Photo by Tarik Adnan Moon/The Harvard Crimson
Nguồn: Matthew Zapruder, “Understanding Poetry Is More Straightforward Than You Think,” The New York Times, July 10, 2017.
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng
Bạn còn nhớ, như tôi, thơ thường được dạy trong lớp học như thể nó là một câu đố như thế nào chứ? Nhà thơ thực sự muốn nói gì ở đây? Chủ đề hay thông điệp của bài này là gì? Chữ “tím” hay “hoa” hay “cỏ” này thực sự mang ý nghĩa gì? Giống như nhạc cổ điển, thơ có một danh tiếng bất hạnh là nó đòi hỏi một quá trình đào tạo và giáo dục đặc biệt để hiểu, điều này đưa độc giả ra xa sự xa lạ đích thực của thơ, và khiến hầu hết chúng ta có cảm giác mình chưa học hành đủ để đọc.
Thái độ này rất phổ biến. Lấy một ví dụ, trong lời giới thiệu cuốn The Best Poems of the English Language, Harold Bloom viết, “Nghệ thuật đọc thơ bắt đầu từ việc nắm bắt thành thạo tính biểu tượng trong những bài thơ cụ thể, từ đơn giản đến rất phức tạp.” Điều này nghe vô cùng hợp lý, nhưng hoàn toàn sai lầm. Nghệ thuật đọc thơ không bắt đầu từ việc suy nghĩ về những thời khắc lịch sử hay những triết lý vĩ đại. Nó bằng đầu từ việc đọc từ ngữ của chính bài thơ.
Dù có thể chúng ta từng thích đọc (và làm) thơ khi còn nhỏ, ở trường chúng ta lại được dạy là thơ vốn đã “khó,” và bản chất của thơ là bằng cách nào đó nó tạo ra ý nghĩa nhờ việc che giấu ý nghĩa. Do vậy mà nỗ lực của chúng ta trong việc đọc thơ bắt đầu phản ánh điều này. Nhưng hóa ra nghĩa đen mới là cánh cổng đến cái lạ. Là giáo viên, tôi nhận ra sinh viên ngành văn của mình ban đầu dù cởi mở hay e dè với thơ thì quá trình thực sự chỉ bắt đầu khi các em hiểu nghĩa đen của từ ngữ trên trang giấy. Tôi đề nghị các em chọn một từ thú vị, rồi đến thư viện tìm hiểu nó.
Việc đi sâu hết sức có thể vào từ ngữ cho các em thấy ý nghĩa và khả năng đến từ hành động này—mà không phải là từ việc đi tìm một cách diễn giải, điều mà thường là người khác đã làm.
Những giả định sai lạc về bản chất của thơ không chỉ là vấn đề đối với độc giả trẻ. Nhiều nhà thơ trẻ vẫn nhầm lẫn việc cố tình khó hiểu với việc tạo ra một bí ẩn sâu hơn. Các nhà thơ giỏi không cố tình làm phức tạp một điều gì đó chỉ để độc giả thêm khó hiểu. Không may là các độc giả trẻ, và cả các nhà thơ trẻ, lại được dạy cách nghĩ rằng đây là điều mà các nhà thơ vẫn làm. Điều này đến lượt nó lại tạo ra những thói quen nhất định trong cách làm thơ đương đại. Thông tin kém chất lượng về thơ vào thì cho ra thơ dở, một kiểu vòng lặp của sự khó hiểu trong thơ. Các nhà thơ thường mất một thời gian dài mới ngộ ra điều này. Có người không bao giờ. Họ tiếp tục viết như thế, cố tình khó hiểu và mù mờ, bởi đó là con đường tắt dẫn đến sự bí ẩn. Cái gọi là hiệu quả trong thơ của họ dựa vào những ý nghĩa bị che giấu, giữ một điều gì đó cách xa độc giả.
Tôi không biết cuối cùng thì các nhà văn viết truyện ngắn, tiểu thuyết, và tiểu luận tìm ra điều gì cho mình, nhưng tôi có thể nói sớm muộn gì các nhà thơ cũng nhận ra là không có ý tưởng nào là mới, mà chỉ có những ý tưởng cũ—và nhận ra là không ai yêu thơ đọc thơ để được nó gây ấn tượng, mà để trải nghiệm và cảm nhận và hiểu theo những cách mà chỉ thơ mới có thể gợi lên.
Tôi đồng cảm với các nhà thơ trẻ có thôi thúc mãnh liệt là phải che đậy điều họ nói. Mới làm thơ tôi cũng gặp vấn đề với việc thẳng thắn. Tôi lo lắng người khác nghĩ gì về mình, như thể tôi cần chứng minh tài năng nghệ thuật của mình trong mỗi dòng thơ. Mất một thời gian dài tôi mới vượt qua được cảm giác này, và chỉ khi ấy tôi mới bắt đầu làm được thơ có chút nào gọi là được.
Tôi gặp xu hướng này tương đối nhiều trong tác phẩm của các sinh viên tôi dạy. Thông thường, một cách vô thức, các em sẽ làm gì đó ở đầu bài thơ để chứng tỏ, bằng bất cứ cách nào các em có, rằng các em là nhà thơ. Cứ như thể các em đang bày bằng cấp thơ ca của mình ra để xét duyệt. Chẳng hạn, một số em sẽ làm gì đó thực sự kỳ lạ và lộn xộn với cú pháp. Các em khác sẽ quẳng vào một đống hình ảnh và ẩn dụ, ngay từ đầu, trước cả khi chúng ta biết bài thơ nói về điều gì. Các em thường ngại đưa ra những thông tin cơ bản—chuyện gì đang diễn ra, chúng ta đang ở đâu, ai là người nói, vân vân—như thể làm như vậy sẽ làm hỏng bất cứ chất thơ nào trong bài thơ. Nhưng kiểu giới thiệu rối rắm nông cạn ấy không phải là cách các bài thơ lớn được viết ra, cũng không phải là cách chúng ta được đưa gần hơn đến những gì khó nói nhất.
Một trong những niềm vui lớn lao của việc đọc thơ là cảm nhận từ ngữ mang ý nghĩa như nó thường mang trong cuộc sống hằng ngày, đồng thời bắt đầu đi vào một địa hạt kích thích, năng động hơn. Trong thơ, ngôn ngữ quen thuộc có thể bắt đầu có cảm giác gợi lên ý nghĩa, sống động hơn, thậm chí cao quý. Từ ngữ chúng ta dùng trong cuộc sống hằng ngày mang theo những cái bể sâu đựng lịch sử (cá nhân và tập thể) có thể được kích hoạt thông qua một bài thơ.
Trong thơ, ngôn ngữ vẫn là chính nó nhưng đồng thời cũng được làm cho mang một cảm giác khác, thậm chí thiêng liêng, giống như một phép màu. Điều này diễn ra như thế nào là bí ẩn của mỗi bài thơ, và có lẽ là ý nghĩa sâu xa nhất của nó. Tìm một từ, đưa nó ra khỏi trạng thái mơ màng, tiền ý thức, trực giác, và đưa nó vào bài thơ, dù là để bắt đầu hay ở đâu đó ở giữa hay thậm chí một cách khoan khoái là ở tận cùng, là phần thưởng đặc biệt của việc làm một nhà thơ, và làm một người đọc thơ. Đặt vào cỗ máy của một bài thơ, ngôn ngữ có thể trở nên sống động trở lại. Nó vừa là nó vừa là ý nghĩa của nó, nhưng còn là một cái gì đó lớn hơn cả cái thông thường.
Đâu đó, trong mỗi bài thơ, có những từ ngữ ló rạng, tỏa sáng, như thể được nối vào lưới điện. Đây là điều mà thơ có thể làm đối với ngôn ngữ, và đối với chúng ta.
Matthew Zapruder là phó giáo sư ngành văn học Anh tại Saint Mary’s College of California. Cuốn sách mới nhất của anh, “Why Poetry,” sẽ được xuất bản bởi Ecco Press vào tháng tới.