César Aira (1949–) là một dịch giả và nhà văn tiêu biểu của nền văn chương Argentina đương đại. Cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông, Ema, the Captive (trans. Chris Andrews, New Directions), sẽ ra mắt vào tháng 12 tới. Truyện ngắn “The Cart” được in trong tập The Musical Brain and Other Stories, trans. Chris Andrews (New Directions, 2015).
Một chiếc xe đẩy từ siêu thị trong khu nhà tôi đang tự mình lăn mà không ai đẩy nó. Nó chỉ là một chiếc xe giống những chiếc xe khác, làm bằng lưới thép dày, có bốn bánh cao su nhỏ (cặp bánh trước hơi gần nhau hơn, mang lại cho chiếc xe hình dạng đặc trưng của nó), và tay cầm bọc nhựa đỏ tươi. Chẳng có gì để phân biệt nó với hai trăm chiếc xe đẩy khác của cái siêu thị khổng lồ, lớn nhất và đông đúc nhất trong khu. Ngoại trừ việc chiếc xe mà tôi đang nhắc đến là chiếc duy nhất tự mình di chuyển. Nó làm vậy với sự thận trọng vô bờ bến: trong cơn hỗn loạn ngự trị từ giờ mở cửa đến giờ đóng cửa, chưa kể những giờ cao điểm, nó di chuyển mà không ai để ý. Nó được dùng như mọi chiếc xe khác, chứa đầy thức ăn, đồ uống, và các sản phẩm vệ sinh, dỡ hàng ở quầy tính tiền, bị đẩy một cách vội vã từ hành lang này đến hành lang kế tiếp, và nếu thả nó ra mà thấy nó lăn một quãng nhỏ độ một phân, khách hàng sẽ cho đấy là do đà.
Điều kỳ diệu chỉ cảm nhận được vào đêm, khi sự điên cuồng nhường chỗ cho một vẻ bình lặng kỳ lạ, nhưng chẳng có ai để chiêm ngưỡng nó. Rất thường xuyên, các nhân viên bày hàng lên kệ bắt đầu làm việc lúc bình minh sẽ ngạc nhiên khi thấy chiếc xe đẩy lạc ở phía sau, cạnh các tủ đông sâu, hoặc giữa những kệ tối đựng vang. Đương nhiên họ cho là đêm hôm trước nó đã bị để nhầm. Trong một cơ sở lớn và rối rắm như vậy, sơ suất như thế là hoàn toàn bình thường. Nếu chiếc xe đang di chuyển khi họ tìm thấy nó, và nếu họ nhận thấy nó chuyển động, kín đáo như góc quét của kim phút trên một chiếc đồng hồ đeo tay, họ sẽ cho đấy chắc hẳn là do sàn dốc hoặc do một luồng không khí.
Trên thực tế, cả đêm chiếc xe đẩy đi vòng quanh, lên và xuống dọc các hành lang, chậm và khẽ như một ngôi sao, chưa bao giờ do dự hay đến một điểm dừng. Nó dạo quanh lãnh thổ của mình, bí ẩn, không thể giải thích, bản chất kỳ diệu của nó được che giấu bằng dáng vẻ tầm thường của một chiếc xe đẩy hàng như bất kỳ chiếc nào khác. Các nhân viên và khách hàng quá bận để phát hiện ra hiện tượng bí mật này, mà nó, suy cho cùng, chẳng tạo ra khác biệt nào đối với bất cứ ai hay bất cứ thứ gì. Tôi là người duy nhất nhận thấy nó, tôi nghĩ. Thật ra, tôi chắc chắn: sự chú tâm là điều hiếm thấy ở con người, và trong trường hợp này thì cần rất nhiều sự chú tâm. Tôi không kể cho ai, bởi nó quá giống những huyễn tưởng mà tôi luôn nghĩ đến, thứ mang lại cho tôi danh tiếng điên rồ. Qua nhiều năm mua sắm ở đây, tôi học được cách nhận ra chiếc xe đẩy đặc biệt của mình bằng một dấu nhỏ trên tay cầm đỏ; ngoại trừ việc tôi không phải thấy cái dấu, vì ngay từ xa có điều gì đó đã bảo tôi rằng đấy chính là nó. Một cơn sóng vui mừng và tự tin tràn qua tôi mỗi lần tôi xác định được nó. Tôi nghĩ về nó như một kiểu bạn bè, một vật thể thân thiện, có lẽ bởi trong trường hợp này tính trơ của một đồ vật đã được lên men bằng cái rung động tối thiểu của cuộc sống vốn là điểm khởi đầu của mọi huyễn tưởng. Có lẽ, trong một góc tiềm thức của mình, tôi cảm thấy biết ơn nó vì nó khác mọi chiếc xe khác trong thế giới văn minh, và vì đã tiết lộ khác biệt ấy với tôi mà không phải với ai khác.
Tôi thích hình dung nó giữa sự vắng vẻ và tĩnh lặng của nửa đêm, lăn thật chậm trong bóng tối mơ hồ, như một con thuyền nhỏ đầy lỗ thủng bắt đầu hành trình tìm kiếm cuộc phiêu lưu, tri thức, và tình yêu (sao không?). Nhưng nó có thể tìm được gì trong chuỗi sản phẩm thường nhật ấy, rau quả, mỳ, nước ngọt, và đậu đóng hộp, mà đó là tất cả những gì nó biết về thế giới? Nhưng nó không đánh mất hy vọng, mà tiếp tục những cuộc hành trình của mình, cũng không bao giờ làm gián đoạn chúng, như ai đó biết nỗ lực của mình là vô ích nhưng vẫn cố gắng mà không suy suyển. Ai đó tiếp tục cố gắng vì đã đặt những hy vọng của mình lên cuộc biến đổi sự tầm thường thường nhật thành giấc mơ và điềm báo. Tôi nghĩ mình đồng cảm với nó, và sự đồng cảm đó, tôi nghĩ, là lý do tôi phát hiện ra nó từ đầu. Nghịch lý là, với một nhà văn cảm thấy quá xa cách và khác biệt với đồng nghiệp, tôi lại thấy gần gũi với chiếc xe đẩy hàng. Ngay cả những kỹ thuật riêng của chúng tôi cũng giống nhau: tiến lên bằng những bước đi không thể nhận thấy, góp phần tạo nên một hành trình dài; không nhìn quá xa về phía trước; những chủ đề đô thị.
Với tất cả những điều kể trên, bạn có thể hình dung sự bất ngờ của tôi khi tôi nghe thấy nó nói, hay, chính xác hơn, khi tôi nghe thấy những lời nó nói. Tuyên bố của nó là điều cuối cùng tôi mong nghe thấy. Lời của nó đi qua tôi như một ngọn giáo băng và buộc tôi phải xem xét lại toàn bộ tình hình, bắt đầu từ cảm tình của tôi với chiếc xe đẩy, rồi đến cảm tình của tôi với chính mình, và nói rộng hơn là cảm tình của tôi với những phép lạ. Tôi không ngạc nhiên với việc nó nói; tôi đã trông chờ điều đó. Có lẽ tôi cảm thấy mối quan hệ của chúng tôi đã trưởng thành đến độ dấu hiệu ngôn ngữ đã trở nên thích hợp. Tôi biết đã đến lúc nó nói điều gì đó với tôi (chẳng hạn như nó mến mộ tôi và yêu tôi và đứng về phía tôi). Tôi cúi xuống cạnh nó, vờ như buộc dây giày, để có thể ghé tai mình vào lưới thép ở mặt bên, rồi tôi có thể nghe thấy giọng nó, một tiếng thì thầm từ mặt dưới của thế giới, nhưng lời của nó thì hoàn toàn rõ ràng và rành mạch:
“Ta là Quỷ.” ♦
17 tháng 3, 2004
Copyright © 2015 by César Aira | Bản dịch © 2016 Nguyễn Huy Hoàng.
Văn chương Mỹ Latin vẫn đậm chất huyền hoặc!