Nguyễn Huy Hoàng

the star is fading

Truyện ngắn: “Cuộc đời và cái chết của Marcelino Iturriaga” – Javier Marías

Javier Marias.jpg

Javier Marías, 63, in his apartment near Plaza Mayor in Madrid | Photo by Gianfranco Tripodo for The New York Times

Javier Marías (1951–) là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất người Tây Ban Nha. Ông được trao giải Rómulo Gallegos năm 1995, giải Văn học quốc tế IMPAC Dublin năm 1997, và giải Prix Formentor năm 2013. Ông cũng là dịch giả của nhiều nhà văn nói tiếng Anh như Shakespeare, John Updike, Thomas Hardy, Vladimir Nabokov, hay Henry James.

Marías viết từ rất sớm. Truyện ngắn “La vida y la muerte de Marcelino Iturriaga,” in trong tập Mientras ellas duermen (Anagrama, 1990), đăng lần đầu trên El Noticiero Universal (Barcelona, 1968), là tác phẩm đầu tiên được xuất bản của ông, khi ông 17 tuổi. Marías nói rằng theo ngày tháng ghi trên bản thảo, ông viết truyện ngắn này năm 1965, khi ông mới 14.

Cuộc đời và cái chết của Marcelino Iturriaga

I

22 tháng 11 năm 1957 là một ngày rất u ám. Mây tạo thành một khối trơ lỳ, dày đặc, và bất khả xâm phạm, phủ kín đường chân trời, và liên tục đe dọa gây bão.

Ngày hôm ấy có ý nghĩa đặc biệt đối với tôi. Đúng một năm trước tôi đã để những người thân yêu ở lại và không bao giờ trở về. Hôm ấy là giỗ đầu của tôi. Buổi sáng Esperancita, vợ tôi, đã mua một bó hoa và đặt rất cẩn thận lên tôi. Tôi không thích cô làm thế, vì bó hoa chắn mất tầm nhìn, nhưng ngày 22 tháng nào cô cũng mang hoa tươi đến và cứ mỗi hai tháng hai cậu con tôi lại đến theo. Tháng này đến lượt chúng đến, nhưng tôi đoán Esperancita, vì đây là giỗ đầu của tôi, muốn đến một mình hơn. Vì lý do này mà bó cẩm chướng lớn hơn bình thường, và tầm nhìn của tôi cũng khó hơn bao giờ hết. Nhưng tôi vẫn nhìn rõ Esperancita. Cô có chút béo hơn so với tháng trước và rõ ràng không còn là người phụ nữ mảnh mai, duyên dáng, và yêu kiều mà tôi từng yêu rất nhiều. Cô di chuyển khá nặng nề và lúng túng, và bộ đồ tang màu đen mà cô vẫn mặc thực sự không hợp với cô. Ăn mặc như thế, cô khiến tôi nhớ đến mẹ vợ tôi, vì tóc Esperancita không còn đen tuyền mà bắt đầu có sợi bạc trên trán và thái dương. Tôi nhớ lại xem trông cô thế nào lần cuối tôi nhìn cô bằng đôi mắt mở, và tôi thấy rõ khung cảnh diễn ra cách đây một năm trong căn hộ của tôi trên phố Barquillo và đồng thời cả cuộc đời tôi nữa.

II

Tôi sinh năm 1921 ở Madrid, trong một căn hộ nhỏ trên phố Narváez. Cha tôi mở hiệu thuốc ở tầng dưới, bên trên treo biển “ITURRIAGA. DƯỢC SĨ,” và bên dưới viết bằng chữ nhỏ hơn, “Có bán kẹo,” và đấy là lý do tại sao anh em tôi dành phần lớn thời gian ở cửa hiệu. Thời gian còn lại chúng tôi mắc kẹt trong một lớp học cũ bẩn ở trường học gần đấy, lớp có một giáo viên dạy mười bốn học sinh chúng tôi tất cả các môn có trong chương trình. Đó là một lớp học chán ngắt, nơi chúng tôi không ngủ gật thì cũng vo giấy ném nhau.

Mẹ tôi là một người đầy đặn và điềm tĩnh, luôn giúp anh em tôi khi chúng tôi gặp chuyện hay khi cha tôi, sau một ngày chẳng bán được mấy, trút giận lên đầu chúng tôi.

Cha tôi thì, ngược lại, rất nóng tính, nhất là khi tâm trạng không tốt, và tôi lúc nào cũng nghĩ ông làm nghề bán thịt gì đấy thì hợp hơn làm dược sĩ.

Tôi học ở ngôi trường ấy đến năm 15 tuổi, rồi chiến tranh bùng nổ, với tôi chỉ như một sự kiện khác trong đời. Nó không đem đến tổn thất gì lớn cho tôi hay gia đình. Anh tôi chiến đấu ở tiền tuyến, nhưng không bị thương, và về nhà với lòng ái quốc và tự hào về chiến thắng của cánh hữu mà tôi chưa bao giờ chia sẻ. Sau đó tôi bắt đầu học kinh tế, mất đến tám năm để hoàn thành, trong sự thất vọng của cha tôi vì không muốn tôi học đi học lại. Nhưng tôi tin là bất chấp mọi chuyện tám năm ấy vẫn là thời gian hạnh phúc và đáng sống nhất trong cuộc đời ngắn ngủi của tôi. Tôi chơi bời, học rất ít, và gặp Esperancita. Cô khá nhát trai, nhưng điều đó không khiến cô thôi đáng mến và thân thiện. Chúng tôi đi xem phim, đến rạp xiếc, hoặc đi dạo, cuối cùng gần như chiều nào cũng ở cùng nhau. Hai năm sau khi tốt nghiệp tôi cầu hôn Esperancita. Cô đồng ý, và hai năm sau con trai cả của chúng tôi, Miguel, ra đời, rồi hai năm sau nữa đến Gregorito, cái tên tôi chưa bao giờ thích, nhưng phải chấp nhận trước sự cố chấp của mẹ vợ, Gregoria. Ngoài ra, tôi luôn nghĩ cái tên Gregorito Iturriaga Aguirre quá dài và có quá nhiều r.

Bây giờ nghĩ lại, tôi nghĩ mình không cưới Esperancita vì yêu hay điều gì đó tương tự, mà vì tôi nghĩ cô có thể giúp đỡ tôi rất nhiều trong công việc ở ngân hàng. Rồi hóa ra cô không giúp được gì, vì cô quá quan trọng chuyện nuôi dạy con cái và ở với chúng cả ngày. Tôi không thực sự hạnh phúc với cô, nhưng cũng không thể nói tôi thực sự không hạnh phúc.

Sống cùng chúng tôi là mẹ vợ và cha tôi, không chịu được nhau nhưng phải chịu, vì căn hộ khá nhỏ, họ đánh nhau và cãi nhau cả ngày về những chuyện ngu ngốc mà đáng lẽ họ không thể—đúng hơn là không nên—cãi nhau, vì họ gần như chẳng biết gì về chúng. Cộng thêm tiếng Esperancita quát Manuela, cô giúp việc, và tiếng trẻ con khóc, điều này biến nhà tôi thành một nơi không thể nào chịu nổi, nên ngân hàng với tôi là thiên đường. Làm thêm giờ đặc biệt vui, vì ngoài bảy miệng ăn phải nuôi, tôi còn có thêm thời gian yên tĩnh.

Mẹ tôi mất bốn năm sau khi chiến tranh kết thúc, và tôi tin bà là người duy nhất tôi thực sự có tình cảm. Tôi buồn vì cái chết của bà hơn vì cái chết của cha tôi, với ông tôi chưa bao giờ cảm thấy tình cảm cha con thực sự.

III

Cái chết của tôi khá bất ngờ đối với mọi người. Tháng 8 năm 1956 tôi bắt đầu có những cơn đau ngực dữ dội. Hoảng sợ, tôi hỏi ý kiến anh tôi, vốn là bác sĩ. Anh trấn an tôi, bảo có lẽ chỉ là do cảm lạnh hay viêm họng.

Anh kê cho tôi mấy loại thuốc, và cơn đau thôi làm phiền tôi cho đến ngày 16 tháng 11, khi nó tấn công tôi dữ dội hơn tháng 8. Tôi uống thuốc trở lại, nhưng lần này nó không ích gì, và ngày 21 tôi sốt ly bì trên giường, ung thư phổi, và không có hy vọng sống sót.

Ngày hôm ấy vô cùng khổ sở. Cơn đau khủng khiếp và không ai có thể làm gì để xoa dịu nó. Tôi lờ mờ thấy Esperancita, quỳ cạnh giường và khóc, trong khi mẹ vợ tôi, doña Gregoria, vỗ lưng cô trìu mến và an ủi. Bọn trẻ đứng yên, chưa hiểu chuyện gì. Vợ chồng anh trai tôi ngồi như thể chờ đợi cái chết của tôi để có thể thoát khỏi khung cảnh buồn chán và thái quá ấy. Sếp và mấy đồng nghiệp của tôi đứng ở cửa, nhìn tôi thương hại, và lúc nào thấy tôi nhìn họ họ đều nở một nụ cười gượng thân thiện. Sáu giờ chiều ngày 22, khi cơn sốt bắt đầu tăng cao, tôi gắng dậy rồi ngã xuống gối, chết. Tôi cảm thấy mọi cơn đau và nỗi khổ tan biến khi chết, và tôi muốn bảo gia đình và bạn bè là tôi không còn đau đớn, tôi còn sống và khỏe mạnh, nhưng không thể. Tôi không thể nói hay cử động hay mở mắt, dù tôi vẫn thấy và nghe được mọi thứ xung quanh. Mẹ vợ tôi nói:

“Nó đi rồi.”

“Mong anh an nghỉ,” những người khác tiếp lời.

Tôi thấy vợ chồng anh trai tôi, sau khi bảo Esperancita là họ sẽ chuẩn bị tang lễ, diễn ra vào ngày mai, ra về. Dần dần mọi người đi cả và chỉ còn lại mình tôi. Tôi không biết phải làm gì. Tôi nghĩ, thấy và nghe, do đó tôi tồn tại, do đó tôi còn sống, và mai tôi sẽ được chôn. Tôi cố hết sức cử động, nhưng không thể. Sau đó tôi nhận ra mình đã chết, và sau cái chết thì chẳng còn gì, và điều duy nhất còn lại cho tôi là nằm trong mộ vĩnh viễn mà không thở, nhưng vẫn sống; không mắt, nhưng vẫn nhìn được; không tai, nhưng vẫn nghe được.

Hôm sau tôi được đặt vào quan tài đen, rồi vào xe đưa tôi đến nghĩa trang. Không nhiều người đến dự. Tang lễ diễn ra không lâu rồi mọi người đi cả. Chỉ còn lại mình tôi. Ban đầu tôi không thích nơi này, nhưng giờ đã quen tôi lại thích nó vì nó yên tĩnh. Tôi thấy Esperancita mỗi tháng và bọn trẻ mỗi hai tháng, và đây là tất cả: đây là cuộc đời và cái chết của tôi, nơi chẳng có gì.

Copyright © 1990 by Javier Marías | Nguyễn Huy Hoàng dịch.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Information

This entry was posted on November 2, 2016 by in Truyện and tagged .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

%d bloggers like this: