Nguyễn Huy Hoàng

the star is fading

Truyện ngắn: “Düssel…” – Ian McEwan

The Soothsayer’s Recompense.jpg

The Soothsayer’s Recompense, 1913 by Giorgio de Chirico

Ian McEwan (1948–) là nhà văn người Anh. Ông được trao giải Somerset Maugham năm 1976, giải Whitbread năm 1987, giải Man Booker năm 1998, và giải Jerusalem Prize năm 2011.

Düssel…

Bạn hỏi với tôi chuyện đó nó thế nào. Để trả lời tôi phải quay trở lại khoảng năm mươi năm về lúc nửa đêm của một thứ Sáu bức và khoảnh khắc mà tôi thì thầm với sự nhã nhặn bậc nhất vào tai của người bạn mới cái câu hỏi khiếm nhã ấy. Tôi nằm bên dưới nàng còn nàng thì toát lên mọi vẻ diễm lệ, trần truồng nếu không tính một chiếc vòng cổ cườm đính ngọc lưu ly và vàng. Ngay cả dưới ánh đèn cạnh giường màu hổ phách, làn da nàng vẫn sáng lên vẻ trắng. Nàng nhắm mắt đưa mình bên trên tôi, đôi môi nàng hé mở, thoáng để lộ hàm răng xinh xắn. Tay phải nàng âu yếm tựa lên vai trái tôi. Người nàng thơm nhẹ, không phải mùi nước hoa mà là mùi xà phòng gỗ đàn hương. Những bánh xà phòng ấy, in hình một con thuyền buồm cổ và bọc giấy thấm trong một chiếc hộp dài hình chữ nhật bằng gỗ bấc, từng là của tôi. Nàng đã phải lòng nó ngay từ lúc đầu tiên nàng bước vào phòng tắm nhà tôi. Sao tôi phải phiền lòng?

Lúc chúng tôi dịu lại trong cuộc ân ái và nàng cúi người xuống, tôi đưa môi lại gần vành tai nàng và liếm, nói vào một cơn gió ngược của khoái cảm nhục dục dường như ngắt từng lời khỏi miệng tôi, “Em này, anh biết thế này là không nên, nhưng anh phải hỏi em. Anh không có quyền gì biết, tất nhiên, nhưng sau hai tuần tuyệt diệu này… anh thấy… em yêu ạ, Jenny… tha thứ cho anh nhé, anh yêu em và sẽ mãi mãi yêu em… nhưng làm ơn cho anh biết sự thật. Em có thật không?”

Trước khi miêu tả phản ứng của nàng, tôi nên giải thích cho các độc giả trẻ tình hình lúc đó. Chúng ta đã trải qua một cuộc cách mạng xã hội mà những kết quả của nó giờ đã hoàn toàn bị coi là lẽ đương nhiên. Người trẻ, tôi để ý, thường hành động như thể chẳng có gì xảy ra. Họ không hoặc ý thức rất ít về lịch sử. Những phép lạ mà các thế hệ trước làm nên—chúng cũng bình thường như bản thân cuộc sống. Nhưng như bất cứ ai quan tâm nên biết, toàn bộ cuộc tranh luận này đã bắt đầu từ nhiều thế kỷ trước, với Plato có lẽ, hay với Frankenstein của Mary Shelley, hay với Charles Babbage và Ada Lovelace, hay với những suy tưởng của Alan Turing, hay khi, vào buổi bình minh của thiên niên kỷ thứ ba, một chương trình máy tính, rút kinh nghiệm từ những sai lầm của chính mình nhờ những mạng lưới thần kinh sâu và “tự chơi,” đã đánh bại một bậc đại sư cờ vây. Hay, quan trọng nhất, khi người máy thụ thai với một con người và đứa trẻ cacbon-silicon sống được đầu tiên ra đời. Chỉ cách căn hộ của tôi ba con phố, trong một quảng trường nhỏ xinh xắn với những quán cà phê xếp dọc và những cây tiêu huyền đốn ngọn phủ bóng, có một bức tượng vinh danh Molly. Bạn sẽ nghĩ chẳng có gì là bất thường ở một bức tượng như thế. Trừ chuyện đó là một cô bé tám tuổi mặc áo phông và quần jeans, đứng hiên ngang trước chúng ta trên một cái đế thay cho một vị tướng, một nhà thơ hay một phi hành gia.

Một cỗ máy có thể có ý thức không? Hay nói cách khác, liệu con người chỉ là những cỗ máy sinh học? Câu trả lời chắc chắn cho cả hai câu hỏi này đã tiêu tốn nhiều thập niên tranh luận quốc tế giữa các nhà thần kinh học, các giám mục, triết gia, chính trị gia, và công chúng. Cuối cùng, lâu hơn dự tính, con người nhân tạo đã được trao cho sự bảo vệ đầy đủ dưới nhiều hiệp ước nhân quyền khác nhau. Và con cháu nguồn hỗn hợp của họ cũng thế. Các quyền khác cũng hợp thức theo sau, bao gồm quyền kết hôn, quyền tài sản, quyền có hộ chiếu, quyền bỏ phiếu, và bảo hộ việc làm. Người máy cũng có thể mở doanh nghiệp, làm giàu, phá sản, bị kiện, và bị giết thay vì bị phá hủy. Trên thế giới đã phát triển nhiều “đạo luật về quyền tự chủ” khiến việc mua hay sở hữu một con người nhân tạo là bất hợp pháp. Ngôn ngữ pháp lý cũng tự vận lên những đạo luật chống chế độ nô lệ của thế kỷ mười chín. Quyền đi cùng với trách nhiệm—quân dịch là một vấn đề không thể tranh cãi, không thể chống lại. Về nghĩa vụ bồi thẩm, người máy là một sự bổ sung hữu ích, xét tất cả những khiếm khuyết về nhận thức và trí nhớ yếu, dễ đổi của con người.

Chúng tôi là thế hệ trưởng thành ngay sau đó—những năm hỗn loạn của sự say mê và sự suy tư đầy thống khổ. Ý nghĩa của việc làm người đã được mở rộng một cách thú vị, hoặc bi kịch. Nếu sự đồng thuận của giới tinh hoa khoa học là những người bạn mới được chế tạo của chúng ta cảm nhận được nỗi đau và niềm vui và hối tiếc thì làm sao chúng ta chứng minh được điều đó? Từ buổi ban sơ của suy tư triết học chúng ta đã hỏi chính câu hỏi ấy về những con người khác. Chúng ta nên lo hay mừng rằng họ, về tổng thể, thông minh hơn, tử tế hơn, xinh đẹp hơn chúng ta? Có phải những người sùng đạo trong chúng ta đã sai khi từ chối thừa nhận linh hồn ở họ?

*

Sau đó, như thường xảy ra với các thay đổi xã hội gây tranh cãi, một khi những vấn đề ấy đã được bàn luận và luật pháp đã được thông qua, cuộc sống vẫn tiếp diễn và chẳng mấy chốc đã chẳng còn ai còn nhớ toàn bộ chuyện ấy cốt là vì điều gì. Người ta thường nói là những câu hỏi lớn về triết học không bao giờ được giải quyết: chúng phai mờ đi. Mọi cuộc tuần hành biểu tình, mọi cuốn sách, mọi phát biểu, mọi hội thảo, và mọi dự đoán ảm đạm ấy đều vô ích. Suy cho cùng, những người bạn mới trông chẳng khác gì chúng ta, chỉ dễ mến hơn. Bạn có thể tin tưởng họ, đó cũng là lý do vì sao nhiều người họ vào ngành luật, ngân hàng, và chính trị, và bắt đầu cuộc cải cách hợp lý vốn rất cần thiết cho các thể chế ấy. Bản chất của họ là rất biết chăm lo, và nhiều người đã trở thành các bác sĩ và y tá. Họ mạnh mẽ và nhanh nhẹn và đóng góp đến hai phần ba đội điền kinh Olympic của chúng ta, dẫu môn chạy vượt rào nước rút cũng phải mất thêm mười lăm năm nữa mới hoàn hảo. Nổi tiếng nữa là họ thể hiện mình là các nhạc sĩ và nhà soạn nhạc xuất chúng trong mọi thể loại âm nhạc. Nếu chúng ta có lo lắng rằng họ có vẻ quá tốt về mọi mặt thì chúng ta cũng có thể chúc mừng bản thân rằng họ là sự sáng tạo của chúng ta, theo hình ảnh của chúng ta, sự ra hoa trọn vẹn và tối hậu của tài năng nghệ thuật và công nghệ của chúng ta. Họ, chúng ta thường nói, là các thiên thần tốt đẹp hơn mang bản chất của mình.

Bằng những bước chậm nhưng đáng kể, và ảnh hưởng của đời sống xã hội cũng như tiến trình pháp lý, người ta bắt đầu hiểu và thường chấp nhận rằng những tạo tác đồng loại của chúng ta xứng đáng có đầy đủ phẩm giá, và tôn trọng sự riêng tư của họ. Tức là, chỉ sau ít năm việc ấy đã trở nên không chấp nhận được trong xã hội—không như hồi chúng tôi còn trẻ—việc hỏi.

Chẳng hạn, tại buổi dạ tiệc của một giải sách lớn, bạn không thể hỏi vị khách đáng mến bên cạnh, bị thôi thúc bởi một nhận xét khá sắc sảo của anh ta, rằng anh ta, một nhà xuất bản đáng kính, có phải là một tạo tác silicat sinh học sản xuất ở địa phương hay không. Hai mươi năm trước thì có thể—mà quả thế, đó là điều đầu tiên bạn muốn biết. Lúc đó nó không hơn gì một màn dạo đầu thông thường. Chỉ như là bạn nói, Tôi nghe nói anh có một mái nhà thứ hai ở Thüringen. Tôi cũng thế! Khi tất cả những lầm bầm phản đối cuối cùng về sự phải đạo chính trị phai đi, cùng những câu chuyện đáng sợ ngu dốt kiểu “chúng sống trong chúng ta” xưa cũ, việc hỏi trở nên phản cảm, thậm chí là tục tĩu, vì về cơ bản, câu hỏi của bạn sẽ chỉ là về vật chất, khi vấn đề ý thức đã được giải quyết từ lâu. Thế sẽ chẳng kém rầy rà hơn việc hỏi người ta về chiếc bánh mousse sô cô la, Nó có thật không? Mọi người sẽ nói bạn vừa phẫu thuật mở ruột kết!

Một ví dụ khác. Khi bà Tabitha Rapting trở thành thủ tướng với một nghị viện đa số nhiều hơn hai ghế, có những người đã tự hỏi liệu bà có phải là “thật” hay không—một từ gây tổn thương khác đã được bỏ đi. Nhưng vấn đề là, về mặt xã hội, chúng ta đã vượt qua một sự chia rẽ lớn, vì những băn khoăn như thế không được thể hiện ở nơi công cộng. Chỉ ở trong các quán bar câu lạc bộ gôn, hay trong các cuộc tuần hành biểu tình đường phố của các nhóm ngoài lề, cực đoan. Như thế sẽ là thiếu đứng đắn, thô tục, tương tự như sự phân biệt chủng tộc, và do đó có lẽ là bất hợp pháp. Chuyện đó diễn ra đã lâu, và đến tận bây giờ chúng tôi vẫn không chắc người máy trở thành thủ tướng lần đầu là khi nào. Hay đã có người máy nào như vậy hay chưa. Hay có phải là chúng ta đang sống dưới một chuỗi liên tục các thủ tướng người máy hay không. Chúng ta cũng không biết có người máy nào đã đoạt giải vô địch Wimbledon đơn nam hay đơn nữ hay chưa. Hay có con người nào giành chức vô địch trong hai mươi năm qua hay không.

Nên nếu câu tôi hỏi Jenny vào buổi tối tháng Bảy oi bức ấy có vẻ đáng ghê tởm với những độc giả trẻ hơn thì cho phép tôi nhắc họ nhớ rằng tôi thuộc về một thế hệ đã trải qua quá trình quá độ. Là những thanh thiếu niên bốc đồng với cái thú không thể tha thứ được là trêu chọc phụ nữ đi qua trong các trung tâm mua sắm, chúng tôi nghĩ chúng tôi biết hàng chục cách tìm ra sự khác biệt. Tất nhiên là chúng tôi đã sai—mà cũng không phải là chúng tôi thèm quan tâm. Ngoài phân tích DNA hoặc phẫu thuật vi mô sâu, không cách nào biết được. Nhưng chúng tôi biết mình luôn luôn có thể đòi hỏi câu trả lời từ những nạn nhân của trò đùa chúng tôi, và câu trả lời ấy luôn luôn được lập trình là trung thực—cho đến khi điều đó cũng bắt đầu thay đổi.

*

Jenny, tôi tự hào mà nhớ, đã không để bụng. Nàng sát lại gần tôi. Mắt nàng, mở to và đen và sâu, nhìn thẳng vào mắt tôi. Nàng—từ ngữ hầu như bất lực—mềm, êm, ấm, bao bọc. Biết cảm và gợi cảm. Ôi, một cái tôi đáng yêu. Một tiếng sấm tình yêu và khoái lạc dọa làm tôi điếc. Nhưng sự hiếu kỳ của tôi quá lớn làm tôi nghe trọn từng lời nàng nói. Khoảnh khắc như thế là cái mà chúng ta sẽ đem xuống mộ. Nụ hôn chúng tôi trao trước khi nàng nói dịu dàng và say đắm. Môi nàng, lưỡi nàng—đó là phép lạ, bất kể nó được hình thành ra sao. Tôi biết, trước cả khi tôi có câu trả lời, rằng tôi sẽ không bao giờ rời bỏ nàng. Vậy thì nàng được tạo ra bằng gì có gì quan trọng?

“Anh là của em.” Nàng nói như một sự thật đơn giản. Đôi lúc nàng lại nói những lời ấy khi làm tình với tôi và nó luôn làm tôi hài lòng. “Còn em thì thuộc về anh. Mọi thứ khác đều là bọt biển.”

Bởi vì nàng dừng lại, tôi ngờ vực băn khoăn rằng liệu những lời âu yếm ấy, tuy chân thành, có phải là một cách trốn tránh hay không. Nhưng làm sao tôi dám nghi ngờ nàng?

“Em nghĩ anh đã biết rồi. Em được tạo ra ở Düsseldorf thuộc vùng Đại Pháp. Bố mẹ em và các dì mà anh đối xử rất tốt cũng thế. Nhưng cậu em họ mà anh gặp ở nhà hàng, cái cậu mà anh cố đánh thắng bóng quần ấy, cậu ấy là ở Đài Loan.”

“Düsseldorf!” Tôi chỉ có thể nói được đến thế, dù âm tiết cuối cùng chẳng hơn gì một âm thanh bị nuốt vào trong, vì tôi tin tôi đang biến mất. Những cảm giác kiệt cùng như thế không thuộc về tôi mà thuộc về thế giới của vạn vật, về sự trống trải giữa vạn vật, về bản chất của vật chất và không gian. Xung quanh hai thực thể ấy dâng lên một làn thủy triều ngất ngây quét sạch. Sự xác nhận về cái khác lạ lùng và đẹp đẽ của nàng như thế đã làm rung động cái thế giới bao gồm cả tôi đến một điểm biến mất của sự kỳ dị vô thức. Trong vài giây tôi đã, theo cụm từ đầy màu sắc của thời thiếu niên ở các trung tâm mua sắm, “lộn nhào trên cối xay gió.” Yếu ớt bám lấy trái tim mình, tôi thoáng ngất. Là một người tình nhân ích kỷ như thế làm tôi thật xấu hổ—và khi tôi trở về với thời khắc hiện tại tôi bảo nàng như thế. Tất nhiên, tha thứ là bản chất của nàng.

Tôi đã yêu và không còn đường quay lại. Nhưng giờ thì tôi biết chắc chắn một điều về nàng mà tôi sẽ cần ghi nhớ. Tốc độ xử lý của nàng bằng một nửa của tốc độ ánh sáng. Nàng nghĩ được nhanh hơn tôi triệu lần. Sự khéo léo và những suy tính khác sẽ buộc nàng không thể hiện ra điều đó. Nhưng nếu muốn sống cùng nhau, tôi sẽ phải thừa nhận rằng để thắng được một cuộc tranh luận hay phản đối bất cứ quyết định nào mà nàng đưa ra sẽ thật là khó. Trong khoảnh khắc mà tôi cần để nhún vai và nhìn đi để tập hợp suy nghĩ của mình, nàng có thể đã duyệt lại trong suy nghĩ riêng tư hầu hết những gì đã biết về bản chất con người và lịch sử của nền văn minh.

Nó là thế đấy, chuyện ấy với tôi là như thế. Thế hệ chúng tôi đã bước hai chân hai bên trên một trong những cái khe hay rãnh lớn của rặng núi dài mà chúng ta thường gọi là câu chuyện của tính hiện đại. Tin tôi đi, nếu bạn chưa bao giờ xin lỗi một cỗ máy vì đã đặt ra cái câu hỏi khiếm nhã ấy, thì bạn còn chưa có khái niệm nào về khoảng cách lịch sử mà tôi và thế hệ tôi đã đi.

Ian McEwan, “Düssel…,” The New York Review of Books (July 19, 2018 Issue).

Copyright © 2018 by Ian McEwan | Nguyễn Huy Hoàng dịch.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Information

This entry was posted on July 11, 2018 by in Truyện and tagged .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

%d bloggers like this: