Charles Kenneth Williams (1936–2015) là nhà thơ, nhà phê bình, và dịch giả người Mỹ. Ông được trao giải Pulitzer cho thơ năm 2000, giải Sách Quốc gia Mỹ cho thơ năm 2003, và giải thơ Ruth Lilly năm 2005. Ông dạy ở Đại học Princeton từ năm 1995 cho đến ít lâu trước khi qua đời.
Chúng tôi muốn đến Pháp
nhưng đến chạng vạng biết mình không thể,
nên ở một thị trấn ở Bayern
ngay gần autobahn,
chúng tôi tìm được phòng, làm thủ tục,
và ra ngoài thăm thú.
Nơi ấy quyến rũ: những con phố
thắp sáng đèn, hẹp, êm đềm,
những ngôi nhà khung gỗ,
một nhà thờ đá tối,
và những cây cầu trung cổ
trên một dòng sông rì rầm.
Tôi chẳng ngủ ngon, dù thế,
và đến sáng, còn sớm,
tôi đi dạo một lần nữa
và ngạc nhiên khi phát hiện ra
rằng tất cả, những ngôi nhà,
những cây cầu, tất cả trừ
như tôi có thể nói
nhà thờ đang ngủ, là bản sao
khéo léo của những gì
chắc hẳn chúng từng là trước
chiến tranh, trước khi máy bay ném bom
của quân Đồng minh san phẳng.
Ở Auschwitz, chẳng có gì
tôi chưa từng tưởng tượng trước đây.
Tôi đã đi qua nó trong tâm tưởng
quá nhiều, quá thường xuyên, tôi chỉ
cảm thấy mệt không thể nói nên lời.
Tất cả những gì khiến tôi choáng váng là
thấy các doanh trại và những con đường
ảm đạm không người,
và những phòng hơi ngạt và phòng tra tấn,
và lò hỏa thiêu;
quá nhiều không gian im lặng,
trống vắng, như những trường học vào hè.
Giờ, ở một quảng trường dễ chịu,
tôi đến một phiên chợ sáng;
nông dân, những lều trại và xe tải,
rất nhiều sản vật, hoa,
người dân phát đạt,
vui vẻ, hồng hào, hay tán,
và đó là khi ở đó dựng lên
trước tôi một lần nữa cái hàng rào
thép gai và những cuộn tóc,
những phòng thí nghiệm
và tro lạnh. Tôi nghĩ
về Primo Levi, ngâm
Dante cho những người sắp chết,
rồi, không biết tại sao,
về cô gái Do Thái, Masha,
người mà Levi kể
làm sao, khi cô đã trốn,
bị lộ, bị bắt,
và giờ sắp bị treo cổ
trước những tù nhân khác,
ai đó gọi cô,
“Masha, cô có sao không?”
và cô trả lời, trả lời, trả lời,
“Lúc nào tôi cũng không sao.”
Một ngôi làng như một sân khấu,
một ngày lái xe trở lại
nơi khác ấy giờ luôn luôn
là mọi nơi trên trái đất
sẽ là một nơi khác
ở đó người ta tìm thấy mình.
Chẳng trỗi dậy từ hoang tàn
mà mắc kẹt ở trong đó vĩnh viễn,
nó đòi hỏi chúng ta cách
chúng ta định vị điều này để
nó không chia lìa chúng ta
giữa những sự tha thứ
chúng ta không có quyền ban phát
và một sự dè dặt
có lẽ ác ý, được nghe
bởi không gì tồn tại,
nhưng lưu lại, một vết sẹo,
một tiếng thét vỡ vụn, bên trong.
C. K. Williams, “After Auschwitz,” Selected Later Poems (Farrar, Straus and Giroux, 2015).
Copyright © 2015 by C. K. Williams | Nguyễn Huy Hoàng dịch.