Nguyễn Huy Hoàng

the star is fading

Truyện ngắn: “Học trò của cô giáo piano” – William Trevor

The Piano Teacher's Pupil.jpg

Illustration by Pierre Le-Tan for The New Yorker

William Trevor (1928–2016) là nhà văn và nhà soạn kịch người Ireland. Ông được trao giải Hawthornden năm 1964, ba giải Whitbread vào các năm 1976, 1983, và 1994, giải David Cohen năm 1999, giải Irish PEN năm 2002, và giải thành tựu trọn đời Bob Hughes năm 2008.

Truyện ngắn “The Piano Teacher’s Pupil” được đăng lần đầu trên tạp chí The New Yorker (June 26, 2017 Issue) và được in trong tập Last Stories (Viking, 2018).

Học trò của cô giáo piano

“Bản Brahms?” cô nói. “Mình sẽ cố gắng qua bản Brahms nhé?”

Cậu bé, với cậu đây là buổi đầu tiên với cô Nightingale, không nói gì. Nhưng khi nhìn chằm chằm vào cái máy gõ nhịp im lìm, cậu khẽ mỉm cười, như thể sự im lặng làm cậu thấy dễ chịu. Rồi các ngón tay cậu đặt lên những phím đàn piano, và khi những nốt nhạc đầu tiên cất lên, cô Nightingale biết mình đang đứng trước sự hiện diện của một thiên tài.

*

Giờ đã đầu năm mươi, mảnh mai, giọng nhẹ nhàng, một vẻ đẹp thầm lặng tiếp tục làm nổi bật những đường nét, cô Elizabeth Nightingale xem cuộc đời mình là may mắn. Cô được thừa hưởng một ngôi nhà sau khi cha cô qua đời và xoay xở được mà không cần chắt bóp nhờ số tiền có được từ công việc dạy piano. Cô đã biết đến dục vọng của tình yêu.

Đáng lẽ cô đã kết hôn, nhưng hoàn cảnh không cho phép cô làm điều đó: trong suốt mười sáu năm, thay vào đó hằng tuần đến thăm cô là một người đàn ông mà cô tin rồi một ngày sẽ tự giải thoát mình khỏi người vợ mà anh lạnh nhạt. Chuyện ấy đã không đến và khi cuộc tình sụp đổ, về phía cô Nightingale có một nỗi nuối tiếc đầy đau đớn, nhưng sau đó cô cũng không nuôi ý nghĩ xấu về người tình, vì suy cho cùng cũng đã có ký ức về một niềm hạnh phúc.

Cha cô Nightingale, một người thợ làm sô cô la, góa vợ khi cô ra đời, đã tự tay nuôi nấng cô. Hai người trở thành bạn đến tận khi ông qua đời, dù ông chưa bao giờ biết cuộc tình diễn ra một thời gian dài khi ông vắng nhà hằng ngày. Mối tình ấy và sự tận tình của người cha là những ký ức khích lệ cô Nightingale trong sự cô độc hiện giờ và bằng cách nào đó đã định hình cuộc đời cô. Nhưng cảm giác phấn khích khi cậu học trò mới vừa chơi cho cô nghe thuộc về hiện tại, tươi mới và mãnh liệt: chưa bao giờ cô cảm nhận được tố chất thiên tài ở một đứa trẻ.

“Hơi nhanh một chút.” Cô nhận xét khi bản nhạc mà cô gợi ý kết thúc. “Và nhớ cường độ pianissimo nữa nhé.” Cô chấm đầu bút chì vào bản nhạc, chỉ ra chỗ cô muốn nhắc.

Cậu bé không đáp lại, nhưng mỉm cười như cậu cười lúc trước. Mái tóc cậu đen, cắt không quá ngắn, để ngang trán. Da mặt cậu mềm mại, không tì vết, trắng nhợt như giấy. Trên túi áo ngực của cậu có một cái huy hiệu, một con chim mỏ dài đang mớm cho con ăn. Cái áo blazer màu xanh hải quân, huy hiệu màu đỏ, tất cả đều hơi xấu, theo ý kiến của cô Nightingale.

“Em tập chậm lại một chút nhé, được không?” cô nói.

Cô nhìn cậu bé với lấy tờ ghi nhạc trên giá đỡ, đứng lên mới tới. Cậu bỏ nó vào cặp.

“Thứ Sáu nữa nhỉ?” cô nói, tự mình đứng dậy. “Cùng giờ?”

Với sự háo hức có thể là lịch sự thuần túy nhưng cô cảm giác không phải, cậu gật đầu. Tính nhút nhát của cậu là một sự nhẹ nhõm, hoàn toàn khác tràng liến thoắng bất tận của lũ học trò khó bảo hơn. Cậu từng có vài thầy cô dạy nhạc, mẹ cậu kể, phân bua nhanh đến nỗi khó mà hiểu vì sao cậu đổi giáo viên. Một cách chuyên nghiệp, cô Nightingale đã hỏi nhưng không thu được gì.

Cô dẫn đường cho cậu ra khỏi phòng và đưa cho cậu cái mũ lưỡi trai treo trên giá, trên đó cũng có biểu tượng hình một con chim. Cô đứng một lúc bên cánh cửa mở, nhìn cậu đóng cánh cổng lại sau lưng. Cái quần soóc của cậu làm cô băn khoăn không biết cậu có lạnh hay không, đầu gối cậu có vẻ dễ bị tổn thương và mỏng manh trên đôi tất len màu màu xám, màu xanh lam và đỏ của cái áo và cái mũ lặp lại ở viền. Cậu vẫy tay chào, và cô vẫy tay đáp lại.

Không còn đứa trẻ nào có lịch tối hôm ấy, và cô Nightingale thấy vui vì thế. Cô dọn dẹp phòng khách, lấy lại nó từ những vị khách trong tuần, một lần nữa là của cô cho đến mười giờ sáng thứ Hai, khi Francine Morphew mập đến. Piano và sofa và ghế bành choán hết không gian mà căn phòng đem lại. Những chú lính Staffordshire diễu hành trên cả hai bên cái đồng hồ trên lò sưởi. Vung nồi và những khay đúc sô cô la đóng khung mà cha cô sưu tầm được trang trí trên các bức tường. Thủy tiên cắm trong những cái lọ đặt trên bàn sofa và trên kệ trong góc gần cửa.

Dọn dẹp xong, cô Nightingale rót cho mình một ly sherry. Cô sẽ không nói gì với bà mẹ nếu bà gọi điện xem cậu bé thế nào. Đó là một bí mật không thể chia sẻ với ai ngoài chính cậu, một bí mật đương nhiên giữa hai người, không phải để tán gẫu. Bà mẹ thuộc kiểu phụ nữ ngốc nghếch.

Khi đã ngồi lâu hơn một chút, cô Nightingale bật lò sưởi điện, vì tối tháng Tư bây giờ đã lạnh. Ấm áp, hạnh phúc, có vẻ những năm tháng khuyến khích và hướng dẫn—phần lớn dành cho những đứa trẻ không có tài năng hay hứng thú—cuối cùng đã được đền đáp. Trong cậu bé này, rất khiêm tốn trong cung cách, có những bản giao hưởng chưa được viết, những tổ khúc và concerto và oratorio. Cô có thể biết được điều đó mà thậm chí không cần phải nghĩ.

Trong lúc bóng tối tụ lại, và khi đã nhấm hết ly sherry thứ hai mà gần như chẳng thấm vào đâu, cô Nightingale ngồi thêm ít phút nữa. Cả cuộc đời cô, cô thường nghĩ, là ở căn phòng này, nơi cha cô đã nâng niu cô thời thơ ấu, nơi ông chứng kiến cô đi qua những cơn bão tuổi vị thành niên, nơi mỗi tối ông lại mang về từ bếp của ông một thanh sô cô la khác mà ông làm cho cô. Đây là nơi người tình của cô đã ép mình vào cô và thì thầm rằng cô thật xinh đẹp, thề rằng anh không thể sống thiếu cô. Và giờ, trong chính căn phòng này, một điều kỳ diệu đã xảy ra.

Cô dò dẫm trong bóng tối đến chỗ công tắc cạnh cửa. Được thêm thắt bằng những tiếng vọng và ký ức, căn phòng chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi buổi chiều nay. Làm sao nó có thể như cũ?

Nhưng khi cô Nightingale bật đèn lên chẳng có gì thay đổi. Chỉ khi buông rèm cô mới nhận ra một điều khác biệt. Cái hộp nhỏ trên đó có huy hiệu của người khác đã biến mất khỏi bàn cửa sổ.

*

Thứ Sáu tuần sau, một con thiên nga bằng sứ biến mất, sau đó đến một cái vung nồi có một cảnh trong cuốn “Great Expectations” trên đó, sau đó đến một bên hoa tai mà cô đã tháo ra vì cái ghim cài bị hỏng. Một cái khăn, quá nữ tính cho một cậu bé, đã không còn trên giá khi cô đi tìm nó vào một sáng thứ Bảy. Hai chú lính Staffordshire của cô đã biến mất.

Cô không biết cậu làm thế như thế nào. Cô theo dõi mà không thấy gì. Cô cũng không nói gì, và chuyện đang xảy ra cũng không làm ảnh hưởng đến bản thân cậu, hành vi của cậu không làm cậu xáo trộn, đến mức cô bắt đầu tự hỏi hay là mình nhầm lẫn, hay là một trong những đứa học trò ít thu hút hơn đã táy máy, hay thậm chí là cô chỉ vừa mới nhận ra những thứ đã bị lấy mất trong một khoảng thời gian dài. Nhưng chẳng có gì trong số đó là hợp lý, và những cách biện hộ mỏng manh của cô đều tan biến. Cái chặn giấy hình cánh hồng còn ở đó lúc cậu bắt đầu chơi các khúc dạo đầu của Chopin. Nó đã biến mất khi cô quay lại sau khi tiễn cậu về.

Cô không phải là giáo viên khi ở bên cậu, vì cô không có mấy để dạy, nhưng cô biết cậu trân trọng sự có mặt của cô, biết có cô làm thính giả với cậu có ý nghĩa hơn nhiều so với những lời nhận xét. Có khi nào, cô thậm chí còn tự hỏi, trước khi về cậu tự lấy cái mà cậu nghĩ là một khoản phí cho màn biểu diễn? Những tưởng tượng trẻ con như thế không phải là bất thường: cô vẫn cho phép mình giả vờ làm bộ. Nhưng chuyện đó, cô gạt đi, cũng có cảm giác không đúng.

Đêm cô nằm thao thức, nỗi phiền muộn và hoang mang sau đó đã tàn nhẫn nuôi nấng những giấc mơ sống động. Trong mơ, cậu bé không vui và cô muốn an ủi cậu, muốn cậu trò chuyện với mình sau khi cậu đã chơi xong các bản nhạc. Trong những lần lặp đi lặp lại vô tận, cô cố gắng nói rằng có một lần cô đã lấy một viên sô cô la từ cái hộp đặc biệt của cha cô, nhưng không thể; và khi một lần nữa tỉnh giấc, nằm giữa bóng tối cô thấy mình đang theo đuổi những suy nghĩ cô chưa từng có trước đây. Cô tự hỏi cha cô có phải là người mà ông luôn tỏ ra, tự hỏi có phải người đàn ông mà cô ngưỡng mộ và yêu thương trong suốt mười sáu năm đã lợi dụng tình cảm của cô hay không. Những viên sô cô la của cha cô có phải là một cách đổi lấy sự ngoan ngoãn? Sự tận tình của ông sau này có phải là một thứ dẫn dụ cô ở lại với ông trong căn nhà của ông, một sự ích kỷ được che giấu? Có phải người đàn ông đã lừa dối vợ mình cũng lừa dối cả người tình, vì lừa dối là một phần của anh ta, những lời nói dối nằm rải rác trong cái dục vọng từng có ấy?

Trong bóng tối cô đẩy tất cả những thứ đó đi, không biết nó đến từ đâu, hay vì sao nó lại có vẻ thuộc về chuyện đang xảy ra lúc này, nhưng nó luôn luôn trở lại, như thể một sự thật mà cô không hiểu đang rọi ánh sáng của mình lên những cái bóng từng dối lừa cô. Có phải bị trộm chẳng mấy, các thứ bị lấy đi quá nhỏ, và còn lại rất nhiều? Nếu cô lên tiếng, cậu học trò sẽ không đến nữa, dù cô có lập tức nói cô tha thứ cho một tội vặt vãnh như thế đi chăng nữa. Biết chẳng mấy, ít nhất cô chắc chắn điều đó, và thường là không nhìn xem cái gì không còn ở chỗ cũ.

Mùa xuân năm ấy nhường chỗ cho mùa hè, một đợt nóng bức của những ngày khô cằn tiếp diễn cho đến tận những cơn mưa của tháng Mười. Trong suốt khoảng thời gian ấy, vào các buổi chiều thứ Sáu, chuông cửa reo và cậu xuất hiện, vẫn là cậu bé trầm lặng treo mũ lên giá rồi ngồi xuống chiếc đàn piano của cô và đưa cô vào thiên đường cùng với cậu.

*

Các học trò khác của cô Nightingale cũng đến rồi đi, nhưng trong số đó chỉ có cậu là chưa bao giờ đề nghị học vào một ngày khác, một giờ khác. Chưa một tờ đơn nào cậu từng mang đến, chưa một lý do nào từng đưa ra, chưa một phiền toái nào không được thừa nhận bất kể nó là gì. Dull Graham nói chuyện về những con thú cưng của cậu để trì hoãn bài chưa tập. Diana khóc. Ngón tay Corin đau. Angele bỏ cuộc. Rồi, trơn tru trong dòng thời gian, một thứ Sáu nữa lại đến để làm một buổi chiều yên ả ở trung tâm cuộc sống của cô Nightingale. Nhưng mỗi lần sau khi cậu ra về lại có sự nhạo báng trong thứ âm nhạc yếu ớt nán lại.

*

Mùa thay mùa, rồi lại thay mùa, cho đến một hôm cậu bé không đến nữa. Cậu đã quá lớn cho những bài học nhạc này và trường của cậu và giờ cậu đã ở một nơi khác.

Đối với cô Nightingale, sự vắng mặt của cậu đem lại sự yên bình; và, khi thời gian tích tụ, sự qua đi của nó càng làm cô thêm yên lòng. Nếu một người cha cô đơn là một người đàn ông đầy toan tính thì bây giờ nó cũng không còn quan trọng như lúc ý nghĩ ấy còn thô sơ. Nếu một người tình yêu dấu xem thường tình yêu thì bây giờ nó cũng không còn quan trọng như lúc trước trong sự hồi tưởng nhẹ nhàng ấy. Cô cũng là nạn nhân, của cậu bé, người đã thể hiện với cô một kỹ năng khác của mình. Cô là nạn nhân của chính mình, của sự nhẹ dạ vô tư của mình, của việc muốn tin vào cái có vẻ là đúng. Tất cả những chuyện đó cô có cảm giác là đúng. Nhưng vẫn còn một cái gì đó nghèn nghẹn. Có vẻ như cô có quyền, gần như, được hiểu thêm một chút nữa.

*

Lâu sau này, cậu bé quay lại—thô hơn, cao hơn, cộc cằn hơn ở tuổi vị thành niên gập ghềnh. Cậu không quay lại để trả tài sản lại cho cô, mà bước thẳng vào và ngồi xuống đàn cho cô nghe. Sự bí ẩn có trong âm nhạc là ở nụ cười của cậu khi cậu kết thúc, trong lúc cậu ngồi chờ cô tán thưởng. Và, nhìn cậu, cô Nightingale nhận ra điều mà cô đã không nhận ra trước đây: bí ẩn ấy tự thân nó là một điều kỳ diệu. Cô không có quyền gì trong chuyện này cả. Cô đã tìm kiếm quá nhiều trong việc cố gắng hiểu khiếm khuyết của con người thì liên quan như thế nào đến tình yêu hay đến vẻ đẹp mà cậu bé có tài mang lại. Đã có một sự cân bằng được chấp nhận: thế là đủ.

Copyright © 2017 by William Trevor | Nguyễn Huy Hoàng dịch.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Information

This entry was posted on June 20, 2017 by in Truyện and tagged .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

%d bloggers like this: