Nguyễn Huy Hoàng

the star is fading

Truyện ngắn: “Con bé tội nghiệp” – Ludmilla Petrushevskaya

poor girl.gif

Illustration by Antoine Maillard for The New Yorker

Ludmilla Petrushevskaya (1938–) là nhà văn người Nga. Bà được trao giải Pushkin năm 1991, giải thưởng Chiến thắng năm 2002, và Giải thưởng Nhà nước Nga về Nghệ thuật năm 2004.

Truyện ngắn “Poor Girl” của Ludmilla Petrushevskaya, với bản dịch tiếng Anh của Anna Friedrich, được đăng trên tạp chí The New Yorker (September 24, 2018 Issue).

Con bé tội nghiệp

Nhìn chồng mình yêu thương con gái họ, người mẹ khốn khổ có thể đã dễ dàng đánh mất sự tỉnh táo—cái cách mà anh vuốt ve con bé khi nó thiếp ngủ hay mới tỉnh giấc, vẻ mặt hạnh phúc của anh khi hai cha con chạm nhau, việc anh đích thân tắm cho con bé, tin đó là quyền và trách nhiệm của mình. Tiếng cười vui vẻ khi anh kể cho khách khứa biết trong bồn tắm, Manya luôn luôn cố lấy tay che vùng kín như thế nào (để phần còn lại phô bày, đám khách đoán). Mọi chuyện đã diễn ra như thế cho đến khi con bé lên tám và một mực đòi tắm một mình, và người mẹ càng trở nên lo âu hơn nữa, băn khoăn chuyện gì có thể đã xảy ra giữa hai cha con họ.

Người mẹ, Irina, giữ nhà cửa sạch bong; cô có đôi tay vàng—nó thực sự có cảm giác như vàng hay một kim loại khác, mà làm sao mà không cho được, khi nó liên tục bóc, băm, quay máy xay thịt, luộc, rán, lau, chùi, đập thảm, và thay ga? Cô làm bánh cho khách dịp lễ, và mùa đông nào cô cũng lau chùi và bít kín mọi ô cửa sổ, rồi mùa xuân lại gỡ ra và lau chùi lần nữa. Thêm vào đó, vào mùa hè còn có một cái lán với một vườn rau, nơi mọi thứ cần dọn dẹp, phủi bụi, lau chùi, và còn cả gieo hạt, tưới nước, làm cỏ, sau đó là thu hoạch, ngâm muối, và bảo quản. Những thứ ấy có cả loại nước mạn việt quất đặc sản của Irina và rượu lý gai, vị giống hệt như sâm panh.

Cô cũng đi làm, đi lại mất một tiếng mỗi chiều. Rồi, sau mười tiếng rời nhà, cô lại phải nghe những câu chuyện hào hứng của chồng về chuyện tắm rửa cho con—trước mặt khách! Con bé luôn ở quanh đó, hoặc ngồi trong lòng anh, thơm má anh, đôi khi lên cả tay áo. Người vợ la hét nhiều và thường xuyên hơn. Cô đã kiệt sức; vẻ đẹp của cô, đôi mắt trong suốt chất chứa câu hỏi “Chuyện gì đang xảy ra?” Không chỉ trông nom nhà cửa và đi làm, cô còn chăm sóc cả mẹ chồng, trước là giáo viên nghệ thuật ngôn ngữ, cuồng nhà hát và các buổi đọc văn chương, ưa cặp kè với các sĩ quan đứng tuổi, và thường được “hộ tống” về nhà. Tiếng cười, những bữa tối muộn—ông bố sẽ tắm cho con gái và đọc truyện cho nó đi ngủ trước khi ra bàn ăn. Mẹ anh mua vui cho mọi người bằng những ấn tượng về người gần nhất theo đuổi bà. Ăn uống xong tất cả quay sang xem TV, trong khi Irina rửa bát trong bếp. Trên chiếc giường vợ chồng mọi thứ đều yên bình: mỗi người một cuốn sách riêng, rồi tắt đèn riêng, rồi một phút sau người chồng sẽ bắt đầu ngáy.

Chuyện là đây: Irina không được yêu, không hề được yêu. Chồng cô xem cô và những gì cô làm cho gia đình là những chuyện thường tình: những chiếc sơ mi sạch, những miếng thịt viên ngon ngọt, nhà cửa gọn gàng, những điểm số xuất sắc của con bé. Irina còn kiếm được một đồng lương kỹ sư khá. Nói tóm lại, đó là một gia đình hoàn hảo.

Họa hoằn (họa hoằn lắm) người chồng mới thực hiện nghĩa vụ vợ chồng, thường là sau khi họ đã ra ngoài và làm vài ly, khi người vợ trông khác đi, xởi lởi. Có gì đó thức dậy trong anh và anh sẽ lăn qua giường bên cô và vuốt ve cô. Họ hôn nhau, như thể hồi sinh một cảm giác bị lãng quên, rồi anh quay đi, đeo bao, làm việc của mình trong tư thế chống đẩy, rồi thế là xong, chấm hết. Vào phòng tắm để đi giải và loại thải cái mà ai cũng biết. Một miêu tả thô tục nhưng chính xác, than ôi—có những thứ đơn giản là không thể nào quan sát mà không rùng mình. (Ta có thể miêu tả hành động đó một cách ẩn dụ: Con ong nghệ đậu xuống một bông hoa rủ xuống vì sức nặng của nó và rỉ ra thứ mật ngọt ngào. Khi cái vòi xuyên thủng vòm hoa, bông hoa cong lại và run rẩy dưới nó. Một giây sau nó đã trở lại với sự bung nở ngây thơ trong ngọn gió dưới bầu trời xanh.)

Sáng đi làm, tối về muộn, xách những túi tạp hóa đầy, nắng cũng như mưa. Kết quả là Irina cau có rồi lại cau có với chồng: anh làm sai mọi thứ, không đúng cách, không phải cách nên làm.

Người bà văn nghệ sĩ lắc mái đầu bạc. Ở nhà bà không có chuyện la hét: bà và người chồng quá cố tôn trọng nhau. Ông là đại tá quân đội về hưu; trước giờ đi ngủ, ông nhấp một chút cô nhắc, bà uống trà với kẹo. Sau đó, họ đi ngủ, trong yên bình và yên tĩnh, không đòi hỏi gì nhau. Ở đây thì lại có cái bức bối chưa giải tỏa này, tiếng mèo kêu hay tiếng lợn nái eng éc bất tận (trải nghiệm cái lán mùa hè). Bà ước gì mình có thể nói điều gì với con, nhưng làm sao bà có thể?

Đứa con gái thì bám lấy bố, chờ anh đi làm về để giảng toán cho nó, không chịu rời khỏi anh. Vào các ngày Chủ nhật, họ đi chạy trong công viên địa phương, trong khi Irina thì dành các ngày cuối tuần ở căn hộ nhỏ nhà ngoại: mẹ cô ốm, nằm liệt giường. Bà cần được thay đồ và cho ăn, và còn có những vết loét cần xử lý. Irina cũng ghé qua thăm bà trước và sau khi đi làm.

Rồi mẹ cô mất, họ chôn cất bà tử tế, mọi thứ như nó phải thế. Irina bắt đầu dành toàn bộ thời gian rảnh rỗi ở nhà người mẹ quá cố, lấy cớ là dọn dẹp nó, nhưng thực ra để tránh nhà mình. Sáng đến cô nấu nướng cho cả ngày—mẹ chồng chỉ việc hâm lại, rồi tối đến Irina rửa bát.

Rồi, không hề báo trước, Irina gói ghém mọi thứ mà cô có vào hai cái va ly và thông báo với mẹ chồng là cô sẽ đi, đúng thế, và đưa cả đứa con gái theo cùng.

Đi đâu? Như thế nào? Vì sao?

Cô có tin từ một người bạn hồi trung học đang làm chủ một nhà máy ngoài Murmansk, ở vùng Viễn Bắc, đang cần một trợ lý nhanh nhẹn có bằng đại học. Lương gấp ba lần hiện tại.

Vậy là cô bỏ đi và mang theo con gái, nó tìm được cách gọi cho bố nó và khóc vào điện thoại, nhưng chỉ một lần.

Căn nhà của cặp vợ chồng trước đây trở nên vắng lặng. Bà mẹ chồng không còn đến nhà hát vào các buổi tối nữa; ánh sáng bên trong bà đã bị dập tắt. Giờ thì bà lê mình đến chợ thực phẩm vào các ngày Chủ nhật và vào lúc cuối ngày, khi người ta cho đi các thứ gần như miễn phí. Anh con trai cũng chẳng giúp ích được gì—anh nhảy việc, chẳng bao giờ ở nhà, lúc nào cũng đi làm ăn. Đứa con gái, trong khi đó, vẫn liên lạc được với anh bằng cách gửi đi những lá thư có địa chỉ trả về. Con bé kể rằng nó không thích trường học ở địa phương, rằng những đứa trẻ khác châm chọc cái giọng Moskvy của nó—người miền Bắc nói mà không nuốt nguyên âm.

*

Một năm sau, người chồng được cử đi công tác đến những vùng ấy. Anh đến đó, lo chuyện làm ăn, rồi bắt chuyến buýt đêm, qua một lần chuyển tuyến, đến ngôi làng vào lúc sáng sớm.

Buổi sáng ở vùng Viễn Bắc: đen kịt, mọi thứ đều đóng cửa. Anh hỏi những hành khách đi cùng xem thuê được giường ở đâu, rồi một hành khách đưa anh đến tòa nhà căn hộ của mình, nhưng anh không muốn quấy rầy tổ ấm của anh ta nên anh đứng dưới sảnh, gần két tản nhiệt, cho đến tám giờ sáng, rồi đi bộ đến trường của con gái và chờ nó trong phòng treo đồ. Nhưng chắc hẳn anh không nhận ra nó—một năm đã trôi qua, con bé đã thay đổi. Nên anh đi vào phòng hiệu trưởng và trình chứng minh, có tên họ giống tên họ của con gái anh, rồi thư ký dẫn người đàn ông khốn khổ đến lớp học. Nhìn thấy anh, con bé đứng bật dậy, như đứng trước thầy giáo, rồi òa khóc. Nó đứng đấy khóc một lúc. Rồi nó quăng mình vào bố nó, nhưng anh bắt nó quay lại bàn lấy đồ đạc, một lần nữa lại trở thành bố nó, đảm bảo nó không quên bất cứ thứ gì.

Trong bóng tối giá lạnh của buổi sáng, họ đi bộ đến nhà máy nơi người mẹ làm. Thấy cả hai bố con trong nước mắt, cô nhanh chóng dọn bàn và đi cùng họ đến trường—chẳng còn nơi nào khác trong làng để đi vào cái giờ ấy—và bảo họ đợi ở đó. Sau một quãng bất tận, cô trở lại xách nặng hai va ly, hai cái túi, và ba lô của con bé. Bố nó đỡ hành lý, rồi họ nhanh chóng bước trở lại trạm xe buýt và lên xe đúng lúc nó chuẩn bị đi. Chỉ còn hai chỗ ngồi, nên con bé ngồi lên đùi bố nó và ngủ—chuyến đi mất bảy tiếng. Họ về đến thị trấn vào buổi chiều, lúc mặt trời đã bắt đầu lặn. Họ bắt xe buýt của thành phố đến nhà ga và đến kịp giờ cho chuyến tàu về Moskva.

Tay soát vé không cho cả gia đình lên tàu—chỉ có ông bố là có vé, chỗ ngồi cũng đã bán hết. Ông bố biến mất vào trong con tàu, trở lại với tay quản lý theo sau, cho hắn thấy vợ và con gái anh, rồi tay quản lý cho họ lên tàu. Tiền chắc hẳn đã trao tay. Ông bố được cho một chỗ ngồi, còn hai mẹ con thì nằm chung một tầng giường, ngủ ngược chiều nhau; may họ nằm dưới tầng thấp hơn. Buổi sáng đến anh đưa họ đến toa ăn—cả nhà chưa có miếng bánh nào vào bụng suốt hai mươi tư giờ qua. Người mẹ bắt cả nhà lau rửa, mặc dù họ phải dùng chung một chiếc khăn tay mỏng dính. Kỷ cương gia đình được tái thiết; đó là trách nhiệm của cô. Họ dùng bữa một cách nghiêm chỉnh giữa những chiếc khăn trải bàn và khăn giấy sạch, để ý cung cách của mình. Họ ngồi cả sáng trên giường, rồi trở lại toa ăn để ăn trưa. Đôi vợ chồng chỉ nói chuyện khi nhắc đến đứa trẻ. Con bé không rời bố nó và hầu hết thời gian là ngủ gật. Vợ chồng tránh nhìn mặt nhau.

Khi miền Bắc cuối cùng đã nằm lại sau lưng, họ mua được thức ăn từ những người nông dân ở các nhà ga, và bây giờ họ có thể ăn bên chiếc bàn nhỏ cạnh giường. Ông bố mua mấy chiếc bánh nướng còn ấm, dưa chuột muối, khoai tây luộc, có cả một chiếc bánh cá. Tất cả đều ngon lành với trà nóng và ngọt. Con bé cứ lắp bắp “Papa-Papa-Papa,” trong khi người lớn thì chỉ nói khi thật cần, cho dù bị nhồi nhét đến chật bên bàn. Họ đã xa nhau quá lâu, và tay hành khách ở tầng giường trên cũng ngồi cùng họ, quyền của anh ta. Cuối ngày thứ ba, họ về đến đích.

Ông bố cõng con bé và xách một chiếc va ly, còn đâu là của người mẹ. Họ lên taxi và đi qua những con phố tối xinh xắn của thành phố. Trời mưa lất phất. Đèn đường tỏa ánh sáng dịu.

Họ lặng lẽ bước vào căn hộ. Bà nội đang say ngủ—bà chắc hẳn đã làm một viên thuốc ngủ, như đã thành thói quen. Phòng con bé sạch sẽ, như thể nó mới rời đi ngày hôm trước: ga sạch trên giường, đồ ngủ và búp bê trên gối. Bà nội nó, rõ ràng, đã chờ từng ngày cháu gái quay lại.

Họ không tắm cho con bé đã ngủ. Mẹ nó chỉ lau chân và vùng dưới cho nó bằng một chiếc khăn ẩm và ấm rồi thay cho nó một bộ quần áo dễ chịu trong va ly—bộ đồ ngủ cũ của nó đã quá chật—rồi con bé nhanh chóng quay trở lại giấc ngủ, ôm chặt con búp bê.

Mẹ nó với bố nó cũng lên giường.

Không ai biết đích xác thì có chuyện gì xảy ra với họ—chỉ biết rằng, sáu tuần sau, người vợ đã đi phá thai, chỉ phòng khi, rồi một năm sau cô cho ra đời một đứa bé gái.

Copyright © 2018 by Ludmilla Petrushevskaya | Nguyễn Huy Hoàng dịch.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Information

This entry was posted on September 18, 2018 by in Truyện and tagged .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

%d bloggers like this: