Nguyễn Huy Hoàng

the star is fading

Văn chương và chủ nghĩa toàn trị

orwell_bbc

Nguồn: George Orwell, “Literature and Totalitarianism,” Listener, 1941.
Nguyễn Huy Hoàng dịch.

Từ đầu buổi nói chuyện đầu tiên (trên đài BBC), tôi đã nói rằng đây không phải là thời đại phê bình. Đây là thời đại nhập thế (partisanship) chứ không phải thời đại xuất thế (detachment), thời đại mà ta rất khó nhận ra giá trị của một cuốn sách nếu ta không đồng tình với những kết luận chứa đựng trong đó. Chính trị — trong nghĩa rộng nhất của nó — đã xâm chiếm văn chương tới mức độ mà thông thường nó sẽ không thể đạt tới, và đó là lý do tại sao chúng ta nhận thức được cuộc tranh đấu vốn luôn diễn ra giữa cá nhân và cộng đồng. Chỉ cần cân nhắc những khó khăn khi viết một bài phê bình trung thực và công tâm trong một thời đại như thời đại của chúng ta, ta sẽ nắm bắt được bản chất của những mối đe dọa treo trên toàn bộ nền văn học trong thời gian sắp tới.

Chúng ta đang sống trong thời đại mà [khái niệm/sự] cá nhân tự trị (autonomous individual) đang đến hồi chấm dứt — hay đúng hơn là thời đại mà cá nhân không còn ảo tưởng rằng mình độc lập nữa. Lúc này, khi nói về văn chương, và (đặc biệt là) khi nói về phê bình, chúng ta mặc nhiên xem cá nhân là độc lập. Toàn bộ nền văn học hiện đại châu Âu — tôi đang nói đến nền văn học trong suốt bốn trăm năm qua, được xây dựng trên khái niệm trung thực tri thức, hay nói theo Shakespeare, nếu thích, là “Hãy trung thực với chính mình.” Điều đầu tiên chúng ta đòi hỏi ở một nhà văn là anh ta không được dối trá, chỉ nói những điều anh ta nghĩ, những điều anh ta thực sự cảm nhận. Điều tệ hại nhất mà ta có thể nói về một tác phẩm nghệ thuật là nó gian dối. Điều này thậm chí còn đúng với lĩnh vực văn học phê bình hơn là lĩnh vực văn học sáng tác, trong lĩnh vực văn học sáng tác thì một chút điệu bộ, một chút kiểu cách, và thậm chí là một chút thẳng thừng giảo hoạt cũng chẳng hề gì, miễn là về cốt yếu, nhà văn thành thực. Nền văn học hiện đại thực chất là mang tính cá nhân. Nó hoặc truyền tải được tư duy và cảm xúc của cá nhân, hoặc không là gì cả.

Như tôi đã nói, chúng ta coi quan điểm đó là đương nhiên, nhưng chỉ cần thể hiện ý nghĩ đó thành lời, ta sẽ nhận ra văn chương bị đe dọa ra sao. Đây là thời đại của nhà nước toàn trị, nhà nước mà không hay có lẽ không thể cho cá nhân bất kỳ tự do nào. Khi nhắc đến chế độ toàn trị, ta có thể lập tức nghĩ đến Đức, Nga, Ý, nhưng tôi nghĩ chúng ta đang phải đối mặt với nguy cơ hiện tượng này lan rộng trên toàn cầu. Rõ ràng là thời kỳ của chủ nghĩa tư bản tự do đang đi đến hồi kết và ngày càng có nhiều nước áp dụng nền kinh tế tập trung mà có thể gọi là chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa tư bản nhà nước, tùy theo ý thích mỗi người. Cùng với đó, sự tự do kinh tế của cá nhân, cùng một mức độ tự do làm điều mình thích, tự chọn nghề nghiệp, tự do đi lại sẽ chấm dứt. Cho đến tận gần đây chúng ta vẫn chưa lường trước được những tác động của nó. Chúng ta chưa bao giờ nhận thức đầy đủ việc mất tự do kinh tế sẽ ảnh hưởng thế nào đến tự do tri thức. Chủ nghĩa xã hội thường được coi là một dạng chủ nghĩa tự do đạo đức. Nhà nước chịu trách nhiệm cho đời sống kinh tế, đảm bảo người dân khỏi nỗi sợ đói nghèo, thất nghiệp, và vân vân, nhưng không cần phải can thiệp vào đời sống tinh thần riêng tư của người dân. Nghệ thuật sẽ nở rộ như nó đã từng trong thời kỳ chủ nghĩa tư bản tự do, có thể còn một chút hơn thế, bởi nghệ sĩ không còn phải chịu đựng sức ép kinh tế thêm nữa.

Nhưng giờ đây, với những sự thật hiển hiện, phải thừa nhận rằng những quan niệm đó là sai lầm. Chủ nghĩa toàn trị đã xóa bỏ tự do tư tưởng ở mức độ chưa từng có trong bất cứ thời kỳ nào trước đây. Điều quan trọng là nhận ra việc chế độ toàn trị kiểm soát tự do không chỉ tiêu cực mà còn tích cực. Nó không chỉ cấm đoán ta thể hiện — thậm chí suy nghĩ — một số tư tưởng nhất định, nó còn bức chế những điều ta sẽ nghĩ, nó tạo hệ tư tưởng cho ta, nó tìm cách kiểm soát đời sống tình cảm của ta, cũng như thiết lập một bộ quy tắc ứng xử. Nó tìm mọi cách có thể để cách ly ta khỏi thế giới bên ngoài, nó giam giữ ta trong một thế giới giả tạo khiến ta không còn tiêu chuẩn nào để so sánh. Các nhà nước toàn trị sẽ tìm cách kiểm soát tư tưởng và cảm xúc, ít nhất cũng hoàn toàn như cách nó kiểm soát hành động của người dân, bằng mọi giá.

Vấn đề quan trọng đối với chúng ta là: liệu văn chương có tồn tại được trong bối cảnh như vậy hay không? Tôi nghĩ ta có thể trả lời ngắn gọn là không. Nếu chủ nghĩa toàn trị trở nên phổ biến trên khắp thế giới và bền vững, thứ mà chúng ta vẫn gọi là văn học sẽ phải tiêu tàn. Và chẳng nên cho rằng — như có vẻ hợp lý lúc ban đầu — chỉ có nền văn học châu Âu thời kỳ hậu Phục hưng chấm dứt.

Có một số khác biệt căn bản giữa chế độ toàn trị và tất cả các [chế độ] chính thống (orthodoxy) khác trong quá khứ, cả ở châu Âu cũng như ở phương Đông. Quan trọng nhất là các chế độ chính thống trong quá khứ không thay đổi, hoặc nếu có cũng không thay đổi một cách nhanh chóng. Giáo hội thời châu Âu Trung cổ quyết định những gì ta nên tin, nhưng ít nhất cũng cho phép ta giữ trọn những đức tin đó trong suốt cuộc đời. Nó không bảo ta thứ hai tin điều này thứ ba tin điều khác. Điều này cũng đúng với những tín đồ Công giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo, và Hồi giáo ngày nay. Nói một cách nào đó thì những tư tưởng của họ cũng bị bó hẹp, nhưng họ sẽ sống cả đời trong khuôn khổ tư tưởng đó. Tình cảm của họ không bị xáo trộn.

Chủ nghĩa toàn trị lại hoàn toàn ngược lại. Nét dị biệt của chế độ toàn trị là dù kiểm soát tư tưởng, nó lại không ấn định chúng. Nó đưa ra những giáo điều không thể chối cãi và thay đổi chúng ngày qua ngày. Chế độ toàn trị cần những giáo điều bởi nó cần người dân phục tùng tuyệt đối, nhưng không thể không thay đổi theo nhu cầu của các thế lực chính trị. Lúc tuyên bố rằng nó không thể sai lầm cũng là lúc tự nó phá vỡ chính khái niệm về sự thật khách quan. Một ví dụ rõ ràng và đơn giản, trước tháng 9 năm 1939 (thời điểm Hiệp ước Xô-Đức có hiệu lực – ND), mọi người Đức đều coi chủ nghĩa Bolshevik Nga là tàn bạo và ghê tởm, nhưng từ sau tháng 9 năm 1939 lại phải coi nó là đáng khâm phục và đáng mến. Nếu Nga và Đức tiến tới chiến tranh, mà có khả năng điều đó sẽ xảy ra trong ít năm tới, chắc chắn sẽ lại có sự thay đổi đột ngột không kém. Đời sống tình cảm của người Đức, tình yêu và lòng thù hận của anh ta, nếu cần có thể đảo ngược chỉ qua một đêm. Có lẽ tôi không cần phải chỉ ra điều đó ảnh hưởng thế nào đến văn chương. Sáng tác trên hết là cảm nhận, mà tình cảm không phải lúc nào cũng có thể kiểm soát từ bên ngoài. Đãi bôi với chính thống thì dễ, nhưng văn chương chỉ có giá trị khi nhà văn cảm nhận được chính sự thật anh ta đang viết; nếu thiếu điều đó thì cũng không có sự thúc đẩy sáng tạo. Mọi bằng chứng chúng ta có lại cho thấy những thay đổi tình cảm đột ngột như chế độ toàn trị đòi hỏi ở những người dân của họ về mặt tâm lý là không thể. Đó chính là lý do tôi cho rằng nếu chủ nghĩa toàn trị giành thắng lợi trên khắp thế giới, nền văn học mà chúng ta biết sẽ biến mất. Thực tế là cho đến nay, có vẻ như chủ nghĩa toàn trị đã có tác động như vậy. Nền văn học ở Ý đã què quặt, còn ở Đức thì gần như không còn. Hành động đặc thù nhất của Đức Quốc xã là đốt bỏ sách. Và ngay cả ở Nga, sự phục hưng văn học chúng ta từng kỳ vọng cũng không diễn ra, những nhà văn Nga có triển vọng nhất lại cho thấy khuynh hướng rõ rệt ở đây là tự vẫn, hoặc biến mất trong các nhà tù.

Như tôi đã nói, chủ nghĩa tư bản tự do rõ ràng đang sắp chấm dứt, và vì thế tôi có thể đưa ra kết luận rằng tự do tư tưởng cũng không tránh khỏi bị diệt vong. Nhưng tôi không tin điều đó nhất định sẽ xảy ra, và để kết luận tôi xin nói đơn giản rằng, tôi tin hy vọng sống sót của văn chương nằm trong các quốc gia mà chủ nghĩa tự do đã ăn sâu bén rễ, các nước phi quân sự, Tây Âu và châu Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc. Tôi tin — dẫu có thể đây chỉ là hy vọng mù quáng — rằng dù không thể tránh khỏi nền kinh tế tập thể, các quốc gia này sẽ tìm được cách phát triển một hình thức chủ nghĩa xã hội phi toàn trị mà trong đó, tự do tư tưởng có thể tiếp tục tồn tại cả khi chủ nghĩa cá nhân kinh tế biến mất. Dẫu sao đi nữa, đó cũng là niềm hy vọng duy nhất cho những ai quan tâm đến văn chương có thể tựa vào. Bất cứ ai cảm nhận được giá trị của văn chương, bất cứ ai thấy được vai trò chủ đạo của nó trong sự phát triển của lịch sử loài người, phải nhận thức được việc chống lại chủ nghĩa toàn trị, dù được áp đặt từ bên ngoài hay từ bên trong, là đòi hỏi sống còn. ♦

Bản dịch © 2014 Nguyễn Huy Hoàng.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Information

This entry was posted on December 30, 2014 by in Văn hóa & Xã hội and tagged .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

%d bloggers like this: