Roberto Bolaño sinh năm 1953 ở Santiago, Chilê. Được ca ngợi là giọng nói văn chương quan trọng nhất của Mỹ Latin trong thế hệ mình, ông đã được trao giải Rómulo Gallegos danh giá năm 1999 cho cuốn Los detectives salvajes. Tuy coi mình trước hết là một nhà thơ, danh tiếng của ông chủ yếu đến qua những cuốn tiểu thuyết như Amberes, Nocturno de Chile, và 2666. Nhiều bản thảo của ông tiếp tục được xuất bản sau khi ông qua đời vì suy gan năm 2003.
B viết một cuốn sách trong đó anh chế nhạo một số nhà văn nhất định, dưới những mặt nạ khác nhau, dù chính xác hơn có thể nói là một số kiểu nhà văn nhất định. Trong một truyện có một nhân vật giống A, một nhà văn trạc tuổi B, nhưng không giống B, nổi tiếng, giàu có, và có lượng độc giả lớn, nói cách khác là đã đạt được ba mục tiêu cao nhất (theo thứ tự đó) mà một nhà văn có thể mơ đến. B không nổi tiếng, không có tiền, và thơ của anh được đăng trên những tạp chí nhỏ. Nhưng A và B không hoàn toàn khác nhau. Cả hai sinh ra trong những gia đình tiểu tư sản hoặc vô sản ít nhiều có của. Cả hai đều khuynh tả, họ chia sẻ cùng một mối quan tâm tri thức và thụ hưởng cùng một nền giáo dục chính quy không đầy đủ. Tuy nhiên, với sự nổi tiếng nhanh chóng của mình, một giọng điệu mô phạm bắt đầu len vào văn chương A, và B, một độc giả cuồng nhiệt, thấy điều này đặc biệt khó chịu. Trong các bài báo và với tần suất ngày càng lớn trong các cuốn sách của mình, A bắt đầu ra vẻ mình đúng về mọi chuyện lớn và nhỏ, con người cũng như thần thánh, với thái độ mô phạm nặng nề, giống như một người dùng văn chương như một nấc thang leo lên địa vị xã hội và giành sự tôn trọng, giờ thu mình trong tháp ngà giàu mới của mình, chỉ trích bất cứ thứ gì có thể làm lu mờ chiếc gương mà anh chiêm ngưỡng chính mình và thế giới trong đó. Với B, nói ngắn gọn, A đã trở thành một kẻ tự phụ.
B, như đã nói, viết một cuốn sách, và trong một chương anh chế nhạo A. Bức chân dung không quá tàn nhẫn (nhất là nó được giới hạn trong một chương của một cuốn sách có dung lượng ít nhiều đáng kể). Anh tạo ra một nhân vật, Alvaro Medina Mena, một nhà văn thành công, người tình cờ có những ý kiến giống A. Bối cảnh được hoán đổi: chỗ A phê phán khiêu dâm, Medina Mena tấn công vào bạo lực; chỗ A chỉ trích chủ nghĩa trọng thương của nghệ thuật đương đại, Medina Mena dẫn dắt lập luận chống khiêu dâm. Câu chuyện về Medina Mena không nổi bật so với các truyện khác trong cuốn sách, phần lớn đều tốt hơn (về cấu trúc nhưng có lẽ viết không tốt bằng). Sách của B được xuất bản—đó là lần đầu tiên anh được xuất bản ở một nhà xuất bản lớn—và phê bình bắt đầu xuất hiện. Ban đầu rất chậm. Sau đó, trên một trong những tờ báo hàng đầu của đất nước, A đăng một bài đánh giá tuyệt đối tích cực đậm chất nhiệt tình, thuyết phục được các nhà phê bình còn lại và biến sách của B thành một cuốn thành công nhỏ. Đương nhiên, B thấy không thoải mái. Ít nhất là ban đầu. Sau đó, như thường lệ, anh nghĩ chuyện A nên ca ngợi sách của anh cũng là tự nhiên (hoặc ít nhất logic); suy cho cùng, nó là một cuốn sách thú vị trên nhiều phương diện, và A, suy cho cùng, không phải một nhà phê bình dở.
Nhưng hai tháng sau, trong một bài phỏng vấn trên một tờ báo khác (ít danh giá hơn), A nhắc lại cuốn sách của B, trong ngôn ngữ vô cùng tán tụng, hết mực ca ngợi: “một tấm gương không lu mờ.” Tuy nhiên, có gì đó trong giọng điệu của A khiến B cảnh giác, như thể có một thông điệp cần đọc ngầm, như thể nhà văn nổi tiếng kia đang nói với anh, Đừng nghĩ anh lừa được tôi; tôi biết anh đặt tôi vào cuốn sách của anh; tôi biết anh chế nhạo tôi. Hắn ca ngợi sách của mình, B nghĩ, để có thể vùi dập nó sau này. Hoặc hắn ca ngợi sách của mình để đảm bảo không ai nhận ra hắn qua Medina Mena. Hoặc thậm chí hắn chưa nhận ra, và đó là một đánh giá chân thực, một cuộc gặp gỡ tư tưởng đơn thuần. Mọi khả năng đều có vẻ không phải điềm lành. B không tin tư tưởng có thể gặp nhau một cách đơn giản (hoặc ngây thơ) như thế và anh quyết tâm làm tất cả những gì có thể để trực tiếp gặp A. Trong thâm tâm anh biết A đã nhận ra mình trong Medina Mena. Ít nhất anh cũng tương đối chắc rằng A đã đọc toàn bộ cuốn sách với sự chú tâm đúng mực. Thế thì sao hắn lại nói về cuốn sách như thế này? Sao lại ca ngợi một cuốn sách chế nhạo mình? (Đến giờ B bắt đầu nghĩ bức biếm họa không chỉ cường điệu mà có lẽ còn có chút không công bằng.) Anh không thể nào hiểu được. Cách giải thích hợp lý duy nhất là A chưa nhận ra mình, và với việc hắn ngày càng mù quáng, điều này có thể đúng. (B đọc tất cả các bài viết của A sau bài đánh giá tích cực kia, và có những sáng anh ao ước thụi nắm đấm của mình vào bộ mặt ngày càng kiểu cách, toát ra vẻ tự mãn và mất kiên nhẫn một cách thánh thiện của A, như thể hắn nghĩ mình là hóa thân của Unamano hoặc ai đó tương tự.)
Bởi vậy B làm mọi thứ có thể để trực tiếp gặp A, nhưng không thành công. Họ sống ở hai thành phố khác nhau. A di chuyển rất nhiều và B không thể chắc chắn sẽ tìm được hắn ở nhà. Điện thoại hắn gần như lúc nào cũng bận hoặc bật máy trả lời tự động, trong trường hợp đó B lập tức dập máy vì anh sợ máy trả lời tự động.
Sau một thời gian B từ bỏ ý tưởng liên hệ với A. Anh cố quên đi mọi chuyện và gần như đã làm được. Anh viết một cuốn sách khác. Khi nó được xuất bản, đánh giá đầu tiên xuất hiện là của A. Trên thực tế nó xuất hiện nhanh đến nỗi B không thể nào hiểu được làm sao ngay cả người đọc nhanh nhất và siêng nhất lại có thể xong cuốn sách nhanh đến thế. Sách được gửi đến các nhà phê bình vào thứ Năm và đánh giá của A đăng vào thứ Bảy; nó dài, ít nhất năm trang đánh máy, thấu đáo và sâu sắc, một cách đọc sáng, gợi mở, ngay cả với B, bộc lộ nhiều khía cạnh của cuốn sách mà anh không để ý. Ban đầu B cảm kích và hãnh diện. Rồi anh lo sợ. Anh nghĩ A không thể nào đọc xong cuốn sách trong khoảng thời gian từ ngày nhà xuất bản phát hành đến ngày bài đánh giá được xuất bản. Với cách bưu điện làm việc ở Tây Ban Nha, nếu sách được gửi đi vào thứ Năm, nhận được nó vào thứ Hai tuần sau đã là may mắn. Cách giải thích đầu tiên mà B nghĩ đến là A viết đánh giá mà không đọc, nhưng thế thì vô lý. A rõ ràng đã đọc cuốn sách và đọc một cách cẩn thận. Tuy nhiên, còn một cách giải thích đáng tin cậy hơn: A có được sách trực tiếp từ nhà xuất bản. B gọi cho nhà quản lý marketing. Anh hỏi làm sao A có thể đọc xong sách của anh rồi. Giám đốc marketing không biết (dù đã đọc bài đánh giá và rất hài lòng). Gã hứa sẽ tìm hiểu chuyện này. B gần như quỳ xuống (nếu có thể truyền tải tư thế này qua điện thoại) và nài nỉ gã gọi lại cho anh vào tối hôm ấy. Đúng như dự đoán, cả ngày còn lại B nghĩ ra những kịch bản ngày càng vô lý. Chín giờ tối, sau khi về nhà, anh gọi cho giám đốc marketing. Dĩ nhiên, có một lời giải thích logic đến hoàn hảo: A tình cờ ghé qua nhà xuất bản mấy hôm trước ngày sách được phát hành; hắn lấy một cuốn, và có thể thoải mái đọc nó và viết đánh giá. Nghe thế, B bình tĩnh lại. Anh muốn nấu một bữa nhưng không còn gì trong tủ lạnh nên anh ra quyết định ra ngoài ăn tối. Anh mang theo tờ báo có bài đánh giá. Ban đầu anh bước bâng quơ qua các con phố vắng. Rồi anh tìm thấy một nhà hàng nhỏ mà anh chưa bao giờ làm khách và bước vào. Mọi bàn đều trống. B ngồi xuống cạnh cửa sổ, ở một góc xa cái lò sưởi đang yếu ớt sưởi ấm căn phòng. Một cô gái hỏi anh muốn gọi gì. B bảo anh muốn ăn tối. Cô gái xinh. Tóc cô dài và rối, như thể cô vừa ra khỏi giường. B gọi súp và một món thịt và rau hầm theo sau. Trong khi chờ anh đọc lại bài đánh giá. Mình phải gặp A, anh nghĩ. Mình phải bảo hắn mình xin lỗi, đáng lẽ mình không nên bắt đầu trò chơi này. Tuy nhiên, tuyệt đối chẳng có gì xúc phạm trong bài đánh giá: các nhà đánh giá khác rốt cuộc cũng sẽ nói những điều tương tự, dù có lẽ không tốt bằng (A biết cách viết, B nghĩ một cách miễn cưỡng hoặc có lẽ chấp nhận). Đồ ăn có vị như đất, mục rữa, và máu. Cái lạnh trong nhà hàng thấm vào xương anh. Đêm ấy anh đau bụng dữ dội và sáng hôm sau anh lảo đảo đến phòng khám của bệnh viện gần đó. Bác sĩ khám cho anh kê thuốc kháng sinh và đồ ăn nhạt trong một tuần. Nằm trên giường, và định ở lại đó, B quyết định gọi cho một người bạn; anh cần kể ai đó nghe toàn bộ câu chuyện. Nhưng anh không thể quyết gọi cho ai. Nếu mình gọi cho A và kể hắn nghe, vờ như nói về người khác thì sao, anh tự hỏi. Nhưng không, trường hợp tốt nhất, A sẽ nghĩ đấy là một sự trùng hợp; hắn sẽ quay lại và đọc sách của B dưới một góc độ khác, rồi xé anh thành từng mảnh trước công chúng. Tệ nhất, A sẽ vờ như không hiểu anh. Cuối cùng, B không gọi cho ai và chẳng bao lâu một nỗi sợ khác bắt đầu dấy lên trong anh: nếu ai đó, một độc giả ẩn danh, nhận ra Alvaro Medina Mena là A thì sao? Tình hình vốn đã tệ; nếu ai đó phát hiện ra, anh nghĩ, nó có thể trở nên không chịu đựng nổi. Nhưng ai có thể xác định được hình mẫu của Alvaro Medina Mena? Trên lý thuyết, có thể là bất cứ ai trong số ba ngàn năm trăm độc giả của ấn bản đầu của cuốn tiểu thuyết; trên thực tế, chỉ một vài người: những người hâm mộ cuồng nhiệt của A, các nhà điều tra văn học, hoặc những người như B chán ngán trước chủ nghĩa đạo đức và giáo điều của cuối thiên niên kỷ. B có thể làm gì để giữ bí mật? Anh không biết. Anh suy nghĩ qua nhiều khả năng khác nhau, từ đánh giá nhiệt tình tác phẩm tới của A hoặc viết một cuốn sách ngắn về toàn bộ công trình của hắn đến nay (bao gồm cả các bài báo không may) đến gọi cho A và ngửa bài (bất kể là gì) lên bàn, hoặc một đêm nào đó đến thăm hắn, dồn gã vào tiền sảnh của căn hộ và buộc hắn thú nhận tại sao hắn làm như vậy, tại sao hắn bám chặt như keo vào tác phẩm của B, hắn đòi hỏi sửa chữa gì với thái độ như thế.
Cuối cùng B không làm gì.
Sách mới của anh được đánh giá tốt nhưng ít thành công thương mại. Không ai bất ngờ với việc A ủng hộ nó. Trừ khi đóng vai Cato mà đánh giá văn chương (và chính trị) Tây Ban Nha, A khá rộng rãi với những nhà văn mới nhập cuộc. Sau một thời gian B quên đi mọi chuyện. Có lẽ, anh tự nhủ, tất cả chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng thái quá của mình, quá phấn khích vì có hai cuốn sách phát hành ở hai nhà xuất bản lớn; có lẽ đó là một ảo tưởng sinh ra từ những nỗi sợ thầm kín, hoặc một triệu chứng của chứng kiệt sức lo âu sau nhiều năm lao động vất vả và không tên tuổi. Vậy nên anh bỏ nó ra khỏi tâm trí và sau một thời gian chuyện bắt đầu mờ dần như bất kỳ ký ức nào khác, dù có lẽ nó vẫn còn sống động hơn phần lớn những ký ức khác. Rồi một ngày, anh được mời đến một hội nghị về văn chương mới được tổ chức ở Madrid.
B vui mừng đến dự. Anh chuẩn bị hoàn thành một cuốn sách nữa và hội nghị này, anh nghĩ, có thể làm nền tảng phát hành trong tương lai. Dĩ nhiên, chuyến đi và khách sạn được tài trợ, và B muốn tận dụng thời gian ở thủ đô đến thăm các bảo tàng và nghỉ ngơi. Hội nghị kéo dài hai ngày; B sẽ tham gia ngày khai mạc và là khán giả vào ngày thứ hai. Kết thúc hội nghị, toàn bộ nhà văn sẽ được đưa đến nhà nữ bá tước Bahamontes, nhà văn và người bảo trợ cho nhiều sự kiện văn hóa, bao gồm một chương trình tài trợ nhà văn mang tên bà và một tạp chí thơ, có lẽ tốt nhất trong những tạp chí được xuất bản ở thủ đô. B, không quen ai ở Madrid, gia nhập đoàn tham quan nhà nữ bá tước để kết thúc buổi tối. Sau một bữa ăn nhẹ nhưng ngon miệng, hào phóng trôi cùng rượu vang từ những vườn nho của gia đình, bữa tiệc tiếp tục đến tận đêm khuya. Ban đầu không quá mười lăm người có mặt, nhưng thời gian trôi qua lễ tiệc thêm sinh động với sự xuất hiện của một nhóm nghệ sĩ đa dạng, trong đó có nhiều nhà văn nhưng cũng có cả các nhà làm phim, diễn viên, họa sĩ, dẫn chương trình truyền hình, và người đấu bò.
Đến một lúc, B có đặc ân được giới thiệu với nữ bá tước và vinh dự được bà mời nói chuyện riêng, và được dẫn đến một góc sân thượng nhìn ra vườn. Có một người bạn đợi anh dưới kia, nữ bá tước mỉm cười nói, hất cầm về phía một vọng lâu bằng gỗ bao quanh bởi cọ, thông, và tiêu huyền. B nhìn bà ra vẻ khó hiểu. Nữ bá tước, anh nghĩ, cách đây rất lâu chắc hẳn cũng từng xinh đẹp, nhưng giờ bà là một mớ thịt và những thớ gân giậm giật. B không dám hỏi danh tính của “người bạn” này. Anh gật đầu, đảm bảo với bà anh sẽ xuống ngay, nhưng không cử động. Nữ bá tước cũng không cử động và trong một lúc hai người đứng đó trong im lặng, nhìn vào mắt nhau như thể họ từng biết nhau (hoặc yêu và ghét nhau) trong một kiếp khác. Rồi những vị khách khác mời nữ bá tước đi và B còn lại một mình, sợ hãi nhìn chằm chằm vào khu vườn và vọng lâu, nơi một lúc sau anh chắc chắn mình thấy ai đó, hoặc chuyển động của một cái bóng thoáng qua. Chắc hẳn là A, anh nghĩ, từ đó anh lập tức suy luận: chắc hẳn hắn phải mang vũ khí.
Suy nghĩ đầu tiên của B là chạy. Nhưng rồi anh nhận ra lối ra duy nhất, theo anh biết, là đi qua vọng lâu, nên kế hoạch thoát hiểm tốt nhất là ở lại một trong vô số căn phòng của dinh thự và chờ trời sáng. Nhưng có thể đấy không phải là A, B nghĩ, có thể đấy là biên tập viên của tạp chí nào đó, hoặc một nhà xuất bản, hoặc một nhà văn muốn gặp mình. Gần như không ý thức được mình đang làm gì, B rời khỏi sân thượng, lấy đồ uống, xuống cầu thang, và ra vườn. Ở đó anh châm một điếu thuốc và thong thả tiến đến vọng lâu. Đến nơi anh không thấy ai, nhưng anh chắc chắn mình đã thấy ai đó nên quyết định chờ. Một tiếng sau, chán và mệt, anh trở vào nhà. Anh hỏi mấy vị khách còn lại, đang lang thang như những người mộng du hay diễn viên trong một vở kịch siêu chậm, nữ bá tước ở đâu, nhưng không ai trong số họ có thể cho anh một câu trả lời rõ ràng. Một người phục vụ (cũng có thể là một vị khách) bảo anh phu nhân của ngôi nhà chắc đã đi nghỉ, vì đã quá giờ ngủ của bà; anh biết người già thì thế nào đấy. B gật đầu và nghĩ, Chắc thế, ở tuổi này bà không đủ khả năng làm việc quá sức. Sau đó anh nói tạm biệt với người phục vụ, họ bắt tay nhau và anh bước về khách sạn. Chuyến cuốc bộ mất hơn hai giờ.
Hôm sau, thay vì bắt máy bay về thành phố của mình, B dành buổi sáng để chuyển đến một khách sạn rẻ hơn, như thể anh định ở lại thủ đô một thời gian dài, rồi dành cả chiều để gọi vào điện thoại nhà A. Ban đầu, anh liên tục nhận được trả lời tự động. Giọng của A và giọng một người phụ nữ thay nhau nói trong giọng điệu vui vẻ rằng họ không ở nhà, nhưng sẽ về sớm thôi nên hãy để lại lời nhắn, và nếu chuyện quan trọng thì hãy để lại số điện thoại để họ có thể gọi lại. Sau khi nghe lời mời này nhiều lần mà không để lại lời nhắn, B hình thành một số giả thuyết về A và bạn đời của hắn và thực thể bí ẩn mà họ tạo ra. Đầu tiên, giọng người phụ nữ. Cô ta trẻ, trẻ hơn nhiều so với A và B, nghe vẻ tràn đầy năng lượng, quyết tâm khắc ghi vị trí của mình trong cuộc đời A và đảm bảo nó được tôn trọng. Cô gái ngốc tội nghiệp, B nghĩ. Sau đó, giọng của A. Vô cùng bình thản, giọng của Cato. Gã này trẻ hơn mình một tuổi, B nghĩ, nhưng hắn nghe trẻ hơn mười lăm hai mươi năm. Cuối cùng, lời nhắn: Sao giọng điệu vui vẻ như thế? Sao họ có thể cho rằng nếu chuyện quan trọng người gọi sẽ thôi gọi và bằng lòng để lại số mình? Sao họ thay phiên nhau nói, như thể đọc một vở kịch? Để tỏ rõ có hai người sống ở đó? Hoặc để cho thế giới thấy họ đẹp đôi thế nào? Tất cả những câu hỏi ấy chưa được trả lời, dĩ nhiên. Nhưng B vẫn gọi, khoảng nửa tiếng một lần, và cuối cùng, lúc mười giờ tối hôm ấy, từ một chiếc điện thoại trả tiền trong một nhà hàng giá rẻ, anh được nối máy và giọng một người phụ nữ trả lời. B ngạc nhiên đến nỗi thoạt đầu anh không biết nói gì. Ai đấy? người phụ nữ hỏi. Cô hỏi vài lần, rồi im lặng nhưng không gác máy, như thể cô đang cho B thời gian để lấy lại can đảm và lên tiếng. Rồi, chậm rãi và cẩn thận (anh tưởng tượng thế), người phụ nữ gác máy. Nửa giờ sau, B gọi lại, từ một bốt điện thoại. Lại là người phụ nữ nghe máy, hỏi ai đấy và đợi trả lời. Tôi muốn gặp A, B nói. Đáng lẽ anh nên nói: Tôi muốn nói chuyện với A. Hoặc ít nhất người phụ nữ hiểu anh muốn nói như thế, và cô nói thế. Sau một thoáng im lặng, B nói xin lỗi, nhưng khẳng định anh muốn gặp A. Ai đang gọi nhỉ, cô nói. Là B, B nói. Người phụ nữ ngập ngừng vài giây như thể tự hỏi B là ai rồi nói, Được rồi, chờ chút. Giọng cô không đổi, B nghĩ, không một dấu hiệu dù nhỏ nhất của sợ hãi hay đe dọa. B có thể nghe thấy mấy giọng nói; chắc cô để ống nghe lên bàn hoặc ghế hoặc treo lên tường bếp. Dù những gì họ nói không hoàn toàn hiểu được, anh có thể phân biệt giọng một người đàn ông với một người phụ nữ: A và người bạn đời trẻ hơn của hắn, B nghĩ, nhưng rồi một giọng thứ ba chen vào, giọng một người đàn ông, trầm hơn nhiều. Ban đầu có vẻ họ đang tham gia một cuộc trò chuyện thú vị hấp dẫn đến mức A không thể rời khỏi đó, ngay cả chỉ trong chốc lát. Rồi B nghĩ nó nghe giống họ đang cãi nhau hơn. Hoặc cố gắng thỏa thuận một vấn đề cấp bách cần giải quyết trước khi A có thể nghe máy. Và trong sự chờ đợi hoặc không chắc chắn này ai đó hét lên, có thể là A. Đột nhiên điện thoại im bặt, như thể người phụ nữ đã bịt tai B bằng sáp. Và rồi (sau vài đồng xu), ai đó lặng lẽ, nhẹ nhàng gác máy.
Đêm ấy B không ngủ. Anh định gọi lại, nhưng vì mê tín, anh quyết định đổi bốt điện thoại. Hai chiếc điện thoại tiếp theo đều hỏng (thủ đô xuống cấp, thậm chí bẩn thỉu) và khi cuối cùng tìm một chiếc hoạt động và bỏ những đồng xu cuối cùng vào khe, tay anh bắt đầu run rẩy như thể anh bị đột quỵ. Thấy tay mình run anh nặng nề đến mức gần như òa khóc. Điều tốt nhất cần làm, anh nghĩ một cách hợp lý, là trấn tĩnh, và để làm thế thì không gì tốt hơn một quán bar. Vậy nên anh bắt đầu bước đi và sau một lúc, từ chối nhiều quán vì những lý do khác nhau và có lúc mâu thuẫn, anh vào một cơ sở nhỏ quá sáng, đông đúc với hơn ba mươi người. Bầu không khí trong quán, anh sớm nhận ra, của tình bạn thân thiết không phân biệt và náo nhiệt. Đột nhiên anh thấy mình bắt chuyện với hai người hoàn toàn xa lạ mà bình thường (ở nhà, trong cuộc sống thường nhật) anh sẽ tránh. Họ ăn mừng đêm cuối cùng độc thân của ai đó, hay chiến thắng của một đội bóng đá địa phương. Anh trở về khách sạn lúc bình minh, mơ hồ cảm thấy xấu hổ.
Hôm sau, thay vì tìm một nơi để ăn (anh không quá ngạc nhiên khi phát hiện ra mình không muốn ăn bất cứ thứ gì), B bước vào bốt điện thoại đầu tiên anh tìm thấy, trên một con phố khá ồn ào, và gọi cho A. Một lần nữa, người phụ nữ trả lời. Trái với dự kiến của B, cô lập tức nhận ra anh. A không ở nhà, cô nói, nhưng anh ấy muốn gặp anh. Và sau một thoáng im lặng: Chúng tôi rất xin lỗi về chuyện xảy ra hôm qua. Chuyện gì xảy ra hôm qua? B hỏi hết mực chân thành. Chúng tôi để anh đợi, rồi gác máy. Ý tôi là tôi gác máy. A muốn nói chuyện với anh, nhưng tôi cảm thấy lúc đấy không phù hợp. Sao không? B hỏi, giờ đã bỏ tất cả vẻ thận trọng qua một bên. Vì nhiều lý do, người phụ nữ nói… Gần đây A không khỏe. Lúc nói chuyện điện thoại anh ấy hay quá phấn khích. Anh ấy đang làm việc và tôi không muốn làm phiền anh ấy. Cô nghe không còn trẻ như trước. Chắc chắn cô đang không nói thật, thậm chí còn không buồn nghĩ ra những lời nói dối đáng tin, thêm vào đó cô còn không nhắc đến người đàn ông giọng trầm. Nhưng dù thế B vẫn hài lòng. Cô nói dối như một cô bé hư hỏng, an tâm vì biết mình sẽ bỏ qua những lời nói dối, B nghĩ. Và cách cô bảo vệ A khiến cô càng thêm khó cưỡng. Anh ở lại thành phố lâu không? người phụ nữ hỏi. Gặp A thôi rồi tôi sẽ đi, B nói. Uh huh, người phụ nữ nói (làm B rợn dọc sống lưng), rồi cô ngẫm nghĩ một lúc trong im lặng. B dùng những giây phút ấy để hình dung khuôn mặt cô. Hình ảnh mơ hồ nhưng ám ảnh. Tốt nhất là anh nên đến tối nay, người phụ nữ nói. Anh có địa chỉ chứ? Có, B nói. Tốt quá, chúng tôi mong anh đến ăn tối lúc tám giờ. Được, B nói giọng ấp úng và gác máy.
Cả ngày còn lại B lang thang như một tên du đãng hay tâm thần. Anh không thăm bảo tàng nào, dĩ nhiên, dù có đến mấy hiệu sách nơi anh mua cuốn mới nhất của A. Anh tìm một chỗ trong công viên và ngồi xuống đọc. Cuốn sách hấp dẫn, dù trang nào cũng ngập ngụa nỗi buồn. Hắn quả là nhà văn khá, B nghĩ. Anh nghĩ về tác phẩm của mình, nhơ nhuốc với châm biếm và giận dữ, và so sánh nó kém hơn sách của A. Rồi anh ngủ thiếp đi dưới ánh mặt trời, và khi anh tỉnh dậy công viên đã đầy người ăn xin và nghiện ngập, những người thoạt nhìn có vẻ đang di chuyển nhưng trên thực tế không phải, mặc dù nói họ đứng im cũng không chính xác.
B về khách sạn, tắm, cạo râu, mặc bộ đồ sạch nhất, bộ anh mặc trong ngày đầu tiên ở thành phố và lên đường. A sống ở trung tâm, trong một tòa nhà năm tầng cũ. B bấm máy liên lạc và giọng người phụ nữ hỏi ai. Là B, B nói. Mời vào, người phụ nữ nói, và tiếng kêu của cánh cửa kéo dài cho đến khi B đến thang máy. Và khi đã đến căn hộ của A, B nghĩ anh vẫn còn nghe thấy nó, như thể cái thang máy kéo theo một cái đuôi dài như đuôi của thằn lằn hay rắn đằng sau.
Ở sảnh, cạnh cánh cửa mở, A chờ anh. Hắn cao, xanh xao, và hơi béo hơn trong ảnh. Hắn mỉm cười với một vẻ nhút nhát nhất định. B cảm thấy trong một khoảnh khắc như thể nguồn năng lượng đưa anh đến cánh cửa nhà A đột nhiên cạn kiệt. Anh trấn tĩnh, cố gượng cười, chìa tay. Trên tất cả, anh nghĩ, tránh cảnh bạo lực, trên tất cả, tránh cảnh lâm ly. Cuối cùng, A nói, anh khỏe chứ? Rất khỏe, B nói.
Nguyễn Huy Hoàng dịch từ bản tiếng Anh của Chris Andews, “A Literary Adventure,” trong Bolaño, Last Evenings on Earth (New Directions, 2006); có tham khảo nguyên tác tiếng Tây Ban Nha, “Una aventura literaria,” trong Bolaño, Llamadas telefónicas (Editorial Anagrama, 1997).
Copyright © 1997 by Roberto Bolaño | Nguyễn Huy Hoàng dịch.