Joseph Brodsky sinh năm 1940 ở Leningrad và định cư ở Hoa Kỳ từ năm 1972 sau khi bị chính quyền Liên Xô trục xuất. Ông được trao giải phê bình của Hiệp hội Nhà Phê bình Sách Quốc gia Mỹ năm 1986 và giải Nobel văn chương năm 1987, sau đó được bổ nhiệm làm Poet Laureate của Hoa Kỳ từ năm 1991 đến năm 1992. Ông qua đời ở New York City năm 1996.
Gửi L.G.
Như một tiếng vọng, tôi trở lại góc phố
giữa Grant và Vallejo,
trở lại đôi môi ngày ấy thích
một nụ hôn hơn một lời.
Ở đây chẳng có gì thay đổi. Cả
đồ đạc cũng như thời tiết.
Các đồ đạc, khi vắng bóng người, có
được sự trường tồn, vết từng vết.
Lạnh, qua những cửa sổ rộng mờ hơi nước,
tôi nhìn những kẻ lập dị ra dấu,
những con cá vền căng phồng làm ấm
lên cái bể cá của chúng.
Tiến hóa lùi, một dòng sông
trở thành một giọt nước mắt, cái thực
trở thành ký ức, thứ
có thể, như đầu ngón tay, túm
được mỗi cái đuôi của một con thằn lằn
biến mất vào sa mạc
háo hức muốn buộc chặt
một du khách bằng một con nhân sư.
Mái bờm vàng của em! Câu đố
của em! Chiếc váy lilac, mắt cá
mảnh mai! Cái tai hoàn hảo
biến “read” thành “dear.”
Dưới sắc nhợt nào của mây
giờ đập rộn lá cờ ba màu
của tương lai của em, quá khứ của em
và hiện tại của em, lắc lư cột buồm?
Trên mặt nước nào như tấm vải lanh
can đảm em trôi về phía
những bờ biển mới, nắm chặt tràng hạt
để đáp ứng những nhu cầu dã man?
Song, nếu tội lỗi được tha thứ,
tức là, nếu linh hồn hòa vốn
với xác thịt ở một nơi khác, thì chốn
này, cũng phải được tận hưởng
như phòng khách ngọt ngào của kiếp sau
nơi, trong cảnh tồi tàn mây phủ,
cả thánh nhân lẫn kẻ phàm dừng chân,
nơi tôi là kẻ đến trước.
Joseph Brodsky, “Café Trieste: San Francisco,” To Urania (Farrar, Straus and Giroux, 1988).
Copyright © 1980 by Joseph Brodsky | Nguyễn Huy Hoàng dịch.