Illustration by Melinda Beck for The New Yorker
Robert Coover (1932–) là nhà văn người Mỹ và giáo sư hưu trí môn sáng tác văn chương tại Đại học Brown. Ông được trao giải Rea cho truyện ngắn năm 1987. Truyện ngắn “The Waitress” được đăng trên tạp chí The New Yorker số 19 tháng 5, 2014.
“Này, bé yêu, mông đẹp đấy,” gã tài xế taxi mắt buồn ngồi ở quầy quán ăn phục vụ cả đêm nói, chiếc doughnut ịn vào cái cằm xệ chưa cạo của gã. Cô bồi bàn nhìn gã chằm chằm. Cô đã chán bị liếc mắt đưa tình, hoặc không thì bị soi mói tỏ vẻ ghê tởm, mỗi lần cúi xuống nhặt khăn lau. “Nếu có con dê nào vào đây thì họ cũng đưa mắt với nó và nói mấy câu ngu ngốc như thế thôi,” cô than thở với bà cụ ăn mày gần máy tính tiền mà cô vừa biếu một bát xúp nóng miễn phí. “Cháu mệt lắm rồi. Ước gì chẳng ai nhìn cháu bao giờ.” Bà cụ ăn mày hóa ra là một bà tiên giả dạng, và, để cảm ơn vì bát xúp, bà giơ thìa lên như một cây đũa thần và ban điều ước đó cho cô bồi bàn, nên khi cô cố đưa hóa đơn cho gã tài xế, đầu gã cứ vặn vẹo trên cái cổ như cổ bò của gã. Gã không chịu nhận à? Cô bồi bàn dịch người vào tầm mắt của gã nhưng đầu gã lại quay ngoắt sang hướng khác. “Trời ơi, đau quá,” gã rên rỉ. Cô liếc nhìn bà cụ ăn mày, nhưng bà đã biến mất.
Từ đó trở đi người ta cứ quay đi—chỉ là họ không cưỡng lại được. Ngoéo, ngoéo, ngoéo, đầu họ quay đi khi cô đi qua. Thỉnh thoảng họ phát ra những tiếng rít nho nhỏ, làm cô thêm phần thích thú. Cô thích dạo qua những cửa hàng bách hóa đông đúc, công viên thành phố, và ga tàu vào giờ cao điểm, xem những cái đầu vẹo đi như những đợt đồng ca. Thỉnh thoảng, chỉ để cho vui, cô cởi quần áo, nhớ lại cảm giác phấn khích khi hồi nhỏ cởi quần áo trước cửa sổ phòng ngủ, nhưng rồi, thấy hình ảnh phản chiếu của mình trên một ô trưng bày (bọn ma nơ canh nhìn thẳng vào cô một cách lãnh đạm), cô thấy mình thật là một con mập ngu ngốc, và thôi làm như thế.
Ở quán ăn, sếp của cô, đầu xoắn đi, đưa cho cô mấy tờ tiền nhỏ và bảo cô là cô đã trở thành một cơn đau cổ theo đúng nghĩa đen, khách hàng đang phàn nàn, cô phải đi thôi—gợi nhớ tất cả những lời cảnh báo thận trọng rằng bạn nên cẩn thận với những gì mình ước. Thế là, mất việc, cô đi thẳng đến một quán bar để uống say hết mức có thể với số tiền mà ông sếp keo kiệt đưa cho, ước gì tìm được ai đó để giãi bày những vấn đề của mình mà họ không quay đi. Bên ngoài quán, cô tình cờ gặp một gã đúng là nhìn thẳng vào cô thật, một gã ăn xin râu ria, sụm vào tòa nhà, ôm một cái túi giấy màu nâu và một cái cốc sắt tây. Có phải phép màu đã hết hiệu nghiệm? Không, cô lập tức đoán ra: gã bị mù. Cô không chắc, nhưng có thể cô vừa mới dùng điều ước thứ hai, bởi vì, liếc qua vai, cô thấy bà cụ ăn mày từ đằng sau, tập tễnh rẽ vào góc đường.
Cô đưa gã ăn xin mù về nhà, như thể cô thắng được gã ở một cuộc bốc thăm, cho gã ăn và tắm cho gã, và trong vài giờ họ đã có một khoảng thời gian vui vẻ. “Đầy đặn” là đánh giá tích cực của gã sau khi làm trò Braille. Nhưng sau đó cô phải nghĩ chuyện tiếp theo. Giờ cô không còn việc làm và có hai cái miệng phải nuôi, hai cơ thể phải lo. Cái cốc sắt của gã trống không, cái chai trong túi giấy nâu cũng thế—sự nghiệp của gã, giống như cô, sẽ chẳng đi đến đâu. Có lẽ bà cụ ăn mày sẽ giúp được nếu cô tìm được bà. Có thể cô đã dùng hết hai điều ước rồi và nếu vậy thì về cơ bản là cô đã lãng phí cả hai, nhưng nếu chuyện cổ tích là có thật thì cô vẫn còn điều ước thứ ba. Nếu tìm được bà cụ ăn mày, cô sẽ phải cẩn thận vì khiếu hài hước tinh quái của bà cụ. Ví dụ, ước được trường sinh bất sử có thể sẽ là một lựa chọn tồi tệ như ác mộng. Không cần ước được xinh đẹp nếu chẳng ai có thể thấy mình, và khỏe mạnh cũng chẳng ích gì nếu cô phải chịu phận đói nghèo. Vậy là cô quyết định ước được giàu có vô cùng, và cứ lặp đi lặp lại điều đó, để không thốt ra thứ gì đó ngớ ngẩn và kết thúc như cặp vợ chồng ước biến mũi mình thành xúc xích.
Cô kiểm tra những con phố gần quán ăn nơi lần đầu cô nhìn thấy bà, liên tục ước mình được giàu có, nhưng chẳng thấy bà cụ ăn mày đâu. Cuối cùng, cô bỏ cuộc và thay vào đó đến một cửa hàng rượu để tiêu nốt mấy tờ tiền cuối cùng một cách ngon lành nhất có thể, qua một ngân hàng nơi tình cờ diễn ra một vụ cướp. Đầu lũ cướp vặn đi khi chúng lao ra khỏi cửa ngân hàng về phía cô quá đáng đến mức chúng vấp ngã và làm rơi thứ chúng đang mang, vung vãi trên phố. Còi báo động đang kêu, lũ cướp đang đào tẩu, và tiền thì ở đó chờ lấy, hàng đống tiền. Cô thậm chí chẳng cần phải lãng phí một điều ước. Rồi cô nhận ra là trái lại, cô vừa mới dùng nốt điều ước cuối cùng. Đâu đó, bà cụ đang cười lần nữa. Nếu lấy tiền bị cướp, cô bồi bàn sẽ có tên trên danh sách truy nã gắt gao nhất của tất cả mọi người, nhưng nếu cứ thế bước đi thì điều ước cuối cùng của cô sẽ bị lãng phí một cách bất cần. Cô nhìn lên và thấy camera an ninh đã quay đi và treo lủng lẳng trên dây. Thiếu vài tờ tiền nằm rải rác thì sẽ chẳng có ai nhận ra, nhưng vài không phải là cái cô ước; nếu cô chôm một ít thì có thể cô sẽ gặp nhiều rắc rối hơn là lấy tất cả.
Mấy cái túi mua sắm bẩn thỉu cỡ lớn trôi đến theo một cơn gió bất ngờ, nhảy theo giai điệu tiếng còi báo động. Bà cụ ăn mày vẫn đang chăm nom cô. Hoặc chọc ghẹo cô. Cô đã lấp đầy các túi, nhưng vẫn còn tiền. Váy áo và quần áo lót của cô đều buộc được thành túi, nên cô cởi chúng ra, thắt lại, và nhét đầy tiền vào. Giờ thì có nhiều hơn là cô có thể tự mình kéo về, nhưng khi cô cố vẫy taxi thì tài xế chẳng ai có thể nhìn thấy, bất chấp toàn bộ cảnh tượng ấy. May là cô tìm được một gã đang ngủ trong chiếc taxi đang đậu. Cô có ước điều đó không nhỉ? Có vẻ như đó chính là cái gã ngớ ngẩn không cạo râu ở quán ăn vào cái đêm mọi chuyện bắt đầu. Cô chất các túi tiền vào ghế sau, bò vào bên cạnh, và đưa địa chỉ cho gã tài xế vừa mới tỉnh dậy với một cái khịt mũi. Gã cố nhìn xem cô mang gì theo, nhưng đầu gã cứ nảy đi chỗ khác. “Ồ, ồ,” gã cằn nhằn, với ra cửa xe. “Chờ đã!” cô nói, và thả mấy tờ tiền to vào ghế ngồi cạnh gã. Có lẽ gã chưa bao giờ thấy nhiều tiền mặt đến thế. Với một cái huýt sáo khoan khoái, gã kéo cửa lại và hỏi địa chỉ lần nữa. Đến đó không dễ. Đầu hội tài xế khác, liếc đi chỗ khác, vặn vào lề đường, và khắp đầu phố cuối phố đều có tai nạn. Gã tài xế của cô thì đang cúi đầu, tránh né, chửi rủa. “Này, thế giới này nguy hiểm lắm,” cô nói, ngồi xổm đằng sau ghế trước để gã dễ lái hơn, và gã cười chua chát đáp lại.
Về đến nhà, bằng cách nào đó cô vẫn chật vật cho đống túi vào được, rồi gọi pizza và một hai két rượu, bật chút nhạc, rồi cô và gã ăn xin mù sẽ khiêu vũ cả đêm. Chuyện không hẳn là sẽ mãi mãi hạnh phúc về sau, nhưng bà cụ ăn xin cũng chưa bao giờ hứa với cô chuyện đó.
Copyright © 2014 by Robert Coover | Bản dịch © 2017 Nguyễn Huy Hoàng.