Charles Simic (1938–) là nhà thơ người Mỹ gốc Serbia. Ông được trao giải Pulitzer cho thơ năm 1990, giải thơ Griffin quốc tế năm 2005, giải Wallace Stevens năm 2007, huân chương Robert Frost năm 2011, và giải văn chương quốc tế Zbigniew Herbert năm 2014, và được bổ nhiệm làm Poet Laureate của Hoa Kỳ nhiệm kỳ 2007–2008. Ông biên tập thơ cho tờ Paris Review từ năm 2003 đến năm 2010 và là giáo sư hưu trí ngành văn học Anh tại Đại học New Hampshire.
Tôi nghĩ về lịch sử của sự giết người. Thảm sát người vô tội là một kinh nghiệm lịch sử gần như phổ quát, và có lẽ chưa bao giờ phổ quát hơn so với trong một trăm năm qua. Các lãnh đạo loạn trí với những đội quân khổng lồ và lực lượng cảnh sát mật tàn bạo, sát hại, bơm hơi ngạt, cầm tù mỗi người trong chúng ta vì một phiên bản nào đó của một tương lai huy hoàng, trong khi được tín đồ của họ lý tưởng hóa và cổ vũ, là những gì chúng ta đã phải trải qua. “Cần một lý tưởng lớn để gây ra một tội ác lớn,” sử gia Martin Malia viết. Vấn đề đối với những người xây dựng thiên đường trên trái đất là luôn có một người, một lớp người, hoặc một nhóm dân tộc, sắc tộc, hay tôn giáo cản đường. Chỉ riêng chủ nghĩa cộng sản đã giết 80 đến 100 triệu người. Cũng cần nhớ về hàng triệu người phải di tản, tất cả những người phải sống cơ cực vì những cuộc tắm máu ý thức hệ ấy. Thơ có phải là một kỳ nghỉ khỏi những thực tế như vậy? Chắc chắn nó có thể. Có nhiều ví dụ về những nhà thơ, đánh giá qua tác phẩm của họ, cả đời chưa bao giờ đọc một tờ báo. Thế nhưng, một nhà thơ luôn luôn làm ngơ trước những tội ác và bất công vốn là một phần của thời đại của anh ta là một nhà thơ sống trong thiên đường của kẻ ngu muội.
Lịch sử viết bởi các sử gia, như chúng ta biết, suy đoán nguyên nhân và ý nghĩa của các sự kiện thảm họa và động cơ của những chính khách liên quan. Foucault nói: “Chúng ta muốn các sử gia xác nhận niềm tin của chúng ta rằng hiện tại dựa trên những ý định sâu sắc và những nhu yếu bất biến. Nhưng ý nghĩa lịch sử đích thực lại xác nhận sự tồn tại của chúng ta giữa vô số sự kiện đã mất mà không có dấu mốc hay điểm tham chiếu nào.” Đây là nơi nhà thơ đi vào. Thay cho góc nhìn bao quát của sử gia, nhà thơ cho chúng ta một dạng lịch sử đảo ngược của những gì trong bối cảnh rộng lớn thường được coi là những sự kiện “không quan trọng,” ví dụ, hình ảnh một con mèo chết, nằm trong đống đổ nát của một thành phố bị đánh bom, thay vì lý do của chiến dịch không kích ấy. Thơ có lúc truyền đạt thành công nỗi đau của những cá nhân bị cuốn vào guồng quay của lịch sử. Một trong những dòng đáng sợ nhất của thơ thế kỷ 20 là của nhà thơ người Ý Salvatore Quasimodo, nói về “tiếng tru tuyệt vọng của người mẹ đến gặp con trai mình bị đóng đinh trên cột điện thoại.” Người trả giá cho sự phù phiếm trí tuệ, say mê quyền lực, và tình yêu bạo lực của con quái vật nào đó trên sân khấu thế giới là người mà tôi quan tâm. Có lẽ chỉ trong thơ trữ tình tiếng tru của người mẹ ấy mới có thể được nghe to như nó nên được nghe.
Gần như mỗi người làm nên lịch sử trong thế kỷ qua đều tin rằng thảm sát người vô tội là được phép. Điều này đúng không chỉ với Đức Quốc xã và cộng sản, sự bạo tàn của họ được thực hiện dưới danh nghĩa một tư tưởng, mà còn với các nước dân chủ mà trong nhiều chiến dịch ném bom, vô tình và thường cố tình, họ sát hại hàng trăm ngàn người. Người Mỹ chúng ta thường lấy cái ác trị cái ác, và trong khi chúng ta làm vậy, nhiều người vô tội mắc kẹt ở giữa đã phải trả giá. Bất luận giới chính trị gia và quân nhân nói gì với chúng ta, ném bom luôn là một hình thức trừng phạt tập thể. Các nhà lý thuyết về không lực từ Giulio Douhet đến Curtis LeMay chưa bao giờ che giấu mục đích ấy. Họ lập luận rằng trong chiến tranh không được có khác biệt nào giữa quân nhân và dân thường. Với sự trợ giúp của những công nghệ mới, chiến tranh toàn diện và khủng bố hàng loạt đã trở thành một thực tế đối với nhiều người trong một trăm năm qua. Bom rơi từ trên trời, các đội quân tàn sát nhau, dân thường bỏ chạy để giữ mạng sống, các nhà máy trẻ mồ côi làm việc ngày đêm—đấy là những gì mà nhà thơ phải nghĩ về hoặc làm ngơ.
Dưới thời của kỵ sĩ, bộ binh, pháo ngựa kéo, dân thường phải lo về một cuộc vây hãm kéo dài, cuộc chinh phục cuối cùng đi cùng với cướp bóc và hãm hiếp, và thỉnh thoảng một thành phố bị thiêu rụi, nhưng bản thân những thứ ấy không phải là đối tượng chính của hoạt động quân sự. Những quả bom đầu tiên được thả vào giữa thế kỷ 19 bằng bóng bay, khinh khí cầu, và những con tàu nhẹ hơn không khí tương tự. Trên thực tế, trong chiến tranh năm 1849 người Áo đã tìm cách thả những quả bom 30 cân Anh xuống Venice bằng khinh khí cầu giấy. Không có ảnh, ta có thể hình dung ra khung cảnh nhìn từ trên cao của thành phố với những con kênh, tàu thuyền, nhà thờ, cung điện, và quảng trường. Bầu trời xanh, mòng biển bay lượn, và những con phố đầy ắp người như thể đang trong ngày hội. Chiếc khinh khí cầu màu đỏ và trắng trôi mơ màng trên những tháp chuông cao nhất, chuẩn bị thả thiết bị nổ duy nhất của nó, khi một cơn gió lớn bất ngờ quét nó ra khỏi khu vực vào biển Adriatic xanh. Ngày nay, bất kể bom thông thường hay bom hạt nhân được sử dụng, ai cũng là một mục tiêu dễ dàng. Khủng bố hàng loạt trên quy mô không thể hình dung được trong những thế kỷ trước giờ là một khả năng có thật, một lựa chọn được mọi quyền lực quân sự trên thế giới nghiên cứu cẩn thận.
Nếu không vì nhiếp ảnh và cuối cùng truyền hình ra đời, hình ảnh của chúng ta về chiến tranh vẫn đến từ những bức tranh vẽ cảnh lịch sử và minh họa cho các tờ nhật báo. Ngay cả ngôi làng rực cháy và những đội tử hình trong các minh họa như vậy, nếu bạn từng thấy, cũng mang vẻ yên bình. Chúng ta rốt cuộc quan tâm đến kỹ năng của nghệ sĩ trong việc thể hiện sự kiện hơn đến nỗi kinh hoàng của những gì diễn ra. Tuy nhiên, bất hạnh cho những kẻ hiếu chiến ở mọi nơi, số phận của những người lính và dân thường trong thời chiến đã được ghi lại tường tận. Lật qua một cuốn sách ảnh tin tức cũ về tàn sát trong chiến trận, hay xem phim tài liệu về một cuộc không kích Berlin đang diễn ra, là một trải nghiệm mang tính cảnh tỉnh sâu sắc. Ở đây là một dãy nhà cháy và vẫn đang âm ỉ, chỉ còn những bức tường bên ngoài là chưa sụp. Đổ nát khắp các phố. Bầu trời đen kịt trừ những con rồng lửa và khói cuộn. Rất có thể có người dưới đống đổ nát. Chúng ta không nghe được tiếng họ, nhưng chúng ta biết chắc họ ở đó. Tôi còn nhớ bức ảnh một cô bé chạy về phía máy ảnh trong một thành phố bị đánh bom đâu đó ở Trung Quốc. Không thấy người nào khác. Có hàng ngàn hình ảnh đầy ám ảnh như vậy từ nhiều cuộc chiến trong thế kỷ qua. Sau gần một trăm năm bom đạn, phải vô cảm và vô tâm ghê người mới không nhận ra những gì một cuộc không kích gây ra trong một khu vực đô thị và nạn thân thực sự của nó là ai.
Với con số choáng váng về thương vong trong các vụ ném bom thành phố, có lý do chính đáng khiến mọi người không muốn nghĩ nhiều về chúng, trừ những người như tôi có số phận không đáng ghen tị là bị cả Đức Quốc xã và quân Đồng minh ném bom. Đây là vài con số khủng khiếp: 40.000 người chết trong vụ Blitz; 40.000 người khác chết ở Hamburg năm 1943; 100.000 người ở Dresden năm 1945; 100.000 người ở Tokyo năm 1945, cộng với Hiroshima và Nagasaki, nơi 135.000 người khác thiệt mạng. Và danh sách còn tiếp tục. Còn Berlin, và nhiều thành phố khác của Đức và Nhật Bản, và gần đây hơn là Hà Nội, nơi có khoảng 65.000 người chết, và cuối cùng là Baghdad. Như John Kenneth Galbraith chỉ ra trong một bài báo trên New York Times, người dân các nước Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, và Iraq sợ máy bay ném bom của chúng ta hơn sợ chính phủ áp bức của chính họ, và sao lại không? Chỉ riêng ở Đức, 593.000 dân thường Đức đã thiệt mạng và hơn 3,3 triệu ngôi nhà bị phá hủy. Ở Nhật Bản, không tính nạn nhân bom nguyên tử, hơn 300.000 người chết chỉ trong năm 1945. Cái chết của dân thường thực sự mang ít hậu quả như vậy sao? Câu trả lời—đánh giá qua lịch sử lâu dài, tàn nhẫn của những vụ ném bom trong thế kỷ 20—là một tiếng phải vang dội. Cũng cần nhớ rằng các vụ ném bom dân thường hiếm khi bị trừng phạt như một tội ác. Các chiến dịch không kích này dựa trên giả định lố bịch rằng những kẻ độc tài có quan tâm đến phúc lợi của người dân và sẽ không cho phép đất nước họ tiếp tục bị tàn phá. Dĩ nhiên, nếu quan tâm thì đã không phải là độc tài. Những gì xảy ra, thay vào đó, là hai bên tham chiến trở thành đồng minh chống lại dân thường ở giữa. Có thể điều này nghe như một lời khẳng định thái quá đối với những ai chưa từng bị bom dội lên đầu từ hàng ngàn mét, nhưng tôi nói từ kinh nghiệm. Đấy chính xác là cảm nhận ở dưới mặt đất. Trong chiến tranh hiện đại, vào quân ngũ đã trở nên an toàn hơn nhiều so với làm người dân thường.
Dĩ nhiên, không có gì đáng tin cậy về bất kỳ con số thương vong được làm tròn nào trên đây. Lịch sử ném bom chơi trò chơi với những con số để che giấu số phận của các cá nhân. Cái chết của phụ nữ và trẻ em là một điều đáng xấu hổ. Mọi lý thuyết tôn giáo và thế tục về “chiến tranh chính nghĩa,” từ Thánh Augustine đến Hiến chương Liên Hợp Quốc, đều phản đối việc tàn sát bừa bãi. Do vậy, những con số ấy khác nhau rất nhiều, tùy thuộc vào nguồn và nghị trình của sử gia, khi chúng không bị loại bỏ hoàn toàn khỏi sách sử. Ngay cả khi xuất hiện, chúng cũng khó hiểu như những khoảng cách thiên văn hay tốc độ ánh sáng. Một con số như 100.000 truyền đạt nỗi kinh hoàng ở một mức độ trừu tượng. Nó là một ước tính sơ sài vì không ai thực sự biết chắc chắn. Nó dễ dàng bị quên lãng, dễ dàng bị thay đổi. Một con số như 100.001, mặt khác, thì đáng báo động hơn nhiều. Một cá nhân riêng lẻ, bổ sung ấy sẽ khôi phục thực tế đối với hàng ngàn thương vong. Khi cộng vào những số liệu ấy tổng số người bị ném bom và bằng cách nào đó đã sống sót, các con số trở nên thực sự không thể hình dung nổi.
Câu chuyện của riêng tôi thuộc về câu chuyện của những người trong những đám đông vô danh ấy. Đây là một bài thơ nhỏ dựa trên một vài hình ảnh về vụ ném bom Belgrade năm 1941 trong một cuốn phim tài liệu về Thế chiến thứ II.
Một cú cameo
Tôi có một vai diễn nhỏ, không lời,
Trong một sử thi đẫm máu. Tôi là một trong đám
Nhân loại bị ném bom và chạy trốn.
Ở đằng xa vị lãnh tụ vĩ đại của chúng tôi
Gáy như một con gà trống trên ban công,
Hay đấy chỉ là một diễn viên đại tài
Đóng giả vị lãnh tụ vĩ đại?
Đấy là ba, tôi nói với bọn trẻ con.
Tôi bị kẹp giữa một người đàn ông
Với hai bàn tay băng bó giơ lên
Và một bà cụ già há miệng
Như thể đang khoe chiếc răng
Đau nhức nhối. Hàng trăm lần
Tôi tua lại cuốn băng, không lần nào
Chúng có thể thấy tôi
Trong cái đám đông khổng lồ xám xịt
Giống bất cứ đám đông xám xịt nào khác.
Thôi lên giường, cuối cùng tôi nói.
Tôi biết mình đã ở đó. Một cảnh,
Họ chỉ có chừng đó thời gian.
Chúng tôi chạy và máy bay sượt qua tóc,
Và rồi chúng biến đâu mất
Khi chúng tôi đứng sững trong thành phố cháy
Nhưng, tất nhiên, họ đã không quay nó.
Những vẻ đẹp của Tự nhiên, những bí ẩn của Đấng Tối cao, và những đau khổ của tình yêu còn đây với chúng ta, nhưng một cái bóng đã phủ lên chúng. “Chúa sợ con người… con người là quái vật, và lịch sử đã chứng minh điều đó,” Cioran nói. Một số người trong chúng ta là chúng ta vì cách nghĩ ấy. Ví dụ, tôi còn nhớ một đêm hồi chiến tranh Việt Nam. Tôi về nhà muộn sau một tối vui vẻ trong thành phố và tình cờ bật đúng kênh TV đang trình bày tóm tắt hoạt động ngày hôm ấy trên chiến trường. Tôi đã cởi quần áo ngoài và đang nhấp bia khi họ chiếu cảnh một chiếc trực thăng bắn đuổi những con người bé nhỏ đang chạy trốn bị cho là Việt Cộng và nhiều khả năng hơn chỉ là các nông dân nghèo lạc vào làn đạn. Tôi có thể thấy các thi thể co giật và nảy lên khi bị bầy đạn xuyên vào. Tôi chợt nhận ra nó được quay mới vài tiếng trước và ở đây tôi ở trong phòng ngủ, mệt nhưng không còn buồn ngủ, cảm thấy sự kỳ quái của việc theo dõi nỗi kinh hoàng của người khác trong phòng ngủ tiện nghi của mình như thể nó là một môn thể thao.
Người ta có thể thờ ơ với số phận của người vô tội và làm như nó không hề quan trọng hay không? Có, có nhiều hơn một vài nhà thơ khá trong lịch sử thơ ca không có tình cảm đạo đức hay không quan tâm đến những đau khổ của người khác. Dĩ nhiên, lúc nào cũng có một tôn giáo hay lý thuyết chính trị thực dụng nào đó để giải thích thực tại khủng khiếp và xoa dịu lương tâm của con người. Nhưng nếu người ta không chấp nhận lý thuyết nào trong số đó—giống như tôi—thì sao? Vậy thì họ chỉ viết những bài thơ như những người thấy và cảm nhận một cách sâu sắc, nhưng là những người thậm chí cả đời cũng không hiểu được thế giới.
Charles Simic, “Poetry and History,” in The Life of Images (HarperCollins, 2015).
Copyright © 2015 by Charles Simic | Nguyễn Huy Hoàng dịch.