The Empire of Light, II, 1950 by René Magritte
László Krasznahorkai (1954–) là nhà văn và nhà viết kịch người Hungary, tác giả của các cuốn tiểu thuyết Sátántangó, Nỗi buồn kháng cự, và Chiến tranh và chiến tranh. Ông được trao giải Kossuth (của chính phủ Hungary) năm 2004 và giải Man Booker Quốc tế năm 2015.
Chúng ta đang ở giữa một sự tự phán xét đầy hoài nghi như đám trẻ không quá xán lạn của một thời đại không quá xán lạn mà chỉ coi mình thực sự được thỏa mãn khi mà mỗi cá nhân quằn quại trong nó—sau khi mòn mỏi ở một trong những cái bóng sâu thẳm nhất của lịch sử loài người—cuối cùng cũng đạt được cái mục tiêu hiển nhiên đáng buồn và nhất thời: sự lãng quên. Thời đại này muốn quên rằng nó đã tự mình thua canh bạc mọi thứ, mà không có sự giúp đỡ bên ngoài, và rằng nó không thể đổ lỗi cho sức mạnh ngoài hành tinh, hay số phận, hay ảnh hưởng có hại nào từ xa; chúng ta đã tự mình làm điều này: chúng ta đã đoạn tuyệt với các vị thần và với các lý tưởng. Chúng ta muốn quên, bởi chúng ta thậm chí còn không thể gom đủ phẩm giá để chấp nhận thất bại cay đắng của mình: bởi khói hỏa ngục và rượu hỏa ngục đã gặm nhấm bất cứ tính cách nào chúng ta có, mà thật ra khói thuốc và rượu rẻ tiền là tất cả những gì còn lại của nỗi mong mỏi với đến cõi thiên thần của người lữ hành siêu hình thuở trước—làn khói độc mà khao khát bỏ lại, và thứ rượu buồn nôn còn sót lại từ lọ thuốc điên của nỗi ám ảnh cuồng tín.
Không, lịch sử chưa kết thúc và chưa có gì kết thúc; chúng ta không còn có thể tự lừa dối mình bằng cách nghĩ rằng có bất cứ điều gì đã kết thúc với chúng ta. Chúng ta chỉ đơn thuần là tiếp tục một cái gì đó, duy trì nó bằng cách nào đó; một cái gì tiếp tục, một cái gì sống sót.
Chúng ta vẫn sản xuất ra các tác phẩm nghệ thuật, nhưng thậm chí không còn nói về làm thế nào, nó xa hứng khởi đến thế. Chúng ta lấy làm tiền đề cho mình tất cả những gì cho đến giờ vẫn biểu thị bản chất của la condition humaine, và một cách đầy trách nhiệm, thật ra là không có lấy một ý niệm gì, tuân theo kỷ luật nghiêm ngặt, nhưng thật ra là chìm vào một vũng bùn của tuyệt vọng, chúng ta lại chìm vào những vùng nước bùn của cái toàn thể có thể tưởng tượng được của tồn tại con người. Chúng ta còn không còn phạm sai lầm của những thế hệ trẻ hoang dã, bằng cách tuyên bố rằng phán quyết của chúng ta là phán quyết cuối hay tuyên bố rằng đây là nơi con đường kết thúc. Chúng ta không thể khẳng định, bởi chẳng còn gì có ý nghĩa nữa, với chúng ta các tác phẩm nghệ thuật không còn chứa đựng tự sự hay thời gian, chúng ta cũng không thể khẳng định rằng những kẻ khác có thể sẽ tìm được một cách hướng tới việc thấu hiểu được mọi thứ bao giờ. Chúng ta tuyên bố rằng coi thường sự vỡ mộng của chúng ta và hướng tới một mục tiêu cao cả hơn, hướng tới một quyền lực cao hơn, là vô ích, những nỗ lực của chúng ta cứ tiếp tục thất bại thảm hại. Trong vô ích chúng ta sẽ nói về tự nhiên, tự nhiên không muốn điều này; vô ích khi nói về cái thiêng, cái thiêng không muốn điều này, và dù sao đi nữa, bất kể có muốn thế nào, chúng ta cũng không thể nói về bất cứ điều gì ngoài bản thân mình, bởi chúng ta chỉ có khả năng nói về lịch sử, về thân phận con người, về cái phẩm chất không bao giờ thay đổi mà yếu tính của nó chỉ mang theo sự liên quan đầy kích thích như thế với chúng ta; còn đâu, theo quan điểm của cái “còn đâu thì thiêng” ấy, cái yếu tính này của chúng ta, thật ra, có thể chẳng có hệ quả gì bao giờ.
László Krasznahorkai, “He Wants to Forget,” trans. John Batki, in Krasznahorkai, The World Goes On, trans. Ottilie Mulzet, George Szirtes, and John Batki (New Directions, 2017).
Copyright © 2017 by László Krasznahorkai | Nguyễn Huy Hoàng dịch.