Nguyễn Huy Hoàng

the star is fading

“Bức tường và những cuốn sách” – Jorge Luis Borges

borges.jpg

Jorge Luis Borges (1899–1986) là một nhà văn và nhà thơ người Argentina, một nhân vật chủ chốt trong nền văn chương tiếng Tây Ban Nha với những tác phẩm đã trở thành điển phạm của châu Mỹ Latin trong thế kỷ XX. Sách của ông bắt đầu được dịch và xuất bản rộng rãi ở Mỹ và châu Âu sau khi ông được trao giải Prix International cùng Samuel Beckett năm 1961. Danh tiếng quốc tế của ông cũng được củng cố bởi các giải de Cervantes năm 1969 và giải Jerusalem năm 1971, bên cạnh sự bùng nổ của các nhà văn Mỹ Latin thuộc thế hệ sau trong những năm 1960 và 1970.

Tiểu luận “La muralla y los libros” được đăng lần đầu trên tờ La Nación (Argentina, số 22 tháng 10, 1950), sau này được in trong Borges,                                 (Buenos Aires: Sur, 1952).

Bức tường và những cuốn sách

He, whose long wall the wand’ring Tartar bounds…
Dunciad, de ALEXANDER POPE, II, 76.

Tôi đọc, mấy ngày trước, rằng người ra lệnh dựng lên bức tường gần như bất tận của Trung Quốc là vị Hoàng đế đầu tiên, Thủy Hoàng đế [Tần Thủy Hoàng], cũng là người quyết định đốt mọi cuốn sách trước ông. Việc hai hoạt động lớn ấy—năm đến sáu trăm lý đá để chống lại các dân tộc man di, việc xóa bỏ triệt để lịch sử, tức là xóa bỏ quá khứ—bắt nguồn từ một người và phần nào là đặc trưng của ông ta, thỏa mãn tôi một cách không thể nào lý giải và đồng thời khiến tôi khó chịu. Điều tra những nguyên nhân gây ra cảm xúc ấy là mục tiêu của bài viết này.

Về mặt lịch sử, không có gì bí ẩn trong hai biện pháp. Cùng thời với những cuộc chiến tranh của Hannibal, Thủy Hoàng đế, vua nước Tần, đã thâu tóm Lục Quốc và xóa bỏ hệ thống phong kiến: ông dựng tường, bởi những bức tường là để phòng vệ; ông đốt sách, bởi bọn phản nghịch sẽ viện lấy chúng mà tán tụng các tiên đế. Đốt sách và dựng thành là việc làm phổ biến của các vị quân vương; điểm đặc biệt duy nhất ở Thủy Hoàng đế là quy mô mà ông tiến hành. Đây là điều mà một số nhà Hán học khiến chúng ta tin, nhưng tôi cảm thấy những sự kiện mà tôi nhắc đến là một thứ gì đó hơn hẳn sự cường điệu hay khoa trương của những khuynh hướng tầm thường. Rào một vườn cây hay vườn hoa thì phổ biến; rào một đế chế thì không. Đòi hỏi những chủng tộc truyền thống nhất từ bỏ ký ức về quá khứ của mình, huyền thoại hay thực tế, cũng không phải tầm thường. Trung Quốc đã trải qua 3.000 năm lịch sử (những năm ấy có Hoàng Đế và Trang Tử và Khổng Tử và Lão Tử) khi Thủy Hoàng đế ra lệch lịch sử phải bắt đầu cùng ông ta.

Thủy Hoàng đế đã đày ải mẫu thân mình vì gian dâm; trong thứ công lý hà khắc của ông ta, kẻ chính thống chẳng thấy gì ngoài nghịch đạo; Thủy Hoàng đế có lẽ muốn xóa bỏ sách thánh hiền bởi chúng lên án ông ta; Thủy Hoàng đế có lẽ muốn xoá bỏ toàn bộ quá khứ để xóa bỏ một ký ức duy nhất, sự ô nhục của mẹ ông ta. (Chẳng khác gì một ông vua khác, ở Judea, giết tất cả con mình để giết một đứa con.) Phỏng đoán này đáng xem xét, nhưng không nói được gì về bức tường, mặt thứ hai của huyền thoại. Thủy Hoàng đế, theo giới sử gia, cấm nhắc đến cái chết và tìm kiếm thuốc trường sinh và giam mình vào một cung điện trừu tượng, có số phòng nhiều bằng số ngày trong năm; những dữ kiện này gợi ý rằng bức tường trong không gian và ngọn lửa trong thời gian là những rào chắn pháp thuật nhằm ngăn chặn cái chết. Mọi thứ đều muốn tồn tại dưới bản dạng của chính nó, Baruch Spinoza viết; có lẽ Hoàng đế và những pháp sư của ông ta tin rằng bất tử là cố hữu và sự suy thoái thì không thể nào xâm nhập một vòng tròn khép kín. Có lẽ Hoàng đế muốn tái tạo khởi đầu của thời gian và gọi mình là Thủy [始, nghĩa là “đầu tiên”], để thực sự là đầu tiên, và gọi mình là Hoàng đế [皇帝], để bằng cách nào đó cũng là Hoàng Đế [黄帝], vị hoàng đế thần thoại phát minh ra chữ viết và la bàn. Vị thứ hai, theo Lễ ký, đã đặt tên cho vạn vật; tương tự, Thủy Hoàng đế khoe khoang, trên những bia khắc còn lưu lại, rằng vạn vật, dưới triều ông ta, đã được đặt tên phù hợp với chúng. Ông mơ mộng tạo ra một triều đại bất tử; ông ra lệnh gọi những người kế vị ông là Nhị thế, Tam thế, Tứ thế, và cứ như vậy cho đến muôn đời… Tôi đã nói về ý định pháp thuật; có vẻ dựng tường và đốt sách không phải là những hành động đồng thời. Điều này (tùy thứ tự mà ta chọn) sẽ cho thấy hình ảnh một vị vua bắt đầu bằng cách phá hủy rồi chấp nhận việc bảo tồn, hoặc một vị vua vỡ mộng phá hủy những gì từng được bảo vệ. Cả hai phỏng đoán đều kịch tính, nhưng thiếu, theo kiến thức của tôi, cơ sở lịch sử. Herbert Allen Giles nói rằng bất cứ ai giấu sách cũng đều bị đóng dấu bằng sắt nung đỏ và phải chịu hình phạt xây dựng, cho đến chết, bức tường bất tận. Thông tin này ủng hộ hoặc cho phép một cách diễn giải khác. Có lẽ bức tường là một phép ẩn dụ, có lẽ Thủy Hoàng đế trừng phạt những kẻ tôn sùng quá khứ bằng một công việc rộng lớn như quá khứ, rất ngớ ngẩn và rất vô dụng. Có lẽ bức tường là một thách thức và Thủy Hoàng đế nghĩ: “Con người yêu quá khứ và với tình yêu ấy ta không thể làm gì, những tên đao phủ của ta cũng thế, nhưng rồi sẽ có người cũng cảm thấy như ta, và sẽ phá hủy bức tường của ta, như ta đã tiêu hủy những cuốn sách, và sẽ xóa bỏ ký ức của ta và sẽ là cái bóng và hình ảnh phản chiếu của ta mà không hề hay biết.” Có lẽ Thủy Hoàng đế dựng tường quanh đế chế bởi ông biết nó có thể diệt vong, và tiêu hủy những cuốn sách bởi ông biết chúng là sách thiêng, tức là những cuốn sách dạy những gì mà toàn thể vũ trụ hay lương tâm của mỗi con người sẽ dạy. Có lẽ việc đốt các thư viện và dựng tường là những hoạt động bí mật triệt tiêu lẫn nhau.

Bức tường vững chắc mà ở thời khắc này, và ở mọi thời khắc, phủ hệ thống bóng của nó lên những mảnh đất mà tôi sẽ không bao giờ trông thấy, là cái bóng của một Caesar, kẻ ra lệnh cho những dân tộc đáng tôn kính nhất phải thiêu hủy quá khứ của mình; có khả năng bản thân ý tưởng này lay động chúng ta, bên ngoài phỏng đoán mà nó cho phép. (Mỹ đức của nó có thể nằm trong sự đối lập giữa xây dựng và phá hủy, trên một quy mô lớn.) Khái quát từ trường hợp trên đây, chúng ta có thể suy ra rằng mọi hình thức đều chứa mỹ đức của nó trong bản thân mình mà không phải trong một “nội dung” phỏng đoán nào đó. Điều này nhất quán với luận đề của Benedetto Croce; và Pater, vào năm 1877, đã khẳng định rằng mọi nghệ thuật đều khao khát đạt đến trạng thái của âm nhạc, vốn chẳng là gì ngoài hình thức. Âm nhạc, những trạng thái hạnh phúc, thần thoại, những gương mặt định hình bởi thời gian, những buổi hoàng hôn nhất định và những địa điểm nhất định, chúng muốn nói với chúng ta điều gì đó, hoặc đã nói với chúng ta điều gì đó mà chúng ta đáng ra không nên bỏ lỡ, hoặc sắp nói với chúng ta điều gì đó; sự sắp diễn ra của một sự mặc khải không diễn ra ấy có lẽ là một thực tế mỹ học.

Copyright © 1950 by Jorge Luis Borges | Nguyễn Huy Hoàng dịch.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Information

This entry was posted on August 24, 2016 by in Thơ and tagged .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

%d bloggers like this: