Nguyễn Huy Hoàng

the star is fading

Truyện ngắn: “The Start of the Affair” – Nuruddin Farah

Nuruddin Farah (1945-) là tiểu thuyết gia người Somali. Ông được trao Giải thưởng văn học quốc tế Neustadt năm 1998, và nhiều lần được đề cử giải Nobel.

141222_r25930-877

Truyện ngắn “The Start of the Affair” được đăng tải lần đầu trên tạp chí The New Yorker tháng 12 năm 2014. Nguyễn Huy Hoàng dịch.

Khởi đầu của tình yêu

1

Trong một lần người ta bán tháo tài sản cách đây mấy năm, James MacPherson, giáo sư chính trị học tại Đại học Wits, Johannesburg, đã nghỉ hưu, nổi tiếng với những tác phẩm quan trọng về cuộc chiến tranh tiêu hao của tổ chức Frontline States chống lại chế độ phân biệt chủng tộc, đã mua một nhà hàng tại Pretoria chuyên về ẩm thực Bắc Phi. Kiến thức sâu rộng của ông về châu Phi là kết quả của việc sinh sống nhiều năm ở nhiều nơi trên khắp châu lục này, mà đáng chú ý nhất là Zambia và Tanzania, và thường xuyên du hành tới các nước láng giềng.

Giờ thì ông dành phần lớn thời gian của mình ở một góc bàn trong nhà hàng, bao quanh là những giấy tờ mà trên đó, ông nguệch ngoạc những ghi chép cho một cuốn sách ông dự định thai nghén. Ông hiếm khi can thiệp vào công việc kinh doanh của nhà hàng, để tay quản lý người Morocco tên là Yacine toàn quyền xử lý hầu hết mọi vấn đề. Trong những dịp hiếm hoi Yacine hỏi xin ý kiến của ông, James chiều theo Yacine, bảo, “Cứ tùy anh thôi.”

James đậm người dần theo tuổi, nặng thêm nhiều cân. Cơ thể từng là mảnh khảnh của ông đã phình ra, bụng ông phệ ra đằng trước. Hai bàn chân ông sưng lên như thể ông bị tiểu đường. Bác sĩ khuyên ông nên tập luyện thường xuyên. Và, bởi ông không cảm thấy có đủ động lực để tới phòng tập thể dục địa phương, ông đã thiết lập một phòng tập mini ở dưới tầng hầm nhà mình. Lần cuối ông thuê một huấn luyện viên đến nhà, để giúp kéo dãn cơ thể cứng nhắc của ông, người đàn ông trẻ nói một cách thô lỗ với ông, là bởi ông gần như không thể cúi xuống trước để chạm được đến những ngón chân của mình. Bên cạnh đó, mắt trái ông đã kém đi và đôi lúc, ông buộc phải quay cả người lại mới nhìn được ai hay thứ gì.

James có thói quen đến lúc chín giờ sáng, khi nhà hàng vừa mới mở, không chỉ bởi ông yêu thứ cà phê ngũ cốc do tay đầu bếp người Thổ Nhĩ Kỳ chế biến, mà còn bởi ông lấy làm vui thích được ở trong nhà hàng và gặp gỡ những chàng trai cô gái trẻ hòa đồng, làm việc trong những văn phòng gần đó và đến để ăn sáng. Ông thích thú với những người đến rồi đi, và cảm thấy có một mục đích cho những hoạt động nhộn nhịp nơi đây, một ý nghĩa cho sự hối hả của những người phục vụ ghi đơn đặt món, những đầu bếp và phụ bếp chuẩn bị đồ ăn, và tay quản lý tính tiền, in hóa đơn sau khi thanh toán, những khách hàng trò chuyện với nhau và, như phổ biến giữa những người châu Phi, tự do động chạm lẫn nhau. James chú ý quan sát những người đàn ông trẻ hơn là quan sát những đồng nghiệp hay khách hàng nữ của họ.

Thế nhưng gần đây, ông thể hiện sự thích thú rõ rệt về một cậu thanh niên, một hôm xuất hiện vào giờ ăn trưa từ cửa dành cho nhân viên, mang theo thứ mà ông nghĩ là túi đựng thức ăn trong đó. Có thể cái nhìn về cậu thanh niên kia đã gợi lại điều gì trong ký ức của James – cậu là một thanh niên đẹp trai, giống đến lạ kỳ một cậu con trai nhỏ tuổi của một gia đình người Somali ở Tanzania mà James biết. Gia đình này, nơi ông trước đây thường tới mua đồ ăn thức uống dự trữ, sở hữu một cửa hàng bách hóa nằm liền kề khách sạn của James. Bố cậu bé đặc biệt tử tế với James mỗi khi ông đến cửa hàng, và hai người sẽ tán gẫu về chính trị Somali bằng tiếng Swahili bồi. Người mẹ, về phần mình, cho tới nay là người phụ nữ đẹp nhất mà James từng gặp. Ông trở nên gần gũi với gia đình nọ đến mức người vợ mời ông đến nhà dự tiệc trong những dịp lễ hội còn người chồng đôi lần cho ông mượn tiền khi ngân phiếu tới trễ. Và, khi James ốm mà quản lý khách sạn không làm gì, bố cậu bé còn nhờ một bác sĩ người Somali đến chăm lo cho ông. James chịu ơn cha mẹ cậu bé rất nhiều, thế nên ông không cho phép mình lợi dụng cậu bé trong nhiều dịp khi chỉ có hai người ở bể bơi mà ông rủ cậu bé tới. James, dù bị cám dỗ, đã chọn không cho phép mình bị niềm đam mê phi lý chi phối.

Ông nhớ lại tất cả những điều này khi giờ đây ông biết, từ một nhân viên nhà bếp, rằng cậu thanh niên mà ông thấy quả thực là người Somali. Lông mày nhướng lên, cậu nhân viên nhà bếp bắt đầu huyên thiên khi vào những ngày sau đó, James hỏi cậu thanh niên tên gì, cậu làm gì để kiếm sống, cậu sống ở đâu, và cậu đến đây được bao lâu rồi. Cậu nhân viên nhà bếp có vẻ không thể xác định xem sự tò mò của ông có là trong sáng hay không, còn tay đầu bếp người Thổ Nhĩ Kỳ thì nói đôi mắt James sáng lên, như đôi mắt của một thiếu niên đang yêu, mỗi khi Ahmed lọt vào tầm mắt.

2

Một buổi sáng, trên đường đến nhà hàng sau khi đến gặp nha sĩ, James đi đường vòng, vào một cửa hàng gần đó do Ahmed quản lý. Chẳng rõ James có định nói chuyện với Ahmed hay không, và nếu có, thì liệu ông có mời Ahmed đến thăm nhà hàng hay tìm hiểu xem Ahmed liệu có liên quan gì đến cậu bé người Somali mà James biết ở Tanzania hay không. James là một linh hồn nhạy cảm, và ông miễn cưỡng trong việc xâm phạm sự riêng tư của bất cứ ai nếu như ông có thể đừng được; cũng thế, ông không bao giờ làm phiền nhân viên của mình bằng những câu hỏi có thể khiến họ bối rối. Ông chỉ muốn hiểu hơn về nhà hàng, và làm quen với cậu thanh niên nọ.

Ông có thể lập tức nhận thấy việc kinh doanh ở đây không mấy nhộn nhịp. Chỉ có năm người trong quán, hai phụ nữ trùm kín người và người thứ ba đội khăn trùm đầu theo kiểu nữ tu, và một ông già ngồi trên chiếc ghế thấp, đang nói chuyện với cậu thanh niên và thi thoảng giúp lấy những món hàng xếp trên giá cao. James chẳng vội vã. Ông không quan tâm đến việc mua sắm bất cứ món hàng nào được trưng bày. Nhưng ông cứ nấn ná; ông muốn trao đổi vài lời với Ahmed theo cách thích hợp, lí luận rằng ông thích vẻ ngoài của cậu, thích cái cách cậu tập trung vào công việc cậu đang làm, vào xúc cảm của cậu, rằng những cử động của cậu là của một thanh niên trẻ sẵn sàng với những công việc nặng nhọc.

James nhận ra mình đang nhìn chăm chăm vào gương mặt điển trai của cậu, nụ cười ngọt ngào của cậu, những đường nét chạm khắc tinh tế của cậu. Ông cảm thấy nhẹ nhõm khi xác nhận rằng Ahmed không phải cậu bé, mà giờ là một chàng trai trẻ, của đôi vợ chồng mà ông chịu ơn ở Tanzania, không phải cậu bé mà ông đã không lợi dụng. Giờ đây ông có thể nghĩ về cái ngày mà ông có thể ngắm nhìn cơ thể trần truồng của Ahmed, nếu có cơ hội. Ông ước ông là họa sĩ còn Ahmed là mẫu khỏa thân, tạo dáng để vẽ. Dù thế, buồn thay, quần áo trên người Ahmed tỏ ra là một trở ngại. Chúng được thiết kế tồi. Còn nữa, hai ống tay áo sơ mi của cậu quá ngắn, và có một vết bẩn dễ thấy quanh cổ, cộng thêm những vết ố màu cà-ri chỗ này chỗ kia, còn quần thì rộng thùng thình. Cậu muốn một bộ quần áo sạch hơn, được giặt và là lượt. James không thể nhớ ông có thấy cậu mặc bộ quần áo nào khác ngoài bộ này không. Nhưng tất cả sẽ ổn thỏa thôi trong chưa đầy nửa giờ mua sắm – James đã chuẩn bị sẵn để mua cho cậu những bộ quần áo khiến đường nét của cậu nổi bật hơn. Thế nhưng ông ngờ rằng cuộc trò chuyện ngày hôm nay sẽ chẳng có gì ngoài trao đổi họ tên.

Rồi tình cờ, và bởi James đã chần chừ lâu hơn ban đầu ông dự tính, chỉ còn lại ông với Ahmed và cậu hỏi, “Cháu có thể bán gì cho chú?”

Tâm tưởng của James đột nhiên xáo trộn với những mảnh vụn ký ức, những cảm xúc mà ông không thể tìm được lời giải thích thỏa đáng. Nếu đủ can đảm để trả lời câu hỏi một cách trung thực, có thể ông sẽ đáp lại rằng ông không quan tâm đến việc mua bất cứ món trang sức hay quần áo rẻ tiền nào nhập về từ Trung Quốc mà là đến cậu, và chỉ mình cậu. Nói cách khác, bởi thứ gì cũng có giá của nó, “bầu bạn” với cậu đáng giá bao nhiêu nếu quy thành tiền? Bao nhiêu để được ôm cậu trong vòng tay?

“Tên tôi là James MacPherson,” ông nói.

Rồi mỉm cười nhẹ nhõm, ông tiến một bước lại gần.

“Vâng-xin chào-James-xin mời,” cậu thanh niên người Somali đáp, nói theo cái cách mà James không thể ngừng tưởng tượng rằng trong đầu Ahmed, chúng tạo nên một từ nối duy nhất.

“Tên cậu là gì?”

“Tên cháu là Ahmed Ali-Mooryaan,” cậu thanh niên người Somali đáp.

Muốn biết cách xưng hô với cậu, James hỏi, “Thế còn tên thánh của cậu?”

“Cháu không có tên thánh.”

James lập tức nhận ra ông đã lỡ lời. Và vậy là trong nỗ lực quyến rũ cậu, ông chìa bàn tay mình ra, hình thành nên nghi thức của cuộc gặp gỡ giữa họ với một cái bắt tay. Khi ông nắm lấy bàn tay thanh mảnh của cậu trai trẻ – bàn tay của một nghệ sĩ dương cầm, ông nghĩ – ông giải thích, “Tôi biết người Somali các cậu có một tên là tên riêng, một tên là tên theo cha, và tên thứ ba là theo họ nội. Thế Mooryaan là tên hay biệt danh của ai?” James nhận thức được rằng biệt danh mô tả thường được ban cho những ai mang cái tên phổ biến nhất. Có lẽ, có hàng ngàn người đàn ông tên là Ali, và ý tưởng này là để phân biệt Ali này với Ali khác. Thế nên mới có Ali-Mooryaan.

“Tên cháu là Ahmed.”

“Còn tên cha cậu?”

“Tên bố cháu là Ali. Nhưng mọi người gọi ông ấy là Mooryaan.”

James nở nụ cười thích thú của một người đàn ông đang quyết tâm chuộc lại lỗi lầm. “Mooryaan là cái tên rất đẹp, phải không?”

“Ông ấy rất đẹp trai.”

“Một cái tên đẹp cho người đàn ông đẹp.”

“Ông ấy rất đẹp trai, người đàn ông của đàn ông.”

James không chắc cậu nói thế là có ý gì, nhưng băn khoăn liệu có phải “người đàn ông của đàn ông” chỉ là một bản dịch sát nghĩa từ tiếng Somali sang tiếng Anh hay không. Và ông bỏ qua nó. Thế nhưng ông lại hỏi, “Đấy có phải là một cái tên Ả-rập lấy từ Kinh Cô-ran không hay là một cái tên thuần Somali?”

James định gây ấn tượng với Ahmed; ông muốn cậu biết rằng ông cũng có một chút hiểu biết về truyền thống của cậu.

“Bố cháu rất nổi tiếng ở Mogadishu,” Ahmed nói.

James hỏi, “Cha cậu nổi tiếng vì điều gì?”

“Chú nói tên bố cháu, mọi người biết ông ấy.”

Nài nỉ, ông hỏi lại, “Nhưng cha cậu nổi tiếng vì sao?”

“Mooryaan chỉ là biệt danh.”

“Nhưng Mooryaan nghĩa là gì, trong tiếng Somali?”

“Chỉ là một biệt danh giữa bố cháu với mấy người bạn,” Ahmed giải thích. “Ông ấy đẹp, và giờ quyền lực, giàu có, hạnh phúc với mười lăm người con – mười hai trai, ba gái – và bốn bà vợ. Mooryaan là biệt danh nổi tiếng của ông ấy.”

“Và biệt danh đó mắc lại?”

“Mắc lại, ‘mắc lại’ là gì?”

James tự hỏi liệu có phải khả năng ngôn ngữ của Ahmed trở nên lộn xộn mỗi khi cậu cảm thấy bối rối. Hay có thể là cậu chỉ nói được “tiếng Anh đường phố,” như cách gọi của những người nói tiếng Ả-rập?

“Thế điều gì khiến cậu rời bỏ cha mình ở Somali và đến Nam Phi?”

“Nam Phi tốt, tốt nhất ở châu Phi.”

“Nhưng tại sao không phải là châu Âu hay Mỹ?”

“Đơn của cháu bị từ chối.”

“Tại sao?”

“Chính trị,” Ahmed đáp.

“Chính trị, thế nào?”

“Bố cháu làm nước Mỹ nổi giận.”

“Làm nước Mỹ nổi giận, cha cậu hẳn là một người quyền lực.”

“Ở Somali, ông ấy quyền lực, bố cháu.”

“Cậu đến đây bằng cách nào?”

“Bọn cháu có năm người, và bọn cháu bắt đầu chuyến đi từ Mogadishu bằng máy bay đến Nairobi,” Ahmed trả lời. “Ở sân bay Nairobi, bọn cháu hối lộ quan chức nhập cư. Rồi từ đó, bọn cháu tới Tanzania, ở đó bọn cháu gặp hết rắc rối này đến rắc rối khác, rồi bị bỏ tù. Bọn cháu bị kết tội xâm nhập bất hợp pháp. Trong tù, đầu tiên là bọn lính canh, rồi cứ thế cứ thế lũ tù nhân hãm hiếp ba đứa bạn cháu.”

“Thế sao cậu được thả?”

“Cháu có tiền để cho và cháu đã cho.”

“Sau đó rồi sao?”

“Bốn đứa bọn cháu được thả.”

“Còn cậu thứ năm?”

“Nó vẫn bị giam giữ.”

“Tại sao?”

“Nó là ‘vợ’ thứ của gã cai ngục.”

“Rồi từ Tanzania cậu đi đâu?”

“Malawi, ở đó bọn cháu lại bị bắt.”

“Cả bốn đứa cậu cùng đến Malawi à?”

“Và hai đứa không được thả.”

“Tại sao họ không được phép đi?”

“Chúng nó bị hãm hiếp trong tù và bị giam.”

“Cậu được thả lần nữa, tại sao?”

“Cháu may mắn.”

James không tin may mắn đã thả cậu đi. Nhưng chẳng ngạc nhiên gì nếu Ahmed không thừa nhận cậu đã bị hãm hiếp. James biết, từ những lần phỏng vấn cựu tù chính trị, tất cả đều phủ nhận sự thật rằng họ phải chịu đựng sự sỉ nhục thể chất và tình dục dưới bàn tay của giám thị tù giam hay chính ủy.

“Sau đó?”

“Sau Malawi, Mozambique rồi đến Nam Phi.”

“Tiếng Anh của cậu rất sõi,” James nói.

“Cảm ơn.”

“Cậu học nó từ lúc đến đây à?”

“Không, cháu học ở Somalia,” Ahmed đáp.

“Tôi không nghĩ có thể như thế.”

“Ý chú là bởi bọn cháu đang có nội chiến?”

“Tôi hiểu tiếng Ả-rập đã trở thành ngôn ngữ cầu nối ở đó, và thậm chí tiếng Somali, một ngôn ngữ trẻ nói về chữ viết, cũng ít được sử dụng,” James nói.

Ahmed lắc đầu và giải thích, “Bố cháu, ông ấy thuê một thầy giáo đến từ Tanzania để dạy bọn cháu tại nhà. Ông ấy trả lương rất cao cho thầy giáo – hai trăm đô la Mỹ một tháng. Thầy giáo sống trong nhà cháu. Ông ấy là giáo viên của nhà cháu, tám đứa đang ở độ tuổi đi học một lớp.”

“Thế nhà cậu ở đâu?”

“Cháu đến từ Mogadishu,” Ahmed đáp.

“Ý tôi là, giờ cậu sống ở đâu?”

Ahmed chỉ xuống sàn nhà. “Ở đây!”

James không cảm thấy sốc khi biết Ahmed sống, làm việc, và ngủ ở quán. Ông nhớ buổi sáng hôm ông tình cờ đến cửa hàng từ sớm, ông bắt gặp hai cậu phục vụ bàn người Bắc Phi đang ngủ trong phòng chứa đồ, những bao hành tây, khoai tây, và những đồ hàng khác được đẩy lại một góc để tạo không gian cho một tấm nệm mà hai người cùng chia sẻ. Ông không nhận ra họ có thể là người đồng tính bởi họ cùng dùng một tấm nệm đơn; thay vì thế, ông nghĩ nên tăng lương cho họ, dù ông ngờ rằng khoản lương tăng sẽ khuyến khích họ thuê một căn hộ – ông biết họ đã gửi tất cả tiền lương về nhà. Nhưng dù sao, được kiến thức về những gì thu thập được từ người nhập cư khích lệ, James hỏi, “Ở đây, chỗ nào?”

Ahmed chỉ vào một góc khuất đằng sau kệ đồ, ở đó có một tấm nệm đặt dựa vào tường.

Cần phải tự khiến mình cao lên vì lí do nào đó, James đứng thẳng người rồi hỏi, “Cậu đang nói cậu sống, làm việc, và ngủ ở đây, còn đồ ăn thì cậu nhặt nhạnh thức ăn thừa từ nhà hàng của tôi?”

Trông Ahmed như thể bị xúc phạm, nhưng James không thể hiểu được lí do tại sao. Môi cậu mấp máy – James nghĩ cậu đang gặp khó khăn trong việc kết hợp những suy nghĩ trong đầu với ngôn ngữ ở mức độ thông thạo của cậu, đang do dự vì sợ cậu có thể nói vô nghĩa. Cuối cùng, Ahmed cũng cất được lời. “Chú nói ‘nhà hàng của tôi’?”

“Thế cậu nghĩ nhà hàng thuộc về ai?”

“Yacine nói nhà hàng là của chú ấy.”

“Ồ, thế hả?”

Hóa ra mọi chuyện là thế này đây, James nghĩ. Ahmed ngạc nhiên hơn là bị xúc phạm, cứ tin rằng nhà hàng thuộc sở hữu của Yacine, nhờ lòng hảo tâm của lão mà cậu được cho thức ăn thừa từ bữa trưa. James nhớ ông đã từng xem một bộ phim của Senegal – ông không thể nhớ được tên nhà làm phim hay tên phim – nói về một cậu thanh niên người châu Phi ở Paris, trong những năm sáu mươi, có một bức ảnh chụp cậu đứng dựa người vào một chiếc xe hơi đậu trên con phố mà cậu đang quét dọn. Cậu thanh niên người Senegal nọ gửi tấm ảnh về nhà, nói chiếc xe là của riêng cậu. Có hề gì. Những người nhập cư rất giàu trí tưởng tượng và dĩ nhiên, chuyện Yacine tuyên bố sở hữu nhà hàng cũng chẳng khiến James phải mảy may bận tâm.

“Chú nói chú ấy dối?”

Một lần nữa, James để ý thấy cách Ahmed kiểm soát tiếng Anh của cậu bắt đầu mắc lỗi, và ông quyết định rằng chuyện đó chắc sẽ xảy ra mỗi khi cậu trở nên kích động hay căng thẳng.

“Tôi sở hữu nhà hàng, từng viên gạch của nó,” James bảo cậu.

“Tại sao nói dối? Yacine, chú ấy là người xấu.”

“Cậu sẽ phải hỏi chính anh ta đấy.”

“Cháu không thích ai dối,” Ahmed nói.

“Đừng bận tâm chuyện đó.”

“Nói dối giống như giết người – chẳng tốt.”

James nói, “Được rồi, cậu cứ tiếp tục đến nhà hàng mà lấy đồ ăn trưa. Đừng lo lắng gì chuyện đó. Thực ra, tôi nhất định sẽ bảo họ cho cậu đồ ăn vệ sinh hơn, đồ ăn tốt hơn.”

“Cảm ơn chú. Vâng, cháu muốn. Cảm ơn chú.”

Nhưng Ahmed vẫn có vẻ buồn bã, và James vẫn không thể hiểu tại sao. James phải lưu tâm. Cậu thanh niên rất nhạy cảm. Không tên thánh và không câu hỏi gì liên quan đến đồ ăn thừa từ bữa trưa mà cậu mang đi. Có lẽ đã đến lúc James nên ra về. Ông có thể quay lại, giờ họ đã gặp nhau, và có lẽ họ sẽ sắp xếp một lúc nào đó thuận tiện để hiểu nhau hơn. Chẳng cần phải vội.

“Xem nào, tôi nghĩ thế này, Ahmed,” James nói.

“Thế nào?”

“Tôi sẽ gặp cậu lúc khác. O.K.?”

“O.K.”

“Tạm biệt.”

“Tạm biệt. Hẹn gặp lúc sau.”

3

Quay trở lại chiếc bàn trong nhà hàng, James vui mừng khôn xiết trong giây lát khi nhớ lại cái thời trẻ trung hồi ông tìm hiểu người vợ giờ đã quá cố, Martha. (Cha mẹ cô người Bồ Đào Nha, sinh sống tại Lourenço Marques, đặt tên cô là Marta, nhưng cô thêm một chữ cái “h” để Anh hóa nó.) Ông tán tỉnh Martha, sinh viên cùng lớp ở Đại học Cape Town, bằng cách chiều chuộng cô với những món quà, có cả những bó hoa tuyệt đẹp đến từ một cửa hàng hoa ở Rondebosch và một tấm thiệp sinh nhật chuyển phát nhanh, thẳng đến ký túc xá của cô. Người cô rất gầy, với mái tóc cắt sát đầu. Mẹ James nói Martha không phải mẫu phụ nữ của bà, hay nói chung, là một người mẹ và bà nghĩ con trai bà cần đi khám thần kinh. Bà bảo, “Con làm sao đấy? Con bé đó là bản sao nặn hỏng của Twiggy. Ít nhất cô Twiggy kia còn là người Anh, nổi tiếng, và là nghệ sĩ tài năng. Còn con bé này thì có gì tốt?” James vặn lại, “Ai nói mọi cuộc hôn nhân đều phải sinh con?” Bà mẹ này có thể bị hạ đo ván chỉ bằng cú chạm nhẹ nhất – và bà đã sốc khi nghe con trai nói về hôn nhân. “Nhưng mẹ thì có. Mẹ muốn có cháu, nó sẽ nối dõi cái nhà này. Hãy nhớ rằng, con yêu. Con là con một và mẹ cũng thế, cha con thì đã mất, nhà mình sẽ chấm dứt ở đây mất thôi.” Ông nhún vai ngắt lời bà, nói, “Mẹ nói về chấm dứt dòng dõi kiểu vậy nghe cứ như thể đây là một con tàu.”

Có một số điều về Martha khiến James bị lôi cuốn: cô không có gia đình ở địa phương để về những ngày cuối tuần hay dịp lễ tết, và cũng không ai lo lắng về cô nếu cô không về nhà mà ở lại mấy ngày trong căn hộ của ông ở Claremont. Không chỉ thế, cô luôn sẵn sàng đến nhà ông mỗi khi ông mời cô. Ông sẽ nấu bữa tối dưới ánh nến và mời cô rất nhiều rượu, thứ tốt nhất và được mong đợi nhất ở Tây Cape. Dù thế, chuyện làm thế nào cô có thể nhồi nhét cả một hộp sô cô la nhập khẩu hàng đêm mà không tăng một lạng nào là một bí mật đối với ông. Làm thế nào cô có thể xoay xở được khi tất cả những gì ông phải làm để giữ vòng eo nhỏ gọn như khúc thân cây là giữ một mảnh sô cô la trong tay? Giờ nhìn lại cái thời ông và Martha tìm hiểu nhau, ông nhận ra giọng Ahmed giống giọng Martha một cách kỳ lạ. Tiếng Anh của cô pha lẫn với tiếng Bồ Đào Nha, chưa bao giờ mất đi cho đến tận ngày cô ra đi, cũng giống như tiếng Anh của Ahmed điểm đầy những biến tố tiếng Somali, một nét riêng nghe vẻ mê hoặc đối với James, quyến rũ và gợi cảm vô cùng.

Tuổi James gần gấp ba lần tuổi Ahmed. Nhưng vẫn còn thời gian cho ông tìm hiểu gần đây Ahmed đến đất nước này bằng cách nào và liệu đơn xin tị nạn của cậu có được Bộ Nội vụ chấp thuận chưa. Vẫn còn thời gian để thảo luận về những kế hoạch của Ahmed cho tương lai. Và cho James để xem xét lại kế hoạch của chính mình. Ông sống một mình trong căn nhà rất lớn, chỉ có lũ chó để bầu bạn và một người giúp việc đến trong ngày. Có một sự im lặng kỳ quái kể từ khi Martha qua đời hai năm trước. Tất nhiên có phòng để Ahmed đến sống cùng ông. Nhưng đừng vội vã – này, đừng vội vã, ông bạn của tôi ơi!

4

Trước hết, James thay đổi vị thế của Ahmed ở nhà hàng. Ông bảo Yacine rằng kể từ hôm nay trở đi, Ahmed sẽ không còn bị đối xử như một người bà con nghèo, không còn chỉ được cho một chiếc sandwich làm từ đồ ăn thừa và một mẩu bánh mỳ, mà cậu sẽ được cung cấp bữa ăn chín hai lần một ngày, vào bữa trưa và bữa tối. Thế nhưng, dù Ahmed vui vẻ đón nhận sự sắp xếp mới, chỉ thị từ trên cao mà không tham khảo ý kiến đã chọc tức tay quản lý, gã cảm thấy bị sỉ nhục, còn những nhân viên thấp hơn ở nhà bếp, những người trước đó chỉ thể hiện lòng tử tế với Ahmed, đã khơi gợi nên sự hèn hạ chưa từng có. Ngày thứ hai sau sự sắp xếp mới, bữa ăn mà đầu bếp nấu quá mặn và gần như không thể ăn nổi, còn cốc trà của cậu bị pha bằng sữa đã hết hạn.

Ngày hôm sau Ahmed đổ bệnh, bụng cậu quằn quại. Cậu tốn rất nhiều thời gian đi từ cửa hàng đến nhà vệ sinh công cộng rồi trở lại, và quyết định đóng quán một ngày. Trong khi đó, mắt cậu mờ đi. Cậu gọi cho bạn bè cậu ở Somali, họ gợi ý cậu nên mua thuốc viên để trị tiêu chảy và aspirin để chữa đau đầu, cậu làm theo nhưng cũng không đỡ gì nhiều. Thế nên cậu gắn một mẩu thông báo viết tay ghi là “Mai quai lại!” lên cánh cửa rồi quay trở lại giường.

Việc Ahmed vắng mặt khiến James ngạc nhiên, bởi ông đang mong đợi được gặp và nghe cậu vui mừng thế nào sau sự sắp xếp mới mà ông dành cho cậu. Sáng sớm hôm sau, trên đường tới chiếc bàn của ông trong nhà hàng, ông ghé qua cửa hàng để tìm Ahmed, trông cậu tái nhợt và lặng người. Ông hỏi cậu có chuyện gì, và Ahmed trả lời, “Ngộ độc thức ăn.” James đưa cậu tới bác sĩ riêng của ông trên chiếc xe của ông, tự hỏi phải làm gì với tay đầu bếp và nhân viên nhà bếp, và cũng băn khoăn không biết liệu Yacine có dính dáng đến chuyện này không. Ông sẽ không vội vã; ông thừa biết Yacine rất nóng tính, và đối đầu với bất kỳ nhân viên nhà bếp nào cũng chẳng để làm gì trừ khi chuyện này xảy ra đến lần thứ hai hay thứ ba.

Trong lúc chờ kết quả từ phòng khám, James và Ahmed lui vào một quán cà phê bên kia đường. Ông hỏi Ahmed chuyện cậu đã đến Nam Phi được bao lâu và tình trạng pháp lý của cậu giờ thế nào.

“Vẫn đợi,” Ahmed nói. “Nộp đơn và đợi, đợi chín tháng, không trả lời.” Một lần nữa, James nhận ra có sự lợm khợm trong ngôn ngữ của cậu, trong khi Ahmed tiếp tục, “Không có ai giúp cháu, không biết ai giúp được, không biết ai trong Bộ Nội vụ để giúp đỡ cháu, hoặc để hối lộ.”

Trong khi họ ăn sáng, James dõi theo cách cậu vụng về dùng dao và dĩa, thậm chí ban đầu còn không xác định được làm thế nào để cắt một miếng thịt gà, hay phết mứt lên bánh mỳ nướng. “Cậu nộp đơn ở đâu, Joburg hay Pretoria?”

“Bộ Nội vụ ở Joburg.”

Một trong những học trò cũ của James nắm một chức vụ cỡ trung trong văn phòng Bộ Nội vụ ở Joburg, ông có thể nói mấy lời để giúp đẩy nhanh hồ sơ cho Ahmed. Nhưng vẫn còn quá sớm để hứa hẹn điều đó. Chưa được. Phải có một dịp thích hợp và một nơi thích hợp cho sự can thiệp kiểu này, đòi hỏi một cách tiếp cận thận trọng về phía ông. Hơn nữa, ông không muốn khiến mọi thứ có vẻ dễ dàng như thế, bởi điều đó có thể hạ thấp giá trị của ân huệ được đưa ra.

Ông hỏi, “Thế giờ cậu có những giấy tờ gì rồi?”

“Cháu có giấy phép lưu trú tạm thời,” Ahmed nói, bị vấp ở chữ “tạm thời.”

James từng gặp nhiều người đến từ Trung Đông mà với họ, phát âm được chữ “p” là một thử thách. Ngay cả Yacine, đã ở đây gần một thập kỷ, cũng thường bị vấp khi phát âm nó, bên cạnh việc pha trộn động từ cũng như đặt sai vị trí những cụm giới từ và tính từ. James tự nhủ rằng một ngôn ngữ như tiếng Anh có đủ chỗ cho tất cả mọi người từ bất cứ nơi đâu, bởi thế mà gần đây nó đã trở thành ngôn ngữ thứ hai của tất cả mọi người.

Ông hỏi, “Cậu ở đây đã lâu chưa?”

“Hai năm tám tháng.”

“Tôi có thể hỏi cậu một câu rất riêng tư không?”

“Chú cứ hỏi.”

“Cậu có phải vay nợ để mở cửa hàng không?”

Sau một lúc lâu im lặng, Ahmed đáp, “Không.”

“Làm thế nào cậu có tiền?”

“Bố cháu, ông gửi tiền cho cháu từ Mogadishu.”

“Hiện giờ cha cậu làm gì?”

“Ông ấy kiếm được rất nhiều tiền hồi đầu những năm chín mươi.” Ahmed đứng dậy, nói, “Xin lỗi. Nhà vệ sinh,” rồi lao đi.

Cậu đi một lúc lâu, và khi trở lại James hỏi cậu thấy thế nào, Ahmed đáp, “Cháu thấy đỡ hơn, đỡ hơn nhiều.”

James thanh toán hóa đơn, rồi họ quay lại phòng khám để nhận kết quả kiểm tra. Cả hai đều không ngạc nhiên khi nghe họ xác nhận lời tự chẩn đoán của Ahmed – ngộ độc thực phẩm.

Họ dừng ở một hiệu thuốc và James trả tiền cho đơn thuốc, rồi họ lái xe về nhà James với lí do ông cần lấy một số tài liệu từ nghiên cứu của ông.

Sau khi đỗ xe trong cái ga-ra đôi, chẳng nghĩ ngợi gì, James bảo Ahmed, “Cậu đợi trong xe một lúc. Từ mấy lần gặp gỡ với người Somali trước đây, tôi biết cậu có thể muốn tôi dắt lũ chó vào sân sau đấy, để chúng không gây phiền phức.”

Ahmed hỏi, “Chú nuôi bao nhiêu chó?”

“Ba con dòng thuần,” James đáp.

Ahmed nói như thể cậu đang sợ hãi: “Ba con?”

Không phải Ahmed bị ấn tượng bởi việc cả ba con đều là thuần chủng. Đối với cậu, chó là chó; cậu sợ chúng và sẽ không lại gần một con nào. Thế nên cậu ngồi lại trong xe và không hề thoải mái cho đến khi James quay ra bảo cậu rằng căn nhà giờ đã an toàn. Cậu đi theo James với tâm lý thận trọng như của một người đang xâm nhập vào lãnh thổ kẻ địch. Và khi nghe thấy một tiếng động lớn phát ra từ nhà bếp, cậu dừng lại. Cậu muốn biết ai đã gây ra âm thanh đó. “Chó?” cậu hỏi, sẵn sàng chạy.

“Đấy là người giúp việc,” James nói.

“Người giúp việc?”

“Người giúp việc trong nhà bếp, làm việc.”

Rồi James gọi bà giúp việc, một phụ nữ cao lớn gần bằng ông. Bà mỉm cười, khẽ nhún gối và thốt ra mấy lời chào đón. James bảo bà lấy một cốc nước cho Ahmed uống thuốc. Bà quay trở lại với một cốc nước đầy tới miệng, chờ đợi và dõi theo cậu thanh niên Somali trẻ đưa cốc nước lên môi.

Sau đó Ahmed đi lại quanh căn nhà tự do, không hề sợ hãi. Cậu đi từ phòng này qua phòng khác, mở cửa phòng tắm và tiếp cạnh đó là nhà vệ sinh. James đợi cậu trở về từ chuyến thanh tra của cậu, và khi Ahmed trở lại phòng bếp, ông thấy đôi mắt cậu mở to ngạc nhiên.

James bảo, “Trên tầng vẫn còn nữa.”

Rõ ràng bị choáng ngợp, Ahmed lên cầu thang, James theo sau, đi qua một phòng ngủ cạnh một phòng ngủ khác. Khi cậu vào phòng làm việc và thấy một đống sách cùng mấy chồng tạp chí, hai máy tính bàn và ba chiếc laptop, tất cả chỉ trong một căn phòng, cậu quay sang James và hỏi, “Mấy người sống ở đây?”

“Chỉ có tôi,” James trả lời.

Cậu chỉ vào mấy cái laptop, hỏi, “Sao lại có ba?”

“Cậu muốn có một cái không?”

“Quà cho cháu?”

“Phải, một món quà cho cậu vì tình bạn của chúng ta.”

“Cháu rất vui, vâng, cảm ơn chú.”

Sau đó James giải thích là vì chiếc laptop có chứa mấy tài liệu của ông nên cần mang nó đến chuyên gia để lưu lại tài liệu và dọn dẹp chiếc máy cho Ahmed sử dụng sau này.

“Chú đọc hết chỗ sách kia à?” Ahmed hỏi.

James khiêm tốn trả lời, “Hầu hết.” Rồi ngập ngừng một lúc, ông hỏi Ahmed, “Cậu có thích đọc không – cậu thích đọc loại sách gì?”

“Tiếng Anh cháu tệ – không thể đọc sách, chỉ tạp chí.”

“Tôi có thể dạy cậu đọc. Cậu có muốn thế không?”

“Quá lớn, có lẽ,” Ahmed đáp.

James nắm lấy tay Ahmed, và Ahmed không bỏ tay ra cũng không kháng cự lại khi ông cầm tay cậu. “Cậu còn trẻ và thông minh, cậu sẽ học rất nhanh khi tôi dạy cậu. Tôi là giáo viên giỏi; tôi từng làm giáo sư đại học trong nhiều năm. Tôi sẽ rất vui nếu được dạy cậu học trong ngôi nhà này.”

James vẫn nắm tay Ahmed, dẫn cậu xuống nhà đến phòng tập. Đầu tiên Ahmed ngồi lên xe đạp và bắt đầu đạp, rồi cậu bước lên máy chạy bộ, ấn nhầm nút và gần như sắp ngã. James đỡ cậu đúng lúc và ôm cậu vào lòng, tim ông đập nhanh hơn. Cậu là mọi ký ức, kỷ niệm về cậu bé trước kia mà ông đã không bao giờ có được. Ông nghĩ, Cậu khác. Lần này sẽ là sự đồng thuận. Và một lần nữa, Ahmed đã không hề kháng cự hay đẩy James ra.

Ahmed nói, “Để xem. Tương lai còn rất dài.”

Để ý thấy một đống sách trong phòng tập, hầu hết là về Somali, Ahmed hỏi James cũng đã đọc chúng chưa. James bảo, “Tôi mượn chúng từ thư viện trường đại học mà tôi dạy ở đó nhiều năm, tôi đang định đọc chúng. Tôi muốn hiểu hơn về lịch sử đất nước cậu, như thế tôi cũng sẽ hiểu hơn về cậu. Đất nước nơi cậu sinh ra thật thú vị.”

Ahmed cảm thấy mình nên xem qua những cuốn sách đó. Cậu đọc thành tiếng một số tựa đề, phát âm sai một số từ và thảm sát tên các tác giả, trừ những từ tiếng Somali.

“Chúng ta đi được chưa? Cháu cần mở cửa hàng,” cuối cùng Ahmed cất tiếng.

“Tất nhiên.”

Ở trong xe, Ahmed nói, “Cháu thích mọi thứ trong nhà chú.”

“Cảm ơn cậu.”

“Cháu thích sau này có căn nhà như thế.”

“Ở đây hay ở Somali?”

Ahmed đáp, “Một căn nhà lớn như thế ở đây, một căn khác ở Somali. Bố cháu sống trong căn nhà lớn hơn thế này, nhiều phòng hơn, ở gần biển, cách bãi biển Lido hai trăm mét, ở Mogadishu.”

“Tôi không đủ tiền để mua một căn nhà trên bờ biển.”

“Sau này cháu sẽ đưa chú tới Mogadishu, nếu chú muốn.”

“Tôi rất thích thế. Nhưng có an toàn không?”

“Bố cháu sẽ đảm bảo chú an toàn.”

James đỗ xe trước cửa hàng để thả cậu xuống.

5

Tò mò về người cha của Ahmed và háo hức muốn biết nhiều hơn, James tìm đến một giáo sư khoa học xã hội nổi tiếng người Somali đang làm việc trong khóa hai năm tại Đại học Pretoria.

Rashid và James gặp nhau tại quán cà phê chính của trường đại học. James đề cao Rashid, ca ngợi sự nhạy bén trong học thuật của ông và mô tả tác phẩm của ông là tác phẩm khai sáng nhất mà James từng đọc được về hiện tượng được gọi là chủ nghĩa quân phiệt châu Phi. James nói thêm, “Không ai viết được về đề tài này tốt như anh.”

Rashid vui sướng phấn khích và nói rất nhiều về chủ nghĩa quân phiệt Somali là một tai họa vô phương cứu chữa bởi nó phát triển trên bản tính bất thường của chủ nghĩa bè phái. James đang nghĩ ông thích cốc rượu không pha của mình, nhưng không thích bất cứ dạng “chủ nghĩa” nào bởi “chủ nghĩa” tước quyền của con người, thì đột nhiên một cái tên quen thuộc – Mooryaan – khiến ông phải chú ý.

“Anh biết đấy, ở Somali ‘Mooryaan’ có nghĩa là ‘kẻ cướp,'” Rashid nói. “Hắn ta là tên tội phạm khát máu, một tên cưỡng đoạt của cải của đất nước, bị cáo buộc tổ chức cướp bóc Ngân hàng Nhà nước, dỡ bỏ các nhà máy sản xuất và bán kim loại như phế liệu ở Vịnh Ả-rập.”

Rashid có cái kiểu nâng giọng lên mấy quãng mỗi khi ông xúc động và phun nước bọt lên bất cứ ai ngồi gần. James lau nước bọt bắn vào ông rồi hỏi, “Ra là sự giàu có của ông ta xuất phát từ thu lợi bất chính?”

“Ali-Mooryaan là một trong những kẻ giàu có nhất ở Somali,” Rashid đáp. “Hắn ta ‘sở hữu’ rất nhiều biệt thự bên bờ biển Mogadishu, mua nhiều bất động sản ở Nairobi và ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Hắn tài trợ cho cướp biển, thu lợi từ việc xuất khẩu ma túy qua một đường băng nhỏ cách Mogadishu năm mươi cây số.”

“Tức là, hắn là một tên quân phiệt điển hình.”

“Một trong những tên quân phiệt tàn ác nhất.”

6

James cảm thấy vui mừng khi nghĩ rằng Ahmed khó có khả năng quay lại Somali trong thời gian dài do những bất ổn chính trị ở đó. Và dù cha cậu nắm quyền lực lớn, cậu dường như không có vẻ nhẫn tâm như vậy. Có lẽ cậu sẽ hạnh phúc khi được nằm ngoài tầm ảnh hưởng của cha cậu một khi James đảm bảo cho cậu một chỗ đứng vững chắc ở Nam Phi, nơi cậu có thể tiếp tục sự nghiệp của mình. Và với mục tiêu này, James quyết định “đầu tư” nhiều hơn vào cậu theo cái cách sẽ giúp ông có được lòng tin và tình cảm cuối cùng của cậu.

Trong nỗ lực để đạt được mục đích này và cũng để tránh làm khó chịu tay quản lý nhà hàng và nhân viên nhà bếp, ông bắt đầu tự mình đem bữa trưa đến cho Ahmed ở cửa hàng của cậu, sau đó đưa cậu đến nhà ăn tối, rồi đưa cậu trở lại cửa hàng sau khi dạy cậu đàm thoại bằng tiếng Anh. Bằng cách đó, họ gặp nhau ít nhất một lần mỗi ngày. Ở cửa hàng, nếu không có khách họ sẽ trò chuyện lâu hơn; còn nếu có, ông sẽ đưa gói đồ ăn, đôi lúc kèm theo một tấm thiệp với lời nhắn ngắn gọn.

Đồ ăn không phải thức quà duy nhất mà James tặng Ahmed. Ông còn mua cho cậu ba bộ quần áo, một vài chiếc quần lót, và một đôi giày thoải mái. Cách nó diễn ra là khi James giới thiệu một món quà, Ahmed sẽ giả vờ nói, “Cháu không nhận được đâu,” hoặc “Thế này thì nhiều quá,” hoặc “Chú làm hư cháu mất,” rồi cuối cùng lúc nào cậu cũng nói, “Cháu cảm ơn. Chú tốt quá” – chứng tỏ cậu trân trọng những gì James làm vì cậu.

Một buổi tối sau khi ăn, Ahmed kêu đau răng, James đóng vai nha sĩ, bảo cậu há miệng và đè lưỡi cậu xuống bằng một chiếc thìa. “Được rồi, sáng mai tôi sẽ đưa cậu đến nha sĩ,” ông nói, và đặt một cuộc hẹn khẩn vào sáng sớm hôm sau. Ông không nghe lời phản đối của Ahmed, bảo, “Cậu cứ ngủ trong phòng tầng dưới, chậm nhất là bảy rưỡi sáng mai chúng ta phải tới nơi.”

Ông cho Ahmed mượn một bộ quần áo ngủ, vốn thuộc về người vợ quá cố của ông. Sợ lũ chó có thể sổ vào nhà và có thể tấn công cậu, ai biết, Ahmed khóa cửa phòng từ bên trong. Thật ra, James cũng để ý thấy Ahmed có xu hướng khóa cả cửa phòng tắm. Có thể chỉ là bản tính thận trọng của cậu. Cũng chẳng sao, lúc sáu giờ sáng James gõ cửa phòng Ahmed để gọi cậu dậy. Ahmed tắm rửa, và sau khi ăn sáng xong cả hai cùng đi tới nha sĩ.

Vị nha sĩ lên một lịch trình làm việc sau khi biết ông là người đầu tiên Ahmed đến xin tư vấn, bảo cậu phải quay lại nhiều lần để chữa trị xong hàm răng cho cậu.

Sau đó, còn lại một mình với James – Ahmed ở bên chỗ bác sĩ vệ sinh răng miệng, hàm răng cậu đang được chải chuốt – vị nha sĩ hỏi, “Bác gặp cậu ta ở đâu?”

“Thằng bé có cửa hàng gần nhà hàng của tôi.”

“Tôi thấy cậu ta như được chạm khắc thủ công, một chàng trai được tạo ra theo đơn đặt hàng.”

“Đúng thế, không phải sao?”

“Có chuyện gì thế?” vị nha sĩ hỏi.

“Không có gì.”

“Thế giờ nó ở đâu?”

“Tôi không nói đâu.”

“Bác biết nó không phải mẫu người của tôi.”

“Cứ như tôi biết mẫu người của bác là gì.”

“Dù sao, hãy cẩn thận. Tôi khuyên thế thôi.”

James đã rất thận trọng, cả hai gần như không đụng chạm cơ thể, trừ một lần James đang ở dưới phòng tập và Ahmed, chán xem TV, xuống tập cùng ông. James đề nghị giúp kéo dãn cơ thể Ahmed rồi ngồi lên người cậu, như những huấn luyện viên vẫn làm. Ông chạm lên người cậu, chỗ này chỗ kia, xoa bóp, mát xa, và ấn vào đùi cậu, bẹn cậu – cho đến khi ông cảm thấy nam tính của Ahmed trỗi dậy. James vẫn xin lỗi, không thật lòng, cho dù ông không hề muốn dừng lại, lo rằng nếu tiếp tục, ông có thể khiến Ahmed khó chịu tới mức cậu có thể bỏ đi khỏi mái nhà ông tạo nên cho cậu.

7

Dù thế, ông không bước xa hơn và giữa họ đã không xảy ra chuyện gì trong suốt một năm rưỡi sau đó. Và rồi cũng đến một lúc mà James ngờ rằng những thay đổi có thể nhận thấy trong Ahmed có thể cũng tương đồng với những thay đổi không thể nhận thấy. Cửa hàng ngày một mở muộn hơn vào buổi sáng và đóng cửa sớm hơn. Những người bạn Somali của Ahmed cũng hiếm khi thấy cậu và một số còn đến hỏi thăm xem cậu có ổn không. Và họ cũng nhận ra sự thay đổi, không chỉ bởi Ahmed mặc những chiếc quần mới được là lượt, đeo kính Ray-Ban hay dùng điện thoại iPhone đời mới nhất, mà còn bởi cậu dường như còn không có thời gian tán phét cùng họ. Cậu luôn vội vàng, bí ẩn đi đâu đó, cho dù cậu sẽ chẳng giải thích cậu đi đâu.

Những người bạn Somali của cậu không phải người duy nhất nhận ra. Một hôm, James tình cờ nghe được cuộc trò chuyện giữa Yacine và tay đầu bếp người Thổ Nhĩ Kỳ – mà Yacine cho rằng cậu thanh niên người Somali kia là “người tình trẻ” của James. James mong giá mà là thế. Ông vờ như không nghe thấy gì và lấy bữa tối cho ngày hôm đó.

Có thể một số kẻ với mục đích bất chính đã theo dõi việc Ahmed thường xuyên vắng mặt ở cửa hàng, bởi thế mà nó đã bị đột nhập và mọi thứ có giá đều bị lấy đi, cửa để mở toang cho đến khi mặt trời mọc, khi một số người qua đường phải kìm lòng trước bất cứ thứ gì họ có thể với lấy được.

Không còn nơi nào khác để đi, không còn cửa hàng để phải bận tâm, và không còn gì gọi là việc để làm, Ahmed chuyển hẳn đến ở nhà James. Về phần mình, James giảm tối thiểu thời gian đi tới nhà hàng và làm việc tại nhà, bà giúp việc nấu hầu hết bữa ăn trong ngày cho ông và Ahmed, và đến đêm cả hai sẽ cùng ăn đồ ăn thừa hoặc chuẩn bị đồ ăn nhẹ. Ahmed ngày càng dành nhiều thời gian xem TV trong phòng sinh hoạt chung. James sẽ cùng cậu xem tin tức và, ngồi sát cạnh nhau, họ nắm tay trò chuyện.

Một buổi sáng sớm, James lẻn vào phòng Ahmed, trèo lên giường và rúc vào người cậu. Trong một lúc, Ahmed vờ như vẫn đang ngủ và không hề động đậy. Nhưng khi James, trần trụi hoàn toàn, xích lại gần hơn, tay ông đưa ra và tỏ rõ ý định của mình, Ahmed bảo, “Làm ơn, chưa phải bây giờ,” trong cùng tông giọng mà một người phụ nữ sẽ dùng khi cô đến tháng. Và cả hai khỏa thân nằm cùng nhau ngủ, chờ một ngày thích hợp để trọn vẹn mối gắn kết giữa hai người.

Bản dịch © 2014 Nguyễn Huy Hoàng

Advertisement

One comment on “Truyện ngắn: “The Start of the Affair” – Nuruddin Farah

  1. Bà Tám
    July 21, 2015

    Một cố gắng trong việc chinh phục tình yêu của một người đồng tính chưa biết sẽ đi đến đâu. Truyện hay nhờ suspension được cấu tạo dần dần và cái kết thúc còn mở ra chưa biết sẽ đi đến đâu.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Information

This entry was posted on December 31, 2014 by in Truyện and tagged .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

%d bloggers like this: