Haruki Murakami sinh năm ở 1949 Kyoto và hiện sống gần Tokyo. Cuốn tiểu thuyết gần đây nhất của ông là Killing Commendatore (2017). Một tập truyện ngắn mới ra mắt năm 2020.
Tôi muốn kể một câu chuyện về một người phụ nữ. Vấn đề là, tôi gần như không biết gì về cô. Thậm chí tên cô, hay mặt cô, tôi cũng không thể nhớ. Tôi dám cá cô cũng chẳng nhớ tôi.
Hồi gặp cô, tôi là sinh viên năm hai đại học, còn tôi đoán cô khoảng giữa những năm hai mươi. Chúng tôi làm việc bán thời gian ở cùng một chỗ, cùng một lúc. Hoàn toàn không định trước, nhưng rốt cuộc chúng tôi có một đêm bên nhau. Rồi không bao giờ gặp lại nhau nữa.
Mười chín tuổi, tôi chẳng biết gì về cơ chế hoạt động của trái tim mình, chưa nói trái tim người khác. Song tôi nghĩ mình đã nắm khá chắc cách vận hành của hạnh phúc và nỗi buồn. Cái mà tôi chưa thể nắm bắt là vô số hiện tượng nằm trong khoảng không gian giữa hạnh phúc và nỗi buồn, chúng liên quan thế nào với nhau. Kết quả, tôi thường xuyên cảm thấy lo lắng và bất lực.
Nói thế nhưng tôi vẫn muốn nói về cô ấy.
Cái tôi biết về cô là cô làm những bài tanka và đã xuất bản một tập thơ. Tôi nói xuất bản, nhưng thực ra tập thơ chỉ là một tập sách nhỏ, chỉ vừa bằng quy mô của một cuốn sách tự xuất bản, các trang giấy in được buộc lại bằng chỉ và gắn vào một chiếc bìa đơn giản. Nhưng nhiều bài thơ trong đó khó quên một cách lạ lùng. Hầu hết thơ cô là về tình yêu nam nữ, hoặc về cái chết. Gần như thể hiện tình yêu cái chết là những khái niệm không thể tách rời hay phân định.
Anh và em
có thực sự xa nhau đến thế?
Lẽ ra, em đã nên
đổi tàu ở sao Mộc?
Khi áp tai
vào chiếc gối đá
tiếng máu chảy
cách xa, cách xa
“Tôi có thể hét tên người khác khi tôi ra đấy. Cậu thấy thế có sao không?” cô hỏi. Chúng tôi nằm trần truồng dưới chăn.
“Tôi thấy không sao, chắc thế,” tôi nói. Tôi không chắc lắm, nhưng tôi nghĩ điều đó có lẽ sẽ chẳng làm tôi bận lòng. Chỉ là một cái tên thôi mà. Sẽ chẳng có gì thay đổi chỉ vì một cái tên.”
“Có thể tôi sẽ hét rất to.”
“Cái đó thì có thể có vấn đề,” tôi vội vàng nói. Căn hộ cổ bằng gỗ mà tôi sống tường mỏng và mong manh như một chiếc bánh xốp mà tôi ăn hồi nhỏ. Lúc đó đã khá khuya, nếu cô ấy thực sự hét lên thì những người bên cạnh sẽ nghe thấy hết.
“Vậy thì tôi sẽ cắn khăn tắm,” cô nói.
Tôi lấy chiếc khăn sạch nhất, dày nhất trong phòng tắm, rồi mang nó vào đặt cạnh gối.
“Cái này được không?”
Cô cắn khăn, như một con ngựa thử hàm thiếc mới. Cô gật đầu. Chiếc khăn khá được, rõ là thế.
Đó hoàn toàn là một vụ tình cờ. Tôi đã không mong lắm là chúng tôi sẽ đến với nhau, tôi nghĩ cô ấy cũng thế. Chúng tôi đã làm cùng chỗ được một vài tuần, nhưng công việc hơi khác nên hầu như không có cơ hội trò chuyện đàng hoàng. Mùa đông năm ấy tôi rửa bát và giúp việc trong nhà bếp của một nhà hàng Ý bình dân ở gần ga Yotsuya, còn cô thì làm phục vụ bàn. Những người làm việc bán thời gian đều là sinh viên, trừ cô ấy. Có lẽ vì thế mà cô có vẻ hơi xa cách.
Cô quyết định nghỉ việc vào giữa tháng 12, và một hôm sau giờ làm, một số nhân viên đến một quán izakaya gần đó uống rượu. Tôi được mời đi cùng. Đó không hẳn là một bữa tiệc chia tay linh đình, chúng tôi chỉ uống bia hơi, ăn nhẹ, nói chuyện linh tinh. Tôi biết được là trước khi làm bồi cô đã làm ở một công ty bất động sản nhỏ và một hiệu sách. Ở chỗ nào cô làm, cô giải thích, cô cũng không bao giờ có thiện cảm với quản lý hoặc chủ. Ở nhà hàng, cô không xích mích với ai, cô giải thích, nhưng lương thấp quá khiến cô không thể sống như thế mãi, vì vậy cô phải tìm một công việc khác. Chứ không phải là cô muốn thế.
Chị thích tìm việc như thế nào? một người hỏi.
“Tôi chả quan tâm,” cô nói, day cánh mũi. Cạnh mũi cô có hai nốt ruồi nhỏ, xếp dọc như một chòm sao. “Ý tôi là, tôi có làm gì thì cũng chả phải công to việc lớn gì đâu.”
Hồi đó tôi sống ở Asagaya, cô ở Koganei. Vì vậy, chúng tôi cùng đi chuyến tàu tốc hành ra khỏi Yotsuya. Chúng tôi ngồi cạnh nhau trên tàu. Đã hơn mười một giờ tối, một đêm lạnh buốt, gió rét. Trước khi tôi kịp nhận ra chúng tôi đã vào cái mùa mà bạn cần đến găng tay và khăn. Khi tàu đến gần Asagaya tôi đứng dậy, đang chuẩn bị xuống thì cô ấy ngước lên nhìn tôi và nói, thấp giọng, “Nếu tiện, cậu cho tôi ở lại chỗ cậu đêm nay được không?”
“Được—nhưng vì sao?”
“Về Koganei xa quá.”
“Tôi phải báo trước là căn hộ rất bé, lại còn rất bừa bộn,” tôi nói.
“Cái đó chả sao,” cô nói, và nắm lấy tay áo khoác của tôi.
Vậy là cô ấy đến cái xó chật chội, tồi tàn của tôi, và chúng tôi uống vài lon bia. Chúng tôi thư thả uống bia, rồi sau đó, như một bước tự nhiên tiếp theo, cô ấy cởi quần áo ngay trước mặt tôi. Cứ như vậy, cô ấy trần truồng rúc vào nệm của tôi. Làm theo cô, tôi cởi quần áo và xuống nằm cùng cô. Tôi đã tắt đèn, nhưng ánh sáng từ bếp ga vẫn giữ cho căn phòng khá sáng. Trong chăn chúng tôi vụng về sưởi ấm cho nhau. Mất một lúc không ai trong chúng tôi nói một lời. Trần trụi với nhau nhanh như vậy, khó mà biết nói gì. Nhưng khi người chúng tôi dần dần ấm lên, chúng tôi thực sự cảm thấy sự ngượng ngùng tan bớt qua làn da. Đó là một cảm giác thân mật kỳ lạ.
Đó là lúc mà cô ấy hỏi, “Tôi có thể hét tên người khác khi tôi ra đấy. Cậu thấy thế có sao không?”
“Chị có yêu anh ta không?” tôi hỏi, sau khi đã lấy chiếc khăn.
“Có. Rất nhiều,” cô nói. “Tôi rất, rất yêu anh ấy. Lúc nào tôi cũng nghĩ về anh ấy, từng phút. Nhưng anh ấy không yêu tôi như vậy. Ý tôi là, anh ấy đã có bạn gái.”
“Nhưng chị vẫn gặp anh ta chứ?”
“Ừm. Lúc nào muốn tôi anh ấy lại gọi,” cô ấy đáp. “Như đặt đồ qua điện thoại.”
Tôi không biết phải trả lời thế nào, nên tôi im lặng. Cô ấy lấy đầu ngón tay vẽ một hình dạng gì đó trên lưng tôi. Hoặc có thể cô ấy đang viết gì đó, chữ thảo.
“Anh ấy bảo mặt tôi bình thường nhưng người tôi thì tuyệt vời nhất.”
Tôi không nghĩ là khuôn mặt cô ấy trông quá bình thường, tuy bảo cô xinh thì hơi quá. Giờ nhìn lại, tôi không thể nhớ chính xác khuôn mặt cô ấy, hay mô tả nó một cách chi tiết.
“Nhưng anh ta gọi là chị lại đi?”
“Tôi yêu anh ấy, còn làm được gì nữa?” cô nói, như không gì có thể tự nhiên hơn. “Anh ấy có nói gì với tôi đi nữa, có những lúc tôi chỉ muốn có một người đàn ông làm tình với mình.”
Tôi suy nghĩ chuyện này. Nhưng hồi đó tôi không thể hình dung được những cảm giác này kéo theo điều gì—một người phụ nữ muốn một người đàn ông làm tình với mình. (Và kể cả bây giờ, nghĩ lại, tôi cũng không hoàn toàn hiểu được.)
“Yêu một người cũng giống như mắc một bệnh tâm thần mà không được bảo hiểm y tế chi trả,” cô nói, giọng bằng bằng, như đang đọc cái gì đó được viết trên tường.
“Tôi hiểu,” tôi nói, xúc động trước lời nói của cô.
“Nên cậu nghĩ về một người khác cũng không sao,” cô nói. “Cậu không thích ai à?”
“Tôi có.”
“Vậy thì lúc cậu ra cậu hét tên cô ta cũng không sao. Không phiền tôi chút nào.”
Lúc đó quả thật là có một cô gái mà tôi thích, nhưng hoàn cảnh khiến chúng tôi không thể tiến xa hơn, và lúc tôi ra, tôi đã không gọi tên em ấy. Ý nghĩ ấy thoáng qua trong đầu tôi, nhưng giữa lúc sex nó có vẻ hơi ngu ngốc, và tôi bắn vào trong cô ấy mà không nói lời nào. Lúc cô chuẩn bị hét tên người đàn ông kia, như cô đã nói, tôi bèn vội nhét chiếc khăn vào giữa hai hàm răng cô. Cô có hàm răng rất chắc, trông rất khỏe mạnh. Nha sĩ nào cũng phải ấn tượng với nó. Tôi không nhớ cô hét cái gì. Tôi chỉ nhớ nó là một cái tên bình thường, không có gì đặc sắc, và nhớ là tôi thấy ấn tượng trước với việc cái tên nhạt nhẽo ấy đối với cô lại quý giá và quan trọng. Một cái tên đơn giản đôi khi có thể thực sự làm chấn động trái tim một người.
*
Sáng hôm sau, tôi có tiết sớm, phải nộp một báo cáo lớn thay cho báo cáo giữa kỳ, nhưng như bạn có thể tưởng tượng, tôi đã cúp học. (Chuyện này dẫn đến một số vấn đề nghiêm trọng sau này, nhưng đó là câu chuyện khác.) Cuối cùng muộn rồi chúng tôi mới dậy, đun nước pha cà phê hòa tan và ăn chút bánh mì nướng. Có ít trứng trong tủ nên tôi mang ra luộc. Bầu trời trong và không mây, nắng sớm chói chang, tôi cảm thấy khá là muốn làm biếng.
Nhai bánh mì nướng phết bơ, cô hỏi tôi học gì ở trường. Khoa văn, tôi nói.
Cậu muốn làm tiểu tuyết gia hả? cô hỏi.
Tôi không thực sự có ý định, tôi trả lời thành thật. Tôi chẳng có kế hoạch gì để mà trở thành một tiểu thuyết gia lúc ấy. Tôi thậm chí còn chưa bao giờ nghĩ đến (tuy có rất nhiều người trong lớp tôi tuyên bố họ có dự định trở thành tiểu thuyết gia). Nghe vậy, cô ấy có vẻ mất hứng với tôi. Cũng chẳng phải là cô ấy có hứng thú gì từ đầu. Cơ mà vẫn.
Dưới ánh sáng ban ngày, tôi có thể thấy dấu răng của cô in trên khăn tắm, làm tôi thấy hơi kỳ quái. Hẳn là cô đã cắn nó khá mạnh. Dưới ánh sáng ban ngày, cô có vẻ lạc lõng. Khó mà tin là cô gái này—nhỏ nhắn, xương xẩu, nước da không quá đẹp—lại chính là cô gái đêm qua đã hét lên say đắm trong vòng tay tôi, dưới ánh trăng mùa đông.
“Tôi viết tanka,” không dưng cô nói.
“Tanka?”
“Cậu biết tanka, đúng không?”
“Tất nhiên,” tôi nói. Ngay cả một người chẳng biết gì như tôi cũng biết. “Nhưng đây là lần đầu tiên tôi gặp một người thực sự viết nó.”
Cô ấy cười vui vẻ. “Nhưng thế giới có những người như thế, cậu biết đấy.”
“Chị có tham gia câu lạc bộ thơ hay cái gì không?”
“Không, không phải thế,” cô nói. Cô khẽ nhún vai. “Tanka là cái mà cậu tự mình viết ra. Phải không? Nó không giống như đánh bóng rổ.”
“Tanka kiểu gì?”
“Có muốn nghe không?”
Tôi gật đầu.
“Thật? Cậu không nói cho vui thôi à?”
“Thật,” tôi nói.
Đó là sự thật. Tôi tò mò. Ý tôi là, cô ấy sẽ làm kiểu thơ gì, cô gái mà mấy tiếng trước vừa mới rên rỉ trong vòng tay tôi và hét tên một người đàn ông khác?
Cô ngần ngừ. “Tôi không nghĩ tôi đọc được bây giờ. Ngại lắm. Với cả vẫn còn sáng. Nhưng tôi đã xuất bản đại loại một tập, nên nếu cậu muốn đọc, tôi sẽ gửi cho cậu. Cho tôi họ tên và địa chỉ nhé?”
Tôi ghi địa chỉ vào một mảnh giấy nhớ và đưa cho cô. Cô liếc nhìn nó, gấp nó lại làm bốn, rồi nhét vào túi áo khoác. Một chiếc áo xanh lá nhạt đã cũ. Trên cổ áo tròn là một cây trâm bạc hình linh lan. Tôi nhớ nó lấp lánh thế nào dưới ánh nắng chiếu vào qua cửa sổ phía Nam. Tôi gần như chẳng biết gì về hoa, nhưng chẳng hiểu sao tôi luôn thấy thích linh lan.
“Cảm ơn cậu đã cho tôi ở lại. Tôi thực sự không muốn về Koganei một mình,” cô nói trong lúc ra về. “Chuyện ấy thỉnh thoảng vẫn xảy ra với các cô gái.”
Cả hai chúng tôi đều ý thức rõ khi đó. Rằng có thể chúng tôi sẽ không bao giờ gặp lại. Đêm hôm ấy đơn giản là cô không muốn đi tàu cả chặng đường về Koganei—tất cả chỉ có thế.
*
Một tuần sau, tập thơ của cô được gửi đến qua thư. Thành thật mà nói, tôi thực sự không mong cô ấy nhớ mà gửi. Tôi nghĩ cô đã hoàn toàn quên tôi lúc cô về đến chỗ ở của mình ở Koganei (hoặc có lẽ đã cố gắng quên tôi ngay khi có thể), và không bao giờ tưởng tượng cô ấy chịu bao phiền hà mà đem bỏ tập thơ vào phong bì, đề tên và địa chỉ của tôi, dán tem và bỏ nó vào hộp thư—thậm chí đến tận bưu điện. Vậy nên sáng hôm ấy, khi dòm thấy cái bưu kiện trong hộp thư ở căn hộ, tôi đã rất bất ngờ.
Nhan đề tập thơ là Trên gối đá. Tác giả đề là Chiho. Không biết đây là tên thật hay bút danh. Ở nhà hàng tôi hẳn là đã nghe tên cô nhiều lần, nhưng tôi không nhớ ra được. Không có ai gọi cô là Chiho, cái đó tôi biết. Tập thơ đựng trong một phong bì nâu trơn, không có tên hay địa chỉ, cũng không có bưu thiếp hay thư từ. Chỉ một tập thơ mỏng, buộc chỉ trắng, nằm yên lặng bên trong. Không phải giấy rẻ tiền, mà được in tử tế trên loại giấy dày, chất lượng cao. Tôi đoán tác giả sắp các trang theo thứ tự, đính bìa cứng vào và cẩn thận dùng kim chỉ khâu gáy từng bản để tiết kiệm chi phí đóng sách. Tôi thử tưởng tượng cô ấy làm công việc như thế, nhưng không hình dung ra được. Số 28 được đóng trên trang đầu. Chắc hẳn là quyển thứ 28 trong một ấn bản giới hạn. Tổng cộng có bao nhiêu quyển? Không thấy đề giá ở chỗ nào cả. Có lẽ còn chưa bao giờ có giá.
Tôi không giở tập thơ ra ngay. Tôi để nó trên bàn, thỉnh thoảng lại liếc qua bìa. Không phải tôi không hứng thú, chỉ là cảm thấy đọc một tập thơ mà ai đó gom lại—nhất là một người tuần trước vừa mới trần truồng trong vòng tay tôi—cần một chút chuẩn bị tinh thần. Một sự tôn trọng đối với nó, tôi cho là thế. Cuối cùng, cuối tuần đó, buổi tối, tôi giở tập thơ ra. Tôi tựa lưng vào bức tường cạnh cửa sổ và đọc nó trong hoàng hôn mùa đông. Có 42 bài thơ trong tập. Mỗi trang một bài tanka. Không phải con số đặc biệt lớn. Không có tựa, không có bạt, không cả ngày xuất bản. Chỉ là in tanka bằng kiểu chữ đen đơn giản trên các trang giấy trắng lề rộng.
Tôi chắc chắn không mong một tác phẩm văn học đỉnh cao hay gì. Như đã nói, đơn giản là tò mò. Thơ kiểu gì sẽ đến từ một người phụ nữ hét tên gã nào đó vào tai tôi trong khi cắn một chiếc khăn tắm? Cái tôi thấy khi đọc tập thơ là một số bài thơ thực sự đánh động tôi.
Cơ bản mà nói, tanka là một bí ẩn đối với tôi (thậm chí đến bây giờ vẫn thế). Vậy nên chắc chắn tôi không thể đưa ra ý kiến khách quan xem bài tanka nào được coi là tuyệt vời còn bài tanka nào không thực sự tới. Nhưng ngoài những đánh giá về giá trị văn học, một số bài tanka mà cô ấy viết—cụ thể là tám bài—đã chạm đến tâm can tôi.
Bài này, chẳng hạn:
Thời khắc hiện tại
nếu nó là thời khắc hiện tại
chỉ có thể được coi
như hiện tại không thể thoát khỏi
Trong gió núi
một cái đầu bị cắt
không một lời
nước tháng Sáu
rễ bông cẩm tú cầu
Thật lạ lùng, khi lật các trang thơ, mắt lần theo những dòng chữ in màu đen, cỡ lớn và đọc to chúng lên, cơ thể cô gái mà tôi thấy đêm hôm đó lại hiện về trong tâm trí tôi, giống hệt như trước. Không phải bóng dáng nhạt nhòa mà tôi thấy trong ánh ban mai, mà là cô khi tôi ôm lấy cơ thể của cô ấy, được bao bọc bởi làn da mịn màng, trong đêm trăng ấy. Bộ ngực tròn, chắc, núm vú nhỏ, cứng, lông mu thưa, lỗ âm đạo ướt. Lúc đạt cực khoái, cô ấy nhắm mắt lại, cắn mạnh chiếc khăn tắm và gọi đi gọi lại tên của một người đàn ông khác vào tai tôi. Tên của một người đàn ông ở đâu đó, một cái tên tầm thường mà tôi còn không nhớ ra được.
Khi em nghĩ
ta sẽ không gặp lại
em cũng nghĩ
làm sao
chẳng có lý do gì mà chúng ta không thể
Mình có gặp lại
hay đơn giản là kết thúc thế kia
bị ánh sáng kéo đi
bị bóng tối giẫm nát
Tất nhiên, tôi không biết cô có còn viết tanka hay không. Như đã nói, tôi thậm chí còn không biết tên cô, và hầu như không nhớ được khuôn mặt cô. Những gì tôi nhớ là cái tên Chiho trên bìa tập thơ, làn da mềm và không chút phòng bị của cô dưới ánh trăng mùa đông lờn lọt chiếu qua cửa sổ, và chòm sao mini của hai nốt ruồi nhỏ cạnh mũi.
Có thể cô còn không còn sống nữa. Thỉnh thoảng tôi lại nghĩ thế. Tôi không thể không cảm thấy rằng một lúc nào đó cô đã tự kết liễu đời mình. Tôi nói thế vì hầu hết các bài tanka của cô—ít nhất là hầu hết các bài tanka trong tập thơ ấy—đều thể hiện hình ảnh cái chết. Và vì lý do nào đó chúng đều liên quan đến một cái đầu bị lưỡi dao cắt đứt. Đối với cô, phong cách ấy có thể là cái cách ra đi của riêng cô.
Lạc trong cơn mưa
xối xả của buổi chiều
một chiếc rìu không tên
chặt đầu hoàng hôn
Nhưng ở một góc tim mình, tôi vẫn mong cô ấy còn sống ở một nơi nào đó trên thế gian này. Đôi khi, tôi chợt thấy mình hy vọng cô ấy còn sống, cô ấy vẫn còn làm thơ. Tại sao? Tại sao tôi phải phiền lòng nghĩ về một thứ như vậy? Chẳng có gì nối kết cuộc sống của tôi với của cô ấy. Ngay cả khi chúng tôi đi qua nhau trên phố, hoặc ngồi ở dãy bàn liền kề trong một nhà hàng, tôi thực sự không nghĩ chúng tôi có thể nhận ra nhau. Giống như hai đường thẳng chồng qua nhau, chúng tôi đã giao nhau ở một điểm nào đó trong phút chốc, rồi đi theo con đường của riêng mình.
Đã nhiều năm trôi qua. Thật lạ lùng (hoặc có lẽ không quá lạ lùng), con người già đi trong chớp mắt. Từng khoảnh khắc, cơ thể chúng ta đi trên hành trình một chiều dẫn đến sự suy sụp và tàn tạ, không thể vặn ngược đồng hồ. Tôi nhắm mắt lại, tôi mở mắt ra, chỉ để nhận ra giữa lúc đó đã có rất nhiều thứ biến mất. Bị thổi bay bởi những cơn gió dữ dội lúc nửa đêm, những thứ ấy—một số có tên, một số không tên—biến mất không dấu vết. Những gì còn lại chỉ là một ký ức mờ nhạt. Dẫu là thế, ngay cả ký ức cũng khó mà dựa được vào. Có ai có thể nói chắc chuyện gì đã thực sự xảy ra với chúng tôi khi ấy không?
Tuy nhiên, nếu may mắn, một vài từ vẫn có thể ở lại bên cạnh chúng ta. Chúng leo lên đỉnh đồi trong đêm, chui vào những cái hố nhỏ được đào vừa vặn với hình dạng của cơ thể chúng, nằm yên đó, mặc cho những gió bão của thời gian thổi qua. Bình minh rồi ló dạng, gió hoang dịu bớt, những từ ngữ còn sót lại lặng lẽ ló ra khỏi mặt đất. Phần lớn chúng có giọng nói nhỏ—chúng nhát và chỉ có những cách bày tỏ mơ hồ. Dẫu vậy, chúng sẵn sàng làm nhân chứng. Làm những nhân chứng trung thực, công bằng. Nhưng để tạo ra những từ ngữ bền bỉ, nhẫn nhục đó, hoặc không, tìm thấy chúng và bỏ lại chúng, bạn phải hy sinh vô điều kiện cơ thể bạn, trái tim của chính bạn. Bạn phải kề cổ xuống chiếc gối đá lạnh được ánh trăng mùa đông soi rọi.
Ngoài tôi ra, có lẽ không còn ai trên thế gian này nhớ đến những bài thơ của cô gái đó, chưa nói một người có thể đọc thuộc lòng. Ngoài số 28, cuốn sách tự xuất bản nhỏ bé mỏng manh ấy, được buộc bằng chỉ, giờ đã bị lãng quên, tiêu tán, bị hút vào đâu đó trong bóng tối thăm thẳm giữa sao Mộc và sao Thổ, biến mất vĩnh viễn. Có thể chính cô (giả như cô còn sống) còn không nhớ điều gì về những bài thơ mà cô đã viết hồi trẻ. Có lẽ lý do duy nhất khiến tôi đến giờ còn nhớ một số bài thơ của cô là nó gắn liền với kỷ niệm về dấu răng trên chiếc khăn ấy. Có lẽ chỉ thế. Tôi không biết có bao nhiêu ý nghĩa hay giá trị trong việc vẫn nhớ tất tật chuyện đó, trong việc thỉnh thoảng lại lôi tập thơ đã mờ ra khỏi ngăn kéo đọc lại. Nói thật, tôi thực sự không biết.
Dẫu sao, chúng vẫn còn lại. Trong khi những từ ngữ khác, những ký ức khác đã hóa thành bụi và biến mất.
Cho dù bạn cắt nó đi
hay người khác cắt nó đi
nếu bạn kề cổ xuống chiếc gối đá
hãy tin—bạn sẽ hóa thành bụi
Haruki Murakami, “On a Stone Pillow,” First Person Singular, trans. Philip Gabriel (Knopf, 2021).
Copyright © 2020 by Haruki Murakami | Nguyễn Huy Hoàng dịch.
N.B. Các bài thơ trên đây, cũng như trong bản tiếng Anh, không được dịch sát theo thể tanka.
cảm ơn dịch giả
Tuyệt vời, cảm ơn Mr Hoàng :)
cứ thấy hơi ngẹn ngào
Truyện này hay. Trong tập truyện ngắn First Person, Singular còn một truyện nữa, trong đó nhân vật tôi viết (hư cấu) về một buổi trình diễn nhạc jazz của một nhạc sĩ jazz đã qua đời, tôi thích cách dựng truyện của Murakami.
Cảm ơn dịch giả, hay quá ạ