vào đó, bạn dành một phần lớn, tươi đẹp trong cuộc đời trưởng thành của mình để kể cho mọi người nghe rốt cuộc bạn đã quyết định sẽ không đi học luật như thế nào. Bằng cách nào đó cuối cùng bạn lại viết tiếp. Có lẽ bạn đi học cao học. Có lẽ bạn làm việc vặt và theo các lớp học viết vào ban đêm. Có lẽ bạn đang đi làm và ghi lại tất cả những lời lẽ sắc sảo và những bộc bạch thân mật cá nhân mà bạn nghe được trong ngày. Có lẽ bạn đang đánh mất bạn bè của bạn, người quen của bạn, sự cân bằng của bạn.

Bạn đã chia tay bạn trai. Giờ thì bạn đi chơi với những gã đàn ông mà, thay vì thì thầm “Anh yêu em,” hét: “Làm thế với anh đi, em.” Cái này tốt cho việc viết lách của bạn.

Sớm muộn gì bạn cũng có một bản thảo ít nhiều hoàn chỉnh. Người ta nhìn nó kiểu băn khoăn một cách mơ hồ và nói, “Tôi cá trở thành nhà văn luôn là một ảo tưởng của chị, phải không?” Môi bạn khô mằn mặn. Nói là trong số mọi ảo tưởng khả dĩ trên thế giới này, bạn cũng không thể hình dung việc trở thành nhà văn lọt vào tốp 20. Bảo họ bạn sắp thành sinh viên tâm lý học trẻ em. “Tôi cá,” họ luôn thở dài, “chị hợp với trẻ con.” Quắc mắt. Bảo họ bạn là lưỡi dao biết đi.

*

Bỏ học. Thôi việc. Tiền trong trái phiếu tiết kiệm cũ. Giờ bạn có nhiều thời gian như mụn cóc trên tay. Từ từ chép tất cả địa chỉ của bạn bè vào một cuốn sổ địa chỉ mới.

Trống rỗng. Nhai kẹo ngậm ho. Giữ một cặp tài liệu toàn những mẩu rời.

Một mí mắt sẫm bên.

Thế giới như là âm mưu.

Cốt truyện khả dĩ? Một người đàn bà lên xe buýt.

Giả sử bạn ném đi một mối tình và không ai đến.

Ở nhà uống nhiều cà phê. Ở Howard Johnson’s gọi xà lách trộn. Nghĩ xem nó giống những bông pháo giấy sũng nước của một tấm bản đồ như thế nào: nơi bạn đã đến, nơi bạn sắp đến—“Bạn ở đây”—ngôi sao màu đỏ ở cuối menu nói.

Thỉnh thoảng một anh bạn trai với gương mặt vô hồn như một tờ giấy hỏi bạn nhà văn có thường trở nên nản lòng như thế này không. Bảo có khi có và có khi có. Bảo nó rất giống bại liệt.

“Hay nhỉ,” bạn trai của bạn cười, rồi anh ta nhìn xuống đám lông tay của mình và bắt đầu vuốt, tất cả, luôn luôn, theo cùng một hướng.

Lorrie Moore, “How to Become a Writer,” Self-Help (Alfred A. Knopf, 1985).

Copyright © 1985 by Lorrie Moore | Nguyễn Huy Hoàng dịch.

Advertisement

3 comments on “Truyện ngắn: “Làm thế nào để trở thành nhà văn” – Lorrie Moore

  1. phamthithuyquynh
    November 9, 2017

    Thưa anh, em có thể xin được đăng truyện ngắn này lên trang Tôn vinh văn hóa đọc được không ạ? Em sẽ dẫn nguồn và ghi rõ tên dịch giả ạ.

    • Nguyễn Huy Hoàng
      November 9, 2017

      Quỳnh thông cảm cho anh là không nhé. Trang Tôn vinh văn hóa đọc trước đây từng đăng lại nhiều bài dịch của anh mà không xin phép, nên anh không muốn đưa lên đấy. Cảm ơn em đã hỏi.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Information

This entry was posted on November 8, 2017 by in Truyện and tagged .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

%d bloggers like this: