Czesław Miłosz (1911–2004) là nhà văn, nhà thơ, và dịch giả người Ba Lan. Ông là giáo sư ngành ngôn ngữ và văn học Slavơ tại Đại học California, Berkeley, từ năm 1961 đến năm 1998, và được trao giải văn chương quốc tế Neustadt năm 1978 và giải Nobel văn chương năm 1980.
Chúng ta đã phấn đấu, nhưng những mục tiêu của chúng ta cứ lần lượt tan rã và giờ chúng ta chẳng còn gì ngoài những tác phẩm nghệ thuật và lòng tri ân mà chúng ta dành cho những người sáng tạo ra chúng.
Và cả nỗi buồn và lòng trắc ẩn. Bởi một nghệ sĩ, một nhà thơ hoặc một họa sĩ, lao động cật lực và theo đuổi từng ngày cái hoàn hảo đã thoát khỏi anh ta. Anh ta hài lòng với thành quả lao động của mình chỉ trong một khoảnh khắc, và chưa bao giờ chắc chắn mình có làm tốt những gì mình làm hay không.
Nhiều người chia sẻ số phận của họa sĩ nọ. Ông không quan tâm đến của cải trần thế, ông sống và ăn mặc phóng túng, và lời lẽ thiêng liêng của ông là: “Làm việc.” Mỗi sáng ông đứng trước giá vẽ của mình, làm việc cả ngày, nhưng vừa hoàn thành ông đã đặt tấm sơn dầu vào góc và quên đi nó, để bắt đầu một bức vẽ mới vào sáng hôm sau, luôn luôn với niềm hy vọng mới. Cố gắng vượt qua kỳ thi vào École des Beaux-Arts của ông đã không thành công. Ông yêu những bậc thầy của hội họa, cổ điển và đương đại, nhưng không có hy vọng sánh ngang họ. Ghê tởm cuộc sống thế gian, do nó sẽ lôi kéo ông khỏi công việc, ông đứng ngoài nó. Ông sống với người mẫu của mình, với bà ông có một người con trai, và sau mười bảy năm chung sống ông kết hôn với bà. Tranh của ông bị các Salon từ chối một cách hệ thống. Ông cần được xác nhận giá trị, nhưng dù bạn bè có ca ngợi ông, ông vẫn không tin họ và tự coi mình là một họa sĩ thất bại. Ông đá và giẫm lên những tấm sơn dầu của mình hoặc cho chúng đi miễn phí. Ở tuổi già ông tuyệt vọng vì thất bại của mình nhưng vẫn tiếp tục vẽ hằng ngày. Ở thị trấn quê hương ông, nơi ông sống, ông bị coi thường và thù ghét; khó mà biết được tại sao, bởi ông không làm hại ai và còn giúp đỡ người nghèo. Quê mùa, trong bộ quần áo đứt cúc nhem nhuốc, trông ông như một con bù nhìn và là trò cười của trẻ con. Tên ông là Paul Cézanne.
Câu chuyện này có thể an ủi nhiều độc giả, bởi lẽ nó xác nhận hình mẫu quen thuộc của sự vĩ đại không được công nhận và muộn mới đăng quang. Tuy nhiên, vẫn còn vô số nghệ sĩ, khiêm tốn và chăm chỉ tương tự, thường sống không xa chúng ta, mang trên mình những cái tên không có ý nghĩa gì trong ngày hôm nay.
Czesław Miłosz, “Oeuvre,” Road-side Dog, trans. Czesław Miłosz and Robert Hass (Farrar, Straus and Giroux 1998).
Copyright © 1998 by Czesław Miłosz | Nguyễn Huy Hoàng dịch.
Vậy bạn dịch giả cũng cân nhắc dịch những nhà văn không tên tuổi và không giải thưởng đi nhá.