Saadat Hasan Manto (1912–1955) được đánh giá là một trong những nhà văn xuất sắc nhất của Nam Á trong thế kỷ 20, và cũng là một nhà văn viết bằng tiếng Urdu gây tranh cãi với nhiều tác phẩm thể hiện những hiện thực khắc nghiệt là hệ quả của cuộc chia cắt Ấn Độ năm 1947.
Truyện ngắn “Toba Tek Singh” được in trong tập Phundne (1955).
Hai hay ba năm sau cuộc Chia cắt, chính phủ hai nước Pakistan và Ấn Độ nảy ra ý tưởng là giống như các tù nhân, các bệnh nhân tâm thần cũng nên được trao trả. Nói cách khác, người Hồi giáo trong các trại tâm thần của Ấn Độ sẽ được đưa về Pakistan, còn người Hindu và người Sikh trong các nhà thương điên của Pakistan sẽ được bàn giao về Ấn Độ.
Chẳng biết là quyết định này có nghĩa lý gì hay không. Tuy nhiên, nhiều cuộc trao đổi cấp cao đã diễn ra ở cả hai bên, ngày trao trả cũng đã được ấn định. Mọi thứ đều được thẩm tra toàn diện. Những bệnh nhân người Hồi giáo có người thân ở Ấn Độ thì được phép ở lại, còn đâu sẽ bị gửi sang bên kia biên giới. Người Hindu và người Sikh ở Pakistan thì đã bỏ đi gần hết nên không phát sinh vấn đề ai đi ai ở. Tất cả bệnh nhân người Hindu và người Sikh đều sẽ được cảnh sát hộ tống đến biên giới.
Bên Ấn Độ thế nào thì tôi không biết, còn ở nhà thương điên Lahore này, người ta xôn xao bàn tán về cuộc trao đổi. Ở đây có một bệnh nhân ngày nào cũng đọc tờ Zamindar trong suốt mười hai năm qua. Bạn anh ta hỏi, “Này Maulvi Sahib, Pakistan là cái gì?” Sau một lúc nghĩ ngợi, anh ta đáp: “Là một chỗ người ta làm dao cạo ở Ấn Độ.”
Nghe xong bạn anh ta có vẻ thỏa mãn.
Rồi một bệnh nhân người Sikh hỏi một người Sikh khác, “Sardarji này, sao người ta lại đưa mình đến đó? Mình có nói tiếng của họ đâu?”
Người kia mỉm cười đáp lại, “Tớ hiểu tiếng Ấn mà. Tụi nó đi khệnh khạng như quỷ sứ hà.”
Một hôm đang tắm thì một bệnh nhân người Hồi giáo phấn khích hô to “Pakistan muôn năm!” rồi té xuống sàn bất tỉnh.
Cũng có vài người điên không điên gì hết. Phần lớn là những tội phạm giết người được người thân đút lót cho đám lãnh đạo nhà thương để thoát giàn treo cổ. Họ cũng hiểu phần nào vì sao Ấn Độ bị chia cắt, rồi Pakistan là gì. Nhưng thực tế ra sao thì họ không biết rõ hết. Báo chí không đem lại gì nhiều còn đám bảo vệ phần lớn là mù chữ, có nói chuyện cũng không moi được mấy. Họ chỉ biết là có một người tên Muhammad Ali Jinnah mà người ta gọi là Quaid-e-Azam. Ông ta lập riêng một nước cho người Hồi giáo. Nó nằm chỗ nào, biên giới đến đâu, họ chịu. Chính vì thế mà những người điên chưa bị mất trí lắm cũng không biết mình đang ở đâu, Pakistan hay Ấn Độ. Nếu đây là Ấn Độ thì Pakistan ở đâu? Nếu đây là Pakistan thì sao họ không đi đâu mà Ấn Độ đã biến thành Pakistan rồi?
Một người điên bị quấn vào cái vòng luẩn quẩn này đến nỗi càng thêm mất trí. Một hôm anh ta trèo lên cây rồi luôn miệng giảng giải suốt hai tiếng về vấn đề phức tạp của Pakistan và Ấn Độ. Đám bảo vệ ra bảo anh ta xuống anh ta lại càng trèo cao. Rồi khi bị dọa nạt anh ta nói, “Tôi chẳng muốn sống ở Ấn Độ hay Pakistan gì hết. Tôi sống trên cây!”
Vất vả lắm họ mới dỗ được anh ta xuống. Anh ta ôm chầm lấy những người bạn người Hindu và người Sikh, khóc rống lên, buồn bã nghĩ họ sắp rời bỏ anh để về Ấn Độ.
Một bệnh nhân người Hồi giáo có bằng thạc sĩ về kỹ thuật phát thanh suốt ngày trầm ngâm đi lại trong vườn khi biết có cuộc trao đổi thì cởi quần áo rồi trần truồng chạy khắp trại.
Có một gã người Hồi giáo rất béo quê ở Chiniot từng hoạt động tích cực cho Liên đoàn Hồi giáo. Bình thường anh ta tắm mười lăm mười sáu lần một ngày rồi bỗng đột nhiên thôi. Tên anh ta là Muhammad Ali. Một hôm anh ta tự xưng mình là Quaid-e-Azam Muhammad Ali Jinnah. Thấy thế một bệnh nhân người Sikh cũng tự nhận mình là Thầy Tara Singh. Suýt nữa thì đã đổ máu nếu họ không bị xem là những bệnh nhân nguy hiểm cần cách ly.
Rồi còn có một cậu luật sư trẻ người Hindu ở Lahore bị mắc bệnh điên tình. Cậu buồn lắm khi biết tin Amritsar bây giờ thuộc về Ấn Độ, vì người cậu yêu cũng là một cô người Hindu ở đó. Dẫu cho cô đã từ chối cậu, ngay cả khi mất trí cậu cũng chưa hoàn toàn quên cô. Cậu nguyền rủa cả lãnh đạo người Hindu lẫn lãnh đạo người Hồi giáo vì đã chia Ấn Độ làm đôi – người cậu yêu vẫn là người Ấn Độ trong khi cậu đã thành người Pakistan. Một số bệnh nhân khác tìm cách an ủi cậu, bảo cậu sẽ được đưa sang Ấn Độ thôi, nơi có người cậu yêu. Nhưng cậu không muốn rời Lahore, sợ ở Amritsar nghề của cậu sẽ không phát triển.
Ở khu người châu Âu có hai bệnh nhân người Anh lai Ấn. Khi nghe tin người Anh đã trao trả độc lập cho Ấn Độ và rút quân, họ sốc lắm. Hàng giờ liền họ thì thầm lo lắng về tương lai của mình trong trại. Còn khu người châu Âu không hay sẽ bị giải thể? Họ có còn được ăn bữa sáng kiểu Anh? Có bánh mì nữa không hay phải nhai cái thứ chapati khỉ gió?
Có một người Sikh ở đây đã mười lăm năm. Người ta thường nghe thấy ông lầm bầm những lời vô nghĩa: “Upri gur gur di annexe di be-dhiyan o mung di daal of di lalteen.” Ông không ngủ bao giờ, đêm cũng như ngày. Đám bảo vệ nói suốt mười lăm năm qua ông chưa chợp mắt một phút nào. Dẫu quả thực đôi khi ông có tựa vào tường.
Bởi vì đứng suốt ngày nên chân và mắt cá ông sưng vù, thế nhưng ông không chịu nằm xuống nghỉ. Ông chăm chú lắng nghe người ta nói về cuộc chia cắt Ấn Độ Pakistan và cuộc trao đổi bệnh nhân sắp tới. Khi người ta hỏi ý kiến ông, ông nghiêm nghị trả lời, “Upri gur gur di annexe di be-dhiyana di mung di daal of di chinh kwien Pakistan.”
Sau đó ông thay “chinh kwien Pakistan” bằng “chinh kwien Toba Tek Singh.” Ông hỏi các bệnh nhân khác xem Toba Tek Singh quê ông ở đâu. Nhưng không ai biết nó ở Pakistan hay là Ấn Độ. Càng nghĩ lại càng rối rắm hơn. Nói gì thì nói, Sialkot từng ở Ấn Độ, giờ nó lại là Pakistan. Ai mà biết Lahore, nay là Pakistan, mai có thành Ấn Độ? Nhỡ toàn bộ Ấn Độ lại biến thành Pakistan? Có ai dám bảo đảm một mai cả hai đều không biến mất hoàn toàn?
Tóc bệnh nhân người Sikh này thưa và bết. Ông hiếm khi tắm nên râu tóc bện vào nhau, trông rất đáng sợ. Nhưng thật ra ông vô hại, mười lăm năm chưa gây gổ bao giờ. Những nhân viên lâu năm ở đây chỉ biết là ông có vài miếng đất ở Toba Tek Singh. Ông từng là một chủ đất giàu có rồi bỗng phát bệnh. Người nhà lấy xích trói ông rồi mang đến nhà thương điên. Họ đến thăm ông mỗi tháng một lần, xem sức khỏe ông ra sao rồi về. Họ đến thăm đều đặn nhiều năm rồi không thấy đến nữa khi sự biến Pakistan-Ấn Độ nổ ra.
Tên ông là Bishan Singh, nhưng mọi người gọi ông là Toba Tek Singh. Ông không biết ngày tháng nhưng cứ mỗi lần sắp đến ngày người nhà đến thăm là ông lại nhớ. Ông sẽ bảo quản lý là người nhà ông sắp đến. Đến ngày ấy ông tắm rửa sạch rẽ, thoa dầu lên chải tóc, mặc những bộ quần áo ông hiếm khi dùng rồi đi gặp người nhà. Họ có hỏi thì ông im lặng, thỉnh thoảng lại nói những lời vô nghĩa: “Upri gur gur di annexe di be-dhiyana di mung di daal of di lalteen.”
Ông có một cô con gái, mỗi tháng lại lớn thêm một đốt ngón tay, mười lăm năm đã thành một cô gái trẻ. Bishan Singh không nhận ra con bé nữa. Hồi còn bé cứ đến gặp cha là nó lại khóc. Đến lúc lớn lên nhìn thấy ông nó vẫn không thôi khóc.
Lúc chuyện Pakistan-Ấn Độ nổ ra, ông bắt đầu hỏi các bệnh nhân khác về Toba Tek Singh. Không có câu trả lời thuyết phục nào làm ông càng thêm lo lắng. Giờ thì những chuyến thăm cũng không còn nữa. Trước đây ông còn biết lúc nào thì sắp đến ngày họ đến thăm ông. Nay cái tiếng nói bên trong ấy dường như cũng đã im bặt. Ông mong lắm được gặp họ, những người trò chuyện với ông chân tình, mang cho ông hoa quả, bánh kẹo và quần áo. Nếu hỏi họ Toba Tek Singh ở đâu rồi thì chắc chắn họ sẽ biết, bởi tuy không nhận ra nhưng ông cảm giác họ cũng đến từ Toba Tek Singh nơi quê nhà ông.
Trong trại có một bệnh nhân khác tự nhận mình là “Thượng đế.” Một hôm Bashan Singh hỏi gã xem Toba Tek Singh bây giờ ở Pakistan hay ở Ấn Độ. Gã ta cười phá lên đáp, “Chẳng ở Pakistan cũng chẳng ở Ấn Độ, bởi vì ta đã ra lệnh đâu!”
Bashan Singh nhiều lần nài nỉ vị “Thượng đế” ra lệnh đi cho cơn hoang mang này chấm dứt, nhưng gã ta nói gã còn nhiều lệnh cần ra quá nên chưa giải quyết được. Một hôm Bashan Singh mất bình tĩnh hét lên, “Upri gur gur di annexe di be-dhiyana di mung di daal of wahay Guru ji wa Khalsa and wahay Guru ji ki fatah. Jo bolay so nahal sat akal!”
Có lẽ ông muốn nói, “Cậu là thượng đế của người Hồi giáo. Cậu mà là thượng đế của người Sikh thì chắc chắn cậu đã nghe thấy lời thỉnh cầu của ta rồi.”
Ít ngày trước khi diễn ra cuộc trao đổi, Bishan Singh có bạn là người Hồi giáo ở Toba Tek Singh đến thăm. Ông ta chưa đến đây bao giờ. Thấy ông ta, Bashan Singh đột nhiên quay mặt đi, nhưng bảo vệ ngăn lại. “Ông có người đến thăm. Đấy là Fazal Din bạn ông.”
Bashan Singh liếc nhìn Fazal Din, lẩm bẩm điều gì. Fazal Din bước đến đặt tay lên vai ông. “Tớ đã muốn đến thăm từ lâu lắm rồi mà chưa có dịp. Gia đình cậu đã sang Ấn Độ an toàn. Tớ đã giúp hết sức có thể. Rup Kaur con gái cậu…,” ông ta ngập ngừng.
Bishan Singh như nhớ ra điều gì. “Rup Kaur,” ông nói.
Fazl Din ấp úng, “Ừ… nó… nó vẫn khỏe. Nó đi cùng với họ.”
Bashan Singh im lặng. Fazl Din nói tiếp, “Họ nhờ tớ theo dõi tình hình cậu thế nào. Tớ nghe nói cậu sắp sang Ấn Độ… Cho tớ gửi lời chào đến anh Balbeer Singh và anh Wadhwa Singh. Cả chị Amrit Kaur nữa… Bảo anh Balbeer là Fazl Din vẫn khỏe. Hai con trâu anh ấy để lại, một con đẻ rồi, con đực. Con kia cũng đẻ một con nghé cái mà được sáu ngày thì chết. Và… và nếu có gì giúp được thì cứ bảo tớ. Tớ rất sẵn lòng. À tớ mang cho cậu ít kẹo.”
Bashan Singh đưa gói kẹo cho viên bảo vệ gần đấy rồi hỏi Fazal Din, “Toba Tek Singh ở đâu?”
Fazal Din ngạc nhiên hỏi lại, “Ở đâu là ở đâu? Ở đâu thì vẫn là ở đấy thôi!”
“Pakistan hay Ấn Độ?”
“Ấn Độ – không, không, là Pakistan,” Fazal Din lúng túng.
Bashan Singh quay đi, lầm bầm, “Upri gur gur di annexe di be-dhiyana di mung di daal of di Pakistan and Hindustan of di dar fatay mun!”
Mọi công tác chuẩn bị cho cuộc trao đổi đã hoàn tất. Danh sách đã lên xong, ngày đã được ấn định.
Trời hôm ấy rất lạnh. Những chiếc xe tải chở bệnh nhân người Hindu và người Sikh khởi hành từ nhà thương điên Lahore dưới sự giám sát của cảnh sát. Đến cửa khẩu Wagah quan chức hai bên gặp nhau, hoàn tất những thủ tục cần thiết rồi tiến hành trao đổi đến tận đêm.
Dẫn người điên từ trên xe xuống rồi qua biên giới không phải là dễ dàng gì. Có những người không chịu rời xe tải. Những người chịu xuống thì rất khó quản lý bởi họ chạy lung tung khắp nơi. Quần áo phát cho những người ở trần truồng cũng bị xé và ném đi hết. Có người chửi rủa, có người hát. Họ còn đánh nhau, khóc lóc, lầm bầm. Không ai nghe được ai nói gì. Tiếng rú của những người đàn bà điên tạo nên một cảnh tượng kinh hoàng khác. Trời thì lạnh đến mức răng người nào người ấy đều cầm cập vào nhau.
Hầu hết các bệnh nhân đều phản đối cuộc trao đổi. Họ không hiểu vì sao mình lại bị mang đi đến một nơi xa lạ như thế. Có những người nửa tỉnh nửa điên thì hô “Pakistan muôn năm!” hoặc “Đả đảo Pakistan!” Suýt nữa thì có đôi ba cuộc ẩu đả khi người Hồi giáo và người Sikh nghe thấy những câu khẩu hiệu ấy.
Lúc viên sĩ quan ở bên kia biên giới bắt đầu ghi tên ông vào sổ đăng ký khi đến lượt mình, Bashan Singh hỏi, “Toba Tek Singh ở đâu? Ở Pakistan hay Ấn Độ?”
Viên sĩ quan cười, “Ở Pakistan.”
Nghe thấy thế Bashan Singh chồm dậy, lách sang một bên rồi chạy về phía những người điên đang xếp hàng đợi. Đám sĩ quan người Pakistan tóm lấy ông rồi kéo ông sang bên kia, nhưng ông không chịu đi. “Toba Tek Singh ở đây!” ông rú lên. “Upri gur gur di annexe di be-dhiyana di mungdi dal of Toba Tek Singh and Pakistan!”
Họ cố dụ dỗ ông, “Này, Toba Tek Singh đã chuyển đến Ấn Độ rồi, nếu chưa chuyển thì sớm muộn gì nó cũng sẽ chuyển thôi,” nhưng ông không tin. Khi họ cố lôi ông sang bên kia, ông ghì đôi chân sưng tấy xuống đất với sức nặng dường như không gì lay chuyển được.
Bởi vì ông hoàn toàn vô hại nên đám sĩ quan cũng thôi. Họ cho ông đứng đó trong lúc cuộc trao đổi tiếp tục diễn ra.
Ngay trước lúc mặt trời mọc, một tiếng thét cất lên từ họng Bashan Singh xé toạc bầu trời. Những viên sĩ quan ở cả hai bên chạy đến và thấy người đàn ông đứng suốt mười lăm năm đêm cũng như ngày đang nằm úp mặt xuống đất, bất động. Ở phía bên kia, sau hàng rào kẽm gai, là Ấn Độ. Ở phía bên này, cũng sau hàng rào kẽm gai, là Pakistan. Ở giữa, trên cái dải đất nhỏ không tên này, là Toba Tek Singh.
Nguyễn Huy Hoàng dịch*
*từ các bản tiếng Anh của Muhammad Umar Memon và Frances W. Pritchett