Illustration by Jason L. Booher
Colm Tóibín (1955–) là nhà văn người Ireland và giáo sư nhân văn học tại Đại học Columbia. Cuốn sách mới nhất của ông là On Elizabeth Bishop (Princeton University Press, 2015). Truyện ngắn “Sleep” được đăng trên tạp chí The New Yorker (March 23, 2015 Issue).
Tôi biết em sẽ làm gì khi buổi sáng bắt đầu. Tôi dậy trước em và nằm yên. Đôi lúc tôi mơ màng, nhưng thường thì tôi tỉnh, với đôi mắt mở. Tôi không cử động. Tôi không muốn làm phiền em. Tôi có thể nghe tiếng em thở mềm mại, êm đềm và tôi thích thế. Rồi đến một lúc nào đó em sẽ quay về phía tôi mà vẫn nhắm mắt; tay em quờ sang, rồi em chạm vào vai tôi hoặc lưng tôi. Rồi cả cơ thể em lại gần bên tôi. Như thể em vẫn đang ngủ—không tiếng động nào từ em, chỉ một nhu cầu, gần như bức thiết nhưng vô thức, được gần gũi ai đó. Một ngày bắt đầu như thế khi em ở bên tôi.
Lạ làm sao bao nhiêu nỗ lực vô tình đã mất đi để đưa chúng ta đến đây. Các kỹ sư và các nhà thiết kế phần mềm không bao giờ có thể đoán được, khi đặt ra chiến lược và tìm cách đầu tư, rằng thứ mà họ đang tạo ra—Internet—sẽ khiến hai người xa lạ gặp nhau và rồi, sau một thời gian, nằm dưới ánh sáng mới lên của buổi sáng, ôm nhau. Nếu không có họ, mình sẽ không bao giờ được ở cùng nhau ở nơi này.
Một hôm em hỏi tôi có ghét người Anh không, và tôi trả lời là không. Tất cả những thứ ấy giờ đã qua rồi. Là người Ireland thật dễ dàng trong những ngày này. Có lẽ dễ dàng hơn cả việc là người Do Thái và biết, như em biết, rằng anh chị em của ông bà em đã chết dưới tay Hitler. Và biết rằng ông bà em, những người mà em yêu thương và thỉnh thoảng đến thăm ở Long Island, đã mất anh chị em mình; họ sống với thảm họa ấy, ngày qua ngày.
Thật là đáng tiếc khi có thứ âm nhạc Đức vĩ đại như thế, em nói, và tôi bảo em nước Đức đến dưới nhiều dáng vẻ, rồi em nhún vai và nói, “Không phải cho mình.”
Chúng mình sống ở New York, khu Upper West Side, và khi tôi kéo rèm phòng ngủ chúng mình có thể thấy dòng sông và cầu George Washington. Em không biết, vì tôi sẽ không bao giờ nói cho em biết, cây cầu ở quá gần và nằm gọn trong tầm mắt làm tôi sợ đến nhường nào. Em biết nhiều về âm nhạc hơn tôi, nhưng tôi đã đọc những cuốn mà em chưa đọc. Tôi hy vọng em đừng bao giờ đọc phải Một đất nước khác của James Baldwin; tôi hy vọng mình sẽ không bao giờ vào phòng mà thấy em đọc nó, theo Rufus qua New York đến hành trình cuối cùng của anh ta, lên tàu, đến cây cầu, cú nhảy, dòng nước.
Có một năm không được nhắc đến trong những câu chuyện đời em, và điều này khiến những ai yêu em phải trông chừng em cẩn thận. Tôi đã hỏi em một vài lần và chứng kiến đôi vai gồ lên và cái nhìn mơ hồ, trống trải của em, cái nhìn lơ đãng của em mỗi khi em không ổn. Tôi biết bố mẹ em không thích tôi lớn tuổi hơn em, nhưng biết tôi không uống rượu hay chơi thuốc cũng gần như bù đắp được điều đó, hoặc tôi muốn nghĩ là bù đắp được. Em cũng không uống rượu hay chơi thuốc, nhưng em có ra ngoài hút thuốc, và có lẽ tôi cũng nên tập hút, để có thể trông chừng em bình thường khi em ở ngoài đó mà không phải đợi và thở phào khi nghe tiếng cửa thang máy mở và tiếng chìa của em trong ổ.
Không có năm nào trong cuộc đời tôi mà tôi không thể lý giải, nhưng có những năm mà giờ đây tôi không nghĩ đến nữa, những năm chầm chậm trôi qua, trong một dạng cơn đau xoắn lại. Tôi chưa bao giờ làm em lo nghĩ. Em nghĩ tôi mạnh mẽ vì tôi lớn tuổi hơn, và có lẽ đúng là nên như thế.
Tôi đủ lớn tuổi để nhớ hồi mọi chuyện còn khác. Nhưng giờ thì không ai quan tâm nữa, trong căn hộ này hay trong thế giới bên ngoài, việc chúng mình là đàn ông và thường thức dậy trên cùng một giường. Giờ thì không ai quan tâm đến việc khi chạm vào mặt nhau chúng mình thấy cả hai đều cần cạo râu. Hoặc khi chạm vào cơ thể em tôi thấy một cơ thể giống cơ thể tôi, dù rắn chắc hơn và trẻ hơn hơn hai mươi năm. Em đã cắt bao quy đầu còn tôi thì chưa. Đó là sự khác biệt. Chúng ta đã cắt và chưa cắt, như người ta nói trong đất nước này nơi bây giờ hai ta cùng sống, nơi em sinh ra.
Đức, Ireland, Internet, quyền đồng tính, Do Thái giáo, Công giáo: tất cả đã đưa chúng mình đến đây. Đến căn phòng này, đến chiếc giường này ở Mỹ. Chuyện này diễn ra thì khó chứ không bao giờ diễn ra thì dễ. Trong quá khứ nó có vẻ thật khó mà trở thành sự thật.
Tôi cảm thấy hạnh phúc, thư thái, sẵn sàng cho ngày mới khi trở vào từ phòng tắm và thấy em đang nằm ngửa và đeo kính, hai tay gối sau đầu.
“Anh có biết mình ngủ mơ không? Gần như là khóc. Nói mê các thứ.” Giọng em đang buộc tội; có một tiếng run rẩy trong đó.
“Anh không nhớ gì cả. Lạ nhỉ. Có to không?”
“Có to. Không phải lúc nào cũng thế, chỉ gần cuối mới to, tay anh còn quờ quạng. Em quay sang anh thì thầm, anh mới ngủ trở lại. Rồi anh không sao nữa.”
“Em thì thầm gì với anh?”
“Em bảo không sao cả, không có gì đâu. Đại loại thế.”
“Hy vọng anh không làm em mất ngủ.”
“Không sao. Em ngủ tiếp. Em không biết anh mơ gì, nhưng không phải mơ gì tốt đẹp.”
***
Nỗi sợ đến vào những ngày thứ Bảy, và nó cũng đến, nếu như tôi đang ở đâu đó, trong một căn phòng khách sạn chẳng hạn, mà có tiếng la hét dưới phố vào đêm. Tiếng la hét dưới cửa sổ. Tôi giữ nó cho riêng mình, nỗi sợ, và làm như thế đôi khi tôi giữ nó cách xa mình, bằng chiều dài của cánh tay, ở đâu đó. Nhưng cũng có những lúc khác nó ập qua, thứ gì đó gần như nỗi khiếp sợ, như thể thứ đã diễn ra vẫn chưa diễn ra nhưng sẽ diễn ra, hoặc sắp diễn ra, và tôi chẳng thể làm gì để ngăn nó lại. Nỗi sợ có thể đến từ hư không. Có thể tôi đang đọc sách, như tôi thường làm vào những ngày thứ Bảy trong khi em tập thể dục hoặc đi nghe hòa nhạc với bạn. Tôi đang đọc rồi đột nhiên tôi nhìn lên, bất an.
Nỗi sợ len vào tâm can và đốt sống cổ tôi như một cơn đau, và có vẻ như chẳng có gì có thể nhấc được nó lên. Cuối cùng, như cách nó đến, nó sẽ đi, dù không dễ dàng. Đôi lúc một tiếng thở dài, hoặc đi bộ đến tủ lạnh, hoặc giữ cho mình bận rộn bằng cách gấp quần áo và sắp xếp giấy tờ, sẽ giúp tôi thoát khỏi nó, nhưng lúc nào cũng khó mà biết được làm gì thì có tác dụng. Nỗi sợ có thể ở lại một lúc, hoặc trở lại như thể nó đã để quên thứ gì. Nó không nằm dưới sự kiểm soát của tôi.
***
Tôi biết mình ở đâu và đang làm gì khi em trai tôi qua đời. Tôi ở Brighton, ở Anh, và tôi nằm trên giường và không ngủ được, vì có những đám đông say xỉn đang hò hét dưới cửa sổ khách sạn. Khoảng hai đến ba giờ sáng nó qua đời, trong chính nhà mình ở Dublin. Đêm hôm ấy nó ở đó một mình. Nếu lúc chuyện diễn ra mà tôi đang ngủ, có thể tôi sẽ tỉnh, hoặc ít nhất bồn chồn cả đêm. Nhưng có lẽ không. Có lẽ tôi sẽ chỉ tiếp tục ngủ.
Nó đã chết. Đó là điều quan trọng nhất cần nói. Em tôi ở căn nhà của nó ở Dublin. Nó ở một mình. Hôm ấy là đêm thứ Bảy, sáng Chủ nhật. Nó gọi cứu thương lúc hai giờ kém. Khi xe đến, nó đã chết, và các nhân viên y tế đã không thể đưa nó trở lại cuộc sống.
Tôi chưa bao giờ kể với bất cứ ai rằng mình đã thức trong căn phòng đó ở Brighton trong những giờ ấy. Nó gần như không quan trọng. Nó quan trọng chỉ với tôi và chỉ tùy lúc.
***
Một buổi tối mùa đông khi em ở lại đây, chúng mình lên giường sớm. Như một người Mỹ điển hình, em mặc áo phông và quần đùi trên giường. Tôi mặc đồ ngủ, như một người Ireland điển hình. Chet Baker đang mở khe khẽ. Chúng mình đều đang đọc, nhưng tôi biết em đang bồn chồn. Vì em còn trẻ, tôi luôn ngờ rằng em đang hứng thú khi tôi thì không, và đó là một trò đùa giữa chúng ta. Nhưng có lẽ nó đúng; có lẽ nó có lý. Dù sao đi nữa, em vẫn ngả về phía tôi. Tôi đã học cách luôn chú ý khi điều này diễn ra, không bao giờ có vẻ lơ đãng hay mệt mỏi hay buồn chán. Khi mình nằm bên nhau, em thì thầm.
“Em đã kể với nhà phân tích của em về anh.”
“Cái gì về anh?”
“Chuyện anh khóc vào đêm và thứ Bảy em về nhà thấy anh trông rất sợ hãi hay buồn bã hay chuyện gì đó mà anh không nói ra được.”
“Em có nói gì về chuyện ấy hôm thứ Bảy đâu nhỉ. Thứ Bảy tuần này à?”
“Vâng, thứ Bảy. Em không muốn nhắc đến chuyện ấy.”
“Ông ấy nói gì?”
“Ông ấy bảo anh phải làm gì đó. Em bảo ông ấy là anh bảo người Ireland không đến gặp nhà phân tích.”
“Ông ấy nói gì?”
“Ông ấy bảo vì thế mà có nhiều tiểu thuyết và vở kịch Ireland dở.”
“Có một số vở hay đấy chứ.”
“Ông ấy không nghĩ thế.”
Chúng mình nằm đó nghe Chet Baker hát bài “Almost Blue,” và tôi nhướn người sang để hôn em. Em chống mình trên khuỷu tay và nhìn tôi.
“Ông ấy bảo anh cần được giúp đỡ nhưng phải là sự giúp đỡ từ người Ireland, chỉ một nhà phân tích người Ireland mới hiểu được anh. Em bảo ông ấy anh không ghét người Anh, và có thể anh có thể có một ông bác sĩ Anh chẳng hạn, rồi ông ấy bảo có vẻ anh cần được giúp đỡ sớm hơn ông ấy nghĩ.”
“Em trả tiền ông ấy cho mấy cái vớ vẩn này à?”
“Bố em trả.”
“Ông ấy nghe như một gã hề, ông bác sĩ của em ấy.”
“Ông ấy bảo em đừng có nghe anh. Cứ bắt anh làm thế thôi. Em bảo nói chung anh vẫn ổn. Nhưng em bảo ông ấy thế trước rồi. Này, ông ấy thích anh đấy.”
“Kệ ông ấy!”
“Ông ấy tốt, ông ấy tử tế, ông ấy thông minh. Ông ấy thẳng nữa, nên anh không phải lo gì đâu.”
“Đúng đấy. Anh không phải lo gì đâu.”
***
Mùa xuân đến, và thứ gì đó mà tôi đã quên bắt đầu. Đằng sau tòa nhà căn hộ này là một con hẻm, hoặc một khoảng trống giữa hai tòa nhà, và nếu đêm mà trời ấm thì một số sinh viên sẽ tụ tập ở đó, có lẽ là những người hút thuốc. Đôi lúc tôi nghe thấy tiếng họ và âm thanh ấy trở thành một phần của đêm, như tiếng của bộ tản nhiệt, cho đến khi nó lịm dần. Nó chưa bao giờ làm phiền tôi trong suốt thời gian tôi sống ở đây, và tôi không có ký ức gì về việc em từng nhắc đến nó. Ở đây yên tĩnh, yên tĩnh so với khu trung tâm hoặc với căn hộ em thuê chung ở Williamsburg vào những đêm em không ở lại cùng tôi.
Tuy nhiên, đáng lẽ tôi phải biết một đêm nào đó tiếng ồn ấy sẽ tìm đến tôi trong giấc ngủ. Có thể nếu tôi có một bác sĩ người Ireland, như bác sĩ của em gợi ý, ông ấy sẽ cảnh báo tôi chuyện này, hoặc là tôi sẽ tự nhận thức được sau nhiều cuộc gặp với ông ấy.
Tôi không nhớ nó bắt đầu ra sao, nhưng em thì có. Tôi rên rỉ trong giấc ngủ, hoặc em nói như thế, rồi yên lặng một lúc. Và khi không còn tiếng la hét trong căn hẻm sau tòa nhà, tôi bắt đầu run rẩy. Em nói đúng hơn nó giống như ai đó rùng mình, co giật trong cơn sợ hãi, nhưng tôi vẫn không nhớ gì. Khi cố đánh thức tôi mà không được, em bắt đầu sợ hãi. Tôi biết là mọi thứ mà em làm, cách em quản lý ngày của mình, được thúc đẩy bằng một nhu cầu không bao giờ được sợ hãi.
Khi cuối cùng tôi cũng tỉnh, em đang gọi điện và trông em sợ hãi. Em kể tôi chuyện vừa xảy ra rồi với lấy áo sơ mi.
“Em về đây.”
“Sao thế?”
“Sáng em nói chuyện với anh sau. Em có taxi chờ.”
“Taxi?”
“Vâng, em có tiền rồi.”
Tôi nhìn em mặc áo. Em im lặng và thận trọng. Đột nhiên, trông em già hơn nhiều. Dưới ánh sáng từ ngọn đèn trên giường phía em nằm, tôi có thể thấy trông em sẽ thế nào trong tương lai. Em quay lại trong lúc bước ra cửa.
“Em sẽ nhắn.”
Trong một phút em đã đi. Lúc đó là ba giờ bốn mươi lăm phút khi tôi nhìn đồng hồ. Khi tôi nhắn tin xin lỗi em vì đã làm em tỉnh, em không trả lời.
Tối hôm sau em ghé qua. Tôi biết em có điều cần nói. Em không trả lời khi tôi hỏi em đã ăn chưa.
“Này, em đến lấy quần áo và đồ đạc.”
“Anh xin lỗi chuyện đêm qua.”
“Anh làm em sợ. Anh có vấn đề gì đó. Em không biết là gì, nhưng nó quá nặng nề với em.”
“Em không muốn ở lại đây nữa?”
“Này, em không nói thế. Em không nói như thế.”
Em thở dài và ngồi xuống. Tôi bắt đầu nói.
“Có lẽ mình nên—”
“Không, không ‘có lẽ,’ không ‘mình nên’ gì cả. Anh phải đến gặp ai đó thôi. Anh không tự mình làm được, em cũng không thể giúp anh, em sẽ không ở lại đây một lần nào nữa cho đến khi anh đã đến gặp ai đó. Không phải là em không muốn, nhưng nó lạ lùng lắm. Không chỉ một lần, không chỉ một cơn ác mộng. Nó rất dữ dội. Anh nên nghe thử. Em nghĩ là nên ghi âm lại trên điện thoại cho anh biết.”
Tôi tưởng tượng cảnh em cầm điện thoại trong bóng tối với nút RECORD trong khi tôi đang gặp cơn ác mộng mà không thể tỉnh dậy.
“Trong tuần rồi mình nói chuyện được không.”
“Được.”
Em vào phòng ngủ và một vài phút sau trở lại với một cái túi.
“Em chắc mình muốn lấy đồ chứ?”
“Vâng.”
Em đã gỡ sẵn chìa khóa căn hộ ra khỏi chùm chìa của em và để lên bàn. Chúng mình ôm nhau rồi em cúi đầu ra về. Tôi đứng dựa lưng vào cửa và nhắm mắt khi nghe tiếng thang máy đến và tiếng cửa mở cho em. Và tất cả những gì tôi có thể nghĩ là tôi sẽ không bao giờ làm điều đó với em, bước ra ngoài như thế. Và tất cả những gì tôi có thể nghĩ khi đó là có thể đấy là vấn đề của tôi. Em đã biết được chuyện gì đó mà tôi không muốn biết.
***
Luôn luôn có một cảm giác được phóng thích khi máy bay cất cánh từ J.F.K. đến Dublin. Người Ireland nào trên chiếc máy bay đó cũng đều biết đến cảm giác ấy; một số, như tôi, cũng biết là nó không kéo dài lâu. Tôi đọc một lúc rồi ngủ rồi tỉnh và nhìn quanh rồi bước vào nhà vệ sinh và thấy hầu hết hành khách còn đang ngủ. Nhưng tôi không nghĩ mình sẽ ngủ tiếp. Tôi không muốn đọc. Vẫn còn gần bốn tiếng nữa.
Tôi mơ màng rồi tỉnh rồi rơi vào giấc ngủ sâu nhất trong một giờ trước khi hạ cánh, nên tôi được đánh thức và nhắc kéo ghế về vị trí ngồi.
Có một khách sạn ở St. Stephen’s Green, bên phía đối diện với khách sạn Shelbourne, và tôi đã đặt phòng ở đó trong bốn đêm. Tôi không bảo ai mình sắp đến đây, trừ vị bác sĩ, một bác sĩ tâm thần, mà tôi gặp nhiều năm trước khi ông giúp một người bạn tôi bị trầm cảm và không ngủ được và không làm được bất cứ chuyện gì. Ông bác sĩ biết gia đình bạn tôi. Tôi còn nhớ quãng thời gian ông dành cho bạn tôi và ông cứ đến rồi lại đến như thế nào. Lòng tốt của ông, sự kiên nhẫn của ông, sự thận trọng của ông. Tôi nhớ mình đã pha trà cho ông một vài đêm trong những đêm ấy, và chúng tôi nói về những tứ tấu cuối của Beethoven và ông kể tôi nghe những bản ghi nào ông thích, trong khi bạn tôi nằm ở nhà bên trong một căn phòng tối. Tôi còn nhớ ông thích nhạc jazz và thấy lạ lùng làm sao khi tôi không thích.
Đó là cho đến khi tôi gặp em. Tôi thích nghe jazz cùng em.
Khi tôi gọi cho ông từ New York, ông vẫn nhớ khoảng thời gian ấy và bảo là ông đã đọc một vài cuốn của tôi. Ông bảo ông sẽ gặp tôi, nhưng tốt nhất là không nên gặp khi tôi vẫn còn jet-lag. Ông bảo tôi dành ra vài ngày giữa hôm hạ cánh xuống Dublin và cuộc hẹn. Bây giờ ông sống một mình, ông bảo, nên ông có thể tiếp tôi ở nhà. Ông ấy cho tôi địa chỉ, rồi chúng tôi sắp xếp thời gian. Khi tôi hỏi tiền công, ông bảo tôi có thể gửi cho ông mấy đĩa CD nhạc jazz ở New York hoặc cuốn sách tiếp theo của tôi.
***
Ở Dublin, tôi lang thang trên những con phố nhỏ vào ngày đầu tiên. Tôi đến rạp chiếu phim vào buổi chiều rồi lên khu Rathmines tìm một vài chỗ để nán lại, nơi tôi nghĩ mình sẽ không gặp người quen. Thành phố có vẻ tĩnh lặng, gần như yên bình.
Có một rạp mới ở Smithfield và tôi đến đó vào ngày thứ hai và xem liên tiếp hai bộ phim. Tôi tìm một nơi gần đó để ăn. Tôi để ý nó trở nên đông đúc như thế nào, những tiếng nói lớn ra sao, và có bao nhiêu tiếng cười đùa la hét. Tôi nghĩ về thành phố mà tôi từng biết, một nơi chuyên về những điều được nói lấp lửng, cái nhún vai, một nơi mà người ta nhìn nhau qua khóe mắt. Tất cả giờ đã qua rồi, hoặc ít nhất đã qua rồi ở Smithfield.
Tôi cố không ngủ vào ban ngày trong cả hai hôm, dù muốn. Tôi đến Hodges Figgis và Books Upstairs và mua mấy cuốn sách. Buổi tối, tôi xem tin tức Ireland và vài chương trình thời sự trên ti vi trong phòng khách sạn.
Rồi đến ngày thứ ba, lúc chiều muộn, tôi đến Ranelagh để gặp bác sĩ tâm lý. Tôi không chắc chúng tôi sẽ nói hay làm những gì. Tôi đã lên lịch trở về New York vào ngày hôm sau. Có thể có một loại thuốc cho vấn đề của tôi, nhưng tôi không chắc. Tôi cần ông ấy lắng nghe tôi, hoặc có lẽ tôi chỉ cần có thể bảo em khi tôi về rằng tôi đã gặp bác sĩ. Có lẽ, tôi nghĩ, ông ấy sẽ giới thiệu cho tôi ai đó ở New York mà tôi có thể gặp theo cách thông thường mà em vẫn gặp nhà phân tích của em, như cách em gọi.
Có một căn phòng dài trước đây là hai căn phòng, bài trí đẹp mắt. Chúng tôi cởi giày và ngồi đối diện nhau trên hai chiếc ghế bành đặt hướng về cuối căn phòng. Tôi nhận ra ông ấy không cần tôi nói; ông đã lắng nghe cẩn thận những gì tôi nói qua điện thoại. Ông hỏi tôi đã bao giờ bị thôi miên chưa, và tôi bảo chưa. Có một gã, tôi nhớ, từng làm chuyện đó trên ti vi hay trong rạp hát. Tôi không nhớ tên anh ta—Paul gì đó—nhưng đã thấy anh ta trên ti vi một hai lần. Tôi nghĩ thôi miên là một trò chơi ở các buổi tiệc tùng, hoặc thứ gì đó diễn ra trong những bộ phim đen trắng. Tôi không mong đợi một bác sĩ tâm thần sẽ gợi ý làm chuyện đó với tôi.
Ông sắp, ông ấy nói, sử dụng phép thôi miên. Cả hai người chúng tôi sẽ cần im lặng. Tốt nhất là tôi nên nhắm mắt, ông nói. Trong một giây tôi nghĩ mình nên hỏi tại sao ông ấy làm chuyện này, hoặc có phải lúc nào ông ấy cũng làm như thế, hoặc nó có thể đạt được gì, nhưng có gì đó trong cách thức bình thản mà ông tiếp cận công việc, có gì đó thận trọng, khiến tôi cảm thấy tốt hơn là không nên hỏi gì cả. Tôi vẫn cảnh giác và chắc chắn ông ấy nhận thấy điều này, nhưng nó không ngăn cản ông. Tôi nhắm mắt lại.
Ông im lặng. Tôi không biết ông im lặng trong bao lâu. Rồi bằng một giọng nói mới, một giọng nói nhiều hơn một tiếng thì thầm nhưng vẫn có một dòng chảy thầm thì, ông bảo tôi ông sẽ đếm đến mười, và đến “mười” thì tôi sẽ ngủ. Tôi gật đầu và ông bắt đầu.
Giọng của ông có sự mềm mại nhưng cũng có vẻ quyền lực. Tôi tự hỏi ông được đào tạo về thôi miên hay là xây dựng phương pháp của mình dựa trên những bệnh nhân khác. Khi ông đếm đến “mười,” không có sự thay đổi nào lớn. Nhưng tôi không cử động hay bảo ông tôi vẫn tỉnh. Tôi nhắm mắt, cố đoán xem bao lâu ông mới nhận ra câu thần chú đã không hiệu quả, nhận ra tôi chưa ngủ, tôi vẫn biết mình ở đâu.
“Tôi muốn anh nghĩ về em trai mình.”
“Tôi không nghĩ được gì cả.”
“Tôi muốn anh cứ từ từ.”
Tôi để đầu óc mình trống rỗng và nhắm mắt. Không có gì xảy ra cả, nhưng những cảm giác mà tôi đang có đang cô đặc lại, dù chúng chỉ là những cảm giác thông thường. Tôi cảm thấy thư giãn một cách kỳ lạ nhưng cũng không thoải mái. Nó như một khoảnh khắc từ thời thơ ấu, hoặc thậm chí từ tuổi trưởng thành, mà tôi có thể ngừng lo lắng về một vấn đề cấp bách trong một lúc mà vẫn nhận thức đầy đủ rằng nỗi lo sẽ quay trở lại. Trong quãng thời gian ngắn ngủi này tôi không cử động hay nói chuyện.
“Tôi muốn anh nghĩ về em trai mình,” ông nói một lần nữa.
Tôi bật ra một tiếng rên nhỏ, một kiểu tiếng khóc, nhưng không có cảm xúc nào đằng sau nó. Như thể tôi chỉ đang làm cái mà ông mong đợi tôi làm.
“Chẳng có gì cả, chẳng có gì cả,” tôi thì thầm.
“Đi theo nó.”
“Chẳng có gì cả.”
Ông im lặng, để không gian cho tôi rên rỉ và nói cho ông tôi đang đi đâu, nhưng tôi không chắc đó là nơi nào. Nó không giống như nơi nào cụ thể. Tôi đang di chuyển. Tôi cũng đang tỉnh. Ông nói vài lần nữa, giọng ông nhẹ nhàng hơn và kiên quyết hơn. Rồi tôi ngăn ông lại. Giờ tôi cần yên tĩnh và ông lại im lặng. Tôi thở dài. Tôi bối rối. Tôi không biết được mình đang đi đâu. Tôi biết mình đang ngồi trên một chiếc ghế bành trong một ngôi nhà ở Ranelagh và tôi có thể mở mắt bất cứ lúc nào. Tôi biết ngày mai tôi sẽ trở lại New York.
Và rồi nó đến, cái hành lang, chính là cái hành lang trong một ngôi nhà mà tôi biết nhưng chưa bao giờ sống trong đó. Sàn trải lino và có một chiếc bàn và một cánh cửa dẫn đến phòng khách, cánh cửa hơi hé mở. Có cầu thang ở cuối hành lang.
Rồi không còn “tôi” nào nữa. Tôi là một “anh ta.” Tôi không phải là mình.
“Anh có thấy buồn về chuyện em trai mình không?” bác sĩ tâm thần hỏi.
“Không. Không.”
Tôi đang nằm trên sàn cái hành lang ấy. Tôi đang chết. Tôi đã gọi xe cứu thương và đóng cửa trước nhưng không khóa.
Cái chết đến như một sự nhẹ nhàng, một sự nhẹ nhàng lớn dần, như thể thứ gì đó đang rời bỏ tôi, và tôi đang để nó đi, rồi tôi hoảng hốt, hoặc gần như hoảng hốt, rồi cảm thấy rã rời.
“Đi theo cảm giác của anh.”
Tôi ra dấu cho ông đừng nói gì nữa. Cái ý tưởng rằng giờ chỉ còn ít tôi hơn, và cái sự ít hơn ấy sẽ còn tiếp tục và sớm thôi sẽ còn lại ít tôi hơn nữa, rằng sự biến mất này sẽ tiếp diễn, đang nằm giữa lồng ngực tôi. Có gì đó đang đi xuống dưới, đang đi ra ngoài, dễ dàng một cách kỳ lạ và kiên quyết. Không còn nỗi đau, hơn một áp lực nhẹ nhàng bên trong cái tôi, hoặc trong cái tôi mà tôi đang là, trong hành lang này, căn phòng này. Nó diễn ra bên trong cơ thể tôi hệt như trong cái tôi có thể suy nghĩ hoặc ghi nhớ ấy. Thứ gì đó đang vươn tới cái chết, nhưng nó không phải cái chết; “cái chết” là một từ quá giản đơn. Nó gần hơn với một sự giải tỏa căng thẳng, cho đến khi chẳng còn lại gì—chẳng còn sự yên bình hay bất cứ điều gì như thế, chỉ là chẳng còn gì cả. Nó đang đến chậm rãi và không thể tránh được. Tôi, chúng tôi, đang mỉm cười, hoặc có vẻ mãn nguyện và không còn mối lo nào. Nó gần như khoái cảm, nhưng không hẳn là khoái cảm, và cũng không hẳn là sự vắng mặt của nỗi đau. Nó là không gì cả, và cái không gì cả đến không cùng áp lực nào, chỉ một mong muốn hay một nhu cầu, có vẻ tự nhiên, là cho mọi thứ tiếp diễn, là không cản đường chúng.
Lúc ấy tôi nghĩ trải nghiệm này đang kết thúc, và trước khi nó kết thúc tôi muốn biết mẹ anh em tôi có ở gần đây không, nhưng điều đó đến chỉ như một câu hỏi. Tôi nhìn thấy khuôn mặt bà, nhưng không cảm thấy sự hiện diện của bà. Tôi giữ suy nghĩ ấy và thấy mình khao khát một sự hoàn thiện nào đó, một hình ảnh nào đó thỏa mãn hơn, nhưng chẳng có gì đến cả. Thay vào đó, chỉ có sự tĩnh lặng, rồi tiếng động của cánh cửa đẩy mở ra và những giọng nói. Tôi có thể nghe thấy sự gấp gáp của những giọng nói ấy, nhưng nó giống như sự gấp gáp trong một bộ phim mà tôi không thể xem được đầy đủ; nó không thật. Nó nằm ở dưới nền nhà trong lúc tôi được nâng lên, trong lúc ngực tôi được ấn và đấm liên hồi, trong lúc nhiều giọng nói hơn cất lên, trong lúc tôi được đưa đi.
Rồi chẳng còn gì cả, thực sự chẳng còn gì cả—cái không gì cả mà tôi là và cái không gì cả ở trong căn phòng này lúc này. Bất cứ chuyện gì diễn ra, nó cũng đã kết thúc. Chẳng còn nơi nào để đi.
Tôi bắt đầu rên rỉ lần nữa, rồi tôi im lặng và cứ im lặng cho đến khi bác sĩ tâm thần nói nhẹ nhàng rằng ông sẽ lại đếm đến mười, và đến “mười” thì tôi sẽ trở lại từ nơi tôi đã ở lúc trước và tôi sẽ lại ở trong căn phòng này cùng với ông.
“Tôi không biết anh đã ở đâu, nhưng tôi đã để anh ở đó.”
Tôi không trả lời.
“Có lẽ anh đã biết được chuyện gì đó mà anh có thể cải thiện.”
“Tôi trở thành em mình.”
“Anh có thấy buồn không?”
“Tôi là nó. Tôi không phải tôi nữa.”
Ông ấy nhìn tôi bình thản.
“Có lẽ cảm xúc rồi sẽ đến bây giờ.”
“Tôi trở thành nó.”
Chúng tôi không nói gì trong một lúc. Khi nhìn đồng hồ tôi đã tưởng mình nhìn nhầm. Đồng hồ nói hai giờ đã trôi qua. Ngoài trời gần như đã tối. Ông ấy pha trà và mở nhạc. Khi tìm thấy đôi giày, tôi nhận ra khó mà xỏ được vào, như thể chân tôi đã to lên trong khoảng thời gian tôi ở nơi nào khác. Cuối cùng, tôi đứng dậy và sửa soạn ra về. Ông cho tôi một số điện thoại mà tôi có thể gọi trong vài tuần tới khi tiếp thu được những gì đã diễn ra.
“Đã có chuyện gì?” tôi hỏi.
“Tôi không biết. Anh mới là người phải làm công việc ấy.”
Ông tiễn tôi trên đôi chân xỏ mỗi tất đến cửa trước. Chúng tôi bắt tay, rồi tôi ra về. Tôi bước bộ qua Dublin, từ Ranelagh đến St. Stephen’s Green, ngang qua những người trên đường đi làm về.
***
Ở New York đang là mùa đông và tôi vẫn chưa trả lời những tin nhắn của em. Chúng đến ngày càng rời rạc và nói ngày một ít đi. Giờ chỉ còn “Hey!” hoặc “Hi” và sớm thôi, tôi nghĩ, chúng sẽ không đến nữa. Khi đến Lincoln Center để xem phim hoặc nghe nhạc, tôi nhìn danh sách những buổi hòa nhạc sắp diễn ra và xem tên em có trên đó không. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu một đêm tôi thấy em đứng gần tôi, đang nhìn tôi.
Giờ thì tôi dậy một mình. Tôi dậy sớm và nằm nghĩ ngợi hoặc mơ màng. Buổi sáng, tôi mang trên mình cả gánh nặng của giấc ngủ buổi đêm. Như thể tôi đã đốt kiệt sức mình trong bóng đêm, thay vì nghỉ ngơi. Chẳng có ai nói cho tôi biết tôi có phát ra tiếng động trong lúc ngủ hay không. Tôi không biết mình có ngáy, có rên rỉ, có khóc lóc hay không. Tôi muốn nghĩ là mình yên lặng, nhưng làm sao tôi biết được?
Copyright © 2015 by Colm Tóibín | Nguyễn Huy Hoàng dịch.