Margaret Atwood (1939–) là nhà văn và nhà thơ người Canada. Bà được trao giải Hoàng tử xứ Asturias năm 2008 và hai giải Man Booker vào các năm 2000 và 2019.
1) Tiểu thuyết của đàn ông viết về đàn ông. Tiểu thuyết của phụ nữ cũng viết về đàn ông nhưng từ một góc nhìn khác. Bạn có thể có một cuốn tiểu thuyết của đàn ông mà không có phụ nữ có lẽ trừ bà chủ nhà hay con ngựa trong đó, nhưng không thể có một cuốn tiểu thuyết của phụ nữ mà trong đó không có đàn ông. Đôi lúc đàn ông đưa phụ nữ vào tiểu thuyết của đàn ông nhưng họ bỏ lại một số bộ phận: đầu chẳng hạn, hoặc bàn tay. Tiểu thuyết của phụ nữ cũng bỏ lại những bộ phận của đàn ông. Đôi lúc đó là đoạn giữa rốn và đầu gối, đôi lúc đó là khiếu hài hước. Khó mà có khiếu hài hước trong một chiếc áo choàng, trong một cơn gió lộng, trên một bãi đất hoang.
Phụ nữ thường không viết những cuốn tiểu thuyết thuộc dạng được đàn ông ưa chuộng nhưng người ta biết đàn ông có viết những cuốn tiểu thuyết thuộc dạng được phụ nữ ưa chuộng. Một số người thấy điều này kỳ quặc.
2) Tôi thích đọc những cuốn tiểu thuyết trong đó nhân vật nữ chính có một bộ trang phục sột soạt một cách kín đáo trên bộ ngực cô, hoặc bộ ngực kín đáo sột soạt dưới trang phục cô; dù thế nào cũng phải có một bộ trang phục, chút ngực, chút sột soạt, và, trên tất cả, sự kín kẽ. Sự kín kẽ trên tất cả, như một màn sương mù, một màn hơi độc mà qua đó đường nét của mọi thứ chỉ xuất hiện một cách mơ hồ. Một cái nhìn lướt qua sắc hồng trong u tối, âm thanh của hơi thở, vải sa tanh tuột xuống sàn, tiết lộ điều gì? Đừng bận tâm, tôi nói. Đừng bao giờ bận tâm.
3) Đàn ông ưa những nhân vật nam chính cứng và rắn: cứng với đàn ông, rắn với phụ nữ. Đôi lúc nam chính mềm mỏng với một người phụ nữ nhưng đây luôn luôn là sai lầm. Phụ nữ không ưa những nhân vật nam chính cứng và rắn. Thay vào đó họ phải cứng và mềm. Điều này dẫn đến những khó khăn về ngôn ngữ. Lần cuối chúng ta nhìn, những từ đơn tiết là giới đực, vẫn thống trị nhưng chìm nhanh chóng, bị bao bọc trong những xúc tu của những từ đa âm tiết âm môi, thì thầm với chúng với vẻ biết ơn của loài nhện: em yêu, em yêu.
4) Tiểu thuyết của đàn ông viết về cách giành được quyền lực. Giết chóc và vân vân, hoặc chiến thắng và vân vân. Tiểu thuyết của phụ nữ cũng vậy, dù phương thức thì khác. Trong tiểu thuyết của đàn ông, giành được một hoặc nhiều phụ nữ đi cùng với việc giành được quyền lực. Nó là phần thưởng, không phải phương tiện. Trong tiểu thuyết của phụ nữ ta giành được quyền lực bằng cách giành được đàn ông. Đàn ông là quyền lực. Nhưng tình dục thì vô nghĩa, anh ta phải yêu bạn. Bạn nghĩ cái quỳ gối đó là thế nào, bên dưới khung đỡ váy, trên tấm thảm Ba Tư? Hoặc ít nhất là nói điều đó. Khi mọi thứ khác còn thiếu, thể hiện bằng lời nói có thể là đủ. Yêu. Đó, giờ bạn có thể đứng lên, nó đâu có giết bạn. Đâu có?
5) Tôi không còn muốn đọc bất cứ chuyện gì buồn. Bất cứ chuyện gì bạo lực, bất cứ chuyện gì não nề, bất cứ chuyện gì như thế. Không đám tang nào ở cuối, dù ở giữa có thể có một vài. Nếu phải có cái chết, hãy có sự hồi sinh, hoặc ít nhất có một Thiên đường để chúng ta biết mình đang ở đâu. Trầm uất và nghèo khổ chỉ dành cho những người dưới hai lăm, họ có thể đón nhận nó, thậm chí còn thích nó, họ vẫn còn đủ thời gian. Nhưng đời thực thì tồi tệ với bạn, nắm nó trong tay đủ lâu và bạn sẽ nổi nhọt và quẫn trí. Bạn sẽ mù.
Tôi muốn sự hạnh phúc, được đảm bảo, niềm vui ở mọi nơi xung quanh, những bìa sách in hình những cô y tá hoặc những cô dâu, những cô gái thông minh nhưng không quá thông minh, có hàm răng đều và dũng cảm và hai bầu vú cùng kích cỡ và không lông mặt thừa, một người mà ta có thể dựa vào để biết băng gạc ở đâu và để biến nhân vật nam chính, kẻ biến thái và tên giết người tiềm năng, thành một quý ông miền đồng quê ăn mặc chải chuốt với bộ móng tay sạch sẽ và vốn từ đúng đắn. Luôn luôn, anh ta phải nói, Mãi mãi. Tôi không còn muốn đọc những cuốn sách không kết thúc bằng từ mãi mãi. Tôi muốn được vuốt ve giữa hai mắt, một chiều duy nhất.
6) Một số người nghĩ tiểu thuyết của phụ nữ là bất cứ thứ gì không có chính trị trong đó. Một số người nghĩ nó là bất cứ thứ gì viết về những mối quan hệ. Một số người nghĩ nó là bất cứ thứ gì chứa rất nhiều hoạt động trong đó, ý tôi là những ca mổ. Một số người nghĩ nó là bất cứ thứ gì không cho ta một cái nhìn toàn cảnh rộng lớn về những khoảng thời gian thú vị của chúng ta. Tôi thì tôi chỉ muốn một thứ gì đó mà ta có thể để trên bàn cà phê và không quá lo nếu bọn trẻ có đọc. Bạn nghĩ đó không phải một cân nhắc thực tế? Bạn sai rồi.
7) Cô có đôi mắt hoảng hốt của một con chim hoang dã. Đây là kiểu câu khiến tôi phát cuồng. Tôi muốn có khả năng viết được những câu như thế mà không ngượng ngùng. Tôi muốn có khả năng đọc những câu như thế mà không ngượng ngùng. Giá mà làm được hai điều đơn giản ấy, tôi thấy, thì tôi có thể vượt qua quãng thời gian được phân bổ của mình trên trái đất này như một viên ngọc bọc trong nhung.
Cô có đôi mắt hoảng hốt của một con chim hoang dã. À, nhưng chim gì? Một con cú mèo Mỹ, có lẽ, hay một con đỗ quyên? Có khác biệt đấy. Chúng ta không cần thêm những nhà hiện thực chủ nghĩa của trí tưởng tượng. Họ không thể đọc một cơ thể như cơ thể của một con linh dương mà không nghĩ đến ký sinh trùng đường ruột, sở thú, và mùi.
Cô có cái nhìn hoang dại như của một con thú chưa được thuần hóa, tôi đọc. Bất đắc dĩ tôi đặt cuốn sách xuống, ngón cái vẫn giữ ở thời khắc thú vị. Anh ta sắp nghiền nát cô trong vòng tay mình, ấn chặt cái miệng nóng, cắn xé, cứng, đòi hỏi của mình vào miệng cô trong khi bầu ngực cô lộ ra khỏi cúp váy, nhưng tôi không thể tập trung. Ẩn dụ dẫn tôi bằng chiếc mũi, đi vào mê cung, và đột nhiên mọi khu vườn Eden nằm trước mặt tôi. Nhím, chồn, lợn rừng, và chồn hôi, những cái nhìn hoang dại của chúng hiểm độc hoặc dịu dàng hoặc lãnh đạm hoặc như lợn và tinh quái. Sự đau khổ, nhìn một frisson lãng mạn run rẩy vừa ngoài tầm với, một con bướm cánh đen mắc kẹt vào một quả đào chín, và không thể nào nuốt, hay đầm mình. Khổ đau nào? tôi lẩm bẩm với không khí không hồi đáp. Khổ đau nào?
Margaret Atwood, “Women’s Novels,” Murder in the Dark: Short Fictions and Prose Poems (Coach House Books, 1983).
Copyright © 1983 by Margaret Atwood | Nguyễn Huy Hoàng dịch.