Derek Walcott (1930–2017) là nhà thơ và nhà soạn kịch người Saint Lucia. Ông được trao Huân chương Vàng của Nữ hoàng Anh cho Thơ năm 1988, giải Nobel văn chương năm 1992, giải thơ T. S. Eliot năm 2011, và giải công nhận trọn đời của giải thơ Griffin năm 2015.
cho Joseph Brodsky
Những chiếc lá cuối cùng rụng xuống như những nốt dương cầm
và để lại những hình bầu dục của chúng vang vọng trong tai;
với những giá để bản nhạc lênh khênh, khu rừng mùa đông
trông giống như một dàn nhạc trống, các dòng của nó
kẻ trên những bản thảo vương vãi này của tuyết.
Vòng nguyệt quế dát đồng của một cây sồi
chiếu sáng qua tấm kính màu gạch nâu trên đầu
sáng như rượu whisky, trong khi hơi thở lạnh giá
của những dòng Mandelstam mà cậu đọc
duỗi ra nhìn rõ như làn khói thuốc lá.
“Tiếng sột soạt của những tờ tiền rúp bên dòng Neva màu vàng chanh.”
Dưới cái lưỡi lưu đày của cậu, giòn dưới gót chân,
những âm họng kêu lắc rắc như những chiếc lá mục,
câu thơ của Mandelstam lượn tròn với ánh sáng
trong căn phòng nâu, ở Oklahoma cằn cỗi.
Có một quần đảo Gulag
dưới lớp băng này, nơi dòng nước mặn, khoáng
của Đường mòn Nước mắt chảy chằng chịt trên những đồng bằng này
cứng, lộ thiên như khuôn mặt của một người chăn gia súc
nứt nẻ vì nắng và lởm chởm tuyết chưa cạo.
Lớn dần trong những lời thì thầm từ Đại hội Nhà văn,
tuyết xoay tròn như những người cô dắc quanh xác chết
của một người Choctaw mệt mỏi cho đến khi nó là trận bão tuyết
của hiệp ước và những tờ giấy trắng trong khi chúng ta mất
dấu của con người duy nhất qua nguyên nhân.
Vì vậy mỗi xuân những cành này xếp đầy kệ của chúng,
như những thư viện với những chiếc lá mới xuất bản,
cho đến khi đất hoang tái chế chúng – giấy thành tuyết –
song, ở độ không của đau khổ, một tâm trí
còn tồn tại như cây sồi này với một vài chiếc lá lì lợm.
Khi đoàn tàu đi qua những biểu tượng bị tra tấn của khu rừng,
những tảng băng kêu vang như những bãi chờ tàu, rồi những ngọn tháp
của những giọt nước mắt đông cứng, những nhà ga rít hơi nước,
ông đã vẽ chúng trong một hơi thở mùa đông duy nhất
mà các phụ âm đóng băng của nó đã hóa thành đá.
Ông đã thấy thơ trong những nhà ga hoang phế
dưới những đám mây bao la như châu Á, qua những miền
có thể nuốt chửng Oklahoma như một quả nho,
không phải những điểm dừng thảo nguyên rợp bóng mà không gian,
tiêu điều đến mức nó chế nhạo những điểm đến.
Đứa trẻ tăm tối ấy là ai, đứng trên những lan can
của châu Âu, ngắm dòng sông buổi tối đúc những đồng xu
của nó, đóng dấu bằng quyền lực, không phải bằng các nhà thơ,
sông Thames và sông Neva sột soạt như những tờ tiền giấy,
rồi, đen trên vàng, những cái bóng của sông Hudson?
Đổ từ dòng Neva đóng băng đến dòng Hudson,
dưới những mái vòm sân bay, những nhà ga vang vọng,
phụ lưu của những người di cư mà sự lưu đày
đã biến họ thành không giai cấp như cảm lạnh thông thường,
những công dân của một ngôn ngữ mà bây giờ là của cậu,
và mỗi tháng Hai, mỗi “mùa thu cuối,”
cậu lại viết xa những chiếc máy gặt đập
bện lúa mì như một cô gái tết tóc,
xa những con kênh nước Nga run rẩy vì say nắng,
người đàn ông sống với tiếng Anh trong một căn phòng.
Những quần đảo du lịch của miền Nam của tôi
cũng là những nhà tù, thối nát, và dẫu
chẳng có nhà tù nào khó khăn hơn chuyện làm thơ,
thơ là gì, nếu đáng giá từng đồng xu muối mặn,
ngoài một cụm từ người ta có thể đưa từ tay lên miệng?
Từ tay lên miệng, qua nhiều thế kỷ,
miếng bánh mì tồn tại khi mà các chế độ phân hủy,
khi, trong cánh rừng của những cành kẽm gai,
một tù nhân đi vòng tròn, nhai một cụm từ
mà âm nhạc của nó sẽ tồn tại lâu hơn lá,
mà sự ngưng tụ của nó là mồ hôi đá cẩm thạch
trên trán của các thiên thần, thứ sẽ không bao giờ khô
cho đến khi Borealis tắt những ánh đèn đuôi công
trên nan quạt tỏa chậm của nó từ L.A. đến Archangel,
và ký ức chẳng có điều gì phải nhắc lại.
Sợ hãi và đói khát, với cơn sốt thần thánh
Osip Mandelstam rùng mình, và mỗi
phép ẩn dụ làm ông run rẩy với cơn sốt ớn lạnh,
mỗi nguyên âm nặng hơn một tảng đá mốc,
“tiếng sột soạt của những tờ tiền rúp bên dòng Neva màu vàng chanh,”
nhưng giờ cơn sốt ấy là một ngọn lửa mà quầng sáng của nó
sưởi ấm tay chúng ta, Joseph, khi chúng ta càu nhàu như linh trưởng
trao đổi những âm họng trong hang động lạnh giá
của căn nhà nhỏ màu nâu, trong khi trong những đụn ngoài kia
đàn voi răng mấu đang đẩy chế độ của chúng đi qua tuyết.
Derek Walcott, “Forest of Europe,” The Star-Apple Kingdom (Farrar, Straus and Giroux, 1979). This poem was first published in The New Yorker (August 7, 1978 Issue).
Copyright © 1978 by Derek Walcott | Nguyễn Huy Hoàng dịch.