A sailor and his girl kiss on the H.M.S Nelson Battleship, 1938 | Author unknown
Lloyd Schwartz (1941–) là nhà thơ người Mỹ và giáo sư hàm Frederick S. Troy ngành văn học Anh tại Đại học Massachusetts Boston. Ông được trao giải Pulitzer cho phê bình năm 1994.
I. CẶP THỨ NHẤT
Quỳ trên đầu gối, lưng anh quay về phía chúng ta: đôi dưa bở trắng của cặp
mông trần, cặp bán cầu săn chắc, cơ bắp—
cái trung tâm gợi cảm.
Đầu gối anh thục vào lớp lông sờn của một cái nệm nhung
trên thảm hoa phương Đông bên cạnh giường cô.
Anh vặn mình—contrapposto—và cúi xuống để úp mặt
vào háng cô, giữa cặp chân mềm,
một chân gác lên vai phải anh, chân còn lại—giống
một cánh tay hơn—vươn ra sau lưng anh, mắt cá chân
tựa lên cái hông trần.
Cô dép lê màu sáng bóng có nơ; anh thì xỏ
dép phòng ngủ và tất.
Anh có một gương mặt cổ điển: mũi thẳng, cằm nhọn.
Chỏm bò liếm. Tóc cạo mỏng cao trên gáy,
theo vành tai, như thời trang hiện tại;
mái
cúp xoăn của cô cho ta biết thời điểm (mới những năm hai mươi).
Miệng anh gặm lông mu cô; môi hé, anh
giữ lưỡi lại cho mình.
Anh nghiêm túc: nếu như anh đang mặc quần áo, và cô là cái gì đó
có ống, thì anh sẽ là trợ lý thợ sửa ống—xem xét,
ham học hỏi, hăng hái;
không có gì gợi tình trong vẻ mặt, gần như không
bị kích thích chút nào (hơi khó để biết chắc, tất nhiên,
từ đằng sau).
Nằm bẹp trên lưng, trên tấm ga tối, có viền tua rua, trọng lực
vuốt phẳng cặp vú cô, trông cô
không thoải mái, nhưng không phải không hân hoan. Mắt cô
liếc qua cái máy ảnh. Đôi môi cô mím lại, nhưng—
có phải không?—dấu vết một nụ cười
còn lưu lại quanh mép…
Cô vươn cánh tay về phía anh, duỗi bàn tay đặt
lên trên đầu anh—dẫn dắt anh thật nhẹ, có lẽ cô
đang ban phước cho anh.
II. CẶP THỨ HAI: CHÀNG THỦY THỦ VÀ CÔ NÀNG CỦA ANH TA
Họ rạo rực, nửa mặc đồ (chỉ nửa trên), và họ
không đợi được nữa.
Anh vận áo thủy thủ và đội mũ
lính thủy (có phải cô nằm trên
một đống lưới đánh cá?)
Anh tựa cái đầu gối trần
bên cạnh đùi cô mập.
Váy của cô dài—kiểu Victoria và có sọc. Nếu cô không
kéo nó lên ngực, nó sẽ che đôi tất
đen dài đến gối và đôi giày kiểu đàn ông đen.
(Anh cũng đang đi giày. Làm sao anh cởi
được quần?)
Không quần lót—
không gì rơi quanh mắt cá
để ngăn cô giạng chân ra.
Không thụ động, cô dướn mình lên để nhìn, và
nắm, cái cương cứng cồm cộm của anh:
cây gậy và hai quả bóng chày—
giải đấu lớn (cây xúc xích của anh; cái kẹo mút
mọng nước của anh).
Anh nhìn xuống thèm khát vào đôi mắt và cái miệng
thèm khát của cô—một tay ấn ngập vào
cái đùi trần truồng của chính mình.
Anh thả mình một chút (không phải cả người anh
đều đứng nghiêm), để cho cái cô muốn
dễ hơn cho cô với.
Nhưng người thợ chụp ảnh thì sắc bén—anh ta giữ trọng tâm sắc nét nhất
vào cái mà anh ta chắc rằng chúng ta đều muốn: tất cả
những nếp gấp thịt, những khe, những kẽ—những chốn
không còn bí mật—trong xác thịt chào đón của cô.
Anh ta biết trang phục sẽ phủ nhận gánh nặng tinh thần
(và sự tự do) của sự trần truồng thuần túy—
đặt ta in
medias res (những thứ đang xảy ra, những thứ sắp
xảy ra); vào
trong sự bí mật, sự đồng lõa tội lỗi—một con mắt
lén lút nhìn qua vai…
Cặp mẫu của anh ta đóng đinh sự chú ý của họ vào nhau (anh ta có
phải chỉ bảo họ?), để chúng ta cũng có thể
bị đóng đinh.
Tất nhiên, họ chỉ đang tạo dáng—
nhưng bất chấp những đạo cụ và trang phục, những
chi tiết không thể phủ nhận
gợi ý rằng nó không phải—nó
không thể—toàn bộ là cảnh diễn.
III. MÉNAGE À TROIS
Người đàn bà béo—cái cô có cái bụng nồi nhỏ, vú
xệ, và cằm chẻ (gần như là mọi thứ mà ta có thể
thấy ở mặt cô ta)—là người mà anh ta đang hôn say đắm.
Nhưng tay anh ta đang vòng qua cả hai, anh ta yêu cả hai
(và tất nhiên anh ta không thể hôn
cả hai người cùng lúc).
Trần truồng chỉ trừ (như họ) giày và tất, và nịt tất,
anh ta ngồi trên mép của một chiếc ghế bành quá tải,
đầu gối anh giang rộng,
cái dương vật khổng lồ của anh
giương lên như tòa Tháp Nghiêng từ đáy bụng.
Ngực và cổ anh ta, bắp và đùi, có cơ bắp như điêu khắc
của một vận động viên:
thể thao giữ cho mọi bộ phận của anh ta có dáng.
Cả hai người phụ nữ đều quỳ. Cô—người đàn bà béo ở bên trái
anh ta (bên phải của chúng ta)—ấn mình vào anh ta, cái bụng tròn
tì vào đầu gối, cặp mông tròn và mịn
là đối trọng sang trọng.
Các ngón tay cô nắm chặt cái cơ quan ngồn ngộn của anh ta, bám
vào nó, gần như để ổn định chính mình.
Người còn lại mảnh mai hơn, xinh hơn, cô có một cái miệng
xinh xắn—một gương mặt thanh tú của ngôi sao điện ảnh.
Cô gần như đang khom mình, trên thực tế, ngồi lên
đôi cao gót của chính mình; tay phải cô dịu dàng bao lấy
tinh hoàn của anh ta.
Khó mà biết là cô đang mỉm cười
với gương mặt anh hay là với bộ phận sinh dục anh—có lẽ là
cả hai, trong ngưỡng mộ, tôn thờ, và ham muốn như nhau.
Còn vẻ mặt hiền lành, ngây ngất của anh ta
thì khó đọc hơn, gương mặt anh ngả bóng
nửa chôn vùi trong nụ hôn mãnh liệt.
Có gì đó ngọt ngào, nhân đạo, trong tất cả bọn họ: không phải
sự ngây thơ—
nhưng không gì (hay, gần như không gì) cứng
hay đã cứng lại.
Chỉ chút vải họ mặc là nhắc nhở chúng ta
đây vốn là để công khai khơi gợi.
Bản thân sự sắp xếp cũng nhã nhặn—cân đối và đối xứng:
đường cong uốn lượn của phần dưới và tấm lưng
của cô gái xinh xắn, chảy lên và qua đường cong
của vai và cổ người đàn ông,
rồi lại xuống qua những
vòng cung tròn trịa hơn của lưng và hạ bộ người đàn bà béo—
một vòng những cánh tay hài hòa: cánh tay họ vòng qua lưng anh
đỡ lấy anh; tay anh vòng qua họ—bàn tay anh đặt lên
trên vai họ; bàn tay họ gặp nhau trong lòng…
Nó giống như một bức Descent from the Cross hay Holy Burial thời
trung cổ: Chúa Kitô sụp đổ giữa hai
Thiên thần trợ đỡ—
nhưng ngược lại, đảo lộn, một âm bản
của cuộc Khổ nạn. Khổ nạn đây chỉ là—và không gì
ngoài—dục vọng. Có lẽ
còn không phải dục vọng.
Tấm bưu thiếp xưa cũ này: nứt; các góc quăn; các cạnh
sờn; mòn và mỏng
vì dùng.
Bao nhiêu người nó đã làm hài lòng; làm thất vọng;
làm tổn thương? Trong những ngón hứng tình của ai mà nó
đã được cầm (và bàn tay ấy
liệu có biết tay kia đang làm gì)?
Không phải sự ngây thơ—
nhưng không gì ở họ
cứng, hay đã cứng lại;
vẫn chưa qua việc tận hưởng niềm vui
trong bất cứ khoái lạc nào mà họ
nhận, hoặc trao.
Lloyd Schwartz, “Pornography,” Cairo Traffic: Poems (University of Chicago Press, 2000). This poem was first published in the Paris Review (Issue 127, Summer 1993), and was included in The Best American Poetry 1994 and The Best of the Best American Poetry (2013).
Copyright © 1993 by Lloyd Schwartz | Nguyễn Huy Hoàng dịch.